Nhiều uẩn khúc trong vụ CSGT trạm Suối Tre bắn nhau

06:55 | 30/08/2014

2,325 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh đánh giá: “Trong vụ án này ngoài nạn nhân Sơn và bị cáo Vinh, nhưng cũng có rất nhiều nhân chứng chứng kiến và cùng tham gia ngăn cản bị cáo Vinh dùng súng bắn anh Sơn. Cơ quan điều tra cần tiến hành thực nghiệm điều tra để làm rõ các tình tiết quan trọng của vụ án”.

>> Có 2 khẩu súng trong vụ án?

Chị Nguyễn Thị Bích Vân, vợ thiếu tá Trần Ngọc Sơn, Phó Trạm trưởng Trạm CSGT Suối Tre.

Biên bản khám nghiệm hiện trường không có sự tham gia của Viện Kiểm sát tỉnh Đồng Nai, cũng như không có sự tham gia của người chứng kiến. Luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh, Giám đốc công ty Luật TNHH LNT viện dẫn tại tòa, theo quy định tại khoản 2, Điều 150 Bộ Luật tố tụng hình sự: “…khi tiến hành khám nghiệm hiện trường vụ án thì Điều tra viên có nghĩa vụ thông báo cho Viện Kiểm sát cùng cấp biết, kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường… Khi khám nghiệm hiện trường phải có người chứng kiến…”.

Biên bản khám nghiệm hiện trường vụ CSGT trạm Suối Tre không có sự tham gia của Viện Kiểm sát tỉnh Đồng Nai cũng như không có người chứng kiến. Cơ quan điều tra không xem xét, điều tra cho đối chất đánh giá lời khai của các nhân chứng khi có sự mâu thẫn trong lời khai của họ.

Luật sư Vinh phân tích: “Trong quá trình lấy lời khai của các nhân chứng cho thấy, các nhân chứng cho lời khai không thống nhất với chính lời khai trước đó của mình và với lời khai của các nhân chứng khác”. Nhiều nghi vấn được đặt ra: “Có bao nhiêu người tham gia ngăn cản bị cáo Vinh khi Vinh giơ súng ra bắn, việc anh Sơn đấm bị cáo Vinh mấy cái, tư thế bị cáo Vinh bắn anh Phú và nạn nhân Sơn?”.

Ngoài ra, những lời khai trong giai đoạn đầu khi vụ việc mới xảy ra trung thực hơn so với các lời khai sau đó. Dù có sự bất nhất, mâu thuẫn trong các lời khai, nhưng cơ quan điều tra không tiến hành đối chất theo quy định. Điều 138 Bộ luật tố tụng hình sự quy định: "Trong trường hợp có sự mâu thuẫn trong lời khai hay nhiều người thì Điều tra viên tiến hành đối chất”.

Bị cáo Ngô Văn Vinh tại phiên tòa ngày 26/8.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai không tiến hành thực nghiệm điều tra để xác minh các tình tiết mâu thuẫn trong vụ án. Luật sư Vinh nói: “Điều 153 Bộ Luật tố tụng hình sự quy định, để kiểm tra và xác minh những tài liệu, những tình tiết có ý nghĩa đối với vụ án, cơ quan điều tra có quyền thực nghiệm bằng cách cho dựng lại hiện trường, diễn lại hành vi, tình huống hoặc mọi tình tiết khác của một sự việc nhất định và tiến hành các hoạt động thực nghiệm cần thiết”.

Xét thấy vụ án có nhiều tình tiết phải làm rõ, các lời khai không thống nhất và các lời khai của những người liên quan, nhân chứng cũng chưa làm rõ quá trình bị cáo Vinh giết anh Sơn. Kết luận giám định số 403/PC54-KLGĐPY ngày 27/9/2013 có xác nhận nạn nhân Sơn bị “rách dập cơ trên diện tích 7cm x 5cm khe liên sườn 5-6; 6-7 bên trái”.

Luật sư Vinh đưa ra lập luận: “Điều này chứng tỏ có sự vật lộn giữa nạn nhân Sơn và bị cáo Vinh và có khả năng có sự vật lộn của bị cáo Vinh đè lên anh Sơn bắn trực diện vào anh khi anh nằm ngửa không thể chống cự được”.

Trong vụ án này ngoài nạn nhân Sơn và bị cáo Vinh, nhưng cũng có rất nhiều nhân chứng chứng kiến và cùng tham gia ngăn cản bị cáo Vinh dùng súng bắn anh Sơn. Cơ quan điều tra cần tiến hành thực nghiệm điều tra để làm rõ các tình tiết quan trọng của vụ án.

Hành vi của bị cáo Vinh thực hiện đã đủ yếu tố cấu thành tội “Giết người” được quy định tại Điều 93 Bộ Luật Hình sự. Kết luận điều tra chưa xác định đúng đắn bản chất của tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” theo khoản 1 Điều 95 Bộ Luật Hình sự.

HĐXX trong giờ tuyên án.

Điều 95 quy định Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh: “Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt từ từ sáu tháng đến 3 năm”.

Theo Bản kết luận điều tra của cơ quan điều tra và Cáo trạng của Viện Kiểm sát đã xác định bị cáo Vinh phạm tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân. Để xác định được bị cáo Vinh có phạm tội danh này hay không thì cần xác định có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với bị cáo hay không?

“Hành vi trái pháp luật nghiêm trọng” của nạn nhân đối với người phạm tội là hành vi làm cho người phạm tội bị kích động mạnh, người phạm tội không hoàn toàn tự chủ, tự kiềm chế được hành vi phạm tội của mình”, vị nữ luật sư dẫn chứng.

Sự kích động mạnh của người phạm tội phải là tức thời do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây nên sự phản ứng dẫn tới hành vi giết người. Hành vi đấm bị cáo Vinh của anh Sơn với các chứng cứ có tại hồ sơ thì không thể được xác định là hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của anh Sơn đối với bị cáo Vinh.

Luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh nói thay lời người nhà thiếu tá Trần Ngọc Sơn, Phó Trạm trưởng Trạm CSGT Suối Tre: “Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai không gửi thông báo kết quả điều tra cho gia đình bị hại. Theo quy định tại Điều 51 Bộ Luật tố tụng hình sự thì người bị hại và gia đình bị hại phải được thông báo kết quả Điều tra, nhưng thực tế cho đến khi hồ sơ chuyển qua Tòa án, gia đình bị hại đọc báo mới được biết vụ án đã được kết luận điều tra và phải đi hỏi cơ quan điều tra mới được biết vụ án đã chuyển qua Tòa”.

 

Hưng Long

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc