Những cảm xúc mùa xuân bên ngoài cánh cổng trại giam...

07:00 | 09/02/2013

2,735 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Năm mới sắp đến từng nhà gõ cửa. Ngoài đường, đào, quất nhộn nhịp khắp nơi. Tết của những gia đình có người thân ở Trại tạm giam số 3 cũng thật đa cảm xúc.

Năm nay, Hà Nội đã tổ chức đặc xá, giảm án, tha tù trước hạn cho những phạm nhân cải tạo tốt để họ được về với gia đình đón tết Nguyên đán.

Niềm vui ngày đoàn tụ

Quán nước nhỏ nằm kế bên Trại tạm giam số 3 (Xa La, Hà Đông) những ngày cuối năm đông lạ thường. Người, xe vội vã ở khắp nơi tấp nập đi về. Chị Liên (Chương Mỹ, Hà Nội) chia sẻ: “Hôm nay là ngày đặc xá, tôi cùng bố tới đây đón chồng về”. Hai bố con tới đây đã khá lâu. Ông cụ đội nguyên mũ bảo hiểm trên đầu. Trên người chiếc áo phao to sù sụ, vẫn lấm lem mấy vệt bụi đường.

Chồng chị đã ở trại giam này khá lâu, không đêm nào chị được tròn giấc ngủ. Người chị gầy xọp lại, đến cái mặt cũng thấy quắt queo dần. “Anh bị bắt vì tội đánh bạc, lúc nghe tin mà chị cứ hoảng hốt, rụng rời tay chân” – chị kể.

Chờ đón người thân phía bên ngoài trại tạm giam

Nhà chị làm nông, trông cả vào mấy sào ruộng để chăm lo con cái. Hai vợ chồng được hai cô con gái nhỏ, đứa lớn năm nay cũng được 14 tuổi rồi. Nói chuyện được đôi câu chị lại đánh mắt sang nhìn cánh cổng sắt trại giam vẫn im lìm đóng kín. Ông cụ ngồi kế bên xoa hai bàn tay vì rét. Chị nói với bố: “Con đã bảo rét thế này bố ở nhà đi, lại cứ đi theo cho khổ”.

Những người xung quanh mỗi người một tâm trạng. Nhiều đứa trẻ khoác áo học sinh đi đón bố trở về. Có cả một đại gia đình cùng nhau đi đón con. Khuôn mặt khấp khởi mừng vui vẫn phảng phất một nỗi buồn khó tả.

Cánh cổng sắt từ từ hé mở. Người ở trong vội vã đi ra. Người đứng ngoài ùa nhau ra đón. Những cái ôm siết chặt, nụ cười nở vội trên môi. Có một nam thanh niên được trở về với gia đình không giấu nổi niềm vui, trào nước mắt. Ngồi còn chưa ấm chỗ, họ đã giục giã ra về sau câu nói: “Ở nhà còn bao nhiêu người đợi mong”.

Cả gia đình đi đón người thân

Chị Liên cũng vội đứng lên, dáo dác tìm chồng đang ra khỏi cổng. Không cầm nổi nước mắt, người chị run lên bần bật trong cái ôm siết chặt của chồng. Bao nhiêu vất vả nuôi con một mình bấy lâu chất nặng trên đôi vai gầy kia bây giờ như được vơi đi phân nửa. Ba người dắt díu nhau về, mong đợi một năm mới bình an.

Nỗi nghẹn đắng bên ngoài cánh cổng

Nhìn người ta đón con trở về, chị Loan (Chúc Sơn, Hà Nội) không giấu nổi tiếng thở dài khi nghĩ về cái tết sắp tới. 42 tuổi, vợ chồng chị có hai đứa con trai. Người con lớn sinh năm 1989, hiện đang làm phụ xe bus, đã có vợ và một đứa con vài tháng tuổi. “Thằng thứ hai tết năm nay mới sang tuổi 19, bị bắt giam vì sử dụng thuốc lắc khi đi sinh nhật bạn” – chị Loan nghẹn ngào kể trong nước mắt.

Vỡ òa trong niềm vui gặp lại

Chị Loan bỏ mối bán rau ngoài chợ, hôm nào cũng làm sớm nghỉ khuya. Mình chị cáng đáng năm miệng ăn. Cậu con trai lớn đi làm lương chỉ đủ tiêu riêng, mỗi khi có đám cưới vẫn còn phải xin mẹ thêm dăm ba chục. Chồng chị mắc chứng cờ bạc gái gú, lại chẳng làm ăn gì giúp vợ nuôi con. Ngay trước hôm hay tin con bị bắt, chồng chị rượu say đã gây sự và đuổi đánh chị. “Vết sẹo vẫn còn nằm trên môi” - chị chỉ tay vào miệng.

Tuyền là tên cậu con trai thứ hai; học hết lớp 9 thì xin đi làm bảo vệ. Làm được mấy năm, thấy con vất vả chị khuyên con: “Ở nhà mẹ nuôi rồi kiếm cái khác mà làm”. Một buổi tối, Tuyền cùng mấy thanh niên trong xóm đi sinh nhật bạn. Tò mò, lạ lẫm, Tuyền đã dùng thử thuốc lắc và bị bắt ngay trong đêm.

Mãi đến sáng hôm sau cô con dâu mới biết tin và gọi điện thông báo cho chị. Bỏ cả gánh rau ngoài chợ, chị quáng quàng chạy về. Thế là thằng con ngoan ngoãn hiền lành năm nay không được ăn tết ở nhà nữa. Chỉ nghĩ đến đó thôi chị lại khóc ròng. “Gọi điện về nhà thằng bé khóc nấc lên: “Mẹ ơi, con nhớ và thương mẹ lắm”” – chị buồn rầu nói.

Gánh nặng cả gia đình với số nợ lên tới vài trăm triệu đồng của chồng trông chờ cả vào những bó rau. Da sạm đen, đôi mắt chị thâm quầng vì thiếu ngủ. Thỉnh thoảng, nước mắt rơi lã chã, lấm tấm ướt chiếc áo khoác màu đen.

Những người xung quanh kể chuyện tết nhất, Chị Loan lặng im không nói, chị chỉ mong đến lúc đón đưa con về đoàn tụ với gia đình, với chị, đó là cả một mùa xuân vui không gì sánh nổi.

Lương Lý – Trần Trang