"Phán quan" xử sai, "lai rai" xin lỗi!

14:54 | 14/04/2014

710 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại", người xưa vẫn thường nói vậy. Thế mà đã có những người ngồi tù oan tới mấy năm trời rồi lại phải đợi thêm 14 năm, 17 năm để chờ ngày được cơ quan pháp luật công khai “rửa tội”.

Được kết luận vô tội vẫn phải “trầy trật” đi minh oan

Sự việc gần đây nhất được dư luận quan tâm là vào ngày 4/4/2014, TAND TP Hà Nội tổ chức xin lỗi công khai ông Phạm Đức Bình (SN 1956, ở phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm), người bị kết án oan 14 năm trước.

TAND TP Hà Nội đã có buổi công khai xin lỗi ông Phạm Đức Bình sau 14 năm oan sai.

Trước đó, tại phiên toà sơ thẩm diễn ra ngày 16/3/2000, ông Bình (lúc này là cửa hàng trưởng cửa hàng kinh doanh dịch vụ tổng hợp số 1 của Cty thi công cơ giới xây lắp thuộc TCty xây dựng Hà Nội) đã bị TAND TP.Hà Nội tuyên phạt 30 tháng tù cho cả 2 tội danh “Tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa” và “Sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa”. Trong quá trình xét xử, ông Bình luôn kêu oan và cho rằng mình vô tội.

Đến ngày 5/1/2001, Tòa phúc thẩm, TAND Tối cao tại Hà Nội đã xem xét toàn bộ bản án sơ thẩm. Tòa phúc thẩm TAND Tối cao đã quyết định tuyên hủy bản án sơ thẩm do TAND TP. Hà Nội xét xử và tuyên bố ông Phạm Đức Bình không phạm tội “Tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa” và “Sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa”. Đồng thời Tòa cấp phúc thẩm cũng ra quyết định đình chỉ vụ án hình sự đối với ông Bình.

Tuy nhiên, đến bây giờ sau 14 năm ông Phạm Đức Bình mới được đại diện TAND TP Hà Nội công khai xin lỗi trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương, công an, viện kiểm sát và đại diện phía Cty cũ của ông Bình.

Vụ án ông Nguyễn Hồng Cầu (50 tuổi ở Tiên Lãng, Hải Phòng) đã để lại dấu ấn cho lịch sử ngành tư pháp sau 17 năm oan sai “trầy trật” đi đòi công lý mới được tòa công khai xin lỗi.

Lãnh đạo TAND TP Hải Phòng bắt tay xin lỗi ông Nguyễn Hồng Cầu sau 17 năm ông phải đi khắp nơi kêu oan.

Đó là vào tháng 6/ 1997, tòa tuyên phạt ông mức án 2 tháng 10 ngày về tội trộm cắp tài sản của công dân. Ông Cầu kháng cáo, tháng 8/1997, TAND TP Hải Phòng xử phúc thẩm phạt ông Cầu mức án bằng thời hạn tạm giam 2 tháng 10 ngày, ông được trả tự do tại tòa.

Rơi vào cảnh bĩ cực, ông Cầu tiếp tục đi kêu oan. Đến tháng 10/1998, Hội đồng Giám đốc thẩm tòa hình sự TAND Tối cao đã tuyên bố ông Cầu không phạm tội trộm cắp tài sản của công dân và đình chỉ vụ án. Ông Cầu đã có đơn yêu cầu bồi thường oan sai nhưng tháng 8/2004, TAND TP Hải Phòng có văn bản trả lời ông không được bồi thường.

Sau 17 năm đi đòi lại công lý, sáng 28/3/2014, tại trụ sở UBND xã Đông Hưng, huyện Tiên Lãng, TAND TP Hải Phòng đã tổ chức xin lỗi công khai ông Nguyễn Hồng Cầu vì đã kết án oan. Tuy nhiên, người dân bức càng thêm bức xúc bởi buổi tổ chức xin lỗi công khai được thực hiện trong... phòng kín. Cổng trụ sở UBND xã được đóng chặt, công an xã, bảo vệ kiểm soát chặt chẽ, chỉ cho người có giấy mời được vào. Việc này càng làm cho dự luận phẫn nộ với cách làm của một số cơ quan công quyền.

Hẳn dư luận chưa quên, tháng 8/2013, cơ quan tố tụng buộc phải bồi thường cho người bị oan sai số tiền lớn nhất từ trước đến nay. “Khổ chủ” trong vụ án này là ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình) - một doanh nhân đang làm ăn phát đạt tại thời điểm bị sa vào vòng lao lý. TAND tỉnh Thái Bình buộc phải bồi thường cho ông số tiền 21,4 tỷ đồng vì đã ra bản án oan, gây thiệt hại về tài sản cho ông.

Ông Đỗ Văn Chỉnh – Nguyên chánh thanh tra, thẩm phán TAND Tối cao cho rằng việc tiếp nhận, giải quyết đơn thư của người dân còn quan liêu.

Nhận định về vụ án của ông Lương Ngọc Phi, nhiều chuyên gia cho rằng đây là vụ án oan lớn cả về tính chất vụ việc ở thời điểm ông Phi bị bắt lẫn sự phức tạp, gian truân suốt gần một thập kỷ đi đòi bồi thường oan sai. Tuy nhiên, đáng nói hơn cả, số tiền TAND tỉnh phải bồi thường cho ông Phi là số tiền không hề nhỏ và là tiền ngân sách phải “gánh” cho lỗi của một số người tiến hành tố tụng gây ra cả chục năm trước đây. Trong khi số tiền mà những cán bộ, công chức trực tiếp gây oan sai phải hoàn trả khá khiêm tốn so với mức Nhà nước bỏ ra để bồi thường.

Trao đổi với PV về vấn đề này, Luật sư Vũ Thị Nga, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng: “Có những trường hợp sau thời gian rất dài người được minh oan mới được tòa công khai xin lỗi và tiến hành thỏa thuận bồi thường. Kể cả, nhiều vụ việc đã có quyết định bồi thường nhưng vẫn chưa áp dụng nghĩa vụ hoàn trả. Hơn nữa một số cán bộ chưa thấy rõ trách nhiệm của cơ quan và người tiến hành tố tụng khi để xảy ra oan sai nên thái độ khi làm việc và bồi thường chưa đúng mức, gây căng thẳng không đáng có”.

Chậm bồi thường, ai xử lý?

Cùng trao đổi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Am, Ủy viên Hội đồng Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bắc Giang cũng thẳng thắn chia sẻ rằng việc khắc phục bồi thường đối với người bị kết án oan vẫn còn nhiều bất cập.

“Ngay tại tỉnh Bắc Giang, có rất nhiều vụ án sau khi đã chứng minh người đó bị kết án oan sai nhưng rất lâu sau họ mới được công khai xin lỗi và nhận được tiền bồi thường. Có những vụ không phải qua tòa mà chỉ đại diện cơ quan pháp luật thỏa thuận bồi thường với người bị oan. Mà ngân sách bồi thường ấy ở đâu ra, nó là ngân sách của Nhà nước, mà ngân sách Nhà nước là tiền thuế của nhân dân. Liệu rằng nội bộ cơ quan pháp luật ấy có xử lý nghiêm túc người trực tiếp gây oan sai để truy thu lại ngân sách hay không?”, LS Nguyễn Am bức xúc.

Trả lời trên báo chí, nói về việc chậm trễ giải quyết, cảnh “cò kè bớt một thêm hai” dễ làm người ta nản lòng và mất lòng tin vào thiện ý sửa sai của các cơ quan thừa hành pháp luật, theo Thẩm phán Nguyễn Xuân Phát, Phó chánh tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP HCM, mỗi cán bộ cần phải nhận thức rằng những mặc cảm tinh thần trước dư luận xã hội là rất lớn đối với người bị oan. Khoản tiền bồi thường thiệt hại tinh thần chỉ là một lời nhận lỗi, an ủi vì thực chất cái mất của họ còn gấp nhiều lần hơn mức mình bồi thường.

Còn theo ông Đỗ Văn Chỉnh, nguyên chánh thanh tra, thẩm phán TAND Tối cao, nếu đưa ra xét xử, kết tội oan cho một người thì phải coi đây là một thảm họa cho bản thân và cả gia đình của họ.

“Một thực tế buồn và đáng suy ngẫm: Trên thực tế có những khiếu nại của người dân không được xem xét một cách khách quan nên họ phải nhờ đến các cơ quan báo chí đăng tải, dựa vào dư luận xã hội để tác động các cơ quan cấp cao giải quyết. Như vậy rõ ràng việc tiếp nhận đơn thư, giải quyết khiếu nại của chúng ta còn chậm trễ, còn quan liêu dẫn đến người dân chưa tin tưởng”, ông Chỉnh nói.

Điển hình vụ việc án oan Bắc Giang, nếu như ông Nguyễn Thanh Chấn không có bố là liệt sỹ thì chắc chắn ông khó thoát án tử hình với tội danh “giết người”. Và rồi nếu như vợ con ông cùng người thân không mượn ba chiếc sổ đỏ để thế chấp và đi làm thuê lấy tiền kêu oan thì số phận ông Chấn sẽ thế nào?. Để giờ đây, sau khi được minh oan, hung thủ thật sự bị bắt thì ông vẫn đang phải chờ đợi để nhận số tiền bồi thường của cơ quan pháp luật sau 10 năm sống cảnh tù đầy.

Thừa nhận về việc chậm trễ bồi thường cho người bị kết án oan sai, ông Nguyễn Thanh Tịnh, Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) cũng cho rằng, tại một số cơ quan, địa phương, mặc dù đã làm đủ hồ sơ thủ tục theo quy định nhưng việc cấp kinh phí bồi thường vẫn còn chậm hoặc chưa thực hiện được. Theo ông Tịnh, về việc này bộ Tư pháp sẽ ghi nhận và sớm có biện pháp khắc phục.

Như vậy có thể thấy, công tác hoàn thiện các văn bản pháp quy để Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước thực sự đi vào cuộc sống là khâu rất quan trọng. Phải làm sao để những người bị oan sai không quan ngại “chờ được vạ thì má đã sưng” khi đâm đơn yêu cầu cơ quan nhà nước bồi thường sau bản án oan sai. Không thể phủ nhận rằng, nhiều người cảm thấy uất ức khi đi đòi công lý do người có trách nhiệm gây ra mà chẳng khác nào đi xin xỏ.

Ở một khía cạnh khác, chính việc giải quyết bồi thường của những cơ quan pháp luật còn chậm trễ và né tránh dẫn đến nhiều vụ kiện yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại trở thành các vụ “cò kè” về giá bồi thường giữa hai bên. Do vậy, nhiều chuyên gia pháp lý cũng kiến nghị, cần phải xử lý hành vi của cán bộ, cơ quan pháp luật khi chậm trễ trong tiến hành công khai xin lỗi và bồi thường cho người bị oan sai.

Thảo Phượng

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc