Tại sao tòa lại chưa tuyên án?

16:47 | 25/04/2014

3,740 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thay vì tuyên án, HĐXX quyết định quay lại phần xét hỏi để làm rõ các vấn đề chưa sáng tỏ. Bị cáo Dương Chí Dũng và đồng phạm đã khai gì về việc tham ô tài sản...

>> Chưa tuyên án với các bị cáo trong vụ Vinalines

Valy rượu hay tiền

Chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo Dương Chí Dũng về lời khai của Trần Hải Sơn trong quá trình mang biếu 1 valy rượu. Hôm đó là ngày nào, tháng nào, ở đâu...?. Bị cáo Dũng nói: “Không nhớ rõ thời gian, nhưng hôm đó bị cáo đi Công tác tại TP Hồ Chí Minh và ở khách sạn Victory”.

Dương Chí Dũng khai, khi Sơn mang đến tặng Dũng một valy rượu, bị cáo đang ngồi uống cà phê cũng một số người bạn. Sơn gọi điện và kéo valy đến, bị cáo đứng dậy đưa Sơn lên phòng. Sơn nói: “em gửi anh mấy chai rượu để anh tiếp khách”. Sau đó cả 2 cùng xuống dưới. Chiều hôm đó, bị cáo ra Hà Nội luôn, có điện cho người phục vụ ở phòng chờ máy bay, túi rượu này cũng kéo qua cửa an ninh. Sau đó mở ra không nhớ có mấy chai ruợu nhưng là rượu Balantine. Do không uống rượu nên Dũng mang về và cũng không kiểm tra chỉ lấy dần ra cho anh em. Dũng “thề độc” là khai thật, có vợ ở đây, tòa có thể hỏi xác minh.

Dũng nói thường xuyên đi công tác nên có 1 túi xách lớn một chút, đủ để mang thêm bộ quần áo chứ không mang theo valy, phải ký gửi hành lý bao giờ.

Ngoài ra, HĐXX cũng làm rõ vai trò của bị cáo Trần Hải Sơn trong quá trình khi mua ụ nổi 83M. Thời điểm mua ụ nổi, Trần Hải Sơn làm Giám đốc Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển (thuộc Vinalines) và kiêm chức danh Phó tưởng Ban Quản lý dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam.

Do phụ trách mảng dự án ở Vũng Tàu, nên khi ra Hà Nội Sơn có thấy tờ giấy chào bán cho ụ nổi 83M do Công ty AP gửi. Thấy vậy, Sơn đề xuất thành lập đoàn khảo sát sang Nga tìm hiểu. Còn việc giao dịch, đàm phán về ụ nổi này, Sơn quả quyết, Mai Văn Phúc giao cho Trần Hữu Chiều làm trưởng đoàn sang Nga khảo sát. Không có phân công công việc cụ thể của Tổng Công ty. Do Trần Hữu Chiều là Phó Tổng Giám đốc nên cũng điều hành cả đoàn. Nói về các cuộc họp sao khi đoàn khảo sát từ Nga trở về, bị cáo Sơn khẳng định, chỉ tham dự một cuộc, còn lại đều vắng mặt.

Trả lời về số tiền 10 tỉ đồng đưa cho Dương Chí Dũng, bị cáo Sơn nói không nhớ cụ thể những ngày nào, chỉ nhớ theo khoảng thời gian với một vài tình tiết cụ thể của những lần đó. Lần đưa valy tiền đến khách sạn Victory cho Dũng, Sơn có điện thoại trước, nhưng không nhớ lúc đó mấy giờ và cũng không nhớ có mang tiền đến ngay không.

Nói về khoản tiền 340 triệu đồng nhận của Trần Hải Sơn, bị cáo Chiều cho biết, bị cáo có hỏi vay anh Sơn 1 tỉ đồng, trong đó có khoản 340 triệu đồng. Việc vay mượn này để chữa bệnh và xây nhà vì bố mẹ ở Hải Phòng có hoàn cảnh rất thương tâm. Chiều nói, sau thời điểm Trần Hải Sơn nói thôi tiền đó giữ lại “em biếu bác bồi dưỡng” thì Chiều mới hỏi lại cái này có liên quan gì đến ụ nổi không? Sơn lại nói “không có gì, bác cứ yên tâm đi”. Nói về nhận thức khi nhận khoản tiền này, Chiều vẫn cho rằng mình rất vô tình mà mắc phải tội tham ô chứ không bàn bạc, thỏa thuận gì. Đề nghị HĐXX miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo về tội tham ô.

Về quá trình đưa tiền cho Phúc, HĐXX hỏi Trần Hải Sơn về lời khai tại cơ quan công an "Sao tại cơ quan điều tra, Sơn lại khai nhà Mai Văn Phúc có cổng dù đó là chung cư?". Việc này Sơn lý giải, cán bộ điều tra hỏi thì cứ khai như vậy thôi, nhưng không đọc lại chi tiết nên có thể bỏ qua. Bị cáo chỉ nhớ nhà đó gần một tòa nhà của Tổng Công ty Hàng hải.

Ụ nổi 83M.

Mai Văn Phúc và Bùi Thị Bích Loan đấu khẩu

Khi được HĐXX hỏi, bị cáo Mai Văn Phúc kêu oan với cáo buộc về tội tham ô và không biết sai ở chỗ nào trong tội danh cố ý làm trái. Bị cáo khẳng định không hề biết gì về việc có đoàn công tác đàm phán với Công ty AP về ụ nổi 83M.

Theo lời Mai Văn Phúc, bị cáo này chỉ gặp ông Goh (Giám đốc Công ty AP) tại Tổng Công ty Vinalines, trước khi cử đoàn khảo sát sang Nga. Sau lần gặp đó, Giám đốc Công ty AP có gửi thư mời chào mua ụ nổi 83M. Ban đầu bên AP chào giá cao, nhưng Phúc yêu cầu cứ ép giá đi nên mới hạ dần xuống mốc 9 triệu USD. Thậm chí, sau đó Chiều và Sơn tham mưu rằng “hạn 1 ngày nếu không ký hợp đồng thỏa thuận họ sẽ bán cho bên khác”. Vì vậy, trong vòng 2 tiếng đồng hồ Phúc phải quyết định việc này.

Nói về hồ sơ thanh toán bị tách ra làm 3 hóa đơn thay vì một lần chuyển tiền 8,1 triệu USD, Phúc cũng nói: “Không biết. Chỉ đến khi bị bắt mới được biết có 3 hóa đơn chứng từ như thế. Bị cáo đã đề nghị cơ quan điều tra làm rõ ai là người chỉ đạo tách ra đó. Tuy nhiên, 3 hóa đơn này vẫn có chữ ký của bị cáo”.

Về việc kế toán trưởng Bùi Thị Bích Loan đã từng phát hiện bên bán chưa phát hành đủ các chứng từ, Phúc cũng nói không biết. Đến thời điểm này cũng không rõ thực hư có đúng là thiếu chứng từ không. Bị cáo khẳng định mới chỉ nghe thông tin này 1 chiều từ cơ quan điều tra, nhưng cũng băn khoăn vì thủ tục qua ngân hàng rất cứng. Nếu không đủ chứng từ sao họ giải ngân. Phúc kể, bản thân đã từng có bút phê các giấy tờ yêu cầu chuyển ban tài chính kế toán kiểm tra các loại chứng từ, khi nào họ mang sang khẳng định đúng thì mới ký quyệt chi.

Trước những câu trả lời của Phúc, bị án Bùi Thị Bích Loan nói, các lời khai không đúng, chỉ có 2 lần thanh toán chuyển tiền mua ụ nổi. Việc thanh toán 8,1 triệu USD, khi đó cán bộ Ban Tài chính Kế toán có trình chứng từ yêu cầu Loan ký nháy để còn trình Phúc. Loan hỏi lại cán bộ này đủ chưa thì nhận được thông tin là chưa. Khi đó, Loan có lên gặp Phúc báo cáo 2 nội dung là Ban Tài chính Kế toán chưa nhận được bộ hồ sơ chứng từ đầy đủ theo hợp đồng ngoại thương và đề nghị chuyển đủ để Ban Tài chính Kế toán kiểm tra. Tuy nhiên, Phúc nói Chiều đã nhận đầy đủ và nói cứ ký tắt vào rồi chuyển sau. Quá băn khoăn, Loan từ chối ký tắt vào bản chỉ dẫn thanh toán của Citibank. Từ việc thanh toán bằng 1 chứng từ mà tách ra làm 3 sau đó thì Loan hoàn toàn không biết vì thanh toán qua LC, ngân hàng hoàn toàn có thể chủ động làm.

Trần Hải Sơn không tin vào bản tuyên thệ

Đối với bản tuyên thệ của ông Goh mà các luật sư đã thu thập được, Trần Hải Sơn cho biết, chưa tường minh từng nội dung luật sư đọc nhưng có suy nghĩ là ông Goh làm tuyên thệ này khi phiên tòa sơ thẩm đã diễn ra, đã có nội dung của án văn. Những thông tin này thế nào thì bị cáo cũng rất suy nghĩ và chắc chắn nó đã bị nắn cong, không đúng sự thật diễn ra. Trong tài liệu này nói “không bao giờ ông Goh liên hệ với Dũng, Phúc”, Sơn khẳng định là không tin.

Bị cáo khẳng định có gặp ông Goh trong quá trình làm thương vụ ụ nổi. Không nhớ cụ thể bao nhiêu lần, có lần gặp ở Tổng Công ty Vinalines và ở thành phố Hồ Chí Minh (khi làm thủ tục để nhận khoản tiền 1,666 triệu USD). Tòa hỏi về lần đầu, lần cuối, Sơn đều trả lời không nhớ rõ.

Chủ tòa phiên tòa nói ông Goh sang Việt Nam rất nhiều, kết quả xác minh thông tin nhập cảnh cho thấy. Tuy nhiên, Sơn khẳng định việc đó bị cáo không liên quan, không biết. Về thời gian làm hợp đồng khống với Công ty Phú Hà để chuyển tiền về Việt Nam, Sơn cũng không nhớ rõ thời điểm. Yêu cầu cung cấp một công ty có tài khoản là từ ông Goh, Sơn chỉ cung cấp cho ông này, không chuyển qua công ty trung gian nào khác của Nga. Tuy nhiên, trong bản tuyên thệ, ông Goh khẳng định không biết Công ty nào là Phú Hà, chỉ nhận thông tin từ Công ty Global Success (Nga) khi đơn vị này chỉ định chuyển tiền.

Trần Hải Sơn nói: “Bị cáo suy nghĩ cách trả lời của ông Goh như thế ở thời điểm này không ảnh hưởng gì đến ông ấy nên ông ấy nói vậy”.

T.M

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc