Vụ xuất khẩu lao động "chui" ở Bắc Giang: Thảm cảnh xứ người

07:00 | 22/07/2012

2,125 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Mưu sinh vất vả, trình độ học vấn thấp, thiếu hiểu biết về các chính sách pháp luật, nhưng với ước mơ đổi đời, những người lao động ở các tỉnh Bắc Giang, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Bình… đã làm hợp đồng xuất khẩu lao động “chui” để sang Nga. Ở nơi xa xứ, họ đã bị chính người đồng hương của mình bán sang tay người khác như một món hàng. Họ trở thành những người lao động khổ sai. Và đắng lòng hơn cả là khi được giải cứu về nước, tương lai công việc của từng lao động này không biết về đâu.

Vụt tắt ước mơ

Ba gian nhà ngói của gia đình anh Trần Văn Liệu và chị Nguyễn Thị Hạnh nằm khuất hẳn bên con dốc đất đá ong trong làng Liên Sơn, xã Lão Hộ, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Từ Cộng hòa Liên bang (CHLB) Nga trở về nước với 31 người cùng cảnh ngộ ở các tỉnh Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên… Đã 3 tuần trôi qua, anh Liệu vẫn chưa hết bần thần.

Anh tâm sự với chúng tôi: Trình độ học vấn thấp, không có việc làm ổn định, nghe nói ông Mai (ở Lạng Giang, Bắc Giang) có con trai là Nguyễn Văn Dũng hiện đang điều hành một xưởng sản xuất giày da - may mặc thuộc Công ty Hoa Việt ở TP Ekaterinbua, Nga. Vợ anh - chị Hạnh - vốn là người làng với ông Mai, nên được rỉ tai cho biết sang bên đấy làm việc sẽ được trả mức lương cao, cụ thể là 500USD/tháng, làm việc 8 tiếng/ngày, có trợ cấp đầy đủ về chỗ ăn ở, ốm đau có chế độ chăm sóc…

Hà Văn Quý

Thủ tục sang làm việc rất đơn giản và gọn nhẹ: mỗi lao động ký kết một bản hợp đồng viết tay với ông Nguyễn Văn Mai mà không hề có bất kỳ con dấu của công ty hay xác nhận của chính quyền địa phương, rồi làm hộ chiếu nộp cho ông Mai kèm theo số tiền đặt cọc từ 20 đến 40 triệu đồng. Số tiền này không bắt buộc phải đóng hết ngay, có thể đóng trước một nửa, khi sang bên Nga làm việc sẽ trả dần dần.

 “Nhà ở thì ổ chuột của mình như thế nào bên đấy như thế” - chị Hạnh khẽ gạt nước mắt khi nhớ đến thảm cảnh - “Trong bản hợp đồng của ông Mai không có bất cứ chỗ nào ghi công nhân phải mất 3 tháng thử việc, chỉ ghi ngày làm 8 tiếng, không mất tiền ăn, tiền nhà. Nói chung lao động không mất bất cứ một chi phí gì khác. Nhưng thực tế đa phần chúng em phải làm thêm giờ, thậm chí phải làm thâu đêm rất nhiều. Trong thời gian thử việc mỗi tuần phải làm thâu đêm từ 2 đến 3 buổi. Kết thúc 3 tháng thử việc, sang làm chính thức nhưng không chỉ làm 8 tiếng/ngày mà luôn luôn được thông báo hàng gấp phải làm thêm đến 5-6 tiếng/ngày mà không có thêm bất cứ một khoản trợ cấp nào”.

Tin vào tình nghĩa láng giềng lâu năm, chị Hạnh vẫn cố gắng làm việc nơi xứ người. Sau đó, vẫn với sự nhẹ dạ cả tin, anh Liệu chồng chị tiếp tục sang Nga để trở thành công nhân… nhặt rác, bốc kho.

Thảm cảnh xứ người

Anh Liệu vừa cho tôi xem clip lao động Việt Nam đi nhặt rác vừa ngậm ngùi kể: “Sang đến nơi, một số vào làm giày, một số đi dọn kho, một số đi nhặt rác xung quanh xưởng. Bọn em làm 12 tiếng/ngày, từ 8-20 giờ nhưng thường phải 22 giờ mới về. Thậm chí có lúc phải bốc hàng đến 0 giờ, 1 giờ mới được về, mà đồng lương thì chẳng thấy đâu cả”.

Sáng nào cũng vậy, lao động được công ty cho “điểm tâm” bằng cháo loãng nấu từ cơm nguội hoặc bánh bao không nhân (màn thầu bột mì). Bữa cơm trưa và cơm tối chỉ có khoai tây xào với ớt vừa mặn như kho vừa sống sượng.

Hợp đồng lao động giữa ông Hà Văn mai với Hà Văn Quý

Qua trao đổi với phóng viên, ông Trần Đình Hồng – Phó giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang cho biết: Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang đã nhận được đơn thư tố cáo về việc ông Nguyễn Văn Mai làm môi giới đưa người xuất khẩu lao động trái phép sang CHLB Nga. Sự việc đang được điều tra làm rõ.

Điều kiện nhà ở, ăn uống kham khổ, cộng thêm với không quen khí hậu nhiều người ốm mà không dám xin nghỉ. Lý do thứ nhất, theo các lao động kể lại, họ sang Nga xác định đi làm ăn nên dù ốm đến mấy vẫn cố gắng. Lý do thứ hai, dù trong hợp đồng ghi rõ ốm đau được ưu tiên giúp đỡ, nhưng nghỉ 1 ngày bị công ty trừ lương rất nặng, nghỉ quá 3 ngày lao động bị phạt luôn. Anh Trần Văn Liệu xót xa nhớ lại: “Em Duẩn, người Hà Nam ốm đến mức phải lấy đũa ngáng ngang mồm để khỏi cắn vào lưỡi rồi đổ cháo vào”.

Hà Văn Quý (ở thôn Vũ Di, xã Thái Đào, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) thảng thốt kể với phóng viên chúng tôi: “Bốc vác hai tháng như thế, một hôm, 3 giờ 30, anh Thỏa người Hà Nam kiệt sức ngất ngay tại xưởng. Em với một anh nữa phải cõng từ xưởng về nhà”.

Khi lao động tìm hiểu thì được biết: Lợi dụng nhà máy bỏ tiền ra để tổ chức cho lao động sang Nga làm việc, Nguyễn Văn Dũng đã tự soạn ra bản hợp đồng bắt buộc mỗi lao động phải đóng 20 triệu tiền đặt cọc cho bố mình là ông Nguyễn Văn Mai. Cùng lúc đó ở Nga, Nguyễn Văn Dũng được hưởng 500USD/người tiền hoa hồng của nhà máy sau khi “bán” lao động cho chủ người Trung Quốc.

Trước thực tế đó, ngày 29/4/2012 lao động đình công. Họ yêu cầu Nguyễn Văn Dũng phải giải quyết cho họ về nước trong thời gian sớm nhất. Sự việc căng thẳng đến mức, ngày 3/5/2012 ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng lãnh sự Việt Nam tại TP Ekaterinbua, đã có buổi gặp gỡ các lao động để đưa ra phương án giải quyết.

Khi hướng giải quyết còn đang chờ đợi, những lao động quê ở Bắc Giang, Hải Phòng, Hưng Yên, Quảng Bình… bị thu hết xoong nồi và cắt cơm, không cho ăn hai tuần lễ. Nhờ vào số tiền ít ỏi được ứng trước tháng 4 của một số người, lao động Việt Nam đã mua mì tôm và bánh mì để cứu đói cho nhau ăn qua ngày tháng.

Anh Liệu vẫn không quên được 15 ngày ngày kinh hoàng bị cắt cơm, bỏ đói. “Ông chủ” Dũng sau những lời hứa suông đã bỏ không nghe điện thoại nữa. Còn Quý khi kể lại diễn biến sự việc, trên khuôn mặt vẫn chưa hết nỗi bàng hoàng: “Từ lúc người ta cấm không cho ăn thì ở đấy có dòng suối, bọn em đi bắt cá về. May là bọn em vẫn giấu được một cái nồi cơm điện nên còn có dụng cụ nấu ăn, chưa đến mức phải ăn sống nuốt tươi. Bỏ đói bọn em chưa thỏa, họ còn cấm không cho tắm, bọn em phải tắm trộm”.

Sau khi về nước, những người lao động tại Bắc Giang như Trần Văn Liệu, Nguyễn Thị Hạnh, Hà Văn Quý… đã đến nhà riêng và được ông Nguyễn Văn Mai hoàn trả lại số tiền đặt cọc. Khi họ đề nghị thanh toán tiền công lao động tại CHLB Nga thì ông Mai từ chối với lý do họ đã tự ý bỏ việc về nước.

Liên lạc qua điện thoại với ông Nguyễn Văn Mai nhiều lần không được, phóng viên chúng tôi tìm đến nhà riêng của ông. Ngôi nhà đóng cửa im ỉm. Những người dân xung quanh cho biết, hôm trước có một tốp gia đình người lao động đến nhà. Vợ ông Mai ra tiếp. Hai bên lời qua tiếng lại, rồi xảy ra xô xát, ẩu đả.

Hãy đến với văn phòng hỗ trợ lao động nước ngoài

Qua những vụ việc đã diễn ra cho thấy, nhu cầu việc làm của người lao động quá lớn nên ngày càng xuất hiện thêm nhiều đường dây đưa đi lao động trái phép. Bọn lừa đảo thường nhắm đến đối tượng là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, dân trí thấp và là người cùng địa phương để đánh vào lòng tin của họ.

Nguyễn Thị Hạnh

Trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, chủ yếu là do thông tin về xuất khẩu lao động chưa đến được với người dân. Phần lớn người dân không biết tiếp cận với cơ quan nào để làm thủ tục đi lao động nước ngoài. Thêm vào đó là tâm lý không muốn qua các cơ quan chức năng vì ngại tốn tiền nên không ít người bị cò mồi lừa đảo. Vô tình, người lao động bị đẩy vào tình thế vừa mất tiền lại trở thành… phạm pháp.

Theo ông Đào Công Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), cần xử lý nghiêm những đối tượng lợi dụng chủ trương, chính sách của Nhà nước để lừa đảo. Đồng thời, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động di cư, ngăn ngừa tình trạng bóc lột lao động, di cư lao động bất hợp pháp, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã khai trương Văn phòng Hỗ trợ lao động nước ngoài thí điểm ở Việt Nam (MRC).

“Văn phòng sẽ cung cấp, thúc đẩy kết nối thông tin về di cư lao động giữa cơ quan Nhà nước, đoàn thể, các doanh nghiệp dịch vụ và người lao động di cư. Cùng với đó, văn phòng hỗ trợ lao động ngoài nước sẽ hợp tác chặt chẽ với một mạng lưới các cơ quan chính phủ, tổ chức chính trị xã hội và các tổ chức phi chính phủ, nhằm hỗ trợ người lao động chuyển tuyến khi cần thiết”, ông Đào Công Hải cho biết.

***

Câu chuyện của phóng viên chúng tôi với những người lao động từ nước Nga trở về tưởng như không dứt nếu không có cơn ho kéo dài của cháu Duy - con anh Liệu, chị Hạnh mới được 3 tuổi. Trở về nước với hai bàn tay trắng, trước mắt họ vẫn chưa biết ngày mai sẽ đưa con đi khám bệnh ra sao? Ước mơ đổi đời bỗng nhiên vụt tắt.

Khi có nhu cầu xuất khẩu lao động, người lao động được hỗ trợ, tư vấn miễn phí qua qua website của Văn phòng Hỗ trợ lao động nước ngoài thí điểm ở Việt Nam tại địa chỉ:

www.hotrolaodongngoainuoc.org;www.tuvanlaodongdicu.org;

Tư vấn qua đường dây nóng: (+844) 3936 6633;

Tư vấn trực tiếp tại văn phòng ở tầng 1, Tòa nhà Cục QLLĐNN, 41B Lý Thái Tổ, Hà Nội.


Khải Đăng

(Năng lượng Mới số 139, ra thứ Sáu ngày 20/7/2012)