Vì sao "kỳ án vườn mít" sẽ đi vào lịch sử tố tụng Việt Nam?

12:49 | 18/01/2013

2,385 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Kỳ án vườn mít kéo dài gần 9 năm vẫn chưa đi đến hồi kết. Lê Bá Mai từng 2 lần nhận án tử hình rồi lại... trắng án. Mới đây nhất, bị cáo này lại nhận một mức án hơi khó hiểu: Án chung thân. Có lẽ, kỳ án này sẽ đi vào lịch sử tố tụng của Việt Nam bởi quá trình xét xử kéo dài và cả những động tác "nhấc lên đặt xuống" quá nhiều lần của các cơ quan tố tụng. Rõ ràng, quyết định sinh mệnh của một con người chưa bao giờ là việc làm đơn giản!

“Kỳ án vườn mít” sẽ đi vào lịch sử tố tụng Việt Nam

Một vụ án tưởng chừng đơn giản, tội phạm bị bắt giam sau 4 ngày gây án. Hồ sơ nhanh chóng được hoàn tất và đưa ra xét xử. Tuy nhiên, cái tên Lê Bá Mai lại gắn liền suốt quá trình tố tụng kéo dài gần 9 năm trời.

Lê Bá Mai sẽ tiếp tục hầu tòa.

Trong hồ sơ “kỳ án vườn mít”, cơ quan chức năng kết luận chỉ một mình Lê Bá Mai gây án. Bị cáo Mai bị bắt từ những lời khai của những người được gọi là nhân chứng. Mà cũng lạ, những nhân chứng này ban đầu trình báo về việc Thị Út mất tích, chỉ khai rằng: “Thấy một thanh niên chở nạn nhân về hướng khu vườn mít”.

Bốn ngày sau, thi thể của nạn nhân được tìm thấy, đồng loạt, các nhân chứng đều khai lại: “Thấy Lê Bá Mai chở nạn nhân đi”. Từ đây, bị cáo Mai bị bắt.

Lúc này, các vật chứng của vụ án được cơ quan chức năng dần bổ sung vào để buộc tội nghi phạm. Những vật chứng ấy lại không thể khớp được với lời khai của nhân chứng. Để làm cho khớp, cơ quan điều tra đã dùng ít nhiều những “thủ thuật” để hô biến cho phù hợp với những gì phải có ở hiện trường. Nhiều vật chứng cũng bị đánh tráo trong suốt quá trình điều tra và lấy lời khai nghi can.

Nếu Lê Bá Mai có tội thì mức án dành cho 2 tội danh "Giết người" và "hiếp dâm" phải là mức án tử hình.

Còn nếu Lê Bá Mai không có tội thì phải tuyên bị cáo là "vô tội". Không thể có một mức án "lửng lơ" như thế!

Rõ nét nhất, ngay cả phương tiện mà nghi can dùng để chở bị hại đến nơi gây án, cơ quan chức năng cũng mang đi để đục lại số khung, số máy và xịt lại màu sơn cho đúng với lời khai của nhân chứng. Điều này được thể hiện qua phiên xét xử vào ngày 3/1 vừa qua.

Viện kiểm sát đã thừa nhận tại tòa là những vật chứng có bị thay đổi. Tuy nhiên, cơ quan này lại lý luận là việc thay đổi không làm ảnh hưởng nhiều đến bản án. Cách nói của công tố viên tại phiên tòa làm nhiều người hiểu biết pháp luật không khỏi ái ngại về cách buộc tội của những người thực thi pháp luật.

Tang vật không có, vật chứng không đầy đủ và cho đến bây giờ, điều duy nhất để khép tội cho Lê Bá Mai chỉ còn dựa vào lời khai của các nhân chứng.

Tuy nhiên, vì sao nghi can trong vụ án lại là Lê Bá Mai?

Xuất phát từ mâu thuẫn, Lê Bá Mai được gọi tên!

Dưới góc độ nhân chứng, ông Trần Văn Sinh, từng làm công an viên và là người trực tiếp điều tra “kỳ án vườn mít” đã có ân oán ít nhiều với Lê Bá Mai lẫn ông Dương Bá Tuân (ông chủ của Mai). Trước khi vụ án xảy ra, ông Điểu Ky và ông Tuân có tranh chấp một phần đất giáp ranh.

Luật sư đã đưa ra những bằng chứng để lập luận bị cáo Lê Bá Mai vô tội.

Ngay sau đó, chẳng hiểu vì lý do thế nào, ông Trần Văn Sinh nghiễm nhiên hiện diện là chủ sở hữu một phần đất sát ranh trên khu đất đang tranh chấp. Tiếp theo đó, ông Tuân nhiều lần khiếu nại ông Sinh đến cơ quan chức năng và được xét xử yêu cầu ông Sinh phải trả lại phần đất trên cho ông Tuân.

Mâu thuẫn từ trước khi xảy ra kỳ án vườn mít lại chồng mâu thuẫn. Lê Bá Mai đi xịt thuốc trừ sâu trên phần rẫy của ông Tuân lại bị chính ông Sinh lập biên bản vi phạm. Để rồi, văn bản ấy lọt vào tay ông Tuân và được phát tán ra bên ngoài. Sau lần này, ông Sinh phải nhận một hình thức kỷ luật.

Vụ án hiếp dâm bắt đầu xảy ra vào ngày 12/11/2004. Những người có liên quan được mời lên để làm việc. Không ai xa lạ, Điểu Ky và Thị Hằng đã có mặt để ghi nhận thông tin về sự mất tích bí ẩn của Thị Út. Chỉ sau 4 ngày, tức đến ngày 16/11/2004, thi thể của nạn nhân được tìm thấy thì những nhân chứng đột ngột “đồng nhất lời khai”. Sau này, ông Trần Văn Sinh bị cách chức và đã trở thành một nhân chứng cho kỳ án.

Đã đến lúc, cơ quan chức năng của tỉnh Bình Phước cần xem xét lại vụ án một cách nghiêm túc.

Phiên xử gần đây nhất, ngày 3/1/2012, tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước đã tuyên Lê Bá Mai mức án tù chung thân. Đây được xem là 1 mức án kỳ lạ, vì rằng, nếu Lê Bá Mai có tội thì mức án dành cho 2 tội danh "Giết người" và "hiếp dâm" phải là mức án tử hình. Đấy là chưa kể có rất nhiều tình tiết tăng nặng: Bị cáo quanh co chối tội, không khai báo thành khẩn...

Còn nếu Lê Bá Mai không có tội thì phải tuyên bị cáo là "vô tội". Không thể có một mức án "lửng lơ" "ba phải" như thế!

Bất ngờ hơn, sau phiên tòa sơ thẩm, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước lại kháng nghị tử hình Lê Bá Mai. Kháng nghị này đưa ra trước khi bị cáo có đơn kháng cáo.

Trong khi ngay ở phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát đã “thú nhận” là cơ quan điều tra có sai sót trong quá trình điều tra vụ án. Những chứng cứ được ngụy tạo mang vào hồ sơ để kết tội theo cách nhìn của Viện kiểm sát là “không làm thay đổi bản chất của vụ án”.

Nhiều người dự khán phiên tòa xét xử ngày hôm ấy vẫn cứ băn khoăn: Vì sao các công tố viên được đào tạo nghiệp vụ bài bản lại đưa ra nhận định vấn đề một cách không rõ ràng như vậy? Không có chứng cứ là thì lấy gì để buộc tội?

Chuyện ngụy tạo chứng cứ, thay đổi tang vật vụ án của cơ quan chức năng cần phải được làm rõ. Đây là "phần gốc" phải giải quyết để từ đó đưa ra các chứng cứ buộc tội bị cáo.

Kỳ án vườn mít sẽ tiếp tục căng thẳng ở phiên tòa phúc thẩm. Các cơ quan tố tụng cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định cho vụ án được xem là sẽ đi vào lịch sử tố tụng Việt Nam.

Hưng Long