Vụ sữa dê Danlait: Có dấu hiệu gian lận thương mại, cần xử lý hình sự

17:57 | 23/02/2013

999 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Nhập khẩu về Việt Nam với giá trên 80.000 đồng/hộp rồi bằng việc thay đổi bản chất sản phẩm: “thực phẩm bổ sung” thành “sữa”, công ty Mạnh Cầm đã bán với giá cao gấp 5 lần giá nhập khẩu, từ đó thu lợi “khủng”.

Thay đổi bản chất sản phẩm để lừa khách hàng

Theo tờ khai hải quan nhập khẩu mặt hàng sữa Danlait của công ty Mạnh Cầm, giá thực phẩm bổ sung sữa Danlait mà công ty này nhập từ Pháp về Việt Nam vào tháng 10/2012 là 80.102 đồng/hộp (dùng cho trẻ ở giai đoạn 1, từ 0-12 tháng tuổi). Với sản phẩm dành cho trẻ giai đoạn 2 và dành cho trẻ tăng trưởng, giá nhập khẩu lần lượt là 78.796 đồng/hộp và 79.231 đồng/hộp.

Trước khi tung ra thị trường, đơn vị nhập khẩu công ty TNHH Mạnh Cầm lại không ghi rõ đây là thực phẩm bổ sung trên nhãn mác mà ghi nhãn phụ là sữa bột với giá 410-420.000 đồng/hộp.

Chiều ngày 21/1, Đội quản lý thị trường số 12 đã tiến hành kiểm tra kho sữa dê Danlait trên đường Nguyễn Viết Xuân (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) để làm rõ về việc trên nhãn mác phụ đề tiếng Việt ghi là sữa nhưng trên giấy công bố chứng nhận Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm cấp là thực phẩm bổ sung.

Theo ông Kiều Đình Cảnh - Phó Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 12 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội), qua kiểm tra đã phát hiện một số sai phạm về sữa dê Danlait của Công ty TNHH Mạnh Cầm (ở số 13, ngõ 2 Nguyễn Viết Xuân, quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Nhãn mác phụ đề tiếng Việt ghi là sữa nhưng trên giấy công bố chứng nhận Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm cấp là thực phẩm bổ sung - ảnh T.Minh

Sau khi kiểm tra, lực lượng chức năng đã quyết định niêm phong và tạm giữ toàn bộ 6.000 hộp sữa tại kho của công ty TNHH Mạnh Cầm để mang đi dịch nhãn mác gốc và nhãn phụ đề tiếng Việt có đúng hay không để đưa ra quyết định xử lý theo quy định. Bên cạnh đó, Cơ quan quản lý thị trường cho rằng, công ty TNHH Mạnh Cầm không thực hiện kê khai và niêm yết giá theo quy định của pháp luật.

Theo ông Trần Quang Trung - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tết), ngay sau khi vụ việc xảy ra Cục đã gửi công văn tới Đại sứ quán Pháp đề nghị xác minh thông tin liên quan tới nguồn gốc và xuất xứ của sữa Danlait. Nội dung xác minh gồm loại sữa dê Danlait dành cho trẻ em do công ty TNHH Mạnh Cầm nhập khẩu có phải do công ty FIT của Cộng hòa Pháp sản xuất không; sản phẩm này có lưu hành trên thị trường Pháp không.

Theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, thông tin về Danlait là thực phẩm bổ sung chứ không phải sữa bột đã được công bố đầy đủ trên webstie của Cục An toàn thực phẩm và hiện vẫn tồn tại, người tiêu dùng chỉ cần tra cứu ở đây là đủ để vạch mặt hành vi lừa dối khách hàng của công ty này.

Cũng theo lãnh đạo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, từng lô sản phẩm của công ty Mạnh Cầm đều được kiểm tra nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm và kiểm dịch thú y. Tuy nhiên, các sản phẩm này đều đảm bảo yêu cầu so với quy định về tiêu chuẩn của “thực phẩm bổ sung”, Cục không hề cấp chứng nhận đảm bảo yêu cầu so với quy định về tiêu chuẩn của sữa bột.

Hiện, cơ quan quản lý thị trường đã lấy 3 mẫu sản phẩm Danlait đi giám định chất lượng và giám định thông tin giữa nhãn gốc với nhãn phụ của sản phẩm.

Cần làm rõ và có hình phạt thích đáng để răn đe.

Trước những vấn đề lùm xùm về sự việc trên, Báo điện tử Petrotimes đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia tư vấn pháp lý Lê Cao – thuộc Công ty Luật hợp danh FDVN, đơn vị chuyên tư vấn, hướng dẫn  pháp luật bảo vệ người tiêu dùng.

Chuyên gia tư vấn pháp lý Lê Cao cho rằng: Việc không ghi nhãn chính xác, đúng đắn bản chất của sản phẩm là hành vi trái pháp luật. Không thể xem việc ghi khống từ thực phẩm bổ sung thành thực phẩm để nâng giá bán lên cao gấp nhiều lần là chuyện bình thường được.

PV: Thưa ông, xin ông cho biết quy định về thực phẩm khác thực phẩm bổ sung như thế nào?

Ông Lê Cao: Theo quy định của Luật an toàn thực phẩm thì thực phẩm là sản phẩm mà con người ăn, uống ở dạng tươi sống hoặc đã qua sơ chế, chế biến, bảo quản. Thực phẩm tươi sống là thực phẩm chưa qua chế biến bao gồm thịt, trứng, cá, thuỷ hải sản, rau, củ, quả tươi và các thực phẩm khác chưa qua chế biến.

Ngoài ra còn có thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng là thực phẩm được bổ sung vitamin, chất khoáng, chất vi lượng nhằm phòng ngừa, khắc phục sự thiếu hụt các chất đó đối với sức khỏe cộng đồng hay nhóm đối tượng cụ thể trong cộng đồng.

Chuyên gia tư vấn pháp lý Lê Cao: Cần làm rõ và có biện pháp xử lý thích đáng để răn đe công ty Mạnh Cầm.

Trong khi đó, thực phẩm bổ sung là một loại thực phẩm chức năng, là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh …

PV: Thưa ông, Pháp luật quy định như thế nào về vấn đề ghi nhãn hàng hóa, thưa ông?

Ông Lê Cao: Tại Điều 18 Nghị định số 38/2012/NĐ-CP quy định: “Các thực phẩm bao gói sẵn phải bắt buộc ghi nhãn theo quy định của pháp luật về ghi nhãn thực phẩm. Thông tin trên nhãn phải đúng bản chất sản phẩm, trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây hiểu lầm cho người sử dụng.

Riêng đối với thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, trên nhãn phải thể hiện được các nội dung chính sau: “Công bố thành phần dinh dưỡng; hoạt chất tác dụng sinh học; tác dụng đối với sức khỏe; chỉ rõ đối tượng, liều dùng, cách dùng, cảnh báo nếu có.

Đối với thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm bổ sung vitamin, khoáng chất, chất vi lượng không nhằm phổ cập cộng đồng như thức ăn công thức dành cho bà mẹ mang thai, trẻ em dưới 36 tháng tuổi và thức ăn qua ống thông cho người bệnh phải công bố mức đáp ứng so với nhu cầu dinh dưỡng, liều lượng sử dụng của từng đối tượng và hướng dẫn của bác sĩ”.

Ngoài ra, quy định chung về việc ghi nhãn phải thể hiện rõ thành phần và hàm lượng có trong thực phẩm; khi lấy thành phần nào đó trong sản phẩm làm tên sản phẩm thì phải ghi rõ hàm lượng thành phần đó bên cạnh tên sản phẩm; tên sản phẩm phải là cỡ chữ lớn nhất, rõ nhất và tối thiểu gấp ba lần cỡ chữ khác trên nhãn; khi chuyển dịch nhãn phải đảm bảo không sai lệch nội dung so với nhãn gốc.

PV: Nếu sai phạm về các nội dung nói trên, theo quy định sẽ bị xử lý như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Cao: Nếu chỉ riêng về vấn đề ghi nhãn, thì theo quy định của Nghị định số 91/2012/NĐ-CP doanh nghiệp vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng khi lưu thông thực phẩm chức năng, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ mà không thể hiện cụm từ bắt buộc theo quy định của pháp luật. Buộc thu hồi hàng hóa vi phạm về nhãn đang lưu thông trên thị trường; buộc doanh nghiệp chịu trách nhiệm về hàng hóa thực phẩm thực hiện biện pháp khắc phục về nhãn hàng hóa đối với hành vi sai phạm.

PV: Trường hợp dư luận đặt ra vấn đề ở đây không chỉ là hành vi vi phạm về việc dán nhãn mác hàng hóa, bởi lẽ từ việc làm mà họ cho là “vô tình” ấy, họ đã nâng giá bán lên rất nhiều khiến cho khách hàng bị thiệt, thì xử lý như thế nào?

Ông Lê Cao: Trong trường hợp chỉ sai phạm về ghi nhãn mác hàng hóa thì mức độ xử lý sẽ khác. Tuy nhiên, nếu thể hiện dấu hiệu đánh tráo hàng hóa, làm khách hàng nhầm tưởng đó là một loại sản phẩm đắt tiền và người mua phải bỏ số tiền lớn ra mua, phải chịu thiệt hại thì lại có dấu hiệu gian lận thương mại.

Theo quan điểm riêng của tôi, với những dấu hiệu gian dối, làm thiệt hại đến quyền lợi của khách hàng thì các doanh nghiệp đáng phải chịu sự trừng phạt thích đáng của pháp luật. Qua vụ việc trên, nếu điều tra làm rõ mà tìm thấy căn cứ cho thấy các cá nhân liên quan có dấu hiệu phạm tội lừa dối khách hàng thì cần phải khởi tố, và có hình phạt thích đáng để răn đe.

Điều 162 Bộ luật hình sự quy định: Người nào trong việc mua, bán mà tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm. Phạm tội nhiều lần hoặc thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.

Xin cám ơn ông!

Thiên Minh (thực hiện)