Xử phúc thẩm "siêu lừa" Huyền Như: Hé lộ nhiều thông tin thú vị 7

11:21 | 17/12/2014

2,817 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Phần xét hỏi trong phiên xét xử phúc thẩm "siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền Như đã cho thấy hành vi lừa đảo của bị cáo mang tính chất cá nhân. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức khi tham gia thị trường tài chính - tín dụng chưa thực sự có sự hiểu biết thấu đáo về lĩnh vực này.

Chiều ngày 16/12, phiên xét xử phúc thẩm vụ án Huyền Như lừa đảo diễn ra khá căng thẳng với các phần hỏi đáp nhằm bóc tách và làm rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên liên quan.

Sự khác nhau giữa tài khoản tiết kiệm và tài khoản thanh toán

Trên thực tế, hầu hết người dân lâu nay thường hiểu rằng: Tiền vào ngân hàng là ngân hàng phải có trách nhiệm. Tuy nhiên, đi sâu vào phân tích kỹ thuật với việc bóc tách và làm rõ quy trình, quy định thì Hội đồng xét xử (HĐXX) về cơ bản làm rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên liên quan đến các loại tài khoản mà khách hàng mở tại ngân hàng (NH).

Cụ thể, HĐXX hỏi đại diện VietinBank: Khi huy động vốn, tiền đã chuyển vào NH thì có phải tài sản của NH hay không? Đại diện VietinBank khẳng định theo các quy định có hiệu lực thì: Tiền chuyển vào NH không phải là tài sản của NH. Bởi lẽ khi tiền vào tài khoản nếu cá nhân gửi tiết kiệm thì quyền sở hữu vẫn thuộc về chủ tài khoản. Tuy nhiên trong thời hạn gửi, chủ tài khoản hạn chế quyền sử dụng và quyền sử dụng này được chuyển sang cho NH để NH sử dụng. Khi đến hạn thì NH trả lại tiền đó cho khách hàng.

Tòa hỏi đại diện VietinBank để làm rõ sự khác nhau về trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên và phân định rạch ròi giữa tài khoản tiết kiệm và tài khoản thanh toán: Như vậy ông khẳng định, đối với khoản tiền mà khách hàng chuyển vào tài khoản tiền gửi thanh toán mở tại NH thì người chủ sở hữu là người gửi tiền. NH chỉ sử dụng khoản tiền đó để phục vụ cho việc kinh doanh của mình?

Trả lời câu hỏi này, đại diện VietinBank cho biết: Về bản chất thì không phải như vậy. Tiền trên tài khoản thanh toán thì khách hàng được toàn quyền sử dụng bất kỳ lúc nào.

Huỳnh Thị Huyền Như ở phiên tòa.

 

 

Huyền Như có chức vụ và quyền hạn hay không?

Đối với cá nhân Huyền Như, nhiều luồng ý kiến và quan điểm cho rằng khi lừa đảo, Huyền Như là Quyền Trưởng Phòng giao dịch Điện Biên Phủ - như vậy Huyền Như đã có chức vụ và quyền hạn trong hệ thống VietinBank.

Tuy nhiên, tại phiên xét xử, đại diện VietinBank đã trả lời thẩm vấn trước tòa rằng: Huyền Như được bổ nhiệm là Quyền Trưởng Phòng giao dịch. Vị trí và vai trò của Huyền Như nếu đối chiếu với điều lệ cũng như là quy định của Luật các tổ chức tín dụng, chức danh này không nằm trong cơ cấu quản lý và không được coi là người có chức vụ quyền hạn.

Tòa hỏi bị cáo Huyền Như: Theo nhận thức của cá nhân bị cáo, bị cáo là Quyền Trưởng Phòng giao dịch Điện Biên Phủ bị cáo có phải người có chức vụ quyền hạn?

Về câu hỏi này, Huyền Như cho rằng bị cáo chỉ làm theo công việc được phân công và không ý thức được là mình được giao chức năng quản lý và quyền hạn. Huyền Như cũng khẳng định công việc thực tế của bị cáo chỉ là: Quản lý anh em trong phòng, công tác nghiệp vụ của mình, kiểm soát tín dụng và làm các nghiệp vụ kinh tế phát sinh theo phân công lao động.

Đồng loạt không kháng cáo và rút kháng cáo

Một tình tiết khá thú vị diễn ra tại phiên tòa là Huyền Như và hàng loạt các bên liên quan đã không kháng cáo hoặc rút kháng cáo.

Cụ thể với Huyền Như, khi tòa hỏi bị cáo có tiếp tục giữ kháng cáo hay thay đổi? Bị cáo Huyền Như cho biết: Thực chất đơn bị cáo gửi không phải kháng cáo mà chỉ là thỉnh cầu, xem xét về hoàn cảnh của bị cáo để tạo điều kiện cho gia đình bị cáo.

Tòa hỏi: Bị cáo muốn xem xét cái gì? Huyền Như cho biết: Do tất cả tài sản đã tự nguyện nộp để khắc phục hậu quả gây ra, vì bị cáo sai nên điều đó bắt buộc phải làm. Do vậy không có khiếu nại.

Tuy nhiên, bị cáo chỉ mong HĐXX xem xét giúp vì mẹ bị cáo lớn tuổi, con còn nhỏ, chị gái bị cáo cũng tham gia vụ án này và có 3 đứa con nhỏ. Sắp tới, 4 đứa nhỏ sẽ phải giao cho mẹ của bị cáo chăm sóc. Xin HĐXX xem xét tài sản của mẹ bị cáo, tài sản khu biệt thự Nam Hải, tài sản này là có trước khi bị cáo phạm tội.

Tòa hỏi: Nghĩa là bị cáo chấp nhận toàn bộ bản án sơ thẩm xử đối với bị cáo đúng không? Huyền Như đáp: “Dạ”.

HĐXX cũng cho biết: Hiện 2 cá nhân không kháng cáo, về nguyên tắc là án đã có hiệu lực pháp luật. Đối với Công ty  Thái Bình Dương, án sơ thẩm xác định số tiền bị cáo chiếm đoạt là 80 tỷ đồng; Công ty Zen Plaza án sơ thẩm xác định bị cáo chiếm đoạt là 45,5 tỷ đồng. Hai Công ty này không kháng cáo ngay từ đầu và đã hết thời hạn kháng cáo. Vì vậy bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Riêng đối với Công ty Phúc Vinh và Công ty Thịnh Phát xét về hình thức là kháng cáo hợp lệ trong thời hạn luật định. Án sơ thẩm xác định bị cáo Huyền Như chiếm đoạt của Công ty Phúc Vinh là 608,99 tỷ đồng, Công ty Thịnh Phát 788,9 tỷ đồng. Hai đơn vị này sau đó rút kháng cáo và tòa phúc thẩm đã thông báo rút kháng cáo theo đúng quy định của pháp luật. Như vậy, chung quy lại có 4 đơn vị và 2 cá nhân không kháng cáo.

P.V

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc