10 đại gia "gục ngã" trên sàn chứng khoán năm 2012

07:00 | 30/12/2012

2,779 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Một thời, bất động sản, tài chính - ngân hàng và chứng khoán được xem là “bệ phóng” cho một loạt các ông chủ doanh nghiệp vươn lên tầm đại gia. Tuy nhiên, sau một năm đầy biến động, khó khăn của nền kinh tế, đặc biệt là sự đi xuống của thị trường chứng khoán, hiện tượng đóng băng, ế ẩm kéo dài của bất động sản đã khiến tài sản của một loạt các đại gia Việt Nam “bốc hơi”!

1. Đặng Thành Tâm (SN 1964, quê Hải Phòng) - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc và cũng từng là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2007 nhưng cũng là đại gia “đau đớn” nhất của năm 2012

2012 là một năm không mấy suôn sẻ với doanh nhân Đặng Thành Tâm. 2 công ty do ông điều hành liên tiếp thất bát. Và dù trong lần xuất hiện bất ngờ tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII vừa qua, ông đã đưa ra phát ngôn đầy kiêu hãnh rằng: “Nếu chúng tôi chết thì chả ai sống được” thì kết quả kinh doanh của 2 công ty mà ông đang điều hành cho thấy chiều hướng “không mấy lạc quan”.

Trong đó, Công ty Cổ phần Đô thị Kinh Bắc (KBC) lỗ tới 263 tỉ đồng, Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SGT) lỗ hơn 200 tỉ đồng qua 9 tháng hoạt động đầu năm. Đơn vị duy nhất thu lãi về cho ông Tâm là Công ty Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (SQC), nơi ông nắm 40% cổ phần, đạt lãi lũy kế 9 tháng khoảng 135,7 tỉ đồng.

Với những kết quả kinh doanh trên, cùng với hàng loạt các nghi vấn về những sai phạm của ông trong quá trình triển khai các dự án, các hợp đồng vay vốn, thế chấp BĐS... và đặc biệt là “cục nợ” trị giá 1.800 tỉ đồng nằm tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Việt (Navibank) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Tây (Westernbank) thông qua việc phát hành trái phiếu với tài sản đảm bảo là BĐS đã khiến tài sản do ông Tâm sở hữu mất hơn 574 tỉ đồng, xuống còn 820,2 tỉ đồng trong năm nay.

Tại thời điểm ngày 27-12, giá trị cổ phiếu KBC chỉ còn 5.600 đồng, giảm tới 50% so với giá trị được xác lập vào ngày 3/1/2012 là 10.600 đồng/CP; còn giá trị của mã cổ phiếu ITA cũng giảm từ 6.800 đồng xuống 4.600 đồng/CP; mã SGT cũng giảm từ 8.000 đồng xuống còn 4.300 đồng/CP.

2. Nguyễn Văn Đạt (SN 1970, quê Quảng Ngãi) - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR)

PDR từng được biết đến là một trong những mã cổ phiếu bất động sản mạnh, ổn định bậc nhất ở Việt Nam, xong trước tình trạng khó khăn chung của thị trường bất động sản, giá PDR đã giảm từ 18.800 đồng/CP xuống còn 16.000 đồng/CP vào ngày 27/12.

Năm 2010, trong giai đoạn thịnh vượng của thị trường bất động sản, nhờ sở hữu một trong những cổ phiếu bất động sản “hot” nhất thời bấy giờ, ông Nguyễn Văn Đạt đã chính thức đặt chân vào danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán với tổng giá trị tài sản vượt mức 2.600 tỉ đồng.

Tuy nhiên, sự xuống dốc của thị trường bất động sản 2 năm qua đã đẩy khối tài sản mà ông năm giữ giảm “khủng khiếp” xuống còn 930 tỉ đồng. Và nếu chỉ tính riêng trong năm 2012 thì, tổng giá trị tài sản của ông này đã giảm tới 515 tỉ đồng.

3. Nguyễn Thị Như Loan (SN 1960, quê Phú Yên) - Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG)

Nhiều năm liền được ghi nhận là một trong những phụ nữ năng động và tài giỏi, nhưng trong năm 2012, sự xuống dốc của thị trường bất động sản đã đẩy giá trị tài sản của bà Loan “bốc hơi” mạnh.

Nếu như hồi đầu năm 2012, cổ phiếu QCG giao dịch ở mức 13.900 đồng/cổ phiếu, thì đến ngày 27/12/2012 cổ phiếu này đã trượt giảm mạnh chỉ còn 6.700 đồng/CP. Như vậy, nếu lấy số tiền chênh lệch này nhân với tổng số cổ phiếu QCG mà bà Nguyễn Thị Như Loan đang nắm giữ thì số tiền đã “bốc hơi” từ đầu năm đến nay lên tới 340 tỉ đồng. Tuy nhiên, so với giá khởi điểm lúc lên sàn vào tháng 9-2010 là 31.500 đồng/CP thì tài sản của bà Loan đã bốc hơi mất 2/3, tương đương với khoảng 1.427 tỉ đồng.

Và tính đến thời điểm thống kê, tổng giá trị tài sản của bà Loan đã giảm từ 812 tỉ đồng năm 2011 xuống còn 400 tỉ đồng vào năm 2012.

Một điểm đáng lưu ý, tính đến hết Quý III/2012, Quốc Cường Gia Lai đã vay tới 3.129 tỉ đồng, trong đó, nợ ngân hàng lên tới 1.257 tỉ đồng, tăng 150 tỉ đồng so với đầu năm.

4. Bùi Pháp (SN 1962, quê Bình Định) - Chủ tịch Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã cổ phiếu DLG)

Từng đứng thứ 39 trong top 100 người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam năm 2010 với tổng giá trị ước tính 462,898 tỉ VNĐ nhưng cũng như rất nhiều đại gia khác, sự tụt dốc của chứng khoán, bất động sản đã đẩy khối lượng tài sản người đứng đầu Tập đoàn Đức Long Gia Lai hiện nay chỉ còn 90 tỉ đồng. Và nếu tính riêng trong năm 2012, giá trị tài sản của ông Pháp đã giảm tới 355 tỉ đồng so với năm 2011.

Tính đến ngày 27/12/2012, giá trị của DLG chỉ còn 5.000 đồng/CP so với mức giá đầu năm là 19.300 đồng/CP (đây được xem là một trong những mã chứng khoán thê thảm nhất năm 2012).

5. Nguyễn Thị Kim Xuân (SN 1959, quê Sóc Trăng) - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Thủy sản (ICF), từng giữ vị trí thứ 4 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2009 sau khi vượt qua ông Phạm Nhật Vượng (người 3 năm liên tiếp 2010, 2011, 2012 dẫn đầu danh sách những người giàu nhất trên sàn chứng khoán)

Giá trị tài sản của bà Xuân sở hữu được xác lập ở con số 2.600 tỉ đồng vào năm 2009 thông qua việc nắm giữ các cổ phiếu như mã cổ phiếu KBC (Tổng Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị Kinh Bắc); SGT (Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn); SQC (CTCP Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn).

Tại thời điểm trên, tổng giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng chỉ là 2.570 tỉ đồng. Tuy nhiên, với sự đi xuống của KBC, SGT, SQC và kết quả kinh doanh bết bát của 3 công ty trên, giá trị tài sản của bà đã giảm mạnh trong thời gian qua từ 496 tỉ đồng trong năm 2011 xuống còn 264 tỉ đồng trong năm 2012.

6. Đặng Ngọc Lan - Thành viên Hội đồng Quản trị, Phó ban Kiểm toán nội bộ, Ngân hàng Á Châu, thành viên HĐQT VIETBANK (vợ của “bầu” Kiên)

Là một nhân vật đầy bí ẩn trong hàng ngũ đại gia ở Việt Nam và chỉ xuất hiện một cách ầm ĩ sau sự kiện “bầu” Kiên bị bắt.

Với số lượng cổ phiếu là các mã chứng khoán tại một loạt ngân hàng như ACB, Vietbank… năm 2007 bà từng giữ vị trí thứ 4 trong top 10 phụ nữ giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam với giá trị tài sản lên tới 677,7 tỉ đồng. Thậm chí, năm 2009, có thời điểm, giá trị tài sản của bà Lan có lúc đã lên tới 1.045,433 tỉ đồng.

Tuy nhiên, cũng với những biến động mạnh trên thị trường tài chính - ngân hàng, đặc biệt là cú sốc mang tên “bầu” Kiên, giá trị cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh, đặc biệt là Ngân hàng ACB (nơi được cho là bà đang nắm giữ 3,71% cổ phần), số tài sản chứng khoán từ cổ phiếu của hiện có của bà chỉ còn 574 tỉ đồng so với 758 tỉ đồng năm 2011, tức giảm 184 tỉ đồng.

Tính đến ngày 27/12/2012, giá trị cổ phiếu ACB chỉ còn 16.400 đồng/CP giảm 3.000 đồng so với mức giá đầu năm được xác lập đầu năm 2012.

7. Trần Hùng Huy (SN 1978, quê Tiền Giang) - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng ACB

Trong danh mục tài sản, Trần Hùng Huy cùng những người thân trong gia đình cũng nắm giữ lượng lớn cổ phần Ngân hàng ACB. Trong đó, Hùng Huy nắm cổ phần nhiều hơn cả ông Trần Mộng Hùng và bà Đặng Thu Thủy. Các thành viên còn lại trong gia đình Trần Hùng Huy cũng sở hữu nhiều cổ phiếu của ACB như: Chị gái Trần Đặng Thu Thảo, chú Trần Phú Mỹ, cô Trần Tuyết Nga.

Khi thị trường chứng khoán ở đỉnh cao năm 2007, cũng là lúc giá trị cổ phiếu ACB mà Hùng Huy cùng gia đình nắm giữ lên đến gần 4.700 tỉ đồng, tăng gần gấp 2,5 lần năm liền trước. Riêng số cổ phiếu do anh đứng tên năm đó có giá gần 1.370 tỉ đồng.

Theo một lãnh đạo của ACB, kể từ khi sở hữu cổ phiếu ACB đến nay, Trần Hùng Huy chưa từng mua thêm hay bán bớt. Do thị trường biến động, tài sản của anh trên sàn chứng khoán giảm xuống còn gần 500 tỉ vào năm 2008. Từ cuối năm 2010 đến cuối năm 2011, tổng tài sản của Trần Hùng Huy trên sàn chứng khoán giảm từ 750 tỉ xuống còn khoảng 620 tỉ đồng.

Và tính đến thời điểm công bố bảng danh sách những đại gia chứng khoán “cháy túi” năm 2012, tài sản của ông Trần Hùng Huy đã “bốc hơi” 138 tỉ đồng do bị ảnh hưởng bởi giá cổ phiếu ACB sụt giảm. Tài sản chứng khoán năm 2011 của ông Huy từ mã ACB là 566 tỉ đồng nay chỉ còn 428 tỉ đồng.

8. Nguyễn Thị Diệu Hiền - vợ ông Nguyễn Văn Đạt (Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt)

Đây có thể xem là nhân vật “bí ẩn” nhất trong bảng danh sách những người bị thâm hụt tài sản nhiều nhất trong năm 2012 (xin đừng nhầm với bà Phạm Thị Diệu Hiền - nguyên Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Bình An).

Bà xuất hiện trong bảng danh sách những đại gia bết bát nhất trong năm 2012 là “nhờ” sự xuống dốc không phanh của mã chứng khoán PDR. Theo đó, tổng giá trị tài sản của bà hiện có trên sàn chứng khoán là 232 tỉ đồng, giảm 129 tỉ đồng trong năm 2012.

9. Đào Hữu Hoàng (SN 1963, quê TP Hồ Chí Minh) - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần S.P.M (mã chứng khoán SPM)

Tại thời điểm lên sàn, giá trị cổ phiếu của SPM từng được xác định ở mức 72.000 đồng/CP. Tuy nhiên, tính đến ngày 27/12, giá trị của cổ phiếu này chỉ còn 34.600 đồng/CP. Điều này đã khiến tổng giá trị tài sản của ông Hoàng trên sàn chứng khoán giảm 105 tỉ đồng từ 255 tỉ đồng năm 2011 xuống 150 tỉ đồng trong năm 2012.

Không chỉ “nổi tiếng” nhờ lọt vào top những đại gia có tài sản giảm mạnh nhất trong năm 2012, thời gian vừa qua, tên tuổi của ông Đào Hữu Hoàng cũng đã nổi lên khi gắn với một loạt các thương vụ mua bán chứng khoán sai quy định của các thành viên trong gia đình ông.

10. Nguyễn Đức Kiên (SN 1964, quê Hà Nội), người vẫn được biết với tên gọi “bầu” Kiên - nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Sáng lập Ngân hàng Á Châu (ACB)

Không phải là người bết bát nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2012 nhưng “bầu” Kiên được xem là “đại gia” khốn đốn nhất trong năm 2012.

Năm 2006, giá trị tài sản của “bầu” Kiên từng được xác lập ở con số 1.100 tỉ đồng cho 4,1 triệu đơn vị cổ phiếu mà ông này nắm giữ. Tuy nhiên, tại thời điểm bị bắt, tổng giá trị cổ phiếu được tính cho 35,1 triệu đơn vị cổ phiếu ACB (tương đương 3,75% cổ phần ACB) của “bầu” Kiên có giá trị là 555,5 tỉ đồng.

Và tính đến thời điểm thống kê, với việc chứng khoán ACB giảm giá tới 26% đã khiến giá trị tài sản bằng cổ phiếu của đại gia này sụt hơn 168 tỉ đồng, còn khoảng 524 tỉ đồng.

TS Lê Đăng Doanh thẳng thắn nói: “Những đại gia giàu nhất của Việt Nam không phải là những người đã có đóng góp nhiều về khoa học công nghệ, không phải là những người đã có bằng sáng chế, phát minh... mà là những người đã khai thác được nhiều đất đai, nhiều gỗ, đã khai thác được nhiều mỏ… Thế thôi chứ không phải là những người có đóng góp xuất chúng gì về công nghệ như ông Bill Gates và những người khác”.


Thanh Ngọc