Ấn tượng đất nước Triệu Voi

15:13 | 16/07/2012

1,470 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhiều cây xanh, ít nhà cao tầng, đường phố thanh bình, sạch sẽ, ít bụi, không có người ăn xin, thủ đô Viên Chăn giống như một thành phố trung du của Việt Nam. Chỉ mất 3.000 kíp, tương đương gần 60.000 đồng Việt Nam là bạn có thể ngồi ung dung trên chiếc xe tuk tuk đi vòng quanh thành phố...

Khác hẳn với thời gian làm thủ tục quá lâu và lộn xộn ở cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị), việc làm thủ tục vào Lào qua đường Savannakhét khá nhanh. Các nhân viên hải quan Lào rất nhiệt tình và nở nụ cười thân thiện khi chúng tôi đi qua. Tour du lịch đường bộ theo Quốc lộ 9 – cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đi qua Lào – Thái Lan, hành lang kinh tế Đông – Tây gần đây thu hút khá đông du khách trong và ngoài nước. Hành lang này được coi là “con đường vàng” đóng vai trò trọng yếu trong việc đem lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng sông Mê Kông. “Một ngày ăn cơm 3 nước”: Buổi sáng uống cà phê ở khách sạn Đông Trường Sơn (Quảng Trị), trưa ăn cơm tại Mường Phìn (Lào), chiều qua sông Mê Kông, ăn tối và ngủ tại Thái Lan là niềm ao ước và hấp dẫn với du khách.

Một khu vườn tượng ở Lào

Con đường nhựa phẳng lì, thênh thang, hai bên là những cánh rừng xanh ngút ngàn và những buôn làng nhỏ dài gần 300 cây số từ Lao Bảo đi Savannakhét thỉnh thoảng lại bắt gặp những đoàn xe du lịch đi ngược chiều sang Việt Nam. Là địa phương lớn thứ hai sau thủ đô Viên Chăn, Savannakhét chủ yếu là nông nghiệp với hơn 40 vạn dân. Tuy nhiên, du khách trong và ngoài nước đến đây còn thưa thớt, du lịch chưa thực sự phát triển. Đường phố vắng vẻ và thanh bình, lượng hàng hoá khiêm tốn, vì vậy, hầu hết khách du lịch chỉ đi qua đây chứ không dừng lại.

Khách sạn Hoong Thip, nơi chúng tôi ở vào loại sang trọng nhất và nằm ở vị trí thuận tiện. Hướng dẫn viên du lịch Công ty du lịch Saigon Travel Nguyễn Trung Kiên cứ dặn đi dặn lại chúng tôi đi đâu phải cầm theo địa chỉ của khách sạn, nhưng chẳng may quên không đem theo thì chỉ việc gọi một chiếc xe tuk tuk rồi bảo họ đi một vòng quanh thành phố, thể nào cũng tìm thấy khách sạn mình đang ở bởi Savannakhét chỉ có 4 khách sạn.

Sắc áo vàng ở Savanakhét

Sắc áo vàng ở Savanakhet

Những ngôi chùa ở Savanakhét rất cổ kính, nghiêm trang và có kiến trúc rất riêng. Từ rất lâu, phật giáo giữ vị trí rất quan trọng trong tâm thức và đời sống của người Lào. Các lễ hội quanh năm đều gắn liền với một truyền tích tôn giáo nào đó. Với các mái uốn lượn và tháp vàng rực rỡ cùng hoa chăm pa, hoa sứ, hai loài hoa đặc trưng cho đất nước Lào được trồng xung quanh càng làm cho các ngôi chùa thêm ấn tượng và linh thiêng. Từ bao đời nay, chùa không chỉ là nơi thờ Phật mà còn là trường học cho các tăng ni, phật tử và dạy dỗ những người trẻ tuổi. Trước khi vào chùa, bất kể là người bản xứ hay người nước ngoài, tất cả phụ nữ đều phải vào phòng thay quần áo và quấn xà rông giống như phụ nữ Lào và chỉ được cắm một nén hương ở các bàn thờ. Từ các ngôi chùa ấy, sáng sớm các đoàn sư sãi khất thực trong sắc áo vàng lặng lẽ đi thành hàng qua trước cửa các gia đình. Mỗi nhà một người đã ngồi sẵn bên lề đường và họ bốc xôi bỏ vào bình bát của các nhà sư đi qua trước mặt. Người cúng đường (cho xôi) không nói, người khất thực cũng không nói. Đường phố rất yên lặng, thanh bình. Chẳng phải những người này không biết làm nấy mà ăn nhưng khi đi xin bố thí họ muốn khơi gợi ở người đời lòng trắc ẩn, lòng muốn làm việc thiện.

Cũng vừa lúc đoàn nhà sư đi đến cuối đường, bắt ngờ một đoàn nhà sư khác từ một ngõ nhỏ cắt chéo qua, cảnh tượng như thể có một bàn tay đạo diễn điện ảnh bài bản, tạo nên một cảnh phim xao động. Du khách có thể chụp ảnh, những không được để đèn flash hoặc chạy cắt ngang lối đi của các nhà sư. Cũng không ai được nhìn xuống các nhà sư từ một độ cao như ban công các tầng gác. Hàng ngày trên khắp đất nước Triệu Voi ta đều bắt gặp những cảnh như thế. Khoẳng khắc này như một bảo tàng sống lưu giữ nguyên vẹn một tập tục của tăng đoàn Ấn Độ hơn 2.500 năm trước và cũng là một nét đẹp truyền thống tồn tại gần ba thiên niên kỷ của đất nước Lào.

Cổ kính và thanh bình

Tác giả cùng một số người bạn thăm một ngôi chùa ở Lào

Nhiều cây xanh, ít nhà cao tầng, đường phố thanh bình, sạch sẽ, ít bụi, không có người ăn xin, thủ đô Viên Chăn giống như một thành phố trung du của Việt Nam. Chỉ mất 3.000 kíp, tương đương gần 60.000 đồng Việt Nam là bạn có thể ngồi ung dung trên chiếc xe tuk tuk đi vòng quanh thành phố. Viên Chăn thơ mộng với nhiều màu xanh. Thành phố này lãng mạn và mát mẻ hơn bởi sông Mê Kông với làn nước trong xanh chảy qua. Sông Mê Kông dài 4.800 km, lớn thứ 12 trên thế giới chảy qua nhiều nước trong đó có Lào.

Khách sạn Mê Kông, nơi chúng tôi nghỉ nằm sát bờ sông mát rượi. Sáng sáng, ngắm cảnh bình minh trên sông Mê Kông thật tuyệt vời. Còn khi hoàng hôn xuống, những toà nhà cao chọc trời và ánh sáng điện từ bên bờ Thái Lan soi xuống dòng sông lung linh kỳ ảo. Mấy bác lái xe tuk tuk bảo rằng, mùa khô lòng sông có chỗ cạn kiệt, trẻ em hai nước rủ nhau xuống lòng sông đá bóng rồi lại quay về hai nước ăn cơm. Mặc dù tiếng Thái và tiếng Lào khác nhau, nhưng dân hai bên bờ sông vẫn buôn bán, nói chuyện với nhau rất thân tình. Họ được cấp một loại giấy thông hành để có thể qua lại hai bên buôn bán, thăm hỏi nhau dễ dàng. Nhịp sống của người Lào rất chậm so với các nước quanh vùng, nhất là Thái Lan, kể cả trong công việc nên người ta thường ví von “Ngồi uống bia Lào, nhìn nước sông Mê Kông trôi và ngắm hoàng hôn xuống”.

Các điểm du lịch của Viên Chăn khá đa dạng. Chùa Thạt Luổng cổ kính, trang nghiêm, nơi thường diễn ra các lễ hội lớn; chùa Sisakhet với bảo tàng tượng Phật; thánh địa phật giáo Đông dương, Bảo tàng Cay-xỏn-Pôn-vi-hẳn thật hoành tráng, khu vườn tượng được xây dựng dựa theo những truyền thuyết của đạo phật huyền bí….Tuy nhiên, nơi thu hút khách du lịch đông nhất là Khải Hoàn Môn Viemtiane. Toạ lạc trên một khu trung tâm của Viên Chăn, Khải Hoàn Môn do Liên Hiệp Quốc giúp xây dựng năm 1966 cao 42 m. Từ bất cứ hướng nào ta cũng thấy sừng sững Khải Hoàn môn, tiếng Lào là Patuxai (Patu nghĩa là cổng, xai là chiến thắng). Một cái cổng dựng lên để tưởng nhớ những người đã chiến đấu, hy sinh vì đất nước hoa chăm pa.

Nếu nhìn từ xa, Patuxai trông giống như Khải Hoàn Môn của Paris (Pháp). song khi lại gần những đường nét đặc trưng của các dân tộc Lào mới thấy rõ và rất tinh xảo. Những phù điêu chạm trổ trên bề mặt cổng, trên vòm mái đều là những hình ảnh điển hình của đền chùa dân tộc một nước Đông Nam Á. Một cầu thang vòng vèo đưa ta đi lên các lòng Khải Hoàn Môn, tầng nào cũng đầy những cửa hiệu bán đồ lưu niệm. Tầng bảy là đỉnh Khải Hoàn Môn. Phóng tầm mắt nhìn ra 4 hướng, cả thành phố Viên Chăn trải dài bên dưới. Chao ôi đẹp vô cùng!

Du lịch sẽ trở thành ngành mũi nhọn

Thủ đô Viên-chăn

Sáu ngày trên đất nước Triệu Voi, đi đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp những ánh mắt thiện cảm và nụ cười đôn hậu, thuần phác của người dân các bộ tộc Lào. Từ Luông Prabăng đến Savannakhét hay thủ đô Viên Chăn, họ đều mời chúng tôi nếm thử món ăn rất ngon của người Lào là xôi trắng. Thứ xôi được thổi bằng loại gạo nếp dẻo, rất thơm mà lại không dính tay, ăn với thịt nai, thịt bò khô hoặc muối vừng và đã ăn rồi thì không thể quên được. Bữa cơm của người Lào không bao giờ thiếu món măng ớt. Các quán ăn dọc sông Mê Kông rất ngon, chủ yếu là đồ nướng. Đến đây, bạn đừng quên gọi vài chai bia Lào. Bia Lào đậm đà, thơm ngon, từng được báo Asia Mazagine bầu chọn là loại bia ngon nhất châu Á.

Tuy nhiên, nếu đi khắp nước Lào phải cần nhiều thời gian bởi Lào có tới 182 điểm du lịch, trong đó cố đô Luông Prabăng, cánh đồng Chum và một số di tích khác đã được Unesco xếp loại. Lào cũng là quốc gia có truyền thống về văn hoá, lịch sử và nhiều thế mạnh về địa lý, tài nguyên thiên nhiên. Với 20 khu rừng nguyên sinh, hệ thống sông Mê Kông và nhiều sông hồ khác, mấy năm gần đây, Lào đã mạnh dạn đầu tư cho du lịch sinh thái và truyền thống. Năm 2011, đã có gần 3 triệu khách du lịch đến đây, trong đó chủ yếu từ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, châu Âu… thu về trên 400 triệu USD. Tuy vậy, lượng khách du lịch Việt Nam sang Lào du lịch còn khá khiêm tốn, mặc dù ta ở sát nước bạn. Mới đây, Việt Nam đã mở đường bay thẳng từ Hà Nội đi Luang Prabăng nhằm thức đẩy mối quan hệ giữa hai nước, trong đó có du lịch.

Theo ông Phomkham Nam kham, Tham tán văn hoá-giáo dục Đại sứ quán Lào tại Việt Nam, hiện Lào đã và đang đẩy mạnh việc quảng bá du lịch đến các nước, chú trọng đầu tư cho các điểm du lịch và hệ thống giao thông. Dự kiến năm 2012, Lào sẽ đón trên 4 triệu khách du lịch cùng với số ngoại tệ trên 600 triệu USD và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước Triệu Voi, góp phần đáng kể vào nền kinh tế đang tăng trưởng của Lào và tạo việc làm cho khoảng 14.000 lao động.

Trần Thị Sánh