Cái “lý” của người đàn ông đa tình

09:20 | 09/01/2013

2,528 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Đàn ông thời nay mà năm thê bảy thiếp như lão Thào Nhịa Dia ở bản Hua Ty, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La quả là chuyện hiếm. Lão không chỉ nhiều vợ đông con mà còn là một người chồng tốt, người cha gương mẫu (xét về góc độ gia đình). Nay đã ở độ tuổi ngũ thập chi thiên mệnh mà lão Dia vẫn phải nuôi con mọn. Tính cả bầu đàn thê tử nhà lão cũng đủ điều kiện để thành lập 1 bản mới. Khi đã ở tuổi xế chiều, lão mới nhận ra việc đông con, nhiều vợ không sung sướng gì. Lão giải thích rằng, việc lão lấy nhiều vợ là giúp những phụ nữ có nơi nương tựa.

Loanh quanh hỏi đường vào nhà lão Dia, chúng tôi được người dân chỉ vào ngôi nhà gỗ ở cạnh đường chính vào xã. Ngôi nhà gỗ thấp lè tè đã nhuộm màu thời gian, ẩm mùi khói bếp là nơi ở của hàng chục con người. Lão Dia không có ở nhà, chỉ có một phụ nữ người Mông đang cặm cụi ngồi thêu bên bậu cửa. Chị này tên là Giàng Thị Và, tự nhận là vợ bảy của lão Dia. Cạnh chị là mấy đứa trẻ sàn sàn tuổi nhau, quần áo lấm lem bùn đất, nhìn chúng chẳng ai có thể nhận ra đứa nào là chị đứa nào là em. Chị Và bảo: “Chồng tôi vừa xuống chân núi lấy nước. Lát nữa anh ấy mới về”. Hóa ra chục đứa trẻ sàn sàn tuổi nhau đó là con của tất cả các bà vợ của ông Dia.

Năm nay Và mới ngoài 30 tuổi mà đã có tới 4 đứa con cùng lão Dia. Đó còn chưa tính cái bụng của Và đã lùm lùm lên rồi. Hỏi về chuyện những bà vợ trước của lão Dia, Và tỏ ra rất bình thản. Nói đến bà nào Và cũng một câu chị, hai câu chị, trong khẩu ngữ của Và không hề có thái độ hằn học hay ghen tị gì cả. Và luôn tự coi mình là em út của cả nhà. Và bảo: “Bà cả đi sang trông cháu ở tận Mường Nhé (Điện Biên), còn tôi ở nhà trông đàn con này với ông ấy”. Và kể, đến giờ tổng số con của chồng mình đã lên tới con số 23, trừ những đứa con gái lớn của bà cả đi lấy chồng, chúng đều ở lại đây. Lạ hơn là, tất cả những đứa trẻ này đều gọi Và là mẹ, mặc dù chúng đã lấy chồng, lấy vợ rồi. Ngay cả những đứa con của Và cũng vậy, những lúc các bà vợ tập trung tại đây chúng cũng gọi là mẹ.  

Lão Dia vẫn còn rất phong độ

Mặt trời đứng bóng, dưới chân dốc, một người đàn ông đang chở nước. Đó chính là lão Dia mà cánh xe ôm ngoài Thuận Châu phong là người đàn ông đa tình nhất Tây Bắc. Lão Dia đội chiếc mũ rộng vành theo kiểu của những tay cao bồi miền Tây nước Mỹ. Dáng lão thấp đậm, rắn rỏi, chắc khỏe như cây lim, cây nghiến ở trên rừng. Khuôn mặt lão nhuộm màu nắng gió. Giọng nói của lão vang và ấm. Lão có bộ ria dài, dày và đen nhánh. Lần đầu ai nhìn thấy tưởng lão là người hung dữ nhưng khi tiếp xúc rồi mới biết lão hiền khô. Vừa hạ chiếc mũ xuống, lão đã vồn vã mời khách vào nhà như là quen thân lâu lắm rồi. “Nhà báo đã đến đây rồi phải ở lại “hẩu chớ” - uống rượu cùng tôi mới được”.

Như đã thành lệ, bà bảy đã lúi húi ở dưới bếp chuẩn bị bữa ăn trưa, mổ gà xương đen khoản đãi khách. Chưa kịp ngồi ấm chỗ, lão Dia chủ động nói về người vợ này: “Cô này là vợ bảy - em út trong nhà. Tôi vừa kéo về được mấy mùa rẫy rồi. Tuổi của vợ út này bằng tuổi đứa con cả của mình đấy”.

Thoáng sau bữa cơm tươm tất đã được dọn ra, chỉ có tôi và lão ngồi uống rượu. Uống cạn với lão vài chén, lão mới mở lòng tâm sự. Lão sinh năm Kỷ Hợi (1959), thuộc cung Khôn, mệnh Bình Địa Mộc - có nghĩa là cây mọc trên đất bằng. Chẳng thế mà cuộc đời lão gắn bó với rừng như môi với răng vậy. Lão sinh ra trong một gia đình đông anh em. Bố mẹ đều là cán bộ huyện. Khác với những chàng trai Mông ngày đó, lão được bố mẹ cho đi học tại Trường Nội trú Khu tự trị Tây Bắc. Vốn là người thông minh, sáng dạ, bố mẹ lão rất hy vọng sau này lão sẽ là một cán bộ tốt. Một tương lai tốt đẹp đang hứa hẹn lão ở phía trước.

Lão Dia và người vợ thứ bảy cùng một số đứa con

Học đến lớp 7 (khi đó lão tròn 15 tuổi) lão đã thấy lồng ngực mình nổi lên cuồn cuộn. Chân tay bỗng dưng to hẳn lên. Mỗi khi nhìn thấy những sơn nữ đi qua, lão đã bắt đầu cảm thấy trái tim mình đập rộn ràng. Những ngày đi chơi xuân, lão cưỡi ngựa, vai đeo khèn, kèn lá dắt hông, trông lão như một người nghệ sĩ thích lãng du nơi miền Tây Bắc. Lão đi đến đâu các cô gái luôn quây xung quanh lão, bởi vì lão thổi đàn môi rất hay. Mỗi khi tiếng đàn môi cất lên từ lão là các sơn nữ mê mẩn như bị bỏ bùa mê thuốc lú, quên cả lối về. Lão lại được trời phú cho khả năng ăn nói khéo, dễ thuyết phục được người lạ. Sau mấy phiên chợ xuân, lão đã để ý tới một cô gái tên là Lý Thị Sua rất xinh ở huyện Sông Mã. Từ bữa đó tiếng đàn môi của lão nghe da diết và tràn ngập hạnh phúc của kẻ si tình. Cô bé Sua sau này là vợ cả của lão đã không ngần ngại cung cấp đầy đủ địa chỉ xóm, bản để bật đèn xanh cho lão đến “pò lịa” - kéo vợ.

Trong những ngày học ở trường, vốn là người khéo ăn khéo nói lại thổi kèn lá hay, lão đã khiến nhiều cô gái chết mê chết mệt. Cô bé Mùa Thị Mái đã không thoát khỏi “lưới tình” mà lão đã bủa vây. Chỉ sau thời gian ngắn tìm hiểu và yêu đương, Mái đã đồng ý là vợ bé của lão Dia. Lão dẫn vợ hai về nhà, “xin phép” vợ cả cho Mái ở cùng một mái nhà. Lạ thay nàng Sua không ích kỷ mà đồng ý cho Mái là em của mình.

Mới ngoài 20 tuổi mà lão Dia đã có tới 2 vợ. Vì nhiều vợ nên lão bỏ luôn cả nghiệp bút nghiên, lão về bản tiếp tục sự nghiệp “trồng người” của mình. Bà Sua - vợ cả vốn là người mắn đẻ, chung sống với nhau hơn chục năm bà đã cho “ra lò” 13 đứa con, trong đó có 7 con gái, 6 người con trai. Riêng bà hai cũng đã sinh cho lão 1 cậu con trai. Người bố trẻ của mười mấy đứa con luôn phải đầu tắt mặt tối ở trên nương để lo cho cái ăn của cả nhà. Những tưởng khó khăn vất vả đó sẽ khiến cái tính lãng mạn, đa tình của lão không còn đất để phát triển. Nào ngờ sau những chuyến chở đậu tương xuống huyện Thuận Châu bán, lão đã để ý tới một người phụ nữ đã có chồng là Và Thị Lánh (sinh năm 1975). Theo như lời lão Dia, cô Lánh rất đáng thương. Lánh đã có chồng, chưa có con, vợ chồng sống không hạnh phúc. Lánh thường xuyên bị chồng đánh, bữa cơm nào cũng chan đầy nước mắt, tủi cực. Đến năm 1990, Lánh bị chồng ruồng bỏ. Thương phận liễu yếu đào tơ, giữa dòng đời cơ cực, lão đã về nhà bàn với hai người vợ là xin đón nàng Lánh về ở cùng.

Nhà lão Dia có những 2 hộ khẩu

Riêng trường hợp của cô Lánh, bà cả có vẻ không ưng lắm vì Lánh ăn nói không được lễ phép. Đôi lúc lão Dia đã từng có ý định, trả Lánh về nơi ở cũ. Sau thời gian chung sống, tính nết cô Lánh đã được cải thiện. Bà cả cũng dần bỏ qua những điều không hay về cô em này. Lão đã thuyết phục được họ “tiếp nhận” cô em thứ ba của gia đình. Không kém cạnh gì bà cả, cô Lánh cũng đã có 4 đứa con, nâng tổng số con của lão lên 18 đứa. Cứ theo cái “lý” của lão Dia, lão vốn là người hay thương người, các bà vợ kia mỗi người mỗi cảnh, thương tình nên lão đón về nhà ở để có chỗ nương tựa vào nhau. Chứ từ vợ cả, vợ hai, vợ ba, họ đều tự nguyện theo lão, chứ lão chưa hề ép ai phải ở với mình cả.

Có lẽ cũng vì cái “lý”, cái “tình” đó mà lão thuyết phục được tất cả các bà vợ sau này đồng ý cho lão lần lượt đón thêm 4 người vợ nữa có số phận đều đáng thương. Người vợ thứ tư đến với lão cũng hết sức tình cờ. Cô này tên là Quàng Thị Thanh (sinh năm 1973) là người Thái, ở huyện Thuận Châu đã có chồng và 3 đứa con cắp nách. Chồng của Thanh buôn bán ma túy nên bị bắt ở tù. Hai người đã bỏ nhau. Hoàn cảnh của mẹ con cô Thanh này lúc đó rất đáng thương. 4 mẹ con ở trong ngôi nhà dột tứ bề, đứt bữa thường xuyên. Thời gian đầu lão giúp mẹ con Thanh củ khoai, củ sắn, thỉnh thoảng cho cái chăn khi đông về. Sự đi lại giữa hai bên ngày một thân thiết. Và rồi chuyện gì đến sẽ phải đến, vào một ngày xuân đẹp trời, lão đã “thưa” chuyện này với bà vợ cả. Không ngờ bà Sua không trách chồng mà cùng lão xuống tận xã Chiềng Ly để đón bà vợ thứ tư của lão về nhà. Trai người Mông nơi đây cho rằng, nếu lấy vợ hai mà được vợ cả tác hợp thì không có gì phải nghĩ nữa.

Kể về hoàn cảnh của bà vợ thứ tư, tôi thấy trong mắt lão có gì đó xót xa lắm. Lão đưa ánh mắt buồn xa xăm nhìn về phía đỉnh núi xa mờ, làn sương mỏng đã giăng khắp lối. Chẳng mấy chốc ngôi nhà gỗ của lão đã tràn ngập trong sương mù. Sương lùa vào cả trong nhà lạnh buốt. Bỏ thêm củi vào bếp lửa, lão Dia tiếp tục câu chuyện về đời mình, tựa như do ông trời sắp đặt vậy. Ấy là câu chuyện về người vợ thứ năm của lão. Cô này tên là Nguyễn Thị Hải, người Kinh, quê gốc ở Vĩnh Phú. Cô Hải này cũng có số phận long đong. Chồng mất sớm, để lại cho cô một người con trai. Cô Hải làm nghề bán hàng xén, ngày ngày rong ruổi đi khắp nơi. Chẳng hiểu “trời xui khiến” thế nào, khi cô dừng chân bán hàng tại xã Co Mạ lại quen được lão Dia. Biết lão là người nghĩa hiệp, hay thương người, Hải lại mê tít cái anh người Mông râu xồm đã có nhiều vợ này.

Năm nay đã ngoài 50 tuổi nhưng lão Dia vẫn phải làm quần quật để nuôi vợ con

Lão Dia cũng nhiệt tình dang tay đón thêm một thiếu phụ cơ nhỡ đó làm vợ thứ 5 của mình. Đứa con trai của cô Hải là Nguyễn Văn Long cũng được lão nhận là con của mình và được đặt thêm một cái tên của người Mông là Thào Pó Của. Cuộc sống của lão khi đó quả là khó tưởng tượng nổi. Kể cũng tài, một mình lão điều hành sản xuất nông nghiệp cũng lo đủ được cái ăn cho cả nhà. Quan trọng hơn là những đứa trẻ trong nhà đều coi việc lão có thêm vợ, thêm một đứa em nữa là chuyện phải đến vậy. Khoác thêm chiếc áo vào vai, lão Dia xuýt xoa: “Chà mình chưa phải là người nhiều vợ nhất xã Co Mạ này đâu. Ông ngoại của mình mới xứng danh được coi là người đàn ông đa tình nhất xã. Ông có tới 9 người vợ, trong đó có cả người vợ quê ở nước bạn Lào cơ. Ông có tất cả 37 cô con gái và 6 người con trai đấy”.

Không biết có phải do lão được thừa hưởng cái nguồn “gen” quý của ông ngoại hay không, chứ cái tình, cái duyên trong lão vẫn chưa dừng lại. Bà vợ thứ sáu đến với lão như một điều tất yếu. Bà vợ này có cái tên rất mỹ miều là Nguyễn Thị Phương Oanh (sinh năm 1965) - người Kinh. Người vợ thứ sáu này của lão cũng có bản lý lịch tương đối dài. Quê gốc ở Hưng Yên, từng đi lang bạt kỳ hồ khắp nơi buôn bán thuốc Tây và chưa lấy chồng. Theo giải thích của bà Oanh thì bà đến với lão là do “duyên phận”. Một ngày đẹp trời, bà Oanh về bán thuốc tại cửa rừng Co Mạ. Loanh quanh thế nào, bà này lại ở nhờ nhà lão Dia. Chứng kiến cảnh lão vợ nọ con kia mà bà Oanh vẫn yêu lão mới lạ chứ. Bà Oanh yêu lão đến nỗi quên luôn cả lối về, tự nguyện “nhập khẩu” vào đại gia đình của lão Dia.

Ngôi nhà của lão Dia

Người vợ thứ bảy đến với lão cũng hết sức tình cờ. Lão Dia là người đi đầu trong phong trào trồng rừng ở xã Co Mạ. Không những thế, hằng ngày lão còn đi khắp các bản, vận động bà con tham gia trồng, phủ xanh đất trống đồi trọc. Chính trong những ngày dài đánh vật với đất, với cây đó lão đã quen chị Giàng Thị Và (sinh năm 1981) ở bản Hua Ty B, xã Chiềng Bôm. Và lấy chồng đã 13 năm mà không có con. Họ đã đi chạy chữa khắp nơi để kiếm một mụn con mà không thành. Chán cảnh vợ chồng sống với nhau quạnh quẽ, chồng Và đã đi tìm người khác. Khi người tình của chồng có thai, anh chồng này cũng từ bỏ luôn người vợ sau bao năm má ấp vai kề. Thấu hiểu hoàn cảnh của Và, lão Dia đã động lòng trắc ẩn. Lão đã được “tập đoàn thê tử” đồng ý đón chị Và này về nhà “góp gạo thổi cơm chung”. Thế là sau gần 30 năm mải mê yêu đương, lão Dia cũng đã kịp nâng số vợ của mình lên con số 7. Vậy mà lão vẫn còn tiếc nuối vì còn kém 2 bà nữa mới bằng ông ngoại của mình.

Mang tiếng là năm thê, bảy thiếp, nhưng lão Dia chưa bao giờ dám giữ các bà vợ là của riêng mình. Lão Dia kể, mỗi người vợ đến với lão đều theo một con đường khác nhau. Khi đã là vợ lão, lão đều đối xử rất công bằng. Có bà vợ thứ tư người Thái là Quàng Thị Thanh mà lão vẫn còn nhớ mãi. Khi bà này về với lão đã có 3 đứa con riêng thơ dại. Nhà chẳng còn gì ăn. Lão liền đón cả 4 mẹ con về nhà lão. Ra mắt bà cả, thế là chị Thanh trở thành vợ lão. Ăn ở với nhau được mấy năm lão đã có với chị này một đứa con. Khi chồng Thanh ra tù. Ông này muốn nối lại duyên cũ. Lão liền hỏi vợ tư rằng: “Mình còn tình cảm với người ta thì nên về. Tôi không ngăn cản gì đâu”. Chị này “chia tay” với lão rất nhẹ nhàng như thế. Trước hôm về với chồng cũ, lão Dia mời anh chồng cũ đến nhà lão uống rượu. Lão còn cho gà, lợn, gạo… để cho họ đoàn tụ có cái mà sống trong những ngày đầu. Lão còn bảo: “Đấy con của ông, tôi nuôi chúng lớn nên người. Từ lúc chúng đến ở với tôi, chúng chưa phải chịu đói một bữa nào. Tôi luôn coi chúng như con của mình. Giờ ông đón về. Đứa con của tôi với vợ ông thì ở lại nhà tôi”.

Chị và - người vợ thứ bảy của lão Dia

Sau khi vợ tư ra đi, cuộc sống của lão vẫn vậy, không có gì xáo trộn. Lão vẫn thản nhiên như chẳng có chuyện gì. Lão bảo: “Cuộc sống là vậy, lão chưa bao giờ ép bà nào phải theo ý của lão cả”. Thực ra, người vợ xa lão đầu tiên là bà hai. Vì bà này là cán bộ nên chỉ ở với lão được vài năm. Bà này đã có với lão một đứa con trai. Khi bà này mong được nuôi đứa con đó, lão cũng rất sẵn lòng. Thỉnh thoảng lão cũng xuống thăm họ. Khi chở theo con lợn, khi bao gạo. Lão bảo: “Vợ đi rồi thì thôi, chứ mình phải có trách nhiệm với đứa con của mình”. Sau này hai bà vợ người Kinh xin được đi lấy chồng khác cũng vậy, lão không hề gây khó dễ. Lão cho rằng, có thể duyên số của lão với họ cũng chỉ được đoạn ấy. Vợ ra đi nhưng họ để lại con cái cho lão nuôi. 

Thời gian thấm thoát thoi đưa, giờ chỉ còn người vợ cả và người vợ bảy là ở với lão. Bà cả đã già, thỉnh thoảng hay đi bế cháu cho con. Ngôi nhà rộng thênh thang nhà lão là nơi ở của những đứa con. Hiện tại 10 đứa con nhỏ của lão vẫn đang đi học. Lão bảo, từ khi lấy vợ đến nay, cuộc đời lão chỉ xoay quanh vấn đề cơm, áo, gạo, tiền… Lão làm quần quật ở trên nương, chẳng mấy khi được nghỉ lấy một ngày. Miệng ăn núi lở, cái nương, cái rẫy, nhiều khi còn không đủ lương thực cho các con ăn. Lão còn tích cực tham gia trồng rừng trên đỉnh Co Mạ. Hiện tại, lão đang cai quản 60ha rừng thông. Đây cũng là nơi để các con lão Dia trông vào.

Phóng sự của Linh Nhi