"Chợ lao động nữ" - những mảnh đời cơ cực

00:29 | 12/08/2012

4,200 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Họ là những người phụ nữ quanh năm tần tảo làm thuê đến từ nhiều vùng quê khác nhau. Người ta thường cho rằng, các chợ lao động chỉ dành cho những nam giới vốn quen với công việc nặng nhọc. Song ở Hà Nội, hiện đã hình thành những chợ lao động tập trung toàn phụ nữ hành nghề “bốc vác, bán hàng rong” như: Khu vực chợ đầu mối Long Biên, chợ lao động nữ Phùng Khoang, chợ đầu mối Bắc Thăng Long, dốc đường Bưởi (gọi tắt dốc Bưởi)… Họ, mỗi người một hoàn cảnh, song cũng không ít những éo le của cuộc đời và số phận.

Dằn lòng mưu sinh nơi phố thị

3 giờ sáng, chúng tôi tìm đến chợ đầu mối Long Biên đã thấy dòng người tấp nập khuân vác hàng thuê từ trên xe ôtô xuống tập kết vào các gian hàng chờ khách đến lấy. Tại khu vực này, đa số là những người chuyên làm công việc bốc vác, gánh hàng thuê cho các chủ xe. Bên cạnh những người bốc dỡ, gánh và vận chuyển hàng hóa thuê còn có một đội ngũ những người chuyên buôn bán hàng rong đến đây mua rồi gánh đi bán rong khắp các ngõ ngách trên địa bàn thủ đô.

Đối với chợ lao động phụ nữ Phùng Khoang (gần khu vực Trường đại học KHXH&NV Hà Nội) không khí tấp nập cũng không kém chợ hoa quả Long Biên. Chỉ khác ở chỗ, khu vực chợ này họ “họp” muộn hơn một chút, thường bắt đầu khoảng 5 giờ sáng. Không ai bảo ai, những người phụ nữ nông thôn tập trung về đây để tìm việc làm trong những lúc nông nhàn. Họ sẵn sàng làm mọi việc từ: Dọn dẹp, lau chùi nhà cửa, rửa bát thuê, gánh gạch, xúc đất, dỡ nhà, trông trẻ, tháo quạt, đồ điện hỏng, đánh giấy ráp bàn, ghế… để mưu sinh cho cuộc sống hàng ngày và hy vọng dành dụm một chút gửi về cho gia đình chăm lo con cái học hành.

Chị Vũ Thị Huế (34 tuổi, quê Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) được mọi người trong khu nhà trọ đặt cho biệt hiệu người “vất vả” nhất xóm. Chị kể: “Chưa đầy 19 tuổi tôi lấy chồng người cùng làng. Đến năm 24 tuổi, chưa tròn 5 năm tôi đã sinh 3 đứa con. Cuộc sống nghèo khó, ít ruộng nương, đói ăn liên miên nên vợ chồng tôi đã phải gửi 2 đứa con lớn cho ông bà nội và đứa út cho bà ngoại chăm sóc để đi làm ăn xa. Chồng tôi lên Cao Bằng - Bắc Kạn đào vàng, sa khoáng thuê; còn tôi theo mấy chị em cùng quê xuống Hà Nội tìm việc. Một tuần đầu phơi nắng, dầm mưa tất tưởi đi tìm việc nhưng mình không thạo đường nên không tìm được. Ngồi lân la mãi ở quán nước đầu xóm trọ, tôi được mấy ông xe ôm mách tìm đến chợ lao động Phùng Khoang tìm việc, cứ 4 giờ 30 phút sáng là chị em chúng tôi đã ra đó đứng chờ. Ngày đầu may mắn có người thuê rửa bát, gánh phế thải xây dựng đi đổ… Được vài tuần, thấy công việc vất vả, an ninh ở khu nhà trọ bất ổn chúng tôi “dạt” về chợ Long Biên bắt đầu cuộc hành trình tìm việc mới”.

Sang đây, chị chọn cho mình nghề buôn bán hàng rong để kiếm sống. Gần 8 năm qua, sáng nào chị cũng có mặt ở chợ Đồng Xuân - Bắc Qua từ lúc 5 giờ sáng để mua buôn hoa quả đem đi bán lẻ. Công việc đều đặn đã giúp chị có chút thu nhập gửi về cho ông bà nội, ngoại nuôi cháu ăn học. Thế nhưng, cuộc đời thật trớ trêu, chồng chị bị tai nạn và tử vong khi đang khai thác sa khoáng ở Bắc Kạn. Lo tang chồng xong, chị quay trở lại Hà Nội tiếp tục công việc bán hàng rong. Hôm ấy, mua được gánh hàng hoa quả với số lượng gần 1 tạ, giá tương đối mềm so với mọi khi, chị rong ruổi khắp các phố nhỏ, ngõ nhỏ để bán hàng.

Song như một điềm chẳng lành, không hiểu sao, gánh hàng của chị bán mãi không vơi, chị đành phải cố tìm đến các quán cà phê, giải khát để mời mua nhằm gỡ lại vốn. Đến gần 22 giờ, chị về gần khu nhà trọ thì bị mấy con nghiện chặn đường trấn tiền, bị chúng đánh gãy chân phải nằm viện. Bây giờ sức khỏe suy giảm, chị phải đi rửa bát thuê chỉ được 30-40 nghìn đồng/ngày. Chị nghẹn ngào: “Tôi cố gắng làm vài tháng nữa thì khăn gói về quê, cảnh tha phương cầu thực kiếm miếng cơm, manh áo nơi phố phường này thật gian nan và đầy cạm bẫy”…

Chút hy vọng “gửi” vào tương lai của các con…

Cuộc đời mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người một niềm vui - nỗi khổ, không ai giống ai! Họ là những lát cắt “mỏng” trong số phận của những người phụ nữ nghèo khó tìm về thành thị kiếm việc làm với một ước mơ bình dị là kiếm thêm thu nhập để trang trải cho cuộc sống gia đình và chăm lo con cái học hành. Nhưng không dễ để đạt được những mong ước bình dị ấy...

Cũng như nhiều người lao động ngoại tỉnh khác về Hà Nội nhưng chị Hoàng Thị Minh (42 tuổi, quê Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) lại không chọn cho mình công việc gánh hàng thuê hay bán hàng rong như chị Huế, chị Hà mà “dấn thân” vào một công việc “đặc biệt”, đó là tháo dỡ quạt cho các chủ cửa hàng sửa chữa quạt và đồ điện ở phố Đường Thành gần 2 năm nay. Chị kể: Công việc của chị bắt đầu từ 6 giờ sáng, tuy chỉ ngồi một chỗ nhưng cũng vất vả, độc hại. Do trong quá trình sửa chữa đồ điện tử, người ta hay sử dụng những loại hóa chất, keo, axít… nên ít nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe. Trung bình mỗi tháng chị thu nhập được 1,5-1,7 triệu đồng. Với số tiền ấy, chị ăn uống, trả tiền phòng trọ mất khoảng 500-600 nghìn đồng (vì chị ở chung với 8 người, tiền thuê nhà hàng tháng mất 100 nghìn đồng/người); số còn lại chị gửi về cho chồng trang trải cuộc sống và lo cho con cái học hành.

Chị kể tiếp, tuy cả hai bố mẹ đều đi làm ăn xa nhà nhưng hai cô con gái (đứa lớn 16 tuổi và đứa nhỏ 12 tuổi) đều ngoan ngoãn, học giỏi và biết thương bố mẹ. Đó là sự khích lệ rất lớn đối với chị. Chị quả quyết, nếu các cháu học được, vợ chồng tôi quyết tâm cho học đến cùng, gian khổ mấy tôi cũng chịu được. Miễn sao chúng nó học hành chăm chỉ để sau này kiếm cái nghề nuôi sống bản thân.

Không có được may mắn và hạnh phúc về các con như chị Minh, chị Dung, quê ở tỉnh Hưng Yên nghẹn ngào tâm sự: Vài năm trở lại đây, làng tôi bị thu hồi 2/3 diện tích đất để làm khu công nghiệp. Người dân được chút ít tiền đền bù đất, nhưng con em lại hư hỏng nhiều. Thanh niên chừng 15-30 tuổi quê tôi lêu lổng, ăn chơi đua đòi, đã không ít người dính vào nghiện ngập, trộm cắp… Tôi có thằng lớn 16 tuổi, đang học cấp THPT phải bỏ học giữa chừng do chơi bời, đàn đúm với bạn bè cùng trang lứa, chúng vào khu công nghiệp ăn trộm nên bị bắt và đang bị quản thúc tại địa phương. Còn thằng thứ 2 đang học lớp 8, cháu ngoan và có ý thức trong việc học nên vợ chồng tôi quyết tâm đầu tư cho con học với niềm hy vọng là thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn…

Cuộc mưu sinh nơi phố phường thật gian nan và nhiều cạm bẫy. Song, những người phụ nữ làm thuê mà chúng tôi có dịp gặp, trò chuyện luôn tần tảo sớm khuya để kiếm những đồng tiền bằng chính mồ hôi, nước mắt của mình. Họ luôn có ý chí vươn lên trong cuộc sống, cho dù có khó khăn, vất vả đến nhường nào đi nữa, những đứa con ngoan, học giỏi là chỗ dựa tinh thần và là động lực giúp các chị vượt qua tất cả với niềm hy vọng vào ngày mai tươi sáng của các con…

Ngô Xuân Lộc