Chuyện buồn dưới chân Pù Lôm

07:00 | 12/10/2014

1,419 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Lâu nay, đỉnh Pù Lôm thuộc địa bàn xã Lượng Minh, huyện Tương Dương (Nghệ An) được nhiều người biết đến là địa điểm tập kết, trao đổi “hàng trắng” khét tiếng với sự tinh vi, xảo quyệt và manh động của các “ông trùm”. Cuộc chiến trên núi vẫn còn tiếp diễn, bản làng dưới chân Pù Lôm đã xảy ra không ít chuyện buồn và những người gánh chịu mất mát lớn nhất vẫn là phụ nữ và trẻ em.

Năng lượng Mới số 358

Chúng tôi ngược rừng lên xã Lượng Minh vào một ngày đầu mùa Thu, khi những cơn mưa rừng bắt đầu tuôn xối xả, dòng Nậm Nơn càng trở nên hung dữ hơn ngày thường. Xốp Mạt và Lượng Minh - hai bản dân tộc Thái dưới chân Pù Lôm hiện ra với những ngôi nhà liêu xiêu, tuềnh toàng bên dòng Nậm Nơn. Nơi đây từng được ví là “miền đất trắng”, bởi không ít gia đình đã rơi vào cảnh bất hạnh, ly tán vì liên quan đến ma túy. Đến Lượng Minh chưa đầy một ngày mà chúng tôi đã nghe biết bao câu chuyện buồn não nuột.

Chuyện người mẹ ở Minh Phương

Hay tin cô bé 7 tuổi Kha Thị Khánh Ly đã được lực lượng công an giải cứu khỏi tay kẻ bắt cóc, trở về đoàn tụ với gia đình, chúng tôi tìm về bản Minh Phương để tìm hiểu rõ sự tình. Chị Lương Thị Liên (sinh 1968) - mẹ của Ly nói trong nước mắt: “May được các chú công an nhiệt tình giúp đỡ, tìm cách giải cứu con gái tôi khỏi bàn tay kẻ ác, nếu không tôi sẽ ân hận suốt đời...”. Rồi chị kể rõ về nguồn cơn câu chuyện, bắt đầu từ khoảng 7 năm về trước.

Chuyện buồn dưới chân Pù Lôm

Chị Lương Thị Liên trình bày lại sự việc

Cách đây khoảng 7-10 năm, hoặc lâu hơn thế, “cơn lốc trắng” tràn đến tàn phá các bản làng trên địa bàn xã Lượng Minh, đặc biệt là hai bản Minh Phương và Xốp Mạt. Buôn bán ma túy mang lại “siêu lợi nhuận” nên không ít người đã bị cuốn theo “cơn lốc” này. Ban đầu là đàn ông trở thành đệ tử của “con ma trắng”, họ trở thành tay sai của những kẻ trú ẩn trên đỉnh Pù Lôm. Nhưng lưới trời lồng lộng, việc làm của họ không thể che mắt được lực lượng chức năng nên nhiều người đã dính vào vào lao lý. Có thời, bản Minh Phương và Xốp Mạt được gọi là “bản không chồng”. Bởi, đàn ông phần nhiều thường hay vắng nhà, nếu không thụ án vì tội buôn bán, tàng trữ chất ma túy thì cũng đang ở trại cai nghiện hoặc lẩn trốn trong rừng sâu. Những người phụ nữ ở đây bất đắc dĩ trở thành trụ cột của gia đình. Cuộc sống khó khăn, nương rẫy ngày một bạc màu, kiếm được đồng tiền, cân gạo thực sự không phải chuyện dễ. Trong khi đó, chỉ cần nghe theo lời kẻ xấu vận chuyển, buôn bán mất tép hêrôin cũng đủ tiền ăn uống, mua sắm cả tuần, thậm chí cả tháng không phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt. Vậy là một số chị em ở Minh Phương, Xốp Mạt bắt đầu bị “cơn lốc trắng” cuốn theo. Chị Liên cũng thế, trong một lần vận chuyển hêrôin, bị công an bắt giữ và phải lĩnh án tù.

Ngày chị Lương Thị Liên nhận quyết định thụ án, Khánh Ly chưa đủ lớn, người mẹ phải mang theo đứa con gái út bé bỏng vào trại giam. Thương hoàn cảnh của mẹ con chị, cán bộ quản giáo và chị em cùng phòng giam hết lòng giúp đỡ. Đặc biệt, trong đó phải kể đến bà Hoàng Thị Canh (SN 1950), quê ở xã Cẩm Duệ, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đã giúp đỡ, chia sẻ nhiệt tình. Người phụ nữ này vào tù vì tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản công dân. Bà Canh đã cùng chị chăm sóc bé Khánh Ly từng bữa ăn, vỗ về từng giấc ngủ và nựng mỗi khi cháu quấy khóc. Tình cảm vì thế mà ngày thêm gắn bó, chị Liên đã không ngần ngại gọi bà Canh là “mẹ” và xưng “con”. Khánh Ly quý mến và xem bà Canh như một người bà thực sự. Ngày chị Liên mãn hạn tù, bà Canh nói sau này sẽ tìm về bản để thăm 2 mẹ con, thăm gia đình...

Năm 2013, khi đã ra tù, trở về với các con, chị Liên hết sức bất ngờ khi thấy bà Canh tìm đến nhà thăm như lời đã hứa. Cứ ngỡ bà Canh nói để mà nói vậy thôi, ai ngờ khi ra tù bà dò dẫm lên  đến tận nơi xa xôi heo hút này để  gặp lại mẹ con chị. Bé Khánh Ly lúc này đã lên 6 tuổi, học lớp 1, được bà Canh cho bao nhiêu là quà. Riêng trong năm này, bà Canh đã 2 lần ngược rừng lên tận Lượng Minh để gặp mẹ con chị Liên với áo quần, sách vở, kẹo bánh cho bé Khánh Ly. Đặc biệt, phải kể đến món quà lớn nhất là chiếc xe đạp nhỏ bà Canh mua cho cô bé để tiện cho việc đi học, dù điểm trường tiểu học đóng tại bản, dù con đường ở đây đèo dốc cheo leo không hợp với loại xe vận hành bằng sức người này.

Đầu năm 2014 này, bà Canh lại khăn gói lên thăm gia đình chị Liên và lại mang theo quà cho Khánh Ly. Tước sự nhiệt tình và ân, gia đình chị Liên đã thực sự xúc động và ngày một tin tưởng tình cảm của người bạn tù năm xưa. Đến cuối tháng 7 vừa rồi, căn bệnh viêm phế quản bị tái phát, chị Liên phải ra bệnh viện huyện để điều trị. Chị nằm viện được mấy ngày, tình cờ người bạn tù lại gọi điện hỏi thăm. Khi biết chị Liên đang ốm, phải điều trị ở bệnh viện, bà Canh tức tốc lên thăm và ở lại 2 ngày để chăm sóc rồi mới trở về.

Mấy ngày sau, chị Liên lại nhận được điện thoại của bà Canh hỏi thăm tình hình sức khỏe và muốn biết ai đang chăm sóc chị tại bệnh viện. Chị thật thà kể rằng, hôm nay con trai đầu bận việc phải về nhà, giờ chỉ có 2 chị và bé Khánh Ly ở bệnh viện. Nghe vậy, bà Canh lại tức tốc bắt xe khách ngược lên Bệnh viện Tương Dương để thăm hỏi và “chăm sóc”. Bà này thường dẫn bé Ly ra ngoài mua quà bánh, hai “bà cháu” suốt ngày quấn quýt với nhau. Chiều hôm sau, bà Canh đề nghị với mẹ của cô bé rằng, sắp đến năm học mới, Khánh Ly chuẩn bị đến trường nên bây giờ cho nó theo “mẹ” về Vinh, “mẹ” sẽ mua cho nó ít sách vở, quần áo để đi học, ngày mai “mẹ” lại đưa nó trở về.

Thực tình, chị Lương Thị Liên khôn muốn để con gái đi xa, nhưng bà Canh cứ nài nỉ, hơn nữa bé Khánh Ly cũng có ý muốn đi nên chị đồng ý và không mảy may nghi ngại. Ngày hôm sau, người đàn bà ấy gọi điện báo tin chưa thể đưa Khánh Ly về được, vì còn bận công việc ở Vinh. Ngày sau nữa, chị Liên lại nhận được điện thoại của bà Canh bảo đang đưa bé Ly đi Cửa Lò, sáng mai sẽ đưa cháu về Tương Dương.

Chuyện buồn dưới chân Pù Lôm

Cậu bé Lương Văn Mậu trên đường đến lớp

Sáng ngày tiếp theo, linh tính của người mẹ mách bảo chị Liên biết đang xảy ra điều chẳng lành nên chủ động gọi điện cho bà Canh. Chị chỉ nhận được những câu nói bâng quơ, rồi bỗng dưng mất tín hiệu, không liên lạc được nữa. Lúc này, cả gia đình mới nghĩ đến khả năng Khánh Ly bị bắt cóc, lập tức báo tin và nhờ công an giúp đỡ. Tiếp sau đó là những ngày chị Liên và các thành viên trong gia đình sống trong nỗi lo âu, thấp thỏm và day dứt. Chị tự trách mình sao nhẹ dạ cả tin, trách mình đã “gửi trứng cho ác”. Chị cật vấn chính mình: “Có lẽ nào bà ấy lại làm điều ác với con gái mình? Hồi còn ở trại giam, bà ta thương con Khánh Ly lắm, rồi thời gian qua đối xử tốt với gia đình mình, chẳng lẽ...?”. Rồi chị chỉ biết cầu mong lực lượng công an sớm tìm được bà Canh, đưa con gái Khánh Ly bé bỏng về với mình.

Những câu hỏi chị Lương Thị Liên đặt ra cho chính mình được giải đáp khi gần 10 ngày sau, Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với Công an huyện Tương Dương và Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế bắt được đối tượng Hoàng Thị Canh đang lẩn trốn ở thành phố Huế, giải cứu thành công bé Kha Thị Khánh Ly. Người bạn tù năm xưa của chị Liên đã hiện nguyên hình là kẻ tên tội phạm bắt cóc trẻ em. Lúc này, chị Liên mới thực sự vỡ lẽ: “Cứ tưởng nó tốt với mẹ con mình, không ngờ nó lại làm điều ác đến thế”. Và có lẽ gia đình chị Liên không thể nào quên ngày 12-8-2014, ngày con gái út của chị trở về đoàn tụ với gia đình sau hơn 10 ngày lưu lạc. Ai nấy đều vui mừng đến chảy nước mắt, vì có lúc cứ ngỡ sẽ chẳng được gặp lại thành viên nhỏ bé này. Cô bé Khánh Ly sà vào lòng mẹ mà khóc nức nở, hai cánh tay ôm chặt lấy người mẹ vì sợ nếu bỏ ra, một lần nữa sẽ tuột khỏi bàn tay mẹ và rời xa mãi mãi...

Nối tiếp câu chuyện buồn

Trên tuyến đường chạy dọc sông Nậm Nơn, người ta thường thấy một cậu bé bị dị tật, thân hình nhỏ thó, phải di chuyển bằng cả chân và tay. Cậu bé ấy tên là Lương Văn Mậu (sinh 1998), cháu ngoại của bà Lô Thị Lan, cũng ở bản Minh Phương. Mậu được bà ngoại cưu mang vì bố mẹ từng buôn bán, vận chuyển hêrôin rồi bị dính vào vòng lao lý. Hiện tại, người bố đã mãn hạn tù nhưng không về nhà để chăm nuôi con cái. Còn người mẹ, với cái án dài đến 14 năm, giờ đây mới đến năm thứ 11 nên phải 3 năm nữa mới có cơ hội trở về chăm lo, nuôi dưỡng đứa con rứt ruột đẻ ra. Từ khi mới lọt lòng, không hiểu vì sao đôi chân Mậu cứ co quắp và dính sát vào phần bụng. Đi khắp các bản làng tìm thầy cứu chữa, cuối cùng một thầy lang đã giúp Mậu duỗi được đôi chân ra một ít.

Sau đó, bà Lan đưa cháu đi chữa trị khắp nơi, vào đến tận thành phố Hồ Chí Minh nhưng đều nhận được câu trả lời “Y học bó tay”, vì dị tật của em có từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Bà Lan chia sẻ: “Nuôi thằng Mậu vất vả lắm, vì từ nhỏ nó đã không bình thường, từ việc ăn uống, đi lại đến các sinh hoạt khác rất khó khăn. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, nó là cháu mình, mình không thương nó thì còn có ai thương nên vợ chồng tôi càng quan tâm và chăm lo cho nó nhiều hơn”.

Chuyện buồn dưới chân Pù Lôm

Đường độc đạo vào bản Xốp Mạt - Pù Lôm

Ở nơi từng được mệnh danh là “rốn” ma túy như xã Lượng Minh, đặc biệt là ở bản Xốp Mạt và Minh Phương, hoàn cảnh vợ chồng vướng vào vòng lao lý hoặc chết vì căn bệnh thế kỷ HIV, để lại con thơ cho ông bà nội, ngoại nuôi nấng như trường hợp bà Lan không phải là hiếm. Ngay như bà Lan, khi trò chuyện cũng chỉ kể riêng hoàn cảnh tù tội của bố mẹ em Mậu là anh Lương Văn Tĩnh (con rể) và chị La Thị Nguyệt (con gái). Qua tìm hiểu, những người hàng xóm của Bà Lan cho biết con cái của bà (cả trai, gái, dâu, rể) hầu hết đã và đang chịu thi hành án vì tội buôn bán, vận chuyển ma túy. Điều này đồng nghĩa với việc vợ chồng bà Lan không chỉ nuôi mỗi mình Mậu, mà còn thêm hơn 10 cháu nội ngoại khác. Đến độ tuổi có thể làm việc tay chân, những đứa trẻ ấy rời xa mái nhà của bà để tìm đường mưu sinh.

Cách nhà bà Lan không xa là gia đình ông Lương Văn Nâm (65 tuổi), người được xem là đang giữ “kỷ lục” khi toàn bộ 10 người con trai, gái, dâu, rể đều phải ngồi tù vì tội buôn bán “cái chết trắng”. Do vậy, ông phải còng lưng cuốc rẫy để nuôi tất cả các cháu nội, ngoại, đứa lớn nhất năm nay 20 tuổi, đứa nhỏ nhất mới lên 5. Có mấy đứa lớn đã vào miền Nam làm thuê  kiếm sống và gửi tiền về nuôi em. Hỏi: “Ông đã nuôi cả thảy bao nhiêu cháu?”, ông Nâm ra chiều đăm chiêu suy nghĩ nhưng vẫn không thể nhớ chính xác. Cuối cùng, ông phải nhìn lên vách gỗ, nơi có dán mấy tấm ảnh để kể tên từng đứa cháu ông bà đã ra sức cưu mang.

Đang lúc chuyện trò, một cậu bé có cái đầu trọc lốc bước vào và lễ phép  chào khách. Đó là Lữ Trung Kiên (sinh năm 2000), là cháu ngoại của ông. Hỏi chuyện với Kiên, được biết bố của em là Lữ Văn Nang, từng chịu thi hành án 8 năm tù, mãn hạn từ năm ngoái và hiện giờ đang làm nhân công đãi vàng ở tỉnh Quảng Nam. Còn mẹ của em là Lương Thị Xoan, người 5 năm trước phải nhận bản án 17 năm tù giam và hiện đang trong thời gian thi hành án, tức là phải tới 12 năm nữa mẹ con mới có cơ hội được đoàn viên. Kiên năm nay lên lớp 9, được các thầy, cô giáo đánh giá có năng lực, chăm chỉ đến lớp và có nhiều cố gắng trong học tập. Hỏi về tương lai, Kiên cũng lắc đầu: “Không biết!”. Ông Nâm chợt thở dài: “Vợ chồng tôi già đến nơi rồi, giờ cầm cái cuốc không còn vững nữa, biết có nuôi nổi nó học lên tiếp hay không. Mà có phải một mình nó đâu, còn có những đứa khác nữa...”.

Chuyện buồn dưới chân Pù Lôm

Xã Lượng Minh tiêu điều vì ma túy

Từ Minh Phương, chúng tôi vòng lại Xốp Mạt. Cách đây không lâu, các nhà khoa học thuộc Viện Vật lý địa cầu khẳng định phía trong hòn núi phía sau bản có một vết nứt lớn gây nên hiện tượng trượt lở đất, đe dọa sự an toàn tính mạng nên người dân phải di dời đến nơi ở mới. Nhưng nơi ở mới đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng nên bà con Xốp Mạt đang phải dựng nhà tạm dọc tả ngạn sông Nậm Nơn để sinh sống. Do vậy, cuộc sống nơi đây đang thật sự bộn bề. Căn nhà nhỏ bằng tranh tre, nứa lá của chị Lô Thị Tấm nằm chênh vênh bên mép sông, có cảm giác như nước bất ngờ dâng cao, một trận lũ quét cuốn qua căn nhà ấy sẽ không còn dấu tích.

Số phận chị Tấm cũng giống với nhiều người phụ nữ khác ở đất Lượng Minh, chồng chị là anh Lô Văn Mão đang ở tù vì tội buôn bán, vận chuyển hêrôin từ năm 2005, để lại cho chị 2 đứa con gái còn nhỏ dại là Lô Thùy Trang (sinh 1999) và Lô Thị Mai Chi (sinh 2001). Và trong thời gian chồng đang thụ án, chị Tấm sinh thêm bé gái thứ 3 là Lô Thị Yến Nhi (2010). Căn nhà trống huơ trống hoác, chẳng có thứ gì giá trị ngoài 2 chiếc giường gỗ và chăn màn, xoong chậu để ngổn ngang. Có lẽ do e ngại về hoàn cảnh của mình nên chị Tấm không thật sự cởi mở khi trò chuyện. Hỏi: “Chị làm cách nào để có cái ăn hằng ngày cho các con?”. Chị thủng thẳng: “Đi làm rẫy và lên rừng hái măng”. Hỏi chuyện học hành của các con, chị đáp: “Bây giờ đang đi học gần nhà, lại được nhà nước hỗ trợ nên chưa tốn kém lắm. Mong được nhà nước tiếp tục hỗ trợ để các cháu được học tiếp lên cao hơn, để có cơ hội tìm một cái nghề cho đỡ vất vả”.

Được biết so với mấy năm trước, số lượng trẻ em có bố hoặc mẹ, hoặc cả bố và mẹ đang thụ án vì tội buôn bán ma túy ở Lượng Minh đã giảm. Nhưng hiện tại, con số này cũng đang ở mức hàng chục. Bởi lẽ, các đầu nậu buôn bán ma túy từ nước ngoài về vẫn chọn núi Pù Lôm và địa bàn xã Lượng Minh để làm điểm trung gian trao đổi và vận chuyển “hàng trắng”. Trong khi đó, đời sống người dân nơi đây vẫn còn nghèo (tỷ lệ đói nghèo chiếm khoảng 80%), trình độ dân trí còn hạn chế. Vì thế, một số người dân vì cái lợi trước mắt vẫn đang bị những đầu nậu sai khiến và bị trói chặt bởi “con ma trắng”. Nói cách khác, mầm mống và nguy cơ gieo rắc “cái chết trắng” vẫn còn hiển hiện trên đất Lượng Minh.

Rời đất Lượng Minh, chúng tôi không khỏi day dứt trước một câu hỏi chưa tìm được lời đáp: Bao giờ Lượng Minh “sạch” ma túy để những gia đình nơi đây được hạnh phúc, để những đứa trẻ không còn phải sớm gánh chịu nỗi đau bất hạnh?

Bùi Khánh Huyền

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps