Chuyện ma cà rồng miền sơn cước

07:00 | 01/02/2013

12,185 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Thị xã Lai Châu giờ đây giống như một thiếu nữ ở trong rừng sâu tỉnh dậy sau mới một giấc ngủ dài. Lai Châu đang phấn đấu đưa thị xã lên TP cấp 3, ấy vậy mà lẩn khuất đâu đó vẫn còn những câu chuyện rùng rợn về ma cà rồng.

Đêm đêm ma cà rồng lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm, rình nhà nào sơ hở là vào hút máu người. Ai bị ma cà rồng hút máu sẽ bị bệnh vàng da rồi chết. Cả cái xóm nơi miền biên viễn này đã và đang phải dùng đủ những thứ mẹo, bẫy… để chống lại ma cà rồng.

Cái xóm núi đó giờ được gọi là tổ dân phố khi Lai Châu lên thị xã. Những người già Tổ dân phố 1, phường Quyết Thắng nơi đây bảo, đã rất nhiều lần giáp mặt “phi sư” (theo tiếng Thái nghĩa là ma cà rồng). Ngày chúng là người, đêm chúng biến thành những hình thù kỳ quái, ghê rợn. Ma cà rồng là những bóng sáng xanh chập chờn lang thang khắp nơi để ăn xác thối và hút máu người. Đã thành thông lệ, người dân nơi đây đêm xuống là cửa đóng then cài, hạn chế không ra đường bởi lẽ có thể bị ma cà rồng tấn công.

Những câu chuyện đầy chất liêu trai

Quả thực đến thăm các hộ dân ở xóm núi này mới cảm nhận hết được vì sao người dân nơi đây lại bị ám ảnh đến vậy. Nhà ông Lý Trọng Vinh, Trưởng tổ dân phố 1 nằm ở giữa xóm. Hôm chúng tôi sang nhà ông, trời đã tốt mịt. Ông đang ngồi hút thuốc lào bên hiên nhà. Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về ma cà rồng, nét mặt ông bỗng biến sắc. Chiếc điếu cày trên tay ông tự nhiên rung lên bần bật. Bà Lý Thị Kỷ, vợ trưởng xóm cũng tỏ ra hoảng hốt. Ông bà luýnh quýnh tựa như chúng tôi vừa mang tai họa đến cho gia đình vậy.

Một lát sau, ông Vinh mới bình tĩnh trở lại nhưng giọng nói chưa hết run: “Các anh nói nhỏ thôi, sắp đến giờ ma cà rồng đi ăn rồi đấy”.

Người Thái trồng loài cây này để đuổi ma cà rồng

Đưa ánh mắt sợ sệt nhìn ra màn trời đêm với tâm lý đề phòng, ông mở lời: “Tôi đã từng gặp ma cà rồng rồi đấy. Nó biến hóa khôn lường lắm”. Nhớ lại lần đầu tiên nhìn thấy ma cà rồng, bao nỗi ám ảnh trong ông lại hiện về. Rít một hơi thuốc lào như để tự trấn an, ông mới mạnh dạn kể, ngày trước đa phần người dân ở khu phố này là người của huyện Phong Thổ chuyển lên. Đó là vùng đất chứa đầy huyền tích và có rất nhiều ma cà rồng. Vào một buổi tối, tôi cùng một người bạn đến thăm một gia đình ở gần nhà tôi.

Ngày đó cả huyện Phong Thổ chưa có điện. Mẹ người bạn ngồi quay sợi bên bậu cửa. Vừa vào nhà ngồi chưa được ấm chỗ, người bạn của tôi đã đòi về. Tôi ú ớ không hiểu lý do vì sao, bỗng dưng người bạn đá vào chân tôi ra hiệu nhìn về bậu cửa. Một cảnh tượng kinh hoàng khiến tim tôi muốn rời khỏi lồng ngực. Dưới bóng đèn dầu leo lét, cái mặt của người phụ nữ vừa ngồi quay sợi kia dài như cái bơm. Khuôn mặt biến dạng liên tục, lúc xanh, lúc đỏ. Thi thoảng biến luôn thành một tia sáng xanh lượn lờ quanh nhà.

Khi đó thần hồn nát thần tính, ông Vinh và người bạn kia lao ra cửa chạy thục mạng. Lạ thay, ông chạy đến đâu, thứ ánh sáng xanh lét kia đuổi theo sau đến đó. Khi ông về đến nhà, hồn xiêu phách lạc. Bữa đó ông lăn ra ốm nửa tháng trời. May mà gia đình ông đã có mẹo chống ma cà rồng nên ông mới không bị con ma đó bám giết.

Từ lần đó, ông không dám đi chơi đêm nữa. Mặt trời khuất sau đỉnh núi là nhà ông cửa đóng then cài. Và rồi có một việc nữa đã xảy ra với đứa con gái của gia đình ông là Lý Thị Kiều. Hôm đó, vợ chồng ông đi làm về thấy con gái khóc nức nở. Ai dỗ cũng không nín. Mấy bà cụ hàng xóm sang chơi, bảo nó đã bị ma cà rồng cắn rồi. Theo sự hướng dẫn của các cụ, ông ra sau vườn hái lá cây rừng bôi lên người con gái để kiểm tra. Ông vo lá lại rồi bôi vào bụng, nách của con gái. Một lát sau, ông thấy hằn rõ nên những vết răng nham nhở. “Rõ ràng con bé bị ma cà rồng cắn rồi. Vết răng còn in hình rõ trên thân thể con bé”, ông Vinh nhớ lại.

 Câu chuyện đó đã xảy ra cách đây mấy chục năm rồi, ấy vậy mà ngày nay ông Vinh tin rằng vẫn có ma cà rồng vẫn đang tồn tại ở nơi đây. Ông quả quyết: “Nhiều người ở trong xóm này đã nhìn thấy ma cà rồng đi ăn xác thối và nhà nào sơ hở là nhảy vào hút máu”. Như để minh chứng cho lời khẳng định của mình là đúng, ông còn dẫn chúng tôi ra cửa để xem cái bẫy ma cà rồng.

Vừa đi ông vừa bảo, ma cà rồng có 4 mắt, tôi làm cái bẫy này có chín mắt để ở đầu cổng. Bên cạnh cái bẫy này tôi dắt một con dao nhọn. Các cụ bảo nếu ma cà rồng trông thấy chúng sẽ không dám vào nhà. Quả thực ở đầu cổng của nhà ông trưởng xóm có treo một cái bẫy thật. Phía trên còn phủ thêm mấy loại lá. Ông Vinh cho rằng, loại lá này để dọa ma cà rồng.

Ma cà rồng cắn khiến trẻ con nhập viện

Sáng sớm hôm sau, lần theo địa chỉ mà ông Vinh cung cấp, chúng tôi tìm đến nhà chị Lưu Thị Phượng – mẹ của cháu Trịnh Báo Phúc (2 tuổi) vừa bị ma cà rồng cắn. Ngôi nhà của chị Phượng nằm chênh vênh trên một bãi đất trống ở ngoài xóm. Trông nó lẻ loi đơn chiếc như cuộc đời chị vậy.

Hôm chúng tôi đến thăm nhà, chị vừa cúng 49 ngày cho người chồng xấu số. Đứa con trai đang nằm viện suốt nửa tháng qua mà bệnh tình chưa đỡ. Khi chúng tôi nhắc đến đứa con trai út, chị Phượng tỏ ra lo lắng và sợ sệt: “Tôi đưa cháu đi viện khám mấy lần mà các bác sĩ chưa khám ra bệnh gì. Cháu ấy vẫn sốt cao… mê man suốt. Tôi lo là cháu bị bệnh khác cơ. Các cụ bảo bệnh này là do con ma cà rồng gây ra”.

Cách đây khoảng 1 tháng, tự nhiên cháu Phúc bị sốt, đêm xuống là khóc nức nở. Cháu có biểu hiện cũng rất lạ, luôn tỏ ra hoảng hốt như vừa bị ai đánh vậy. Hôm sau chị Phượng về mẹ đẻ kể lại câu chuyện này. Chưa kịp nghe hết câu chuyện, mẹ chị Phượng đã tỏ ra hoang mang, lo lắng: “Thôi chết! Thằng bé bị ma cà rồng cắn rồi. Tôi đã bảo ngay với chị rồi, ở cái xóm đó ma mãnh chạy đầy đường, đừng có ở, chị lại không nghe”.

 Chị Phượng tin rằng con trai chị bị ma cà rồng cắn

Nghe mẹ nói vậy, chị Phượng vẫn chưa tin bởi lẽ có bao giờ chị nhìn thấy ma cà rồng đâu. Con ma đó “đầu ngang mũi dọc” ra sao, có ai biết đâu. Suốt mấy năm sống ở cái xóm núi heo hút này, chị nghe bà con đồn đại thứ ma đó rất thích hút máu trẻ con. Chị cho đó là điều tầm bậy, chỉ đến khi mẹ đẻ lấy một nắm lá rừng rồi vò nát xát vào người đứa trẻ, chị mới ngã ngửa người ra. Trên lưng, bụng, vùng cổ của đứa con trai nổi đầy vết chân răng đỏ lòm. Có những chỗ hiện nguyên hình cả hàm răng sắc nhọn.

“Lạ nhất là cái vết đỏ đó chỉ hiện nguyên hình khi bà con bôi thứ lá đó vào người cháu bé”, chị Phượng nhớ lại. Ôm đứa con vào lòng, chị tỏ ra hoang mang, lo lắng tột đỉnh. Bởi lẽ ai mà bị ma cà rồng cắn coi như mạng sống khó bảo toàn.

Câu chuyện của chúng tôi bị cắt ngang khi chị Bảy (chị gái của chị Phượng) sang chơi. Vừa gặp chúng tôi, chị Bảy như tìm được nơi trút bầu tâm sự: “Lần trước thằng bé cũng có triệu chứng như vậy, tôi bảo cái Phượng, cháu nó bị ma cà rồng cắn đấy. Khi đó, cái Phượng lại không tin. Nhà tôi nuôi lợn ở đây, tôi đã nhiều lần đứng trong khe cửa nhìn thấy cả đàn ma cà rồng kéo vào chuồng lợn nhà tôi kiếm ăn. Vợ chồng tôi đóng kín cửa, không dám hé răng nửa lời”.

Cũng theo chị Bảy, chồng của chị Phượng vừa mất cũng có thể do ma cà rồng nó gây ra. Con ma đó ở ngay xóm này. Như để chứng minh cho việc con trai mình bị ma cà rồng cắn, chị Phượng dẫn chúng tôi ra sau vườn. Tay chị hái thoăn thoắt thứ lá cây hình tam giác, màu xanh biếc rồi giơ lên cho chúng tôi xem. Theo chị Phượng, người Thái gọi cây này là “nhú mẹ khăm”. Nếu không bôi thứ lá cây này, khó mà phát hiện được ma cà rồng cắn.

Lỡ dở tình duyên  

Suốt mấy chục năm qua ở cái xóm nhỏ này đã tồn tại một nỗi oan khuất của 2 người phụ nữ dân tộc Thái. Họ bị người đời đổ tiếng cho là ma cà rồng biến thành người và gây họa cho trẻ con ở xóm này. Họ hoàn toàn bị cô lập với người dân nơi đây. Hỏi thăm người dân nào ở xóm về nhà cụ Lò Thị Mai (SN1930) - người bị vu cho là ma cà rồng, ai cũng e ngại. Họ cảm thấy sợ sệt khi nhắc đến cụ Mai.

Có người còn bảo: “Các anh không sợ mất mạng à. Có giỏi thì cứ tự đi mà tìm nhà con ma đó”. Niềm tin mù quáng về một thứ ma tà đã khiến những người dân nơi đây như đã ăn vào tiềm thức. Nhiều lần vòng đi, vòng lại quanh xóm, tôi cũng được một người phụ nữ ở nơi khác đi làm qua xóm núi chỉ cho ngôi nhà của mẹ con cụ Mai. Gian nhà của mẹ con cụ Mai nằm bên hông của dãy nhà tập thể đã xuống cấp. Thấy có người khách lạ vào chơi, bà Miên - con gái của cụ Mai tỏ ra bất ngờ. Bà lặng lẽ làm việc coi như chẳng có chuyện gì xảy ra.

Chúng tôi cất lời chào, bà Miên vẫn lặng thinh. Khi chúng tôi tự giới thiệu về mình, bà Miên cũng không tin. Bà đưa ánh mắt buồn nhìn người khách lạ như để thăm dò. Thái độ rụt rè của bà cũng khiến chúng tôi bối rối. Tâm trạng của người phụ nữ này như đang bị dồn nén về một nỗi oan khuất gì đó, lâu ngày chưa được gột rửa. Dường như trong lòng bà không tin là có một người đến thăm nhà với mục đích tốt đẹp. Bởi lẽ từ lâu rồi, nhiều người dân trong xóm đã đến tận nhà để vu oan, đổ tội cho mẹ con bà đã làm hại con cháu họ.

Quãng thời gian im lặng đó cứ nặng nề trôi qua, bà Miên chỉ mong chúng tôi rời ngôi nhà của mẹ con bà càng sớm càng tốt. Phải mất một lúc lâu, tôi mới thuyết phục được người phụ nữ này tin rằng, chúng tôi đến không phải để vu vạ gì cho mẹ con bà. 

 Mẹ con cụ Mai bị vu oan là ma cà rồng

Giờ tôi mới có dịp nhìn kỹ gian nhà nhỏ của mẹ con bà Miên, đồ đạc trong nhà đã cũ mèm. Thứ đáng giá nhất của ngôi nhà là chiếc tivi đời cũ, xem hình lúc được, lúc không. Từ lúc chúng tôi vào, bà Miên vẫn lúi húi dưới bếp, chưa muốn lên nhà tiếp khách.

Bà tỏ ra miễn cưỡng khi tiếp chuyện chúng tôi. Câu đầu tiên của bà là một lời than thở não nề về kiếp người nhiều năm chịu oan khuất: “Nhà tôi như bị cái xóm nhỏ này bỏ rơi”. Chưa kịp nói hết câu, bà lặng lẽ đưa tay áo lên gạt đôi hàng lệ đang trào ra từ khóe mắt.

Bà khóc nức nở như tìm được nơi để trút bầu tâm sự: “Họ bảo rằng mẹ con tôi là ma cà rồng, chuyên đi hút máu người. Thi thoảng có người có con bị ốm hay sốt nặng là họ sang nhà tôi chửi rủa thậm tệ. Họ mắng, chửi mẹ con tôi luôn phải cắn răng chịu đựng. Suốt nửa đời người mang nỗi hàm oan đó mà chẳng biết kêu ai…”.

Dường như tâm lý của người phụ nữ này đã bị dồn nén đến mức cực độ. Khi đã khóc cho thỏa cơn uất hận, bà mới kể tiếp, quê bà ở thị trấn Mường So, huyện Phong Thổ - cách chỗ ở hiện tại gần 40 cây số. Ngày đó, bà là người con gái xinh đẹp có tiếng của thị trấn. Nhiều chàng trai mong muốn cùng bà kết mối tơ hồng. Lạ thay, bà chỉ yêu một chàng trai lái xe của huyện. Tình yêu của họ đã đơm hoa, kết trái, tưởng như chẳng gì có thể chia lìa được. Họ đã hẹn thể với nhau cuối năm đó sẽ tổ chức đám cưới. Thế rồi tai ương đã đổ xuống gia đình bà theo một kịch bản không ai ngờ tới.

Khi đó bà con sống ở Mường So vẫn còn rất tin vào chuyện ma cà rồng hút máu. Và có một người con gái khác cũng thầm yêu trộm nhớ người yêu của bà. Người này muốn chia rẽ mối lương duyên tưởng như sắp thành của bà. Họ tự bịa ra một câu chuyện là mẹ con bà là ma cà rồng. Với người dân ở miền sơn cước mà bị coi là ma cà rồng, ai cũng khiếp sợ và tránh xa. Ngay cả người yêu của bà đã từng thề non hẹn biển cũng không tránh được tâm lý dao động.

Cuối cùng người yêu bà đã bỏ bà, không một lời nhắn nhủ. Đường tình duyên bị lỡ dở mà tiếng oan là ma cà rồng vẫn đeo bám lấy mẹ con bà.

Đầu năm 1979, gia đình bà và nhiều hộ dân khác ở Mường So cùng chuyển về nơi ở hiện nay sinh sống là Tổ dân phố số 1, thị xã Lai Châu. Những tưởng câu chuyện về ma ca rồng cũng theo đó mà tan biến. Nào ngờ miệng lưỡi của người đời thật đáng sợ, mẹ con bà không sao giải tỏa được nỗi oan khuất trước họ. Hàng ngày họ xa lánh và không muốn quan hệ với mẹ con bà. Cuộc đời bà cũng có quãng thời gian được bù đắp là có một người đàn ông đã dám lấy bà làm vợ. Họ chung sống được với nhau được gần 20 năm, chồng bà bị trọng bệnh rồi mất.

Nỗi đau mất chồng chưa nguôi ngoai, người dân nơi đây lại vu cho là bà đã biến thành ma cà rồng hút máu chồng đến chết. Dường như bao nỗi oan khuất, những chuyện gì xấu xa nhất của loài ma cà rồng họ đổ lên đầu hai mẹ con bà. Nhà nào con cái bị ốm đau, cảm sốt, họ đều nghi cho mẹ con chị là thủ phạm.

Nửa đời người oan trái

Câu chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng khi cụ Mai đi chợ về. Cụ cố lết từng bước đi nặng nhọc vào nhà. Phía sau lưng cụ là một gùi rau to tướng chưa bán hết. Hóa ra, cụ đi chợ bán rau để kiếm miếng ăn qua ngày. Cũng giống như bà Miên, cụ Mai tỏ ra ngạc nhiên khi có mấy người khách lạ đến nhà. Cụ lặng lẽ hạ chiếc khăn đội đầu xuống để xổ ra mái tóc đã bạc trắng. Cụ tỏ ra mệt mỏi và chán chường vì không bán hết được gùi rau. Trên gương mặt già nua hằn những nếp nhăn. Khi đã yên vị và biết rõ mục đích của mấy người khách lạ, cụ Mai mới trút bỏ được tâm lý đề phòng.

Cụ nhìn người con gái như để cảm thông với nỗi khổ của 2 mẹ con cụ đã phải chịu trong suốt mấy chục năm qua. Năm nay cụ đã ngoài 80 tuổi nhưng cụ vẫn phải làm lụng vất vả để kiếm sống. Sau khi chồng mất, bà Miên mới về đây ở cùng cụ. Mấy năm trước, gia đình cụ còn được công nhận là hộ nghèo. Nhưng không hiểu vì lý do gì đó, họ đã cắt suất hộ nghèo của mẹ con cụ từ năm 2008.

“Trước còn có sổ bảo hiểm của hộ nghèo, đi khám, người ta còn cho ít thuốc miễn phí. Giờ đây điều đó là ước mơ xa vời với tôi rồi”, cụ Mai buồn rầu nói về gia cảnh của mình. Nói đến đây, cụ lại ho lên từng hồi, trên tay cụ cầm đôi tất đã cũ mèm và vá chằng, vá đụp như sợ người khách lạ nhìn thấy, cụ vội dắt chúng vào đầu giường.

Cuộc sống của mẹ con cụ giờ trông cả vào những gùi nhau đưa lên chợ vào buổi sáng. Nếu cụ bán được rau thì có gạo ăn, không bán được, mẹ con lại rau cháo qua ngày. Tuổi cao sức yếu, cụ lại bị bệnh khớp nên mỗi sáng thức dậy, không tài nào nhấc chân lên nổi. Bao khó khăn của một kiếp người, ăn đói, mặc rét, mẹ con cụ có thể vượt qua. Ấy vậy mà khi nhắc tới 2 từ “phi sư” - ma cà rồng, cụ như cảm thấy có ai đó dùng dao cứa vào từng khúc ruột vậy. Cô con gái đã từng lỡ dở tình duyên, giờ đây mẹ con cụ còn bị người đời xa lánh và cô lập.

Cụ kể, mỗi khi cụ đi ra đường, nhìn thấy mấy đứa trẻ được người lớn bế trên tay, cụ có hỏi chuyện, người thân của đứa trẻ gạt phắt ngay. Họ xa lánh cụ như tránh tà vậy. Nhiều người còn độc mồm độc miệng nói như vỗ vào mặt cụ: “Bà là ma cà rồng chuyên hút máu người. Tốt nhất là bà nên tránh xa con cháu tôi ra”.

Cái nỗi sợ lớn nhất của đời người là bị đồng loại xa lánh, ghẻ lạnh và nghi kị. Suốt mấy chục năm qua, 2 mẹ con cụ chưa được một lần được minh oan, rửa tủi hờn.

Phóng sự của Linh Nhi

 

 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps