Chuyện về "ngài" cá nhà táng khổng lồ trên đảo Phú Quý

00:29 | 12/08/2012

5,146 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Được tận mắt chiêm ngưỡng bộ xương cá nhà táng (còn gọi là cá voi đầu to) khổng lồ do Viện Hải dương học Nha Trang vừa phục dựng hoàn chỉnh là điều cực kỳ thú vị cho bất cứ ai lần đầu đến thăm đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận)…

Nhân một chuyến công tác mới đây trên huyện đảo Phú Quý (cách TP Phan Thiết, Bình Thuận hơn 70 hải lý về hướng Đông Nam), chúng tôi đến thăm Khu Di tích Lịch sử văn hóa Vạn An Thạnh tại thôn Triều Dương, xã Tam Thanh, huyện Phú Quý (được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng Di tích cấp Quốc gia năm 1996) - nơi có nhà trưng bày bộ xương cá nhà táng thuộc loại nhất Việt Nam hiện nay.

Vốn từ lâu đã nghe tiếng đồn về bộ xương cá nhà táng khổng lồ trên đảo Phú Quý, nay lại được ông Ngô Phê, 65 tuổi, Trưởng ban Quản lý Vạn An Thạnh ưu ái mở cửa nhà trưng bày để cho chúng tôi bước vào tận mắt chiêm ngưỡng bộ xương cốt của loài cá thiêng liêng này mà ngư dân vốn kính cẩn gọi là “Ngài” hay “Ông” thì quả là điều may mắn vô cùng (vì theo phong tục tập quán của ngư dân trên đảo chỉ những dịp đặc biệt hoặc đến các ngày có lễ hội cầu ngư, nghinh Ông thì mới mở cửa).

Bộ xương cá Ông Chuông được phục chế hoàn hảo

Đặt chân vào bên trong, chúng tôi không khỏi trầm trồ xuýt xoa khi chứng kiến bộ xương của “Ngài” cá nhà táng có chiều dài 15m (theo ước tính khi sống dài 17m, trọng lượng 50 tấn) nay đã được phục dựng công phu đến từng chi tiết. Đi một vòng quanh “Ngài”, chúng tôi đếm có cả thảy 50 đốt xương. Chiếc đầu của bộ xương to quá khổ và dài ngoẵng với hàm răng trắng tinh hình nón nhọn hoắt. “Ngài” có 20 cặp răng mọc ở hàm dưới, hàm trên không có răng nào. Bộ răng của “Ngài” mỗi chiếc cái răng dài khoảng 15-20cm, to như búp măng nhỏ.

Nằm bên cạnh “Ngài” cá nhà táng là 5 bộ xương cá nhỏ hơn nhiều, trông như là những vị tướng hầu hạ cho “Ngài”. Mỗi bộ xương này dài khoảng 3 - 3,5m, cũng được phục chế hoàn hảo.

Chúng tôi tò mò hỏi: Đó là loài cá gì? Ông Phê ôn tồn đáp: Đấy là 3 bộ xương cá heo khác loài và 2 bộ xương cá voi loại nhỏ mà ngư dân thường gọi là cá Ông Chuông (còn có tên là cá Ông Nam Hải).

Qua quan sát chúng tôi thấy phần đầu bộ xương cá Ông Chuông chìa dài ra phía trước với 50 cặp răng mọc lởm chởm ở cả hai hàm trông thật ấn tượng như chiếc đầu của một chú khủng long con. Theo giải thích của ông Phê thì các ngư dân gọi là cá Ông Chuông vì khi cá voi lớn di chuyển thì thường có một số cá con nhỏ đi theo “hộ tống”. Khi phun nước, chúng réo lên tiếng kêu như chuông vang lên. Còn theo các nhà khoa học giải thích thì do cơ thể cá Ông Chuông có phần bụng tròn kéo dài, đầu tròn nhô ra phía trước trông giống quả chuông nên gọi là cá Ông Chuông.

Nhìn kỹ bộ xương của “Ngài” cá nhà táng ở đảo Phú Quý chúng tôi mới so ra thấy chiều dài của “Ngài” có ngắn hơn bộ xương cá voi lưng xám ở Vạn Thủy Tú ở TP Phan Thiết (dài 22m, được xem là lớn nhất Việt Nam) và bộ xương cá voi lưng gù ở Bảo tàng Hải Dương học Nha Trang (dài 18m). Thế nhưng đối các chuyên gia Hải dương học, bộ xương cá voi trên đảo Phú Quý là đã thuộc loại xương cá nhà táng lớn nhất Việt Nam hiện nay. “Một điều thú vị là trên vùng biển Việt Nam hiện không bộ xương cá nhà táng nào to lớn như bộ xương cá trên đảo Phú Quý”, các nhà khoa học của Viện Hải dương học Nha Trang khẳng định như vậy.

Qua tìm hiểu được biết công tác phục chế bộ xương “Ngài” cá nhà táng và 5 bộ xương cá heo, cá Ông Chuông trong nhà trưng bày trên đảo Phú Quý được đánh giá là hoàn chỉnh nhất, tất cả đều do Viện Hải Dương học Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) và Công ty TNHH Mỹ thuật Lê Vũ (Nha Trang) đảm nhận từ cuối năm 2010. Đến tháng 12/2011 thì việc phục chế mới dần hoàn chỉnh và đưa trở lại nhà trưng bày trên đảo Phú Quý vào cuối tháng 3/2012. Tổng kinh phí cho quá trình phục chế và trùng tu Di tích Lịch sử văn hóa Vạn An Thạnh là gần 5 tỉ đồng. Đây là một trong những hạng mục quan trọng nhất trong Công trình trùng tu Di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia Vạn An Thạnh, tiến tới xây dựng một Viện Bảo tàng biển đầu tiên của Bình Thuận trên đảo Phú Quý.

Tác giả trao đổi cùng ông Ngô Phê (Trưởng ban Quản lý Vạn An Thạnh) trong nhà trưng bày bộ xương cá nhà táng vừa được phục dựng

Quá trình phục dựng bộ xương cá nhà táng và 5 bộ xương khác ở Vạn An Thạnh là cả một quá trình đầy thử thách. Do tâm linh tín ngưỡng, nên ngư dân Vạn An Thạnh đã lưu giữ những bộ xương này khá kỹ càng, lại cắt thành từng khúc, trong không gian các kho cất chứa lại cộng thêm nhiệt độ cao, khiến cho việc nghiên cứu phục chế gặp rất nhiều khó khăn. Các nhà khoa học của Viện Hải dương học đã phải phân loại từng chiếc xương một hoặc phải nhặt từng chiếc răng cá bị rụng cho đến khi đưa hết cả các bộ phận của xương cá vào đất liền để nghiên cứu phục dựng hoàn chỉnh.

Chuyện “Ngài” cá nhà táng được ngư dân đưa về đảo để an táng, tẩm thờ cúng cũng lắm thú vị!

Bởi theo các lão ngư dân trên đảo Phú Quý thì cá voi hay gọi là cá Ông hoặc cá heo đã từng rất nhiều lần cứu giúp ngư dân và tàu thuyền khi gặp nạn trên biển. Rất nhiều câu chuyện kể của ngư dân miền Trung nói chung và trên đảo Phú Quý nói riêng đã kể lại với còn đầy đủ nhân chứng vật chứng là họ từng gặp nạn trên biển và được cá Ông cứu thoát. Do đó khi cá Ông hay cá heo chết (ngư dân gọi là “lụy”) đều được ngư dân đảo Phú Quý làm lễ an táng và thờ cúng rất long trọng và thành kính. Hàng năm ở Vạn An Thạnh và các vạn trên đảo Phú Quý đều tổ chức lễ Nghinh Ông vào ngày 15-10 âm lịch để tỏ lòng biết ơn vị cứu tinh của họ và cũng để cầu mong được nhiều thuận lợi và an lành khi khai thác trên biển.

Ông Ngô Phê kể lại rằng, theo tập quán xưa nay, khi có cá Ông “lụy” trôi dạt quanh đảo Phú Quý thì các ngư dân thường tiến hành nghi lễ rất long trọng tại Vạn An Thạnh và sau đó đưa đi mai táng như ông bà của mình. Sau 2 năm (đối với “Ngài” vừa và nhỏ) và 3 năm (đối với “Ngài” lớn) ngư dân sẽ tiến hành nghi thức thượng ngọc cốt ông bà lên đưa vào tẩm thờ ở Vạn An Thạnh.

Theo ông Ngô Phê thì “Ngài” cá nhà táng trôi dạt vào ngày 19/3/1963, cách đảo Phú Quý khoảng chừng 20 hải lý.

Một lão ngư khác ở trên đảo là ông Tạ Thi, 66 tuổi, Trưởng ban Quản lý Di tích Lịch sử đình làng Triều Dương ở Vạn An Thạnh nhớ lại: Khi đưa “Ngài” cá nhà táng về đến bến trước cửa Vạn An Thạnh, phải huy động nhiều người các nơi trên đảo để đưa “Ngài” vào nơi an táng, nhưng việc này gặp nhiều khó khăn, vì thân “Ngài” quá khổng lồ. Nhiều người chặt những thân cây dừa để làm đòn lăn kéo “Ngài” đi, nhưng đất cát lún nên việc di chuyển rất chậm và nặng nề. Mãi đến khi có người đứng đầu của Vạn An Thạnh vào vạn khấn và cầu xin đưa “Ngài” vào nơi an táng, thì việc di chuyển “Ngài” mới tương đối dễ dàng hơn.

Sau 3 năm chôn cất, ngư dân Vạn An Thạnh lấy xương “Ngài” lên (hốt ngọc cốt) để đưa vào tẩm thờ. Do trọng lượng của cá lớn, nên lượng mỡ và thịt chưa phân hủy hết, nhất là lớp mỡ dày phần bụng còn nhiều, phải dùng số lượng rượu lớn để tẩy rửa. Cũng do nhiều chiếc xương lớn nên khi đưa vào tẩm thờ, người ta đã phải cắt ra làm đôi, làm ba. Điều này cho các chuyên gia Viện Hải dương học Nha Trang hết sức vất vả khi chắp ghép lại thành bộ xương hoàn chỉnh.

Qua tìm hiểu của chúng tôi thì những giá trị văn hóa dân gian truyền thống của Vạn An Thạnh (vốn đã có lịch sử tồn tại hơn 220 năm) là nơi có một bộ sưu tập phong phú về cá voi rất có giá trị trong việc nghiên cứu sinh vật biển đối với các nhà hải dương học khi lưu giữ gần 100 bộ hài cốt (gồm cá voi, rùa da) được tôn thờ với những nghi thức kính cẩn.

Một điều cũng đáng ngưỡng mộ là Vạn An Thạnh được các vua triều Nguyễn phong tặng số lượng sắc tương đối nhiều. Nội dung sắc thần chủ yếu ban tặng “Thần Nam Hải cự tộc Ngọc Lân” và những tướng lĩnh có công giúp Nguyễn Ánh chạy nạn và chết ở đảo Phú Quý. Bởi vì theo tương truyền, ngày xưa Vua Gia Long có lần bị quân Tây Sơn truy đuổi đã chạy ra hòn đảo này tránh nạn. Ông đã thoát chết vì được cá voi cứu nạn qua cơn giông tố giữa biển khơi. Đó là nguyên nhân mà về sau các vua triều Nguyễn đã phong tặng cho cá voi hay còn gọi là cá Ông tước hiệu “Nam Hải cự tộc Ngọc Lân thượng đẳng thần” và phong sắc thần thờ cúng tại Vạn An Thạnh trên đảo Phú Quý.

Theo Viện Hải dương học Nha Trang, cá nhà táng (Physeteridae, còn gọi là cá voi đầu to) thuộc bộ cá voi (Cetacea), bộ phụ cá voi có răng (Odontoceti), có kích thước to lớn, thân nhiệt cao, thở bằng phổi, đẻ con và nuôi con bằng sữa. Chúng có vùng phân bố rất rộng, từ vùng xích đạo đến Bắc và Nam bán cầu, kể cả vùng biển Địa Trung Hải. Con trưởng thành thường có chiều dài 15-17m (nặng khoảng 45-55 tấn), con lớn nhất được biết có chiều dài 18m nặng đến 57 tấn.

Cá nhà táng có thể lặn lâu trong nước đến 50 phút hoặc hơn, khi ngoi lên mặt nước để thở chúng thường phun ra cột nước cao 3-5m. Loài này có thể lặn sâu đến hơn 1.000m, đã có trường hợp tìm thấy chúng lặn sâu đến 3.200m. Cá nhà táng có khả năng định vị bằng thính giác và âm thanh. Tuổi thọ trung bình là 50-60 tuổi. Cá nhà táng là đối tượng kinh tế, trước đây từng bị săn bắt ở một số nước để lấy dầu mỡ, nhưng ngày nay nhiều tổ chức quốc tế kêu gọi bảo vệ loài cá voi này. Đặc biệt trong trực tràng của chúng có chất “long diên hương” (ambergris) - một số người còn gọi là dãi rồng vốn là hương liệu rất quý để sản xuất nước hoa cao cấp.


Phóng sự của Thế Vinh

(Năng lượng Mới số 145, ra thứ Sáu ngày 10/8/2012)

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps