Chuyện về ngôi làng không liệt sĩ

06:54 | 03/09/2012

4,663 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau về nó vẫn sẽ còn hiển hiện thêm nhiều năm nữa. Thử hỏi ở bất cứ làng quê nào trên dải đất Việt Nam này, chỗ nào không có thương binh, liệt sĩ, không có những giọt nước mắt đã trải dài nhiều thế hệ. Vậy mà, có một ngôi làng được mệnh danh là “Thủ đô cách mạng” một thời, đã có không biết bao nhiêu chiến sĩ lên đường ra trận xuyên qua hai cuộc chiến tranh nhưng may mắn thay, tuyệt nhiên không có ai hy sinh. Và, đó là ngôi làng duy nhất ở Việt Nam không có liệt sĩ. Ấy là làng Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang. Người già ở đây tin rằng, họ được các vị thần linh thiêng trong ngôi đình Tân Trào phù hộ nên tất thảy chiến sĩ ra trận đều đã lành lặn trở về!

Ngôi làng đặc biệt

Lần giở lại sử liệu thì thấy rằng, làng Tân Lập có rất nhiều thay đổi về địa giới hành chính. Khi nhà nước Văn Lang ra đời, Tân Trào có tên là Kim Long. Huyện Sơn Dương khi đó thuộc bộ Văn Lang. Thời nhà Lê (thế kỷ XVI), làng Kim Long thuộc phủ Đoan Hùng, trấn Sơn Tây. Năm 1888, nhà Nguyên tách Sơn Dương nhập vào Thừa Tuyên và đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp chia Tuyên Quang thành hai tỉnh là Tuyên Quang và Hà Giang. Trước năm 1945, làng Kim Long thuộc tỉnh Tú Trạc, châu Sơn Dương. Năm 1948, làng Kim Long và làng Kim Trận sáp nhập thành xã Tân Trào.

Từ những năm 40 của thế kỷ trước, ánh sáng cách mạng đã rọi chiếu đến vùng Tân Trào vốn giàu lòng yêu nước, khát khao độc lập và tự do. Chỉ trong một thời gian ngắn, phong trào cách mạng đã phát triển mạnh mẽ khắp các bản làng Tân Lập. Đặc biệt, sau ngày Nhật đảo chính Pháp, cuộc khởi nghĩa ngày 10/3/1945 tại đình Thanh La giành thắng lợi và đã thành lập được Ủy ban lâm thời Châu Tự Do, bao gồm các xã vùng thượng huyện Sơn Dương. Tân Trào - Sơn Dương đã trở thành một vành đai vững chắc để Bác Hồ rời căn cứ về đây. Ngày 4/5/1945, Bác Hồ rời Pác Bó về Tân Trào để chỉ đạo phong trào cách mạng trong toàn quốc.

Làng Tân Lập - ngôi làng không liệt sĩ

Tại Hội nghị cán bộ toàn Khu được họp tại lán Nà Lừa, làng Tân Lập được chọn làm trung tâm của “Thủ đô giải phóng”. Để rồi từ ngôi làng này, phong trào cách mạng phát triển như vũ bão, làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Làng Tân Lập bây giờ đã là di tích lịch sử nằm trong quần thể Khu Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt. Chị Nguyễn Thị Hải - Trưởng phòng Hướng dẫn Thuyết minh (BQL Khu Du lịch Lịch sử Văn hóa và Sinh thái Tân Trào) nói với chúng tôi: “Làng Tân Lập giờ đã là khu du lịch nhưng đời sống cùng những phong tục tập quán đặc trưng ở đây vẫn còn giữ nguyên, không hề thay đổi. Những mô hình kinh tế kiểu dịch vụ du lịch vẫn không hề ảnh hưởng đến sự hồn hậu, thật thà của bà con dân bản nơi đây”.

Làng Tân Lập với gần 200 nóc nhà sàn đặc trưng của người Tày nằm san sát quanh mấy chỏm đồi. Ông Hoàng Văn Tòn, ngồi bên chái nhà hướng mắt ra dãy đồi phía trước hồi tưởng chuyện xưa. Ông Tòn năm nay 62 tuổi, là cựu chiến binh chống Mỹ.

Rít điếu thuốc lào, nhấp ngụm trà xanh ông Tòn lim dim nhớ lại: “Tôi nhập ngũ tháng 4-1970. Theo lệ thông thường, trước khi nhập ngũ tôi cũng ra đình Tân Trào thắp hương cầu khấn các vị thần cho mình tránh được hòn tên, mũi đạn để sống sót trở về. Và lời cầu nguyện ấy đã linh nghiệm, bởi không biết bao lần tôi thoát chết thần kỳ trong gang tấc.

Năm 1971, sang đất Lào, chúng tôi đóng quân ở Xiêng Khoảng - Cánh Đồng Chum. Ngày đầu tiên đến đây, đơn vị của tôi đã bị phục kích. Cả tiểu đội bị dính đạn bất ngờ, hy sinh gần hết, chỉ còn hai người sống sót. Tôi băng rừng, vừa đi vừa bắn trả không còn nghĩ đến sống chết gì nữa. Đến tối, sau khi tìm về được đơn vị, tháo bi đông nước ra nhìn lại thì đã thấy nó bị thủng. Nếu không có bi đông nước ấy đỡ đạn cho tôi thì chắc chắn tôi đã bỏ mạng”.

Một lần khác, theo phân công, ông Tòn lên đài quan sát để nắm tình hình trận địa. Đêm đầu hạ, nhưng lạ thay lại có sương mù dày đặc, có lệnh xuống rằng, sương mù không phải lên đài quan sát nữa. Ông Tòn nhận lệnh và chỉ vài phút sau, máy bay địch kéo đến rải bom. Sau lượt bom đầu, đài quan sát đổ ập xuống, lại một lần nữa ông Tòn thoát chết.

Qua nhiều năm chiến tranh, từ làng Tân Lập, đã có 104 thanh niên lần lượt lên đường ra trận. Tuy nhiên, theo thống kê chỉ có 2 thương binh và 2 bệnh binh.  Một trong hai thương binh trong làng là ông Hoàng Văn Duẩn, 71 tuổi. Ông Duẩn cũng có một lần thoát chết kỳ diệu đến khó tin. Trong trận đánh dưới chân thành cổ Quảng Trị năm 1971, ông Duẩn bị một viên đạn bắn xuyên ngực, đầu đạn trồi ra phía sau lưng nhưng không chết. Bác sĩ phẫu thuật bảo đường đầu đạn đi chỉ cách tim vài milimét.

Bàn thờ giản dị trong đình Tân Trào

Người thương binh thứ hai là ông Ma Văn Tác, 53 tuổi, hiện là thương binh bậc 4/4, hiện tại vẫn còn một mảnh đạn găm trong đầu. Cứ trái gió, trở trời hoặc quá chén là ông Tác lại lên cơn điên loạn. Chuyện về mảnh đạn trong đầu ông Tác cũng là câu chuyện về lần thoát chết hy hữu của những chiến sĩ nhập ngũ từ làng Tân Lập. Ông Tác tham gia chiến tranh biên giới năm 1979. Trong một trận đánh giáp lá cà, ông Tác bị nguyên cả một mảnh đạn văng vào đầu. Khi đồng đội cáng ông Tác về lán quân y ai cũng tưởng với vết thương ở đầu như vậy ông Tác đã chết. Khi mọi người chuẩn bị lo hậu sự cho ông thì ông tỉnh lại. Sau ca phẫu thuật, ông Tác phục hồi sức khỏe rất nhanh. Chuyện thật kể lại cứ như đùa!

Có một đại gia đình mà cả ba thế hệ đều có người đi bộ đội. Đó là gia đình cụ Hoàng Trung Nguyên. Cụ Nguyên là cán bộ thời kháng chiến chống Pháp. Cụ sinh được 3 người con trai, 1 người con gái và họ đều tham gia quân ngũ. Những người con trai, con gái của cụ Nguyên bây giờ cũng đã vào tuổi xưa nay hiếm. Nhớ lại thời trẻ, cụ Hoàng Ngọc, con trai cả của gia đình nhà họ Hoàng kể lại: “Cả mấy anh em chúng tôi đều có nhiều năm tham gia kháng chiến chống Pháp ròng rã. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, tham gia những trận đánh ác liệt, mấy ai nghĩ có thể lành lặn trở về, không hy sinh cũng đã là điều may mắn lắm. Vậy mà, cả mấy anh em tôi, tất cả chẳng ai gặp vấn đề gì. Chỉ duy nhất tôi bị mảnh bom văng sượt qua ống chân còn để lại vết sẹo nhỏ. Có một điều rất may mắn, chúng tôi đang được các vị thần che chở”.

Những cựu chiến binh ở làng Tân Lập dù có thời gian chiến đấu ở các chiến trường khác nhau nhưng họ luôn tự tin ra trận và may mắn trở về. Ai cũng tin rằng, trước khi ra trận, họ đã làm lễ ở đình Tân Trào thì sẽ được các vị thần dõi theo bảo vệ. Niềm tin vào thế giới tâm linh một cách hồn hậu như vậy làm nên những nét đặc biệt trong tính cách con người ở đây.

Ngôi đình thiêng giữa thủ đô gió ngàn

Chúng tôi đến thăm đình Tân Trào vào giữa những ngày cả nước đang náo nức kỷ niệm 67 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 29. Đình Tân Trào dựng trên khu đất rộng khoảng 1.000m2 ở thế đất bằng phẳng, thoáng đãng, phía trước đình nhìn ra dòng suối Khuôn Pén, xung quang có rất nhiều cây xanh. Đặc biệt ở đầu chái phía đông có cây si cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Theo lời ông Tòn thì ngày xưa, việc chọn hướng và địa điểm dựng đình là rất quan trọng vì nó liên quan đến sự bình an, hạnh phúc của cả cộng đồng dân cư sống ở đó. Việc chọn gỗ dựng đình lại càng quan trọng hơn. Gỗ được lấy ngay tại địa phương và phải chọn những cây gỗ to, thẳng, loại gỗ không bị sâu, mọt; cột kèo, xà được bào nhẵn hết sức cẩn thận.

Đình Tân Trào quay về hướng nam (theo nhiều tài liệu ghi chép thì hướng nam là hướng mang lại nhiều may mắn, phúc lành nên các công trình kiến trúc tôn giáo hoặc tín ngưỡng đều chọn hướng này để cất dựng). Trước đây, con đường mòn dẫn vào làng Tân Lập đi qua ngay sát trước đình. Năm 2003, UBND tỉnh Tuyên Quang cho làm con đường mới cách đình khoảng 25m chạy qua trước đình. Cũng như nhiều vùng miền khác, đình Tân Trào được dân làng Tân Lập dựng lên để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, thờ thành hoàng làng và các vị thần sông, thần núi trấn xung quanh. Đình cũng là nơi vui chơi, hội họp, bàn việc làng của dân. Đình Tân Trào làm bằng gỗ, mái lợp lá cọ, toàn bộ vật liệu của đình đều được làm bằng vật liệu có sẵn của địa phương. Đình gồm 1 gian, 2 chái, gồm 2 vì kèo, mỗi vì kèo 4 hàng chân cột (2 cột cái và 2 cột quân). Gian giữa có chiều dài gần 9m và rộng hơn 4m; cột cái cao hơn 5m, có đường kính 40-50cm, cột quân cao hơn 3m và có đường kính 30,3cm. Cột cái và cột quân làm theo kiểu thượng thu - hạ thách, cột có hình trụ tròn, bào nhẵn. Tổng số có 4 cây cột cái và 12 cột quân chạy xung quanh đình, vì kèo làm theo kiểu chồng rường giá chiêng (giá chiêng có chạm khắc hoa văn hình mây mác).

Phóng viên đang nghe ông Hoàng Văn Tòn kể lại chuyện cũ

Giống với các ngôi đình ở miền xuôi, đình Tân Trào không làm tường che kín xung quanh, dáng dấp ngôi đình mang nhiều phong cách nhà sàn miền núi. Nội thất trong đình rất đơn giản, không uy nghi như ngôi đình miền xuôi, bàn thờ đặt trên sàn cao sát mái, từ hai cột lửng giữa bắc dầm nối vào cột cái và cột sau để đặt sàn.

Đình Tân Trào không có cánh cửa, không có ngưỡng và bậc tam cấp, để tạo thuận lợi cho việc đi lên sàn có hai cầu thang để hai bên. Tấm bia trong đình ghi lại ngày tháng năm dựng đình bằng Hán tự có nội dung “Hoàng triều Khải Định bát niên thập nhất nguyệt nhị thất nhất Ất Hợi nhật tị kiến thụ thượng lương đại cát thịnh vượng tuế thứ Quý Hợi niên trọng đông nguyệt cốc nhật lương khởi càn nguyệt hưởng lợi tinh”. Tạm dịch: “Năm thứ tám của triều Khải Định, mùa đông ngày 21/1/923 thì dựng lại đình. Đó là ngày tốt, đình có hướng tốt vì thế dân chúng được lộc tốt và thịnh vượng”.

Như vậy, có thể nói quy mô của ngôi đình cũng khá lớn so với các ngôi đình khác ở miền xuôi, nhưng về đồ thờ so với đình miền xuôi thì đình Tân Trào có vẻ khiêm tốn hơn. Ngôi đình có phần đơn giản hơn về nghệ thuật điêu khắc, không cầu kỳ trong hệ thống đồ thờ. Điều này có thể khẳng định do đặc trưng vùng quy định.

Đình Tân Trào mãi mãi ghi nhớ sự kiện trọng đại của lịch sử dân tộc: Quốc dân đại hội Tân Trào, Hội nghị Diên Hồng lần 2 trong lịch sử nước ta, thể hiện lòng tin sâu sắc của đồng bào với Đảng, Mặt trận Việt Minh và lãnh tụ Hồ Chí Minh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hơn 20 triệu đồng bào trong cả nước nhiệt liệt hưởng ứng lời kêu gọi cứu nước, phát ra từ Tân Trào đã nhất tề đứng lên tổng khởi nghĩa giành thắng lợi trong cả nước, lập chính quyền nhân dân, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc, thống nhất và chủ nghĩa xã hội.

Với sự kiện lịch sử trọng đại mà đình Tân Trào may mắn được chứng kiến, nơi đây đã trở thành di tích lịch sử cách mạng điển hình trong cả nước, minh chứng cho một giai đoạn lịch sử cách mạng sôi sục. Đây cũng là nơi diễn ra quốc dân đại hội, bầu ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) đánh dấu mốc son chói lọi của lịch sử cách mạng Việt Nam, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Có thể khẳng định một điều rằng, ngôi đình ngày nay vẫn là một trong những di tích lịch sử và kiến trúc tiêu biểu nhất trong Khu Di tích Lịch sử Cách mạng Tân Trào.

Cũng như ở khắp các miền trên đất nước những vị thần được thờ ở đình làng thường rất linh thiêng. Người dân tin tưởng cầu khấn để mong cho mình một cuộc sống sung túc, sức khỏe dồi dào. Đình Tân Trào dù cho là di tích lịch sử quốc gia nhưng nó vẫn là ngôi đình của riêng người dân làng Tân Lập về mặt tín ngưỡng, tâm linh. Bất cứ ai từ già, trẻ, lớn, bé trước khi làm một việc gì đó quan trọng hoặc đi đâu xa, hoặc cưới hỏi, ma chay đều ra đình thành kính làm lễ.

Có lẽ, ở bất cứ làng quê nào, chúng ta đều thấy xuất hiện những ngôi đình, đền, chùa... với những vị thần thánh là niềm tin của người dân khi luôn mong mỏi những điều may mắn trong cuộc sống. Đình Tân Trào ở làng Tân Lập cũng vậy. Cũng chưa ai và có lẽ là không ai có thể khẳng định và chứng minh có sợi dây liên hệ nào đó giữa ngôi đình thiêng này và ngôi làng không liệt sĩ kia. Ngay bản thân những cựu chiến binh khi kể lại cho chúng tôi câu chuyện này đều luôn khẳng định, họ lên đường nhập ngũ là vì tiếng gọi thiêng liêng của đất nước. Và, khi cần, họ cũng chẳng ngại việc hy sinh.

Ghi chép của Vũ Minh Tiến

(Năng lượng Mới số 151+152, ra thứ Sáu ngày 31/8/2012)