Chuyện về những thủy thủ tàu không số (Bài 2)

07:00 | 29/11/2014

1,812 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trung tá, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Hồ Đắc Thạnh - Thuyền trưởng tàu không số năm xưa đã trở về cuộc sống bình dị giữa đời thường, nhưng trong ông vẫn tươi nguyên những ký ức của một thời vượt biển trên con đường huyền thoại. Và câu chuyện về “nắm đất thiêng” của cô giao liên trao cho ông trong chuyến vào bến Vũng Rô năm ấy mãi mãi là một kỷ niệm đẹp, đáng trân trọng, nâng niu...

>> Chuyện về những thủy thủ tàu không số (Bài 1)

Năng lượng Mới số 377

Bài 2:  Xứng đáng là người con của biển

Vũng Rô - đêm giao thừa năm ấy

Tuổi 75, ông vẫn khỏe mạnh, giọng nói trầm và ấm; gương mặt phúc hậu, dễ gần; tác phong giản dị, cởi mở. Đó là những cảm nhận của tôi khi tiếp xúc với cựu binh Hồ Đắc Thạnh - nguyên thuyền trưởng tàu không số - người có 12 chuyến vượt biển, vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam...

 Ông say sưa kể về ngày xưa với niềm tự hào... “Cuối năm 1964, sau khi thực hiện hai chuyến tàu chở vũ khí vào bến Vũng Rô thắng lợi, tôi được Tư lệnh Hải quân giao nhiệm vụ tiếp tục chỉ huy tàu vượt biển, đúng đêm giao thừa có mặt tại Vũng Rô. Nhận mệnh lệnh, lòng tôi trào dâng niềm vui khó nói nên lời vì sắp trở về quê hương, được gặp lại đồng chí, đồng bào yêu dấu...

Buổi tiễn đưa cán bộ, chiến sĩ tàu 41 thực hiện “nhiệm vụ đặc biệt” trong đêm đông 1964 thật bùi ngùi, xúc động. Đồng chí Tư lệnh Quân chủng, Đoàn trưởng và Chính ủy đoàn căn dặn từng người chu đáo. Tình cảm hậu phương làm ấm lòng cán bộ, thủy thủ trên đường vào tiền tuyến lớn miền Nam...

Ông Hồ Đắc Thạnh (mặc áo trắng) trước bia ghi công các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên tuyến đường huyền thoại

Thời tiết không thuận lợi, sau ba ngày vượt sóng to, gió lớn, luồn lách tránh các tuyến tàu tuần tiễu của địch, chiều 30 tháng Chạp, tàu 41 chuyển hướng vào bờ. Trưa hôm đó, khi chúng tôi đang dùng bữa “tất niên” thì chiến sĩ trực canh báo cáo: “Mạn phải 30 độ, cự ly 3 hải lý, phát hiện hai tàu địch di chuyển về phía nam!”. Lệnh chuẩn bị chiến đấu được phát ra, tất cả về vị trí. Các lớp ngụy trang vũ khí được triển khai vừa che mắt địch, vừa có thể phục vụ chiến đấu được ngay.

Qua ống nhòm, tôi thấy rõ hai tàu tuần tiễu địch đang di chuyển. Phải tránh! Tôi ra lệnh cho tàu 41 chuyển hướng để tránh và tạo khoảng cách xa hơn, lúc này thời gian đã 16 giờ chiều... Sau khi xác định lại vị trí trên hải đồ, tôi lệnh cho máy trưởng sử dụng tốc độ dự bị. Tàu lặng lẽ hành quân giữa ánh hoàng hôn bao trùm lên mặt biển...

 Gần nửa ngày chống chọi với sóng gió, đúng 23 giờ 50, tàu chúng tôi vào tới Vũng Rô. Tôi cho thả xuồng và cử người vào bến tìm bộ phận đón. Trong lúc đang loay hoay thả xuồng thì thuyền của các đồng chí ở bến cặp mạn tàu. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, tôi ôm chặt anh Sáu Thu mà hai hàng nước mắt chảy ròng, nghẹn ngào không nói nên lời…

Giữa lúc tình cảm giữa người ở bến và chúng tôi đang dồn nén, thì đột nhiên, hàng loạt súng pháo nổ vang, những chiếc đèn dù xanh, đỏ từ đồn địch ở dốc Ba Ty phụt lên treo lơ lửng giữa khoảng trời Vũng Rô.

- Lộ rồi sao? Địch đã phát hiện tàu ta chăng? Sao không thấy động tĩnh từ phía địch?

Mọi người hồi hộp, lo lắng... Từ khoang báo vụ, chiếc đài bán dẫn vang lên lời Bác Hồ chúc tết nghe đầm ấm, thiết tha. Giao thừa! Mùa xuân 1965 đã tới. Thời khắc trời, đất giao hòa, chúng tôi vui mừng trào rơi nước mắt... Sau khi cử lực lượng cảnh giới nắm tình hình địch, cuộc liên hoan mừng tết Ất Tỵ được thực hiện ngay trong khoang máy và hầm hàng. Rượu, thịt, dưa hành, thuốc lá chúng tôi mang theo. Cá, mực đồng bào biếu được bày ra thơm lừng, càng tăng thêm hương vị đậm đà của mùa xuân bất tận.

Trong niềm vui chan chứa ấy, tôi thay mặt cán bộ, chiến sĩ tàu 41 chúc tết các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy, chiến sĩ, dân công và bà con đồng bào tại bến. Tiếng pháo tay thay pháo tết nổ vang. Anh Sáu Thu giục cô gái ngồi bên cạnh (là giao liên của bến) thay mặt bà con địa phương chúc tết anh em thủy thủ. Cô gái ửng hồng đôi má, ngập ngừng đứng lên: “Có Đảng, có Bác Hồ và đồng bào miền Bắc lo cho miền Nam từng khẩu súng, viên đạn, bát cơm, viên thuốc; có các anh thủy thủ vượt qua sóng to, gió lớn, đối mặt với quân thù vận chuyển hàng chi viện cho miền Nam, quê hương Phú Yên nguyện xứng đáng với nghĩa tình cao cả đó”. Nghe cô giao liên nói vậy, ai cũng nghẹn ngào, xúc động...

Đại tá Phạm Duy Tam

Tối mồng Một tết Ất Tỵ, chúng tôi bốc dỡ hàng. Chiếc cầu tạm bằng cây không đủ sức cho số đông người đi lại, nên đa số anh chị em dân công phải dầm mình dưới nước chuyển hàng. Phía đèo Cả, súng địch vu vơ bắn cầm canh. Công việc xếp dỡ hàng vừa xong, từ trong đêm tối có cô gái cầm trong tay một gói nhỏ được bọc cẩn thận bằng chiếc khăn tay trao cho tôi, giọng run run: “Bà con quê hương Phú Yên xin gửi theo tàu các anh nắm đất Vũng Rô, mảnh đất kiên cường, bất khuất. Dù giặc càn quét, lùng sục, bắt bớ, tàn sát dã man, đồng bào lên núi ăn củ mài, quả vả thay cơm nhưng vẫn một lòng, một dạ vững tin theo Đảng, theo Bác Hồ. Có súng, có đạn của miền Bắc chi viện, mảnh đất này sẽ là điểm tựa của những chiến công, là mồ chôn thây quân giặc cướp nước!”. Bùi ngùi, xúc động, cầm nắm đất Vũng Rô trong tay, tôi như muốn ôm cả đất trời quê hương Phú Yên vào lòng với tình cảm trân trọng, thiêng liêng...

Cuộc chia tay trong đêm xuân Ất Tỵ hết sức quyến luyến. Những giọt nước mắt tuôn trào, những lời chúc “lên đường thuận buồm, xuôi gió, ở lại mạnh khỏe, chiến đấu hăng say, hứa hẹn ngày trở lại”. Xa xa, tiếng pháo địch bắn cầm canh. Đúng 3 giờ sáng mồng Hai tết, tôi ấn mạnh tay chuông, con tàu rùng mình rẽ sóng ra khơi...”.

- Thưa bác! Nắm đất thiêng giờ nơi đâu? Cô giao liên năm nào bác có còn gặp lại? Tôi nêu câu hỏi.

 Ông Hồ Đắc Thạnh trả lời: “Nắm đất thiêng Vũng Rô được chúng tôi nâng niu, gìn giữ suốt chặng đường vượt biển, hiện đang đặt trang trọng trong Bảo tàng Quân chủng Hải quân. Còn cô giao liên ngày ấy tôi đã đi tìm suốt 40 năm qua mới gặp lại!”.

Chuyện người cựu binh thủy thủ tàu không số đi tìm cô gái trao cho mình nắm đất trong đêm xuân Ất Tỵ khá cảm động... Chiến tranh kết thúc, ông Thạnh về công tác ở Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân. Năm 1984 nghỉ hưu tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định). Trong quãng thời gian ấy ông đã mải miết đi tìm, nhưng chẳng ai biết cô giao liên ngày ấy ở đâu. Mãi đến năm 2004 ông về thăm quê hương Phú Yên thì điều kỳ diệu đã đến. Người con gái mà ông đằng đẵng đi tìm gần nửa thế kỷ qua lại chính là bà Nguyễn Thị Tảng, phu nhân của đồng chí Nguyễn Văn Dữ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh - nguyên Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tuy An.

 Trao nhau nắm đất thiêng từ thuở ấy, gặp lại sau hơn 40 năm xa cách, tóc họ giờ đã chuyển màu sương gió. Nhưng ký ức về những năm tháng chiến tranh ác liệt vẫn tươi nguyên. Ông bảo, những tấm Huân chương mà ông và bà Tảng đeo trên ngực áo thấm đẫm máu, mồ hôi và nước mắt của bao đồng đội kiên trung năm xưa đã anh dũng ngã xuống giữa lòng đất mẹ...

Người 7 lần được “truy điệu sống”

Đại tá Phạm Duy Tam - nguyên Phó tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân chính là người đã có 7 lần vượt biển trên con tàu không số chở vũ khí vào chiến trường miền Nam. Và ông  cũng là người vinh dự được giao trọng trách chỉ huy tàu 675 thần tốc hành quân trong điều kiện sóng to, gió lớn, vượt gần 500 hải lý để cùng với các lực lượng dũng cảm truy kích địch và giải phóng hoàn toàn quần đảo Trường Sa vào rạng sáng ngày 29/4/1975.

Ông quê Hải Trạch, Bố Trạch (Quảng Bình). Tuổi thơ gắn liền với biển cả, nên lớn lên ông trở thành lính thủy, rồi sau đó tốt nghiệp sĩ quan hải quân, đến năm 1969 thì về nhận công tác tại Đoàn tàu không số, được bổ nhiệm Phó thuyền trưởng tàu 42.

Ngày còn giữ chức Phó chỉ huy trưởng Vùng 3 Hải quân, ông là người thường xuyên sâu sát kiểm tra, bám nắm tình hình cơ sở. Những lần như thế cánh lính trẻ thường yêu cầu thủ trưởng kể chuyện về Đoàn tàu không số. Và tất nhiên bộ đội “sướng” là ông “chiều”. Trước khi kể bao giờ ông cũng không quên câu “nhắc khéo”: “Các cậu bây giờ quá sướng, chứ hồi “tớ” làm gì có được tàu to, trang bị vũ khí, máy móc, khí tài hiện đại như bây giờ. Vì thế “các cậu” phải lo mà bảo quản cho thật tốt để dùng bền đó!”.

Ông Hồ Đắc Thạnh và bà Nguyễn Thị Tảng gặp lại nhau sau 40 năm

Cánh lính trẻ đồng thanh: “Thưa thủ trưởng, chúng em sẽ cố gắng”, rồi mắt tròn, mắt dẹt lắng nghe. Ông kể: “Ngày ấy vượt biển, trên tàu chỉ có chiếc la bàn từ, đồng hồ thiên văn, máy 1/6 dùng để đo mặt trời, trăng, sao và một bộ tính thiên văn, không có định vị, la bàn con quay, máy đo sâu, máy tính đường, máy móc thông tin liên lạc chủ yếu đánh moóc tạch tè. Để phục vụ cho mỗi chuyến đi tàu phải chuẩn bị đầy đủ một tháng lương thực, thực phẩm, nhiên liệu, nước uống... Cán bộ, thủy thủ còn tranh thủ thời gian huấn luyện sử dụng các loại vũ khí, luyện tập xử lý tình huống có thể xảy ra trên biển, các phương án rời tàu, đánh bộc phá khi cần phá hủy tàu…

Do tính chất thực thi “nhiệm vụ đặc biệt”, nên trước khi vượt biển, phải tổ chức làm lễ “truy điệu sống” cho tất cả thủy thủ trên tàu không số. Cấp trên và những người ở lại coi chúng tôi là những chiến sĩ cảm tử quân. Nguyên tắc bất di bất dịch là phải giữ cho bằng được bí mật của con đường. Trường hợp bị địch phát hiện, truy kích, không thoát khỏi vòng vây của chúng thì phải tự dùng bộc phá để  hủy tàu, không để người và vũ khí rơi vào tay giặc.

Lễ “truy điệu sống” diễn ra trang nghiêm. Những người ở lại từ thủ trưởng Bộ Tư lệnh cho tới đồng đội, người thân đều không cầm được lòng mình. Nhưng chúng tôi - thủy thủ của tàu không số chẳng mấy ai sờn lòng. Chúng tôi hiểu, mỗi khẩu súng, thùng đạn, hộp thuốc... được vận chuyển vào chiến trường miền Nam là quý giá vô ngần. Vì thế 100% cán bộ, thủy thủ đều quyết tâm lên đường...

Gần chục năm lênh đênh cùng các con tàu không số vượt biển, Đại tá Phạm Duy Tam có 7 lần được “truy điệu sống”. Điều kỳ diệu là những chuyến đi của ông và đồng đội nhiều lần gặp bão tố và sự theo dõi gắt gao của kẻ địch. Nhưng nhờ sự mưu trí, khôn khéo và tinh thần quả cảm, họ đã vượt qua tất cả để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ...

Nhân dịp Đại tá Phạm Duy Tam về Đà Nẵng thăm gia đình con gái, tôi đã gặp và đề xuất ông kể lại chuyến vượt biển giải phóng Trường Sa năm ấy. Vốn là sĩ quan cấp dưới của ông từ hồi còn ở Vùng 3 Hải quân, thế nên khi tôi đề đạt “nguyện vọng” là ông “chiều” ngay.

Và câu chuyện ông kể như thước phim quay chậm giúp tôi hiểu thêm về biên đội tàu ngày ấy thần tốc vượt biển, giải phóng Trường Sa... “Hai tuần sau ngày thành phố Đà Nẵng được giải phóng, tôi được Bộ Tư lệnh Quân chủng giao nhiệm vụ làm biên đội trưởng một biên đội tàu cá giả dạng (tàu không số) hành quân cấp tốc từ Hải Phòng vào quân cảng Tiên Sa (Đà Nẵng). Cấp trên xác định, lực lượng của chúng tôi là mũi tiến công duy nhất trên hướng biển do các đoàn tàu không số (Đoàn 125) phối hợp cùng lực lượng đặc công nước và Sư đoàn 2 bộ binh, Quân khu 5.

Đúng 4 giờ ngày 11/4/1975, biên đội ba tàu 675, 673 và 674 lên đường. Chuyến đi ấy ngoài chức trách là biên đội trưởng, tôi còn làm thuyền trưởng tàu 675. Đồng chí Nguyễn Xuân Thơm - thuyền trưởng tàu 673. Còn tàu 674 do đồng chí Nguyễn Văn Đức làm thuyền trưởng. Do tính cấp thiết của nhiệm vụ nên biên đội tàu chúng tôi chạy hết công suất, thẳng hướng đảo Song Tử Tây.

Chuyến đi ấy gió lớn trong khi tàu ta là loại tàu nhỏ nên bị sóng quần cho tơi tả. Nhưng tất cả thành viên đều phấn chấn vì được ra giải phóng Trường Sa là niềm vinh dự quá đỗi tự hào của người chiến sĩ. Những cơn sóng biển đổ chụp lên con tàu, ai cũng say sóng nhưng vẫn kiên cường bám trụ. Lực lượng đặc công thủy nằm bẹp dưới hầm tàu để tránh bị phát hiện. Anh em say sóng lừ đừ nhưng vẫn ráng chịu đựng. Biển sóng to, gió lớn trong khi tàu ta bé nhỏ, mọi người quyết định vẫn mở hết công suất máy. Rồi một chiếc tàu bị hỏng máy. Khó khăn hơn, cả đội tàu không thể liên lạc được với sở chỉ huy tiền phương của Bộ Tư lệnh Quân chủng đóng ở Đà Nẵng.

Trước tình hình đó, chúng tôi vượt biển bằng la bàn, dõi theo con nước và ngắm sao trời... Sau 3 ngày đêm vật lộn với sóng, gió vượt gần 500 hải lý, chúng tôi đã thấy đảo Song Tử Tây như một chấm nhỏ xa mờ. Ngày đó các đảo còn thấp lè tè, chiều cao chỉ từ 1,5m đến 4,5m so với mặt nước biển. Ban ngày phát hiện đã khó, ban đêm lại càng khó hơn vì đảo không có điện, lại nhấp nhô giữa biển nước mênh mông biết đâu là đảo có quân đội ngụy quyền Sài Gòn chiếm giữ”.

Đại tá Phạm Duy Tam bỗng hạ giọng: “Ngày đó, chúng tôi được trên chỉ thị là tuyệt đối không đánh nhầm vào các đảo do nước ngoài chiếm giữ. Đây là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn bởi máy móc, thiết bị hàng hải mà ta có được lúc đó quá thô sơ. Cuối cùng bằng kinh nghiệm, chúng tôi cũng phát hiện quân đội Sài Gòn chiếm giữ 6 đảo nổi của Trường Sa. Trong đó đảo Nam Yết là sở chỉ huy với lực lượng lên đến 60 lính; các đảo Song Tử Tây, Trường Sa Lớn đều có 40 lính; các đảo Sơn Ca, Sinh Tồn, An Bang có 20 lính… Thời cơ ngàn năm có một đã tới. Biên đội nhanh chóng triển khai đội hình chiến đấu. Hai tàu 674 và 673 án ngữ phía Bắc đảo 15 hải lý đề phòng đối phương từ phía bắc xuống và nghi binh hai tàu chiến của ngụy đang lởn vởn ở khu vực đảo Nam Yết. Tàu 675 do tôi chỉ huy bí mật tiếp cận gần mép san hô của đảo, rồi thả xuồng cao su, lần lượt chở bộ đội đặc công nước do đồng chí Nguyễn Ngọc Quế (Đội trưởng Đội 1 - Đoàn 126) chỉ huy đổ bộ lên đánh chiếm đảo.

Đúng 4 giờ 30 phút, ngày 14/4/1975, ta bất ngờ đồng loạt nổ súng, tiêu diệt 7 tên, bắt sống 33 tên, giải phóng hoàn toàn đảo Song Tử Tây. Ngay trong đêm đó, tôi tiếp tục chỉ huy tàu chở tù binh từ đảo Song Tử Tây về quân cảng Đà Nẵng an toàn. 10 ngày sau, tàu 641 (Đoàn 125) tiếp tục chở phân đội đặc công nước do đồng chí Đỗ Viết Cường (Đội phó đội 1 - Đoàn 126) đổ bộ đánh chiếm và giải phóng đảo Sơn Ca, bắt sống 17 tên ngụy. Thừa thắng xông lên, quân ta tấn công giải phóng đảo Nam Yết.

Đúng 2 giờ sáng ngày 29/4/1975 trên hướng tiến công đường biển ta đã kéo cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, giải phóng 6 đảo thuộc quần đảo Trường Sa do Ngụy quyền Sài Gòn chốt giữ. Ngày đó, ngắm nhìn lá cờ tổ quốc phần phật tung bay trên các đảo tiền tiêu, chúng tôi ôm chầm lấy nhau, niềm vui vỡ òa trên từng gương mặt. Thắng lợi trên mặt trận biển đông, giải phóng Trường Sa góp phần quan trọng vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc”...

(Xem tiếp kỳ sau )

Vĩnh Lộc