Có những nỗi mong chờ từ Tiên Lãng...

11:54 | 31/10/2012

1,656 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - “Từ ngày bố các cháu bị bắt tạm giam, cuộc sống gia đình chúng tôi bị đảo lộn, đặc biệt là những đứa trẻ, đêm đêm trong giấc ngủ thi thoảng chúng vẫn ú ớ gọi tên bố...” – Chị Nguyễn Thị Thương, vợ Đoàn Văn Vươn chia sẻ.

>> Tiên Lãng - gần 1 năm sau ngày cưỡng chế

>> Cần xem xét lại trách nhiệm của những người đứng đầu huyện Tiên Lãng

>> Vụ Tiên Lãng: Tiết lộ 'tâm thư' của ông Khanh trước khi bị bắt

 

Gần một năm trôi qua, kể từ ngày diễn ra vụ cưỡng chế khu đầm phá nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, nhóm phóng viên Petrotimes lại có dịp trở về xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng.

Phải mất gần 30 phút chạy xe máy men theo con đê chạy dọc kênh đào Cống Rộc đổ ra biển, chúng tôi mới đặt chân tới thôn Cống Rộc, xã Vinh Quang. Trước mặt chúng tôi là chuối bạt ngàn phủ kín cả một khu rộng. Theo chỉ dẫn của người dân nơi đây, chúng tôi phải cuốc bộ men theo con đường đất, xuyên qua khu vườn chuối khoảng 3km là tới căn nhà tạm mà Hiệp hội nuôi trồng thuỷ sản nước lợ huyện Tiên Lãng dựng lên cho vợ con ông Vươn, ông Quý có chỗ chui ra, chui vào.

 

Con đường heo hút bị chuối và cỏ dại phủ kín chạy sâu tới túp lều của vợ con ông Vươn.

 

Đập vào mắt chúng tôi là khung cảnh vắng bóng người, cỏ mọc che kín cả lối đi. Mất gần 20 phút vượt “rừng chuối”, cỏ dại, càng tiến sâu vào trong, con đường càng khó đi hơn. Một căn nhà nhỏ tạm bợ được dựng lên bằng gạch cũ, lợp ngói xi măng là nơi vợ con ông Vươn, ông Quý sinh sống.

Đứng bên ngôi nhà tan hoang, ngổn ngang gạch đá và vật dụng sinh hoạt vỡ nát, chị Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) tâm sự: “Từ ngày anh ấy bị bắt, chẳng đêm nào tôi ngủ đẫy giấc. Phần vì thương anh túng quẫn làm liều nên phải cam chịu tù tội, phần vì hờn trách cuộc đời này đã đẩy anh vào đường lao lý”.

Theo chị Thương, hơn mười tháng trôi qua, kể từ cái ngày bị cưỡng chế, anh Vươn bị bắt, thân nhân của anh Vươn phải sống trong cảnh âu lo, cơ cực và tủi hờn trước ánh mắt bàn dân thiên hạ. Sụt sùi nước mắt, chị Thương kể: “Từ ngày anh Vươn bị bắt đến nay, chúng tôi không nhận được một lá thư, một lời nhắn gửi và cũng chẳng biết đến ngày nào mới được gặp anh ấy”.

 

Ngôi nhà của ông Quý chỉ còn đống đổ nát sau ngày cưỡng chế.

 

Tay chỉ vào đống lưới rách nát, chị Phạm Thị Hiền (vợ ông Đoàn Văn Quý) nói như khóc: “Vụ cưỡng chế xảy ra vào ngày 5/1 khiến đồ đạc trong nhà tôi bị phá sạch. Lưới đánh cá bị phá hủy không còn một tấm nào nguyên vẹn. Để qua ngày, chúng tôi đành mua tạm mấy tay lưới  nhỏ này bắt com tôm con tép. Mọi việc phải bắt đầu lại từ đầu nên trong năm nay chưa thể đi vào sản xuất, nuôi trồng ngay được”.

Theo tâm sự của những người trong gia đình ông Vươn, hiện nay, thu nhập của gia đình chỉ trông chờ vào…vườn chuối. Hàng ngày, họ lần mò trong vườn chuối rậm rạp để tìm những buồng chuối già để bán. Và bây giờ chuối cũng không còn nhiều, thu được buồng nào quý buồng đấy. Mà vườn chuối nhà giờ đây cũng đang bị cây dại xâm lấn.

 

Những đứa trẻ thơ dại bên mâm cơn thiếu người cha.

 

“Đêm giao thừa vừa rồi, nhìn những gia đình hàng xóm quay quần bên nhau đầm ấm nghĩ mà thương chồng. Lần đầu tiên, đón một cái tết không có chồng bên cạnh; lần đầu tiên, các con phải sống xa cha, tôi khóc suốt. Đêm giao thừa, không biết chồng mình sẽ đón tết như thế nào khi bốn bên là bức tường giam” – Chị Thương nói trong tiếng nấc.

Nói về phận đời con gái nổi trôi của mình, chị Thương không giấu giếm mà kể cho chúng tôi: Trong đời tôi, kể từ khi lấy chồng đến nay, tôi đã phải đón 3 cái Tết trong nước mắt. Lần đầu là vào năm 1996, khi toàn bộ đê bao quanh đầm bị vỡ, bao nhiêu mồ hôi, công sức, tiền bạc của gia đình tích góp trong mấy năm bỗng dưng đổ ra sông ra biển. Lần thứ 2 là vào năm 2001, khi chị mất đi đứa con gái mới 8 tuổi vì bị rơi xuống cống chết đuối. Lần thứ 3 là Tết Canh Thìn, khi chồng bị bắt, nhà cửa bị đập phá”.

Chị dẫn chúng tôi đi một vòng quanh hồ, đi đến đâu chị lại chỉ vào đó và kể với giọng  tiếc nuối: “Ngày trước đây là nhà tôi ở đấy các chú ạ! Tất cả giờ chỉ là đống đổ nát.”

 

Con ông Vươn cắm cúi ngắm tấm hình của bố.

 

Theo chị Hiền, trước ngày diễn ra vụ cưỡng chế, gia đình đã cho các cháu vào nhà người thân ở trong làng, chúng chỉ kịp mang theo chiếc cặp sách, bộ quần áo trên người. Ngoài ra toàn bộ sách vở, đồ dùng khác đã bị đốt rụi.

Sau Tết, các cháu quay trở lại trường học, gia đình cố gắng hết mình để khắc phục những khó khăn trước mắt. Lo việc học hành cho các cháu, thiếu sách, thiếu vở, đồ dùng đến đâu thì mua mới để các cháu học tập đến đó. Gia đình “tan đàn xẻ nghé”, chuyện học của các cháu cũng bị phân tâm.

“Ngày trước các anh ở nhà, thường xuyên là người bảo ban con cái trong việc học hành, làm nhiệm vụ đưa đón con. Giờ đây thương các con không còn người đưa đón đến trường như hôm nào,việc học hành bị giảm sút” – Chị Hiền chia sẻ.

 

Những chiếc thuyền lâu ngày không được sử dụng...

 

Theo chị Thương, từ ngày đau thương đó đến giờ, đám con cháu của ông Vươn, ông Quý hễ thấy người lạ là chúng lại hoảng loạn. Có nhiều hôm, thấy bóng dáng công an đi về khu nhà đang ở, các cháu liền òa khóc và trèo lên giường chui vào trong chăn, đến khi khách về hết các cháu mới chịu ra ngoài.

Lân la trò chuyện với mấy đứa nhỏ, chúng tôi phải mất rất nhiều công sức và phải nói dối là bạn của bố các cháu, chúng mới chịu làm quen và bắt chuyện.

- Cháu có biết bố Vươn đi đâu không...?

- Bố đi chơi ạ

- Thế bố cháu đi lâu chưa?

- Lâu rồi ạ

- Thế bao giờ bố cháu về?

- Mẹ cháu bảo là bố cháu sắp về

- Cháu có nhớ bố không ?

- Dạ, có ạ. Cháu mong bố về sớm để đưa cháu đi học.

Sự thơ ngây của đứa bé khiến những người có mặt không cầm được nước mắt. Sụt sùi nước mắt, chị Hiền kể về vụ tai nạn khiến cậu con trai Đoàn Vũ Hải lên 8 tuổi bị đứt gân chân hồi đầu năm, cháu đã phải nằm viện mất hai tháng.

“Ngay sau khi anh Vươn, anh Quý bị bắt, thấy chúng tôi bảo lên Hà Nội, cháu nằng nặc đòi theo mẹ và bác. Không ngờ khi đi về thì cháu gặp nạn” – chị Hiền cho hay.

 

Chị Thương và chị Hiền mang những tấm hình ra ngắm những lúc rảnh rỗi.

 

Với cuộc sống ở vùng sông nước mênh mông, nguy hiểm luôn rình rập, không có  chỗ vui chơi an toàn, các cháu vui đùa cạnh nơi cửa cống, đầu ngòi, chỉ cần bất cẩn cũng có thể bị đuối nước. Năm 2001, đứa con gái đầu của ông Vươn cũng đã mất ở đây.

Tự dằn lòng mình phải biết kiên trì, bám đất, bám đầm để nuôi con ăn học chờ chồng trở về. Chị Thương nói: “Giờ đây chúng tôi chỉ biết động viên nhau cố gắng vượt qua chứ mà suy sụp hay đổ xuống lúc này thì không làm gì được nữa. Giờ các anh còn đang bị giam giữ trong trại, mong các anh ấy được hưởng khoan hồng và sớm về với vợ con để tiếp tục lao động, ổn định cuộc sống”.

Họ đang sống trong chờ đợi sự phán quyết cuối cùng, chỉ với ước mong đoàn tụ với người thân.

Rời đầm tôm, chúng tôi cứ nhớ mãi hình ảnh 2 người mẹ da sạm nắng, những đứa trẻ thơ dại đứng cuối con đường vẫy tay chào. Cơn gió ào ào trên những tầu chuối trong chạng vạng chiều âm u bên Cống Rộc không ngớt theo bước chân người.

 

Thiên Minh – Nguyễn Hoan