Cứu hộ Thủy điện Đạ Dâng: Nơi tình người tỏa sáng

19:00 | 22/12/2014

1,800 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
7 giờ 15 phút, ngày 16/12/2014 đường hầm xuyên núi đang thi công thuộc công trình thủy điện Nhà máy Thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo thuộc thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng bất ngờ bị sập một đoạn, 12 công nhân đang thi công bên trong hầm mắc kẹt. Ngay sau đó, gần 500 người gồm công binh, cứu hộ, cứu nạn, y tế được huy động đến tham gia cứu hộ. Tính mạng 12 người công nhân tưởng chừng rất mong manh, họ hoang mang trong khúc hầm tối tăm nhưng vẫn động viên nhau, vẫn hát, vì họ có niềm tin, họ sẽ được cứu…

 

Chung lo với Đạ Dâng

Đạ Dâng ngày 16/12, kíp công nhân làm Thủy điện Đạ Dâng đang hì hục làm dầm thép, đổ bê-tông và bơm nước, bất ngờ hàng trăm khối đất đá đổ sập xuống vị trí cách cửa hầm 500m, bít lối ra duy nhất, 12 người trong đó có 1 công nhân nữ 26 tuổi bị kẹt lại, hầm tối đen, nước tiếp tục dâng lên. Từng giờ trôi qua, 12 con người hoảng loạn trong cái đói, rét, suy kiệt…

Ngay sau khi đường hầm xuyên núi đang thi công thuộc công trình thủy điện Nhà máy Thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo bị sập, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có công điện khẩn yêu cầu các lực lượng thực hiện công tác cứu hộ cứu nạn, nhanh chóng cứu sống 12 công nhân bị kẹt bên trong hầm.

Phương án cứu hộ lập tức được Ban Chỉ huy cứu hộ đưa ra, bước đầu lực lượng cứu hộ khoan một lỗ đưa ống có đường kính 6cm để bơm ôxy, bơm sữa và cháo vào để tiếp tế cho công nhân trong hầm, đảm bảo duy trì sức khỏe ổn định cho đến khi được cứu ra ngoài. Sau đó, khoan tiếp một đường phía sau để rút nước ra ngoài, khoan trên đỉnh hầm bằng phương pháp cọc nhồi để chuyển quần áo, thực phẩm, máy bơm nước vào. Cuối cùng là đào hai đường hầm xuyên qua vùng đất bị sụp đổ để cứu 12 nạn nhân ra ngoài.

Lực lượng cứu hộ cõng nạn nhân ra khỏi hầm

Chúng tôi đến hiện trường vụ sập hầm Thủy điện Đạ Dâng khi trời còn mờ sáng, nhưng không khí tại đây đã rất khẩn trương, người người hối hả ra vào chuẩn bị cho công tác cứu nạn, mỗi người một việc, không ai bảo ai, tất cả đều tập trung hết sức để hoàn thành tốt nhất công việc của mình.

Cảnh sát giao thông phụ trách bên ngoài đường dẫn vào cửa hầm để kịp phân luồng, hướng dẫn lưu thông đảm bảo đường thoáng cho các phương tiện tham gia cứu hộ ra vào thực hiện nhiệm vụ của mình; lực lượng cứu hộ tỉnh Lâm Đồng, TP HCM tham gia cắt gỗ thông để chuyển vào hầm cho đội cứu hộ chèn chống, gia cố, chia từng nhóm để vào trong hầm tham gia vận chuyển đất đá đào được lên xe, lực lượng thanh niên xung phong chuyển ra ngoài; Điện lực tỉnh Lâm Đồng cũng được huy động tham gia vào công tác phục vụ chiếu sáng, hoạt động cứu hộ đã diễn ra suốt đêm.

Lực lượng y tế đã chuẩn bị đầy đủ phương tiện, thuốc men để kịp thời sơ cấp cứu các nạn nhân khi được cứu ra khỏi hầm. Các lán trại cũng được dựng lên, tạo thành một trạm cấp cứu dã chiến ngay bên ngoài cửa hầm. Đặc biệt nhất, không thể không nhắc đến hai đội trực tiếp tham gia đào hầm để đưa nạn nhân ra ngoài là các chiến sĩ Bộ Tư lệnh Công binh thuộc Bộ Quốc phòng, Đội Tìm kiếm cứu nạn thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV). Với trang thiết bị chuyên dụng trên người, bước chân vội vã, trên miệng vẫn ngậm… bánh mì.

Một không khí đặc biệt, ai cũng biết công việc của mình là đang chạy đua với… thần chết.

Người thân của 12 nạn nhân lặn lội từ Hà Nam, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh vào Đạ Dâng từ ngày hôm trước, dõi theo từng giây bên ngoài, họ không dám rời hiện trường. Có mặt ngay thời điểm hầm bị sập sáng 16/12/2014, anh Nguyễn Văn Quân (quê Hà Tĩnh) kể: 5 tháng trước, anh và em trai là Nguyễn Văn Quang (19 tuổi) đến Thủy điện Đạ Dâng xin làm công nhân vì Quang vừa thi trượt đại học, nhà nghèo nên anh em rủ nhau đi làm. Không ngờ lại gặp sự cố.

Nhìn về phía cửa hầm, anh Quân nói trong nghẹn ngào: “Ở nơi xa nhà, anh em tôi đi đâu cũng có nhau, kiếm được đồng nào đều gửi về quê cho cha mẹ, chỉ giữ lại một ít để dùng”. Mỏi mòn ngóng chờ em trai, anh Quân không thiết tha đến chuyện ăn, chuyện ngủ. Giây phút hầm đổ sập, Quân như rụng rời tay chân vì biết em trai đang làm việc trong đó. Anh cùng những công nhân khác lập tức chạy vào, dùng tất cả dụng cụ để có thể đào mong tìm lối thoát cho các nạn nhân mặc cho đất đá trên nóc hầm có thể tiếp tục sập xuống bất cứ lúc nào.

Trong số 12 nạn nhân, chị Đặng Thị Hồng Ngọc (sinh năm 1988) là nạn nhân nữ duy nhất trong vụ sập hầm. Đến xã Lát, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng làm công nhân công trình Thủy điện Đa Dâng hơn một tháng, chị phải gửi đứa con 5 tuổi ở quê Nghệ An cho ông bà giữ. “Làm công nhân kiếm 5-6 triệu đồng mỗi tháng, vợ chồng họ chi tiêu tiết kiệm lắm, hầu hết là gửi tiền về cho ông bà nuôi con”, người nấu ăn phục vụ công nhân ở công trình thủy điện kể.

Chị Phạm Thị Hoa, vợ anh Việt - một nạn nhân cho biết: Anh Việt bị nhiễm chất độc da cam, người ốm yếu, kham khổ, hai đứa con gái 7 tuổi và 5 tuổi cũng bị ảnh hưởng nên thường xuyên bị bệnh, tốn nhiều chi phí chạy chữa nên anh Việt phải tha phương đi kiếm sống quê người. Nào ngờ đi làm chưa được bao lâu, lại gặp phải chuyện như thế này. Khi nghe tin chồng bị nạn, chị Hoa bắt chuyến xe sớm từ Hà Nam vào Lâm Đồng. Suốt ngày đêm lo lắng, suy nghĩ, mất ngủ nên khi vừa đến nơi, chị ngất đi tỉnh lại nhiều lần, phải nhờ lực lượng y tế giúp đỡ.

6 giờ đồng hồ một ca, những người tham gia cứu hộ đào bới không ngừng nghỉ. Hết ca làm việc, họ bước ra khỏi hầm, toàn thân bê bết bùn đất, bước vội về lán trại nghỉ ngơi để chuẩn bị cho giờ vào ca mới. Để đẩy nhanh tiến độ, Ban Chỉ huy cứu hộ đã rút ngắn thời gian thi công mỗi ca từ 6 tiếng xuống còn 3 tiếng, lực lượng cứu hộ bỏ luôn thời gian… ngủ để làm sao cứu được người nhanh nhất.

Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó tham mưu trưởng Binh chủng Công binh, Bộ Quốc phòng: Phương án cứu hộ hiện tại vẫn theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải là mở hai đường phụ 2 bên, một đường hầm bên phải do Trung tâm Ứng cứu sự cố hầm mỏ TKV đào, bên trái do bộ đội công binh mở đường, các phương án đang thực hiện song song, hiện đều đạt trên 10m.

Đại tá Hùng kể: “Trong quá trình thi công, chúng tôi gặp rất nhiều đá, đá nhỏ thì chuyển bằng cách bốc xúc đi, còn đá lớn bắt buột phải nổ mìn. Chúng tôi nổ mìn chỉ sử dụng một lượng thuốc nhỏ, chỉ đủ để công phá khối đá không ảnh hưởng đến hầm. Và mìn được nổ bên phải hầm, hướng đào của Trung tâm Ứng cứu sự cố hầm mỏ. Trong quá trình đào, chúng tôi đã dùng một lượng thuốc nổ nhỏ để làm vỡ đá và chuyển ra ngoài. Cụ thể, một khối đá chúng tôi chủ sử dụng 2 đến 3 lỗ mìn”.

Để chuẩn bị cho việc đưa các nạn nhân ra ngoài, ngay từ trưa 19/12/2014, lực lượng dân quân đã tiến hành san phẳng mặt đường và làm lối đi lên các khu vực sơ cấp cứu. Công việc được thực hiện khá nhanh và chắc chắn, chỉ sau 45 phút, các lối đi đã hoàn thiện.

Theo tính toán của lực lượng y tế, sau khi các nạn nhân được đưa ra ngoài, đội ngũ hỗ trợ sẽ thay quần áo cho nạn nhân, sau đó y, bác sĩ sẽ giữ ấm và sơ cấp cứu tại chỗ, giảm sốc tinh thần, ổn định sức khỏe mới chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng cấp cứu. Nhằm chuẩn bị tốt cho công tác cứu hộ, đảm bảo thực hiện nhanh chóng khi cấp cứu 12 nạn nhân, lực lượng cứu hộ TP HCM, cứu hộ Lâm Đồng, đội ngũ y tế của các bệnh viện đang có mặt tại hiện trường đã tổ chức diễn tập ứng cứu sự cố, với tình huống được đưa ra là các nạn nhân bị thương, ngạt thở, đuối sức…

Trong thời điểm này, phóng viên báo chí có mặt ở Đạ Dâng cũng đông không kém lực lượng cứu hộ. Tin tức cập nhật về sự kiện liên tục, cả nước hướng về Đạ Dâng, hồi hộp và lo lắng…

Cứu được rồi!

 “Cứu được rồi!”. Một chiến sĩ cứu hộ chạy ra từ trong hầm, anh vừa hét vừa dọn đường cho các chiến sĩ công binh khác đang xốc nách một công nhân từ trong hầm. 16 giờ 30 phút ngày 19/12, xe cấp cứu liên tục đưa các nạn nhân ra khỏi hiện trường. Một bạn đồng nghiệp bảo với tôi: “Lần đầu tiên tôi nghe thấy tiếng xe cấp cứu mà có những những tiếng reo vui”. Phải, tiếng reo vui của xe “cấp cứu” của hơn 700 con người có mặt tại hiện trường. Cảm xúc vỡ òa trong tiếng nói, tiếng khóc, tiếng cười…

Ngay sau đó, lần lượt 11 nạn nhân còn lại được lực lượng cứu hộ đưa ra ngoài, trong đó có người không cần cáng cứu thương, chỉ nhờ đội cứu hộ dìu đi. Không còn từ ngữ nào để miêu tả nổi giây phút hạnh phúc đó, những con người chưa từng gặp nhau, chưa từng thấy nhau nhưng từ khoảnh khắc chờ đợi lúc lực lượng cứu hộ mang cáng cứu thương chạy vào trong đến lúc mang người bị nạn ra, hàng loạt cảm xúc xen lẫn nhau, cứ thế diễn ra trong từng con người ở bên ngoài hầm, từ im lặng chờ đợi, hồi hộp, lo lắng đến vỡ òa hạnh phúc, họ ôm chầm lấy nhau như những người thân thiết.

Người thông hầm cứu hộ đầu tiên là binh nhất Hoàng Văn Thảo (24 tuổi, quê Phú Yên, thuộc Lữ đoàn 29). Thảo kể lại: “Ê-kíp của chúng tôi gồm 10 người, vào nhận nhiệm vụ thay ca đào cho các đồng đội lúc 14 giờ, căn hầm nhỏ hẹp, nước ngầm từ trần luôn chảy xuống khiến việc đạo hầm gặp khó khăm. Chỉ với cuốc, xẻng, xà beng, chúng tôi vừa đào, vừa gia cố kè hầm để tiến sâu vào khu vực có nạn nhân. Lực lượng cứu hộ của TKV thì đào ngách bên cạnh.

Tất cả xác định, nhanh chóng tiếp cận các nạn nhân. Khi Thảo đang đào cùng đồng nghiệp thì phát hiện có tia sáng chiếu ngược trở lại, cả nhóm tập trung sức lực đào thật nhanh. Thảo cùng đồng đội đào được khoảng 14m, thấy đất mềm và nghe tiếng động lớn hơn. Với kinh nghiệm của người chiến sĩ công binh, anh em trong nhóm nhận định đoạn hầm đã gần thông đến chỗ nạn nhân bị mắc kẹt, nên ai cũng nỗ lực hết sức mình đào tiếp.

Đến lúc đào thêm khoảng 5m nữa thì nhóm công binh thấy một khe hở nhỏ do nước chảy trôi cát tạo nên, bên trong có ánh đèn le lói. Qua ánh đèn phía trước, Thảo gọi to: “Có ai đó không, có ai đó không?”. Phía bên kia có tiếng đáp lại yếu ớt: “Cứu chúng tôi… cứu chúng tôi”… Không ai bảo ai, guồng tay của các chiến sĩ công binh đào nhanh hơn. Thảo là người tiến vào hầm đầu tiên, điều đầu tiên anh nghe thấy là tiếng khóc.

“Nghe được tiếng khóc và kêu cứu của mọi người, chúng tôi vô cùng sung sướng và hạnh phúc vì biết rằng họ vẫn sống”, Binh nhất Hoàng Văn Thảo kể lại phút giây hạnh ngộ hiếm có này.  Nữ nạn nhân Hồng Ngọc vừa rời khỏi khu vực tai nạn thì ngất xỉu, một chiến sĩ công binh vừa xốc nách vừa thét: “Ngọc ơi, đừng ngủ, được cứu rồi”. Thịnh vốn bị mắc bệnh hen suyễn, anh giàn giụa nước mắt, khóc nấc lên rồi lả người đi. 4 công binh vội đỡ Thịnh, 4 đôi tay làm cáng chạy ào về cửa hầm…

Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Công binh khẳng định: “Một phần thành công là do phương pháp thi công tối ưu nhất khi đào hầm theo hướng thẳng. Đồng thời biện pháp công binh khắc phục là đảm bảo yêu cầu. Các chiến sĩ đào hầm với tinh thần nỗ lực cao nhất để đưa các nạn nhân ra ngoài trong thời gian sớm nhất. Mặc dù đã bàn các phương án giải cứu và tính toán được thời gian hoàn thành nhưng tôi hoàn toàn bất ngờ vì việc giải cứu các nạn nhân được tiến hành nhanh chóng như vậy”.

Thật vậy, đó là điều bất ngờ không chỉ đối với lực lượng cứu hộ, các nạn nhân mà còn với những người thân và những người chứng kiến, theo dõi việc giải cứu 12 nạn nhân bị kẹt trong vụ sập hầm Thủy điện Đạ Dâng trong suốt 82 giờ.

Tình người trong hoạn nạn

Nạn nhân Phạm Viết Nam kể lại: “Bọn tôi làm được 20 phút thì nghe có tiếng sập phía sau lưng, 1 giây sau thì cúp điện. Mọi người la lên, sập hầm rồi. Tôi bật điện thoại lên thì thấy hầm sập thật. Lúc đấy mọi người chỉ còn biết ngồi chờ, mong bên ngoài nhanh chóng cứu mình. Ai cũng hoang mang. Nhiều giờ sau mới thấy tiếng khoan thông vào, có tiếng vọng hỏi từ bên ngoài, chúng tôi mừng lắm.

Chúng tôi hét lên: “Chúng tôi trong này an toàn, mong bên ngoài cứu hộ sớm!?”. Những giờ sau thì sự vui mừng của anh em thay bằng sự lo lắng, tuyệt vọng, người bên ngoài cứ nói là sắp cứu được rồi, nhưng trong hầm, nước cứ dâng lên. Ngày thứ 3, anh em phải leo lên xe trộn bêtông chen chúc ngồi, ai cũng ướt và lạnh. Tới cuối ngày thứ 3 thì tuyệt vọng lắm!”.

Lực lượng cứu hộ đã nỗ lực hết mình trong đêm để làm công tác cứu hộ

Trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, 12 công nhân gặp nạn trong hầm Thủy điện Đạ Dâng nương tựa vào nhau, họ chia nhau những miếng cháo, miếng sữa, người khỏe giúp đỡ người yếu và nhường nhau chỗ ngồi tránh nước ngập… trong hầm đặc quánh 1 màu đen và lạnh. Nỗi hoảng sợ càng tăng lên khi mực nước liên tục dâng cao đến trên đầu gối, rồi đến bụng, đến ngực.

Anh Nguyễn Anh Tuấn, (24 tuổi) kể lại: Khi nước tiếp tục dâng lên, mọi người hoảng loạn đến cực độ. Xung quanh là bóng đêm, đưa bàn tay trước mặt cũng không thể nhìn thấy, ai cũng lạnh run vì quần áo đã ướt hết. Cũng từ đây, bắt đầu những câu chuyện cảm động rơi nước mắt. Trong bóng tối, họ đã hát, kể chuyện vui cho nhau nghe để giảm đi nỗi sợ để vun đắp niềm tin sẽ được cứu sớm trước khi sức khỏe yếu dần. Niềm tin mỗi lúc một tăng lên, khi họ đã đói lả thì lực lượng cứu hộ bên ngoài khoan tới vị trí 12 người gặp nạn để chuyền thức ăn vào.

Ban đầu là xúc xích, là sữa, sau đó điện cũng được đấu nối vào bên trong. Tuy đã có được thực phẩm bên ngoài chuyển vào, nhưng toàn thân bị ướt đẫm trong cái lạnh buốt của cao nguyên. Khi nước trong hầm mỗi lúc một dâng cao, chỉ còn 1m nữa là đụng hầm, lực lượng cứu hộ bên ngoài báo đang tiến hành rút nước, 12 người trong hầm nhìn nhau thở phào nhẹ nhõm, nếu nước không rút kịp, chỉ vài giờ, họ có thể đuối chết…

Anh Nguyễn Anh Tuấn kể, khi được bên ngoài chuyển sữa và cháo vào, nhiều người sức khỏe yếu không thể tự đi nhận phần của mình thì những người khỏe mạnh đã lội nước, dùng mũ bảo hộ nhận phần cháo, phần sữa sau đó chuyển đến từng người trong hầm.

Trong số 12 công nhân có anh Hoàng Đình Thịnh (SN 1986, quê Nam Định) bị hen suyễn. Do đó khi bị lạnh, thiếu ôxy, anh đã hai lần ngất đi, nước mũi chảy ra, sùi bọt mép. Những người cùng cảnh ngộ khi đó nghĩ, Thịnh khéo không chờ được. Mọi người xích lại Thịnh, không ai bảo ai, đều như muốn ủ ấm cho Thịnh.

Từ nơi tránh nước đến nơi lấy sữa “tiếp tế” phải lội hơn 10m nước, là người phụ nữ duy nhất gặp sự cố, nên chị Đặng Thị Hồng Ngọc được ưu tiên không phải lội nước nhận cháo và nhận thức ăn về cho mọi người, trong khi đó, những người đàn ông còn sức lội (bơi) khi đi lấy thức ăn sẽ cởi bỏ quần áo để giữ cho quần áo khô, giữ ấm cơ thể. Chị Ngọc còn được các đồng nghiệp nam ưu tiên cho ngồi giữa để được ấm nhất.

Từng giờ trôi qua, nước được rút cạn dần, mọi người mừng rỡ đến bật khóc và tiếp tục chờ đợi những âm thanh từ lực lượng bên ngoài đang vang mãi bên tai suốt ngày đêm, họ kiên nhẫn chờ đợi và hy vọng.

Tôi nhớ mãi ánh mắt, nụ cười trên gương mặt lem luốc của Binh nhất Hoàng Văn Thảo. Khi thấy các nạn nhân, anh chàng đã bật khóc như chính mình được giải cứu.

Cuộc giải cứu gần 4 ngày (82 giờ) đã thành công kỳ diệu. Sau cuộc giải cứu, các chiến sĩ công binh, lực lượng cứu hộ của TKV lại trở về với công việc thường nhật. 12 công nhân không biết có dịp nào gặp lại những người đã cứu họ thoát khỏi bàn tay tử thần để nói 1 lời cảm ơn hay không.

Trong bệnh viện, 12 công nhân đã được ăn những bát cơm đầu tiên, sức khỏe phần nhiều đã hồi phục. Họ đã chắc chắn về sự sống của mình. Anh Hoàng Ánh Văn cười trong khóe mắt: “Chúng tôi có niềm tin được cứu, qua thông tin liên lạc, chúng tôi biết cả Trung ương, cả nước, nhiều lực lượng tham gia để tìm các phương án cứu chúng tôi. Thay mặt những người bị nạn, chúng tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến tất cả mọi người”…

Phóng sự của Nguyễn Võ Hiển

 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps