Lãnh đạo tỉnh Bình Dương sẽ trả lời thế nào?

07:00 | 18/12/2014

6,683 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mới đây, UBND TP HCM đã có văn bản thứ 2 gửi UBND tỉnh Bình Dương về việc nhanh chóng bàn giao mặt bằng tại thị xã Dĩ An (Bình Dương), thuộc dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã từng chỉ đạo UBND tỉnh Bình Dương xử lí nhanh chóng để bàn giao mặt bằng cho các Nhà thầu. Không hiểu sao, vụ việc này, UBND tỉnh Bình Dương lại không sốt sắng như xử lí vụ việc liên quan đến ông Dũng “Lò vôi” cùng Công ty Đại Nam…

Bức xúc với các hành xử của UBND tỉnh Bình Dương, ông Dũng “Lò vôi” đã quyết định tạm đóng cửa khu du lịch Đại Nam.

 

Đầu tháng 8/2014, trong buổi làm việc với UBND TP HCM về tình hình thực hiện tuyến metro trên địa bàn TP HCM, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định 8 tuyến metro tại TP HCM đều là những dự án rất lớn, có số vốn hơn một tỷ USD và có tác dụng rất quan trọng để tạo ra động lực phát triển.

Dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên có tổng số vốn là 2,49 tỷ USD (hơn 47.000 tỷ đồng) được khởi công vào tháng 8/2012. Theo thiết kế, tuyến dài gần 20 km, đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương).

Ngay sau khi nghe lãnh đạo UBND TP HCM báo cáo về công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng tuyến metro số 1 dài gần 20 km vẫn bị vướng 2 hộ kinh doanh ở khu vực huyện Dĩ An (tỉnh Bình Dương), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu tỉnh Bình Dương phải bàn giao mặt bằng cho tuyến metro số 1 trước ngày 31-10.

Ngày 30/10, UBND TP HCM đã có văn bản gửi Bình Dương để hối thúc UBND tỉnh Bình Dương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.

Trung tuần tháng 12/2014, UBND TP HCM đề nghị UBND tỉnh Bình Dương tiếp tục hỗ trợ, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt các đơn vị liên quan khẩn trương giải quyết dứt điểm việc bàn giao mặt bằng của Công ty Vĩnh Phát cho Nhà thầu của Dự án trước ngày 31/12/2014.

Việc Bình Dương chậm giao mặt bằng ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ tuyến metro số 1, nguy cơ gia tăng các chi phí việc bàn giao mặt bằng cho Nhà thầu Dự án và đã trễ hơn 1,5 tháng so với chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải. Có nguy cơ phải bồi thường vì chậm trễ bàn giao mặt bằng cho Nhà thầu.

Điều đáng nói, chỉ còn duy nhất 1 hộ kinh doanh là công ty Vĩnh Phát nằm trong khu vực cần UBND tỉnh Bình Dương ra tay “mạnh mẽ, quyết liệt”, thế nhưng, không hiểu bằng cách nào, một hộ kinh doanh ấy vẫn là chướng ngại của dự án hàng tỷ USD.

Thời gian qua, UBND tỉnh Bình Dương gây bão dư luận với vụ việc liên quan đến Công ty Đại Nam và doanh nhân Huỳnh Uy Dũng, còn gọi là Dũng “lò vôi”.

Sau vụ ông Dũng “lò vôi” kiện ông Chủ tịch tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung, trong vòng 51 ngày (từ 8/9 - 28/10/2014), Công ty Đại Nam của ông Dũng “Lò vôi” đã nhận được 12 văn bản từ tỉnh Bình Dương liên quan tới việc thu hồi quyền sử dụng 61,4ha khu đất ở của Đại Nam. Đây là lý do khiến ông Dũng khẳng định chính quyền o ép và quyết định đóng cửa Khu du lịch Đại Nam.

Chưa nói về việc đúng - sai của các bên liên quan, nhưng rõ ràng đã có sự “mạnh mẽ, quyết liệt” của chính quyền tỉnh Bình Dương đối với Công ty Đại Nam.

Vì sao lại có sự đối xử khác nhau đến vậy của một UBND tỉnh với các doanh nghiệp khác nhau. Dư luận cần có câu trả lời từ UBND tỉnh Bình Dương!

A.Tư
 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps