"Lợi ích nhóm" phủ bóng lên "chuyển giá"

13:15 | 21/12/2012

2,075 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Nhóm lợi ích được hiểu là tập hợp của một nhóm doanh nghiệp dưới sự chi phối của một hay một nhóm cá nhân thông qua các hợp đồng đầu tư, hợp đồng góp vốn hay mua bán… và đây có thể xem là những ẩn số đầy bí ẩn cho hiện tượng chuyển giá thời gian tới!

>> "Bầu' Kiên - câu chuyện của 'lợi ích nhóm'

>>'Uống Coca - Cola là... làm nghèo đất nước'

>>Coca-Cola, Metro 'làm xiếc' - ngành Thuế không biết thẹn!

>>Coca-Cola Việt Nam thản nhiên tuyên bố... 'trong sạch'?!

 

Theo Th.s Phan Thị Thành Dương (Đại học Luật TP HCM), chuyển giá được hiểu là việc thực hiện chính sách giá đối với hàng hóa, dịch vụ và tài sản được chuyển dịch giữa các thành viên trong tập đoàn qua biên giới không theo giá thị trường nhằm tối thiểu hóa số thuế của các công ty đa quốc gia (Multi Nations Company) trên toàn cầu.

 

"Chuyển giá" là cách tốt nhất để đưa thẳng lợi nhuận vào túi một cá nhân hoặc một nhóm người.

 

Như vậy, chuyển giá là một hành vi do các chủ thể kinh doanh thực hiện nhằm thay đổi giá trị trao đổi hàng hóa, dịch vụ trong quan hệ với các bên liên kết. Hành vi ấy có đối tượng tác động chính là giá cả. Sở dĩ giá cả có thể xác định lại trong những giao dịch như thế xuất phát từ ba lý do sau:

Thứ nhất, xuất phát từ quyền tự do định đoạt trong kinh doanh, các chủ thể hoàn toàn có quyền quyết định giá cả của một giao dịch. Do đó họ hoàn toàn có quyền mua hay bán hàng hóa, dịch vụ với giá họ mong muốn.

Thứ hai, xuất phát từ mối quan hệ gắn bó chung về lợi ích giữa nhóm liên kết nên sự khác biệt về giá giao dịch được thực hiện giữa các chủ thể kinh doanh có cùng lợi ích không làm thay đổi lợi ích toàn cục.

Thứ ba, việc quyết định chính sách giá giao dịch giữa các thành viên trong nhóm liên kết không thay đổi tổng lợi ích chung nhưng có thể làm thay đổi tổng nghĩa vụ thuế của họ.

Kết quả điều tra xã hội học gần đây của Thanh tra Chính phủ, khi được hỏi về nhóm lợi ích, đại đa số đối tượng khảo sát là các doanh nghiệp đều chung nhận định: Nhóm lợi ích cơ bản là tốt, nó có thể giúp những doanh nghiệp yếu tăng tiềm lực, khả năng cạnh tranh… và sẽ góp phần tăng khả năng đóng góp cho xã hội. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, nếu nhóm lợi ích được hình thành để phục vụ cho lợi ích của một cá nhân hay một nhóm cá nhân thì sẽ dẫn tới nhiều biểu hiện tiêu cực trong xã hội, làm hao mòn nền kinh tế.

Nói như vậy để thấy rằng, “bóng ma” chuyển giá trong các nhóm lợi ích ở nước ta là không hề nhỏ.

 

Trong một số bài viết trước, Petrotimes đã từng đề cập tới một “dòng tiền” không nhỏ của các ngân hàng đã “chảy” vào các doanh nghiệp sân sau để phục vụ mục đích của một hay một nhóm cá nhân thông qua các hợp đồng đầu tư, hợp đồng góp vốn,… Giá trị thực tế của các khoản đầu tư này như thế nào đến giờ vẫn là một câu hỏi ngỏ. 10%, 20% hay 30, thậm chí là 40, 50% giá trị của một doanh nghiệp, một dự án… vẫn là ẩn số.

Sự chi phối của một hay một nhóm cá nhân với nhiều doanh nghiệp có thể uốn các “dòng tiền” theo ý muốn chủ quan của mình. Chính vì vậy, nếu “dòng tiền” được điều chỉnh để chuyển giá, trốn thuế sẽ là vô cùng đơn giản.

Chúng ta có thể hình dung như sau: Một cá nhân A nắm quyền chi phối công ty B, C và D có thể dễ dàng điều chỉnh lợi nhuận từ giữa các doanh nghiệp này với nhau.

Ví dụ, năm 2012, doanh nghiệp B có lợi nhuận là 100 tỉ đồng và để thực hiện trốn thuế thu nhập doanh nghiệp, dưới sự điều khiển của cá nhân A, khoản đầu tư có giá trị lên tới 90 tỉ đồng đã được phê duyệt đầu tư vào một dự án của công ty C.

Như vậy, thuế thu nhập doanh nghiệp mà doanh nghiệp B phải đóng chỉ được tính trên giá trị 10 tỉ đồng lợi nhuận. Nhưng vấn đề ở đây là liệu rằng, tổng giá trị cổ phần đầu tư vào dự án của công ty C có thật là 90 tỉ đồng hay không lại là câu chuyện khác. Những câu chuyện thổi giá dự án, vẽ dự án ma để rồi kêu gọi đầu tư, vay vốn ngân hàng,… trong năm 2012 chẳng phải chuyện gì xa lạ. Và nếu giá trị thực của số cổ phần của mà công ty B đã đầu tư vào công ty C (công ty bị chi phối bởi chính cá nhân A) thì khoản chênh lệch giá trị đầu tư này vô hình chung sẽ “chảy” thẳng vào túi cá nhân A.

Trong chuỗi chu trình trên, lợi nhuận thực tế của cả 3 công ty B, C và D sẽ hoàn toàn không đổi, nó đơn giản là được chuyển từ công ty này sang công ty kia mà thôi. Chu trình này hoàn toàn có thể được tái lập ngược với các công ty C và D đầu tư ngược lại công A.

Một điểm đáng lưu ý khác đó là các giao dịch mua bán chui giữa các doanh nghiệp với nhau. Chẳng hạn, công ty C nắm cổ phần tại công ty D và giờ muốn bán cho B. Giá trị của hợp đồng mua bán này thực tế được xác định là 100 tỉ đồng nhưng trên văn bản giấy tờ, dưới sự chi phối của các nhân A, giá trị hợp đồng chỉ được ghi là 10 tỉ - thấp hơn giá trị thực nhiều lần và khiến công ty C lỗ nặng. Với số lỗ này, nghiễm nhiên lợi nhuận trong năm của công ty sẽ giảm mạnh và thuế thu nhập doanh nghiệp cũng giảm mạnh.

Qua đó để thấy rằng, sự hình thành lên các nhóm lợi ích ở Việt Nam đang trở thành ẩn số của hiện tượng chuyển giá! Thậm chí, các thủ đoạn chuyển giá trong các nhóm lợi ích sẽ được tiến hành một cách rất dễ dàng dưới sự chi phối của một hay một nhóm cá nhân!

Nhóm phóng viên Petrotimes

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps