Mòn mỏi chờ trợ cấp

07:00 | 23/12/2012

1,407 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Gần trọn cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, họ đã từng góp phần làm nên quê hương năm tấn, là hậu phương vững chắc: thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người, thế nhưng giờ đây, khi đã ở cái tuổi “gần đất xa trời” họ đang phải tự bươn chải kiếm sống hoặc dựa vào con cháu... Đó là cơ sự của hơn 100 cụ, nguyên là cán bộ hợp tác xã (HTX) nông nghiệp tại huyện Hưng Hà, Thái Bình.

Mười năm “chống gậy” đi đòi lương

Tôi về đến thị trấn Hưng Hà, Thái Bình khi trời đã quá trưa. Đang ngơ ngác tìm quán cơm để ăn thì thấy hơn chục cụ già mỗi người dắt theo chiếc xe đạp, đang xì xèo bàn tán về chuyện gì đó có vẻ rất nghiêm trọng. Thói quen nghề nghiệp mách bảo, tôi ghé vào quán nước ven đường và bắt đầu quan sát. Như hiểu được sự tọc mạch của tôi, chị chủ quán nước nhanh nhảu nói: “Họ chờ đến chiều để vào UBND huyện đấy. Rõ khổ, sắp chết cả rồi mà còn lọ mọ đi đòi lương hưu!”.

Sao chị biết họ đi đòi lương? - Tôi hỏi. “Bán hàng ở đây bao năm nay, chuyện gì tôi chả biết, mấy năm nay rồi, cứ lần ít thì dăm bảy người, lần đông dễ đến ba, bốn chục. Ngoài 70 cả rồi đấy, thế mà vẫn “bon bon trên từng cây số”, chỉ một vài người quá yếu mới nhờ con cháu đèo. Có hôm rét quá, vào hàng uống chén trà, tay run lập cập không bấm nổi điện thoại, phải nhờ tôi đấy”. Nói đoạn, chị chủ quán chỉ tay về phía người đàn ông mặc chiếc áo màu nâu sẫm đứng giữa đám đông nói: “Muốn biết cụ thể, anh ra hỏi ông Toán, trưởng đoàn kia kìa”.

Vợ chồng ông Bùi Duy Tề, xã Văn Lang, huyện Hưng Hà

Tiếp xúc với họ, tôi được biết, đây chỉ là những người “còn đi được” trong số gần 100 cán bộ HTX nông nghiệp đã nghỉ hưu trước năm 1993 ở huyện này. Hơn 10 năm nay, họ đã nhiều lần gõ cửa khắp nơi từ xã, huyện, tỉnh cho đến tận Trung ương để đề nghị được hưởng trợ cấp hàng tháng trở lại theo quyết định nghỉ việc do già yếu của UBND huyện Hưng Hà. Thấy tôi có ý định tìm hiểu về sự việc, ông Hoàng Đình Toán, người được cử làm trưởng đoàn cho biết: “Cả huyện Hưng Hà chúng tôi có 145 cán bộ HTX nông nghiệp nghỉ việc do già yếu, đã từng được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng, thế nhưng đến tháng 9-2000, tất cả đồng loạt bị cắt lương hưu với một lý do hết sức khôi hài: Quỹ HTX nông nghiệp không còn khả năng chi trả”. Để minh chứng cho những lời nói của mình, ông Toán với chiếc túi nilon nhàu nát lôi ra một tệp giấy A4. Trên cùng là tập đơn đề nghị ghi rõ (lần 1, 2, 3…), tiếp đến là những công văn gửi UBND tỉnh Thái Bình của các cơ quan Trung ương và nhiều bản sao các văn bản, quyết định, thể hiện việc họ được hưởng trợ cấp hàng tháng là đúng quy định.

“Hơn 10 năm nay, chúng tôi đi gõ cửa đề nghị khắp nơi, huyện thì bảo lên tỉnh, lên tỉnh thì lại bảo về huyện. Trung ương cũng đã nhiều lần có văn bản gửi về yêu cầu xem xét giải quyết nhưng cho đến giờ, tỉnh vẫn chưa giải quyết dứt điểm chuyện này. Từ lúc 145 người, chết dần chết mòn, nay chỉ còn hơn 90 người. Người ít tuổi cũng 70, người nhiều đã ngoài 90. Gần đất xa trời cả rồi, đâu còn ham hố gì chuyện tiền bạc nữa, cái chúng tôi cần là sự công bằng, là danh dự với làng xóm láng giềng thôi”, ông Toán nói.

Tôi chưa kịp hỏi ông Toán thêm được điều gì thì có một người chen ngang: “Thôi, chuyện nói ra dài lắm, trưa rồi, nhìn anh chắc cũng chưa ăn gì? Nếu anh không ngại thì ngồi xuống đây dùng bữa với chúng tôi luôn, ta vừa ăn vừa nói chuyện”. Người đàn ông vừa nói vừa ấn vào tay tôi một miếng cơm nắm lạnh ngắt. Rồi như để tạo sự thân mật, ông giải thích: “Cơm nắm muối vừng cho nó lành anh à”. “Bữa trưa” diễn ra hết sức khẩn trương, ai nấy đều ăn hết suất của mình rất ngon lành và vẫn còn tỏ ra thòm thèm. Ngẫm ra thì đúng là lành thật, lành theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, ít nhất là với những người ở đây.

Tôi được biết, chỉ lên huyện thì họ tập hợp được đông đủ như thế này, còn mỗi khi lên tỉnh hoặc lên Trung ương, mọi người họp lại, góp tiền và cử một số người “còn khỏe” đại diện đi đề nghị chứ không thể đi hết được. “Có lần vào gặp chủ tịch huyện, anh chủ tịch rút tiền túi ra biếu chúng tôi mỗi người một bát phở, nhưng sau đó mọi người lại góp lại để chúng tôi có tiền mua vé xe đi Hà Nội”, ông Toán cho biết.

Những ngọn đèn trước gió

Những nỗi niềm của ông Toán đã được minh chứng, khi chúng tôi đến thăm một số người mà theo ông thì hiện đã “không còn khả năng đi đề nghị”. Người đầu tiên chúng tôi đến thăm là cụ Bùi Đình Thính, xóm 6, xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà. Trong số những cán bộ HTX bị cắt lương hưu, cụ Thính là người có hoàn cảnh éo le nhất. 10 năm nay cụ sống chung với căn bệnh lao phổi, cách đây 3 năm lại phát hiện suy tim độ 3, hiện đã không còn khả năng đi lại. Để duy trì sự sống, mỗi ngày cụ Thính phải uống một chén thuốc bắc (60 nghìn đồng) và tiêm một mũi thuốc trợ tim (25 nghìn đồng). Con cái cụ tuy đông nhưng cảnh thuần nông nghèo khó, cũng chẳng lo cho cụ được là bao. Để có tiền thuốc thang, cụ đã phải vay mượn khắp nơi. Hiện cụ đang phải gánh món nợ hơn 50 triệu đồng, không biết khi nào trả được.

Từ thuở thiếu niên cụ đã tham gia du kích trong kháng chiến chống Pháp. Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954), miền Bắc bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, cụ tiếp tục tham gia công tác trong HTX nông nghiệp tại địa phương. Năm 1964, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt, với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, cụ tình nguyện nhập ngũ và tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Năm 1975, thống nhất đất nước, cụ phục viên về địa phương và tiếp tục công tác trong HTX nông nghiệp. Sau 40 năm công tác, năm 1989, cụ được UBND huyện Hưng Hà trao quyết định nghỉ hưu.

Trong gian buồng tối như hũ nút, cụ Thính nằm trên chiếc giường dẻ quạt từ thời bao cấp. Khuôn mặt hốc hác, môi thâm đen run rẩy. Phải nhờ đứa cháu nội vực dậy, vừa vuốt lưng vừa đỡ, cụ mới có thể tiếp chuyện với chúng tôi. Cụ Thính đã được tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và mới đây là Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng… nhưng dường như những thứ đó chẳng thể nào giúp cụ có đủ tiền thuốc để sống qua ngày.

Tham gia công tác từ thời cải cách ruộng đất, sau hơn 30 năm cống hiến, cụ Bùi Duy Tề, xã Văn Lang cũng được UBND huyện trao quyết định nghỉ hưu. Nhưng cũng như những “đồng nghiệp” trong huyện, hiện cụ Tề đang phải sống trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Mọi chi phí cho cuộc sống hàng ngày chỉ trông vào sự chu cấp của các con. Tuy nhiên, con cái cụ cũng khó khăn nên gia cảnh càng trở nên bần hàn. Ba năm trở lại đây, cụ đã bị lòa, mọi sinh hoạt đều phải nhờ con cháu, trong khi cụ bà ốm yếu quanh năm chỉ ngồi một chỗ. 

Trò chuyện với chúng tôi, cụ Tề nói: “Thời chúng tôi ngày ấy chỉ biết phấn đấu và phấn đâu thôi, đi bộ đội thì xác định “quyết tử để tổ quốc quyết sinh” còn ở địa phương thì hết lòng xây dựng “hậu phương vững chắc” để chi viện cho tiền tuyến. Không ai khác, chính những người như chúng tôi đã góp phần làm nên “quê hương 5 tấn”. Ngày đó, mọi việc lớn nhỏ đều do HTX đảm nhiệm. Chủ nhiệm HTX phải là người nằm trong Thường vụ Đảng ủy. Vậy mà…”. Như chợt nhận ra điều gì đó, cụ Tề ngừng nói, đưa tay lên khóe mắt như cố ngăn giọt nước mắt đang rịn ra từ đôi mắt mù lòa. “Mong lắm các bác ạ, giá như Đảng, Nhà nước quan tâm giải quyết cho chúng tôi được hưởng trợ cấp như ngày xưa thì còn đỡ. Chứ 10 năm nay rồi, thậm chí đến đồng Đảng phí cũng phải ngửa tay xin con”, cụ Tề than vãn.

Ông Hoàng Đình Toán cùng các ông được cử làm đại diện cho gần 100 cán bộ HTX nông nghiệp bị cắt lương

Tại xã Văn Lang còn có trường hợp cụ Đinh Văn Viên, 91 tuổi hiện cũng trong hoàn cảnh hết sức khó khăn. Cả hai vợ chồng cụ đều đã già yếu, không còn khả năng lao động. Thay vì kể, cụ Viên lấy cho chúng tôi xem một bản lý lịch thể hiện toàn bộ quá trình công tác của mình có xác nhận của chính quyền địa phương. Bản lý lịch cho thấy, cụ Viên là người tham gia công tác từ những năm Kháng chiến chống Pháp với các chức vụ: Đội trưởng Đội Tự vệ; Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh xã. Đến giai đoạn Kháng chiến chống Mỹ, cụ Viên đảm nhiệm các chức vụ Trưởng ban Thông tin xã, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp, Phó Công an xã, Chủ nhiệm HTX mua bán Văn Lang và Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Văn Lang.

Cầm bản thành tích trên tay, cụ Viên nói: “Đấy các anh xem, gần trọn cuộc đời tôi cống hiến cho địa phương, con trai lớn của tôi đã hy sinh trong Kháng chiến chống Mỹ, bản thân tôi đã trải qua hai cuộc kháng chiến và được tặng Huy chương chống Pháp, Huân chương chống Mỹ… vậy mà giờ đây đến đồng lương hưu cũng không có”. Nghe cụ Viên nói vậy, ông Hoàng Đình Toán (người dẫn chúng tôi đến thăm cụ) động viên: “Cụ cứ yên tâm, chúng tôi đã nỗ lực đề nghị, rồi cụ sẽ được nhận lương trở lại thôi”. Dường như có vẻ không tin vào lời ông Toán, cụ viên chốt lại với giọng buồn rầu: “Chúng tôi như ngọn đèn trước gió cả rồi, chả biết tắt khi nào, không biết có chờ nổi đến ngày đó không nữa”.

 Chuyện đau lòng đã xảy ra cách đây mấy năm, chỉ vì không chịu nổi lời đay nghiến của con cái rằng: “Ông đã thấy sướng chưa? Cống hiến cho lắm vào, giờ già, cơm không có mà ăn”… mà có cụ đã uất ức thắt cổ tự tử. Còn nhiều thân phận khác mà trong khuôn khổ ngắn ngủi của bài viết này, chúng tôi không thể nêu ra hết. Tất cả đều có chung một điểm giống nhau, đó là “già yếu và bệnh tật”. Với họ, điều mong muốn lớn nhất bây giờ là được lĩnh trợ cấp trở lại, mặc dù với một số người có khi chỉ như một sự “dối già”.

Chỉ sợ không công bằng

Theo hồ sơ mà các cụ cung cấp, hầu hết họ đều nằm trong 5 chức vụ từ chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, quản trị, kế toán… Đối chiếu với các văn bản của Đảng, Nhà nước về các chính sách cho cán bộ cấp xã già yếu nghỉ việc, họ hoàn toàn đủ tiêu chuẩn được nhận trợ cấp hàng tháng. Cụ thể, tại Quyết định của UBND huyện Hưng Hà về việc giải quyết chế độ cho cán bộ HTX nông nghiệp già yếu được nghỉ việc đã quy định rất rõ: “Được hưởng trợ cấp bằng tiền hàng tháng”.

Điều đáng nói ở đây là, tại chính địa phương này, những cán bộ cùng thời điểm nhưng ở thời điểm nghỉ làm việc bên Đảng ủy, UBND và các ngành giới xã… hiện vẫn được hưởng trở cấp hàng tháng bằng nguồn ngân sách. Để bảo vệ quyện lợi chính đáng của mình và các đồng nghiệp, ông Hoàng Đình Toán viện dẫn Quyết định số 125 QĐ-UB, ngày 2-4-1985 của UBND tỉnh Thái Bình, về chế độ trợ cấp cho cán bộ HTX nông nghiệp hoạt động lâu năm khi già yếu nghỉ việc quy định các chức danh được hưởng trợ cấp khi già yếu nghỉ việc là: Chủ nhiệm, Ủy viên Ban Quản trị, Trưởng ban Kiểm soát, Kế toán trưởng, Trưởng ban Kế hoạch - Lao động HTX.

Quyết định cũng nêu rõ: Mức trợ cấp bằng tiền Chủ nhiệm HTX được được hưởng trợ cấp hàng tháng bằng Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã. Phó chủ nhiệm, Trưởng ban Kiểm soát, Kế toán trưởng được hưởng trợ cấp hàng tháng bằng Phó chủ tịch UBND xã; Ủy viên Ban Quản trị, Trưởng ban Kế hoạch - Lao động HTX được hưởng trợ cấp hằng tháng bằng trưởng các đoàn thể xã. Mức trợ cấp tính bằng 60% mức lương của các bộ, ngành giới tương đương. Trường hợp Nhà nước có quyết định thay đổi mức trợ cấp nghỉ việc của các cán bộ, ngành giới của xã thì mức trợ cấp của cán bộ HTX nghỉ việc cũng thay đổi bằng mức tương đương.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hạnh, Phó chủ tịch UBND huyện Hưng Hà cho biết, những đối tượng này thuộc diện được hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên từ khi nghỉ, nhưng đến năm 2000, tỉnh có Quyết định 944 về việc chuyển đổi HTX nông nghiệp theo Luật HTX, chuyển sang tự chủ về kinh tế, tự chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất, kinh doanh nên HTX không còn đủ khả năng chi trả cho các cán bộ đã nghỉ công tác. “Quan điểm của tôi cũng như các đồng chí lãnh đạo huyện đều ủng hộ việc giải quyết trợ cấp hàng tháng cho những trường hợp này. Quá trình giải quyết rất nhiều lần, đến năm 2010, huyện, tỉnh giải quyết cho 17 trường hợp vừa là chủ nhiệm HTX vừa là thường vụ Đảng ủy xã, lấy từ ngân sách huyện.

Đối với các trường hợp còn lại, đến nay huyện có văn bản gửi tỉnh xin hướng giải quyết và theo hướng được nhận trợ cấp thường xuyên”, ông Hạnh cho biết. Về việc huyện mới chỉ giải quyết cho 17 chủ nhiệm được lĩnh lương trở lại, ông Hoàng Đình Toán bức xúc nói: “Nếu đã không thì không tất, giải quyết cho 17 đồng chí chủ nhiệm còn anh em chúng tôi thì sao? Theo tôi biết thì trong số 17 người này, một số đồng chí nghỉ sau năm 1993, chắc chắn sẽ không có quyết định nghỉ. Vậy không biết huyện căn cứ vào đâu mà giải quyết cho những trường hợp này”.

Một câu hỏi đặt ra là, đâu phải chỉ có Hưng Hà mới có HTX nông nghiệp, vậy những cán bộ tương tự ở các huyện khác thì sao? Về vấn đề này ông Hoàng Đình Toán lý giải: Tại các huyện khác khi xem xét giải quyết cho cán bộ HTX nghỉ hưu, lãnh đạo huyện đã vận dụng linh hoạt, xét ai đủ tiêu chuẩn quy định trong Quyết định 130-CP, của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 125/QĐ-UB của UNND tỉnh Thái Bình về nghỉ việc khi già yếu được chuyển sang hưởng trợ cấp hàng tháng từ nguồn ngân sách Nhà nước. Riêng hai huyện Hưng Hà và Tiền Hải là vẫn thực hiện nghiêm, nghĩa là ai nghỉ ở đâu hưởng trợ cấp ở đó. Chúng tôi hưởng trợ cấp từ nguồn kinh phí HTX nên mới xảy ra cơ sự này. Tại Tiền Hải cũng xảy ra tình trạng cắt lương hưu như chúng tôi nhưng đến nay, ai có quyết định nghỉ đều đã được lĩnh trở lại. Chỉ còn anh em chúng tôi là vẫn chờ.

Văn bản số 3310/BNV-CQĐP của Bộ Nội vụ gửi UBND tỉnh Thái Bình ngày 31/8/2006, về việc giải quyết đơn thư khiếu nại của ông Nguyễn Hữu Hải, Bộ Nội vụ yêu cầu UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh, phối hợp với UBND huyện Hưng Hà rà soát lại hồ sơ, lý lịch và quyết định nghỉ việc của cán bộ HTX già yếu nghỉ việc trước năm 1993. Trường hợp tuy là chủ nhiệm HTX nhưng có đủ các điều kiện quy định tại Quyết định 130-CP ngày 20/6/1975 và Quyết định 111-HĐBT ngày 13/10/1981, đã nhận quyết định cán bộ xã già yếu nghỉ việc trước ngày 31/5/1993 thì UBND tỉnh phải xem và giải quyết theo đúng quy định. Tuy nhiên, huyện Hưng Hà mới chỉ giải quyết trợ cấp hàng tháng cho 17 chủ nhiệm HTX từ ngày 1/9/2010.


Phóng sự của Văn Dũng