Mùa xuân đi trẩy nước non Cao Bằng

07:00 | 10/02/2013

1,584 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Thị xã Cao Bằng không có những công trình kiến trúc đẹp, hoành tráng, chỉ có các bông hoa nhỏ nở trên những bờ tường đất khiến cho du khách phải lòng. Chiều đến, mặt trời như một chiếc lòng đỏ trứng khổng lồ hạ thấp xuống những cánh rừng, nhuộm cả thị xã trong ánh hoàng hôn vàng óng.

Từ Bản Giốc…

Đã 8 giờ sáng, sương mù vẫn như làn khói quấn quanh đỉnh núi, bồng bềnh trên các thung lũng nằm ven thị xã, chúng tôi lên đường đến thác Bản Giốc - biểu tượng của tỉnh Cao Bằng. Chúng tôi đứng ngây người dưới chân thác chiêm ngưỡng bức tranh thủy mặc tự nhiên tuyệt đẹp, mà chỉ thật ngốc hoặc thật có tài mới dám dùng chữ để mô tả nó. Đám nhà báo vội vã bấm máy ảnh. Cô bạn đồng hành của tôi, người đã đến Mỹ ngắm thác Niagara nổi tiếng thế giới, ngồi bệt lên một tảng đá ước ao: “Giá mình có tiền dựng một cái nhà dưới chân thác nhỉ!”.

Thác Bản Gốc

Mạnh Hà, phóng viên thường trú của Thông tấn xã Việt Nam tại tỉnh Cao Bằng an ủi: “Vào Ngườm Ngao cũng đẹp lắm!”. Đây là một cái động lớn nằm trong lòng một quả núi ở bản Gun (cách Bản Giốc 3km). Ngườm Ngao nghĩa là hang hổ. Theo số liệu của đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh năm 1995: Động dài 2.144m.

Trong động là một thế giới mát lạnh, kỳ ảo, được nhà điêu khắc vĩ đại - thiên nhiên - sáng tạo với vô số những nhũ đá biến thành cô tiên nghiêng mình chải tóc, thành voi, thành hổ, thành cột chống trời, có cả một tàu chở vàng! Vòm hang lúc cao rộng như bầu trời, lúc nhỏ hẹp như đường xuống địa phủ. Điều tuyệt vời là càng vào trong sâu Ngườm Ngao càng đẹp, khiến chân du khách không mỏi. Trung Thành, một nhà báo thích giang hồ, dân phượt chuyên nghiệp, lúc nào mặt cũng xạm nắng gió như sườn núi, cũng phải thốt lên: “Ối mẹ ơi! Cái động đẹp tuyệt vời!”.

Chiều muộn, bầu trời lấm tấm sương mù rồi đậm lại thành một cơn mưa nhỏ, thì thầm với vạt rừng cây hạt dẻ, chúng tôi buộc phải chờ sáng hôm sau mới đến Thang Hen - một chuỗi hồ (36 chiếc) rộng 30ha nằm trên núi (cao 1.000m so với mặt nước biển) thuộc huyện Trà Lĩnh, cách thị xã Cao Bằng 30km. Đang vào mùa khô, Thang Hen không bao la như lời tán tụng của người dẫn đường (người ta có thể đi thuyền dọc theo chuỗi hồ dài hàng cây số, thăm các hang động sâu hàng trăm mét). Nước hồ màu xanh ngọc bích.

Bao quanh hồ là 200ha rừng già mọc nhiều loại dược liệu quý. Không gian trong lành, tĩnh mịch. Hoa cúc quỳ mọc cạnh hồ lắc đầu nhè nhẹ với làn gió thổi từ phía rừng về mang theo tiếng chim cãi nhau trong các vòm lá. Chủ nhà dọn cơm trưa trên nhà sàn. Thức ăn có rau ngót rừng nấu cá sông Gâm, rau bò khai (nếu mời khách quý thì chủ nhà gọi là rau dạ hiến), xào thịt lợn đen Cao Bằng, xôi nếp nương nấu quả trám rừng ngon tuyệt!

Hoàn toàn tình cờ, trên đường về qua thị trấn Thuận Hòa, chúng tôi bắt gặp lễ hội dân gian “Cầu cho mưa thuận gió hòa và tạo dịp cho trai gái tâm tình giao duyên”. Vậy nên chẳng ngạc nhiên có rất nhiều nam thanh, nữ tú của các dân tộc về đây tụ hội. Chúng tôi gặp 3 người đàn bà Nùng vấn khăn bỏ tóc đuôi gà. Họ nồng nhiệt rủ chúng tôi về Bố Tờ chơi, ăn mía. Bất ngờ một bà có nhiều răng vàng, nước da đỏ sẫm như quả mận vừa mới rửa, thản nhiên rút điện thoại di động Nokia ra gọi.

Đến Pác Bó

Pác Bó thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, cách thị xã Cao Bằng 40km. Từ lâu rồi tôi vẫn nghĩ Pác Bó chỉ có giá trị lịch sử như là di tích cách mạng, ai ngờ nó lại đẹp thế. Chạy song song với con đường lát đá dành cho du khách có lá rơi rụng là suối Lê Nin. Dòng suối đầy ăm ắp nước, trong vắt, uốn lượn qua các tảng đá, tung bọt trắng xóa, chảy qua chỗ Bác Hồ ngồi câu cá, chiếc bàn đá nơi Bác dịch sử Đảng… Không gian yên tĩnh nghe rõ tiếng chim đập cánh trong các vòm cây. Đêm 30 tết, người Cao Bằng nô nức đến Pác Bó để lấy nước suối Lê Nin như người xuôi đi hái lộc.

Cách Pác Bó 2km là Nhà tưởng niệm (đền thờ) Bác Hồ ở trên một quả đồi đất cao 50m (xung quanh toàn là đồi đá). Trước nhà là bãi cỏ xanh, trồng cây dã hương và các loại cây quý khác. Để vào đền phải leo lên 169 bậc thang lát đá. Mặt đền hướng về phía nam, có dòng đại tự “Hồng nhật cao minh”. Bốn bức tường phía trong đền là các phù điêu mô tả ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, hình ảnh 34 chiến sĩ cách mạng đầu tiên, cây đa Tân Trào…

Hai bên tả hữu là chữ của Giáo sư Vũ Khiêu được nạm vàng: “Lãnh tụ trở về nhật nguyệt bừng lên trời Pác Bó, anh hùng tụ lại tinh hoa rực sáng đất Cao Bằng”. Nội thất của đền giản dị như chính con người của Bác. Chúng tôi ra về, nhường chỗ cho một đám đông bên kia biên giới vào đền thắp hương.

Ông Hoàng Anh - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng nói: “Cao Bằng có khá nhiều hang động đẹp hiện tại vẫn bị bỏ hoang cho sự cô đơn”. Đó cũng chính là bức tranh du lịch Cao Bằng.

Hà Linh Quân

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps