Nếu ông Dũng “lò vôi” đọc được những mẩu chuyện này…

07:00 | 17/11/2014

32,458 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dù chỉ còn vài tuần nữa là Khu du lịch Đại Nam đóng cửa, hàng ngàn nhân viên vẫn luôn xác định tập trung hết sức mình phục vụ du khách, đảm bảo cho mọi người được vui chơi an toàn đến ngày cuối cùng.

>> Sao có ông chủ tịch tỉnh thế này?

>> Chủ tịch tỉnh Bình Dương giàu cỡ nào?!

>> Thấy gì qua thu nhập 64 tỉ đồng của Chủ tịch tỉnh Bình Dương?

>> Ông Huỳnh Uy Dũng được gì, mất gì?

 

>> Vụ kiện Chủ tịch Bình Dương: “Hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại”

>> Vì sao ông Dũng “lò vôi” chỉ kiện cá nhân Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương?

 

Những trăn trở “hậu” Đại Nam đóng cửa!

Đến ngày 31/12, Khu du lịch Đại Nam chính thức đóng cửa sau tuyên bố của ông Huỳnh Uy Dũng, Tổng giám đốc. Đằng sau quyết định đó, nhân viên của Đại Nam không hề oán trách ông chủ của Khu du lịch mà còn tỏ ra cảm thông và phục vụ du khách đến tham quan trọn vẹn đến ngày cuối cùng.

Ông Dương Thành Phi (SN 1952), Giám đốc Vườn bách thú Đại Nam không quan tâm đến khó khăn kinh tế mà gia đình người “đầu tàu” huấn luyện thú sẽ gặp phải khi Khu du lịch đóng cửa. Điều mất mát nhiều nhất của ông Phi là vắng đi hình ảnh du khách đến để được nghe những tiếng kêu và sự thân thuộc của những con vật ông đã gắn bó suốt thời gian dài.

Vườn bách thú có đến 63 loài, với trên 581 cá thể được nuôi dưỡng. Có những con, ông hiểu được tính cách, gọi từng cái tên khiến chúng phải đuổi theo bóng người đàn ông già ấy. Ở tuổi 62, ông Phi quản lý vườn thú như chỉ một niềm đam mê của tuổi về già. Những người con của ông đã lớn, đã lập gia đình và yên bề gia thất. Ông lo lắng cho 71 anh em nhân viên còn lại của Vườn bách thú Đại Nam gặp nhiều trở ngại.

Những ngày qua, lượng khách đến tham quan có phần đông hơn nhưng người quản lý như ông lại mang cảm xúc “vui buồn lẫn lộn”. Họ đến đông, bản thân nhân viên Đại Nam đã là một sự hãnh diện nhưng cũng như sự chia tay của một ngày không xa.

Ngày đóng cửa sẽ đến, các nhân viên không vì thế mà nản chí, bỏ bê công việc. Mọi người vẫn làm việc như một nỗi đam mê và thể hiện hết khả năng để phục vụ du khách. Ông Phi nói lên nguyện vọng của bản thân cũng như của các anh em vườn thú: “Còn làm ngày nào, đối với nhân viên vườn thú phải trọn vẹn ngày ấy. Mong muốn Đại Nam tiếp tục mở cửa để mọi người còn được cống hiến”.

Trong câu chuyện lỡ dở, ông Phi kể, Vườn bách thú Đại Nam đã là 1 thành viên của Hiệp hội các vườn thú Đông Nam Á và sắp tới sẽ là thành viên của Hiệp hội các vườn thú Việt Nam (Việt Nam chưa thành lập Hiệp hội các vườn thú - PV). Nhiều nhà nghiên cứu đã đến Vườn bách thú Đại Nam để tìm hiểu các loài động vật hoang dã được nuôi bảo tồn trong môi trường bán thiên nhiên. Các loài thú nuôi ở đây đều sinh sản thành công. Thú sinh trưởng trong Khu du lịch đều được đăng ký để vào sổ theo dõi của Kiểm lâm và mỗi con đều có lý lịch riêng. Nhiều nhân viên Vườn bách thú đã hụt hẫng trước quyết định đóng của Đại Nam vì đàn thú đã gắn bó với cuộc sống của các anh.   

Nếu ông Dũng “lò vôi” đọc được những mẫu chuyện này…

Một góc biển nhân tạo trong Khu du lịch Đại Nam. 

Cũng như những nhân viên khác, thông tin Đại Nam đóng cửa đối với các nhân viên ở Khu trò chơi giải trí ập đến quá đột ngột. Nhiều đêm về tự nằm dằn vặt, anh Võ Trí Đức, Phó Giám đốc Khu trò chơi đặt câu hỏi: “Những nhân viên còn lại sẽ đi đâu và về đâu khi Đại Nam đóng cửa”. Cuộc sống của nhiều anh em trong Khu du lịch bị ảnh hưởng. Đời sống của một số nhân viên phải chịu cảnh khó khăn do còn nuôi cha mẹ già, con nhỏ. Dẫu chuyện đóng cửa hay Khu du lịch không còn hoạt động đi chăng nữa, những nhân viên của Khu trò chơi giải trí vẫn luôn xác định tập trung hết sức mình để lo cho du khách, đảm bảo cho mọi người được vui chơi an toàn. Các anh em trong Khu trò chơi vẫn không ai nộp đơn xin nghỉ và tự dặn lòng sẽ làm tại Đại Nam đến ngày cuối cùng đóng cửa.

Năm 2007, anh Đức khi đó đang làm nhân viên bảo trì cho tòa nhà trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Anh nghe thông tin Đại Nam tuyển dụng qua mẩu tin tuyển dụng trên báo nên “đánh liều” gửi hồ sơ. Sau 2 vòng phỏng vấn, anh được nhận vào làm việc từ đó đến nay. Anh Đức nhẩm tính, đến Tết này đã 8 năm làm việc ở Khu du lịch. Thời gian đủ dài để anh cùng các nhân viên tại Khu trò chơi giải trí cảm nhận được công việc thường ngày mang đến cho mọi người nhiều niềm vui.

Nhiều lúc đông khách, người mệt lả nhưng các nhân viên Khu trò chơi bắt gặp những ánh mắt rạng rỡ của du khách khi đến Đại Nam đã là một món quà ban tặng lại những nhân viên phục vụ. Nhớ lại cái Tết năm 2009, Đại Nam chính thức mở cửa thêm một số hạng mục, hơn 2.000 lượt khách tham quan vui chơi khiến lòng anh Đức như chùng lại: “Công sức của nhân viên phục vụ tại Đại Nam chỉ mong được đền đáp bằng niềm vui và những tiếng cười của du khách”.

Bản thân anh mong muốn Khu du lịch vẫn tiếp tục mở cửa để kiếm tiền nuôi gia đình. Lo cho mình thì ít, anh Đức lại nghĩ đến những đồng nghiệp có hoàn cảnh khó khăn hơn. Bản thân anh, hoàn cảnh gia đình vẫn tạm ổn hơn những đồng nghiệp còn lại. Hơn nữa, hàng ngàn lao động ở Đại Nam sẽ ra sao nếu Khu du lịch đóng cửa.

Có lẽ anh Bùi Minh Huân (SN 1987), nhân viên quản lý trò chơi Tàu hải tặc (Tàu Hòa Bình) sẽ có nhiều kỷ niệm nhất khi làm việc tại Khu du lịch Đại Nam. Từ ngày vào làm việc tại Đại Nam, anh Huân được hưởng mức lương và phụ cấp khá hơn, giờ giấc ổn định. Thời gian trước đây, anh Huân phải làm nhiều công việc nặng nhọc như: phụ hồ, công nhân, làm mướn… nhưng thu nhập luôn bấp bênh. Khoảng thời gian khó khăn như thế, anh Huân chẳng dám nghĩ đến chuyện lấy vợ để yên bề gia thất.

Khi có công việc ổn định, anh Huân cảm mến chị Đỗ Thị Thủy Trúc (SN 1988), nhân viên của phòng bán vé. Từ đó cả hai đã nên duyên chồng vợ. Quãng thời gian làm việc tại Đại Nam đã trở thành một kỷ niệm đẹp trong anh Huân và chị Trúc. Cuộc sống của vợ chồng anh chưa biết đi về đâu khi ngày Khu du lịch Đại Nam đóng cửa đã gần kề.

Vẫn còn đó, những niềm vui “ngày định đoạt”!

Từ người đi làm công tại Khu du lịch Đại Nam, anh Đặng Trung Hậu và chị Nguyễn Thị Phượng lần lượt trở thành ông – bà chủ kinh doanh nhà hàng, quán ăn trong Khu du lịch. Anh Hậu, chủ nhà hàng Xa Lộ Quán hay tin Khu du lịch đóng cửa, anh Hậu cảm thấy “sốc” và lo âu. Hỏi chuyện, anh trầm ngâm một lúc lâu rồi mới cất được thành lời. Anh Hậu mong ông Huỳnh Uy Dũng thay đổi ý định để tiếp tục được kinh doanh hàng quán trong Khu du lịch. Gắn bó với Khu du lịch từ năm 2010, anh đặt chân vào Đại Nam để làm thuê cho ông chủ trước của nhà hàng Xa Lộ Quán.

Chỉ một năm sau, ông chủ cũ rời khỏi nhà hàng và tìm người sang lại. Anh Hậu có được một số vốn trong tay liền thầu lại và đặt niềm tin vào sự thành công của bản thân mình. Sau hơn 3 năm gây dựng, giờ đây anh Hậu đã làm ông chủ thực sự của nhà hàng có hơn 700 chỗ ngồi phục vụ khách đến ăn uống, vui chơi tại Đại Nam. Nhờ công việc “phất” lên nhanh chóng, anh Hậu tạo công ăn việc làm cho 25 nhân viên phục vụ tại quán.

Nếu ông Dũng “lò vôi” đọc được những mẫu chuyện này…

Chị Nguyễn Thị Phượng, từ người làm công đã trở thành bà chủ quán ăn trong Khu du lịch Đại Nam. 

Cũng như anh Hậu, chị Nguyễn Thị Phượng trước đây từng làm mướn cho người bà con tại quán ăn Ngọc Thiện. Sau đó, người em đã nhượng lại quyền kinh doanh cho chị Phượng. Đặt hết niềm tin vào Đại Nam, chị Phượng “thầu” lại và tiếp tục công việc kinh doanh. Khoảng 2 năm qua, thực khách ra vào quán vẫn ổn định, công việc mua bán ngày càng tiến triển hơn. Ở quán, chị Phượng tuyển 6 nhân viên phục vụ cho khách đến ăn uống.

Rời quê Dĩ An lên TP Thủ Dầu Một lập nghiệp, chị Phượng tin tưởng vào sự hoạt động ổn định của Đại Nam. Lượng khách trong Khu du lịch nhiều nên thu nhập tại quán ăn đủ nuôi sống gia đình và các con đang tuổi ăn, tuổi học. Những ngày đông khách, quán tiếp nhận lên đến hàng trăm lượt người ra vào để ăn uống. Ngày lễ tết, nhân viên tại Đại Nam được nghỉ, nhiều người không về nên tìm đến quán chị xin được làm thời vụ. Nghe tin Đại Nam sắp đóng cửa, chị Phượng và các nhân viên đều mất ngủ, hoang mang.

Anh Lê Minh Thiện, làm việc tại Phòng An ninh bảo vệ Khu du lịch từ khi Đại Nam mới thành lập. Quãng thời gian trên cũng đủ để anh có những ký ức đẹp về nơi đã từng gắn bó. Anh chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự cho du khách vui chơi an toàn. Thi thoảng, một vài đối tượng “lởn vởn” vào Đại Nam để… "ăn hàng" nhưng đều bị các anh phối hợp nhịp nhàng và chặn đứng.

Chủ nhật tuần trước (13/11), lượng khách vào Đại Nam quá đông nhưng đội an ninh bảo vệ của Đại Nam vẫn phát hiện và bắt được 2 đối tượng có hành vi móc túi du khách. Cầm lại tài sản trên tay, khách tham quan Khu du lịch rất cảm động trước sự quan tâm của đội ngũ bảo vệ Đại Nam đối với người dân. Nhận được những lời cảm ơn của du khách, anh em bảo vệ trong Khu du lịch như dâng lên niềm vui hạnh phúc.

Trong ngày chủ nhật khách đông kỷ lục ấy, một trường hợp bé gái 5 tuổi đi lạc được tìm thấy làm các anh ở Phòng An ninh bảo vệ nhớ mãi. Tiếp nhận thông tin về cháu bé lạc mẹ lúc 14h, cả đội được huy động để ý nhận dạng. Qua rà soát toàn Khu du lịch, hình ảnh về cháu bé vẫn bặt tăm. Thông tin về cháu gái cũng đã được trình báo đến lực lượng Công an phường Hiệp An và Tân Định từ trước.

Đến 17h, cháu bé được tìm thấy khi đang tự đi bộ ra ngoài cổng của Khu du lịch Đại Nam. Nhờ có sự phối hợp chặt chẽ của lực lượng chức năng địa phương và Phòng An ninh bảo vệ, cô bé được trao trả lại cho gia đình một cách an toàn. Người mẹ gặp lại con mừng rơi nước mắt. Nhìn cảnh mẹ con ôm chầm lấy nhau, trong tâm trí các anh Phòng An ninh bảo vệ như khắc ghi và nhớ mãi. Các anh tự nhủ lòng luôn làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ an toàn cho người dân đến tham quan. Sự an toàn của du khách cũng chính là phần thưởng dành cho anh em ở Phòng An ninh bảo vệ Khu du lịch Đại Nam.

Nếu ông Dũng “lò vôi” đọc được những mẫu chuyện này…

Những ngày trong tuần, Khu du lịch Đại Nam luôn đón nhận hàng ngàn lượt người dân đến tham quan và vui chơi. 

Từ năm 2009, Phòng An ninh bảo vệ Đại Nam đã tổ chức phối hợp với các Câu lạc bộ phòng chống tội phạm tại địa phương để phát hiện và ngăn chặn nhiều đối tượng vào khu du lịch hàng nghề “hai ngón”. Khoảng 130 nhân viên an ninh bảo vệ luôn thường xuyên được trao đổi nghiệp vụ để quản lý toàn bộ Khu du lịch. Đa số anh em nhân viên đều gắn bó ở Đại Nam đã lâu và xem nơi đây như ngôi nhà thứ 2 do môi trường làm việc tốt. Mọi người muốn có công việc mang tính chất được phục vụ để đem lại niềm vui và hạnh phúc cho người dân sau những ngày làm việc mệt nhọc.

Xin gửi đến ông Huỳnh Uy Dũng nỗi niềm của anh Võ Kim Thanh, Giám đốc Khu Biển nhân tạo để kết thúc bài viết: “Khu Biển nhân tạo có 58 nhân viên đang làm việc đến từ khắp các nơi trên mọi miền đất nước. Các anh em Khu Biển đều tự dặn lòng luôn đồng cam chịu khổ, gắn bó lâu dài với Đại Nam”. Mỗi ngày, Khu Biển nhân tạo đón hàng ngàn lượt khách đổ về vui chơi thỏa thích trong sóng nước.

Nhìn những con sóng nhân tạo xô vào bờ biển, ông Thanh vẫn đặt niềm tin và hy vọng: “Con người còn có thể mang biển cả, núi non, thiên nhiên đến với vùng đất khô cằn của tỉnh Bình Dương để hình thành nên một Khu du lịch Đại Nam thì bằng sự nhiệt tình cống hiến đến ngày cuối cùng 31/12, hy vọng lay động được ý định của ông chủ Đại Nam”.

 

>> Sao có ông chủ tịch tỉnh thế này?

>> Chủ tịch tỉnh Bình Dương giàu cỡ nào?!

>> Thấy gì qua thu nhập 64 tỉ đồng của Chủ tịch tỉnh Bình Dương?

>> Ông Huỳnh Uy Dũng được gì, mất gì?

>> Vụ kiện Chủ tịch Bình Dương: “Hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại”

>> Vì sao ông Dũng “lò vôi” chỉ kiện cá nhân Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương?

 

Hưng Long