Nghề phá nhà!

07:00 | 11/12/2012

1,690 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trăm thứ nghề chọn một thứ nghề! Đó là thứ nghề đánh đu với tử thần và đương nhiên chẳng thể thiếu máu và nước mắt. “Người ta đi xây nhà thì mình đi… phá nhà và chẳng hiểu chuyện phá phách ấy có động đến thổ công, thánh thần gì hay không mà hay bị tai nạn thế, thi thoảng có người chết rất thương tâm” - một lao động nữ đã rút ruột tâm sự với tôi như vậy. Chồng chị đã mất mạng vì nghề này và bây giờ, bản thân chị vẫn ngày ngày đánh đu với thần chết. Tất cả chỉ vì miếng cơm, manh áo.

Những cuộc ngã giá trước ngày giải tỏa

Trước đoạn đường vừa san nền xong, từng mảng tường của những căn nhà trong diện giải tỏa ở khu Trung Kính đổ sập xuống, bụi bốc mù mịt khiến không khí như đặc quánh. Tiếng ai đó thét lên thất thanh: “Chết rồi, trong nhà vẫn còn người”. Tiếng thét vừa dứt, có 4, 5 bóng người mặc quần áo lao động nhếch nhác chạy từ trong nhà ra. Họ thều thào không nói ra hơi: “Tường yếu quá bị sập sớm, suýt chết!”.

Người thoát chết mặt cắt không còn giọt máu, tay cầm bát nước lẩy bẩy đổ hết quá nửa, điếu thuốc lá “hoàn hồn” cháy bỏng cả tay mà vẫn chưa hết run. Họ là những người làm nghề “ăn xác nhà” thuộc đội thợ của “trùm” Dũng vừa thoát chết trong khi “ăn nhà” ở Trung Kính vào một ngày đầu đông...

Công nhân phá nhà thuê luôn phải đối mặt với nguy hiểm rình rập

Trước hôm khu Trung Kính phải giải tỏa nhường mặt bằng để làm nốt phần cuối con đường nối khu Cầu Giấy - Trần Duy Hưng, không khí ở phố này rộn ràng như một ngày hội. Các nhà phía trong “trúng số” bỗng dưng ra mặt đường thì gấp rút xây trát, còn những nhà bị di dời thì lục tục dọn đồ đạc để lại một dãy nhà trống hơ trống hoác. Chị Trần Thị Vận, 37 tuổi, nhìn ngôi nhà mới xây cách đây 2 năm mặt buồn thiu. Chị cứ sờ nắn những vách tường, rồi gõ gõ xuống nền gạch hoa mới lát thở dài thườn thượt. Trong nhà, chồng chị đang bận rộn nhặt nhạnh, vớt vát nốt mấy tấm ván gỗ, chiếc kệ tủ, mấy cái bóng đèn...

“Nhà nước đã đền bù, hỗ trợ rồi trước sau đằng nào cũng phải đi, ngoan cố mà làm gì. Còn mỗi cái nhà nếu mình không tự phá thì họ cũng phá. Chây ì thì họ phạt mà phá nhà nhanh lại được thưởng tiền. May thế, sáng nay có cái anh kia còn đến mua lại cả cái xác nhà này, tội gì chả bán kiếm thêm vài triệu nữa”, chị Vận chỉ “trùm” Dũng đang đứng gần đó nói. Dũng xoa tay cười khà khà: “Nhà chị 3 tầng mới xây, ngoài sắt thép được thêm mấy bộ cửa, mấy bệ xí nên mới có giá 6 triệu chứ không như mấy nhà cũ bên kia đường thì chả có giá đó đâu”.

“Trùm” Dũng có trong tay gần 40 lao động chinh chiến khắp các khu Đào Tấn, Liễu Giai, Ngã Tư Vọng, Ngã Tư Sở. Mỗi một lần có “chiến dịch” gã phải huy động thêm hàng chục lao động ở chợ người về làm nhưng không xuể. Dũng cao to, da đen bóng, chuyên đội mũ cối và đi dép lốp. Lính của Dũng gọi trộm sau lưng gã là “quạ đen”, vì hắn như loài ăn xác mà ở đây là xác nhà.

Huyền thoại về Dũng được dân lao động chợ người truyền tụng nhau cũng lắm chuyện ly kỳ thú vị. Chuyện rằng, trước đây Dũng cũng chỉ là một tay bán sức lao động ở chợ người Giảng Võ. Cuộc sống cũng chả có gì đặc biệt, ngày hút thuốc lào vặt đợi việc, đêm ngủ theo suất ở “trang trại tập thể” Minh Khai. Số phận chẳng hiểu thế nào, gã đột ngột phất lên sau một lần được thuê đi phá một ngôi nhà ở trên phố Hàng Đào.

Ngôi nhà này cũng đã trải qua rất nhiều chủ và có người trước kia là tư sản Hoa kiều, sau nhượng lại cho một bà cụ bán hàng ở chợ Đồng Xuân. Khi cụ già đau yếu, hai đứa con trai muốn tống mẹ ra đường để chiếm ngôi nhà và khi tống được mẹ ra đường rồi thì chúng bắt đầu tranh chấp cấu xé nhau. Cuối cùng chúng đem bán ngôi nhà cho một người giàu có khác làm cửa hàng. Người này thuê nhóm của Dũng là nhóm thợ Nam Định đến phá.

Ngôi nhà xây rất kiên cố theo kiến trúc cổ, nhóm thợ dự tính phải đập phá trong 5 ngày mới xong. Thế nên, đám thợ bố trí ngủ ngay tại chân ngôi nhà để tiện làm việc. Đêm đầu tiên, sau khi cơm nước xong xuôi, Dũng chui vào sau đống gạch để “giải quyết nỗi buồn”. Ngồi buồn tay gã cầm cục gạch đập chơi. Viên gạch vỡ ra và phía trong là hơn 10 lá vàng, mỗi lá 1 cây. Gã suýt ngất. Hôm sau gã cáo ốm xin nghỉ và mấy ngày sau trở lại xin ông chủ mua toàn bộ số gạch, đá để “xây công trình phụ cho nhà người quen”.

Chẳng ai biết gã ôm số gạch đó đi đâu và được bao nhiêu vàng, chỉ biết rằng, một thời gian sau gã trở thành ông chủ chuyên đi... phá nhà. Dũng cho rằng, đấy là một “duyên nghiệp” mà dù có giàu đến đâu gã cũng phải làm.

Nỗi niềm những người phá nhà thuê

Chuyện đời của “trùm” Dũng dù thực, dù ảo cũng là câu chuyện hy hữu của số phận và những người lao động đập phá nhà thuê như “trùm” Dũng thì vẫn ngày ngày lọ mọ đánh cuộc mạng sống của mình với “Diêm vương”.

Theo chúng tôi được biết, hiện nay, ở Hà Nội có hơn 10 nhóm như nhóm của Dũng và chia theo... địa bàn, trong đó nổi lên có nhóm Nghệ An, nhóm Hà Tây cũ, nhóm Nam Định, Thái Bình. Đương nhiên, họ cũng cạnh tranh, giành mối mua bán ngã giá như ở chợ và chuyện đánh chửi nhau để giành lãnh địa không phải là hiếm. Dù là cùng nghề nhưng một khi ngang nhiên tranh bát cơm vốn đã nhọc nhằn của nhau thì chuyện hục hoặc là điều được nhiên.

Theo tìm hiểu, giá xác nhà có từng khung nhất định: nhà 3-5 tầng bê tông, cốt thép, diện tích mặt bằng 40-50m2 có giá 8-10 triệu đồng, còn nếu xây gạch mái bê tông chỉ 5-6 triệu; nhà ngói, tường gạch, cột gỗ thì 4-5 triệu đồng. Càng tinh ranh săn được hàng đẹp và tán được chủ nhà thì càng được lợi, có lúc nhìn kỹ mà vẫn bị giác quan đánh lừa. Đó là nhìn bề ngoài có vẻ nhà “nhiều xương” (sắt, thép), đồ gỗ trông chắc chắn nhưng gặp phải nhà bị “rút ruột công trình” nên sắt thép ít và đồ gỗ thì bị mọt đục mục ruỗng, cộng với việc ra giá sai nên thua lỗ nặng.

Khi đục phá nhà cũ thì phải cẩn thận, tỉ mỉ phân loại từng thứ trong nhà như đồ gỗ gồm có khung, cửa chính, cửa sổ, sắt, thép và cả những đồ cũ, thừa mà chủ nhà vứt bỏ hoặc bán lại để gom thành từng loại bán cho các cửa hàng đồ gỗ hoặc thu mua sắt, thép phế liệu.

Những căn nhà cũ như thế này có thể đổ ập xuống bất cứ khi nào

 

Nếu gia chủ muốn lấy lại vật liệu thì họ cũng nhận làm với giá tiền công bằng nửa giá xác nhà. Họ nhận cả việc dọn mặt bằng, đổ phế liệu của gia chủ để gia chủ chạy đua thời gian lấy tiền thưởng của Nhà nước cho việc giải tỏa nhanh.

Dũng có được nhiều mối khách béo bở là do gã biết sử dụng Internet để làm ăn. Trên hầu hết các trang web rao vặt gã để lại số điện thoại và thông tin giá cả của mình. Khi tôi gọi, gã hỏi ngay: “Nhà ông có phá được ban đêm không? Hàng xóm có khó tính không? Lối vào có rộng không?”, rồi nhất quyết đòi xem nhà mới ngã giá được.

Tôi tỏ ra là một chủ nhà khó tính và hỏi hắn có phải là chủ công ty không? Lao động đang làm mà bị tai nạn thì sao? Họ có bảo hiểm không? Thì hắn tỉnh queo đáp: “Việc của tôi là đảm bảo thực hiện đúng hợp đồng cho ông, việc của ông là trả tiền cho tôi. Ông quan tâm làm quái gì đến những thứ ấy”. Tôi lấy cớ muốn đến xem “thợ ông làm ăn thế nào”, Dũng hẹn gặp ở khu Trung Kính. Khi tôi leo qua ngôi nhà bên cạnh vào xem thợ của gã làm việc, gã cản: “Ông vào làm gì, nguy hiểm bỏ mẹ. Sơ sẩy chết người như bỡn đấy”.

Trên tầng ba gặp cơn gió rít mạnh, căn nhà cũ như chòng chành, vôi vữa bay rào rào quanh mình. Có 6 lao động cả nam lẫn nữ người mặc may ô, kẻ cởi trần quai búa miệt mài. Người nào người nấy mặt trắng như trát phấn tuồng chèo, con ngươi đỏ lừ vì bụi. Họ không có cả găng tay, mũ bảo hiểm và ủng. Tất cả bọn họ đều làm “tay vo”.

Một chị thấy tôi cứ nhìn mãi vào ngón tay trỏ bị băng bó liền nói: “Tôi chặt gạch, chóng mặt quá đập cả vào tay đấy. Ngày nào chả có người bị”. Đấy là chị Khánh, 45 tuổi ở Hậu Lộc, Thanh Hóa mới làm nghề này được 2 tháng. Anh Hùng, chồng chị, đang nằm liệt giường vì tai nạn. Anh bị ngã từ tầng hai xuống đất trong lúc đang dùng kìm cộng lực cắt sắt. Anh được “trùm” Dũng “bồi thường” cho 2 triệu tiền thuốc men và nhận chị Khánh vào làm thay suất của anh.

Nói dại, lỡ chẳng may chị Khánh bị tai nạn nữa thì ai sẽ là người chăm 3 đứa con, một mẹ già đang oặt ẹo sống ở quê đây?

Tôi bỗng rùng mình nhớ lại cảnh người đàn ông cũng làm nghề này bị chết ngay trước mắt tôi trong lần giải tỏa ở Hoàng Mai cách đây không lâu. Hôm đó khi chiếc xe cẩu vừa rút gầu ra nghỉ giải lao thì đám người lao vào ngôi nhà bị kéo sập một nửa để mót sắt vụn, mặc cánh bảo vệ gào thét không cho vào.

Chỉ lát sau, cột bê tông trụ nhà rùng rùng gãy, cả ngôi nhà đổ ụp xuống. Chỉ có hai người ở trên tầng nhảy được sang nhà bên cạnh thoát chết. Tôi chỉ kịp nghe thấy tiếng: “Ối giời ôi!” và đôi chân của anh thò ra sau đống đổ nát. Người thanh nên đó mới 32 tuổi, có vợ và hai con nhỏ, quê ở Nam Định đã bỏ mạng chỉ vì vài thanh sắt nhỏ đáng giá mấy nghìn bạc.

Nhọc nhằn đời phá nhà thuê!

Anh ta cũng như những đồng nghiệp đang làm nghề này không hề có bảo hiểm lao động và cũng chẳng ai chịu trách nhiệm khi xảy ra tai nạn. Chị Khánh cho biết: “Họ nhận tôi vào làm chặt gạch, dọn dẹp. Lương mỗi ngày 40-50.000 đồng. Nếu bị đứt tay, đứt chân chủ người ta cũng mua thuốc cho.

Còn cứ kêu ca, phàn nàn họ sẽ đuổi ngay, người thiếu việc chứ họ đâu có thiếu người”. Hầu như “chiến dịch” nào cũng có dăm bảy “chiến sĩ” bị thương. Nhẹ thì dập tay, dẫm đinh, chảy máu, nặng thì vỡ đầu, gãy chân và… mất mạng. Tai nạn hay gặp nhất là đổ tường, rơi gạch ngói vào đầu. Thế mà chẳng chủ nào chịu mua mũ bảo hộ cho lính đội, dù chúng chỉ đáng giá vài chục nghìn đồng.

Tôi nhìn sang nhà bên cạnh, trên tấm biển quảng cáo là hai “người nhện” của nhóm Nghệ An đang lơ lửng trên không nhờ vào sợi dây thừng mỏng manh. Gió mạnh lại không có chỗ bám nên nhiều lúc họ trượt chân khiến tôi cứ giật mình thon thót. Tôi chợt buồn cho số phận những người làm nghề này sao rẻ mạt và mong manh đến vậy...

Với nghề dọn xác nhà, hợp đồng giữa các ông chủ và người làm thuê chỉ là hợp đồng miệng mang tính thời vụ. Vì vậy, để cắt giảm tối đa chi phí họ không có khoản nào gọi  là “trang bị bảo hộ lao động cho công nhân” . “Một bộ đồ bảo hộ của người làm thuê ít nhất là 100-200 nghìn đồng. Mỗi người chủ như chúng tôi bình thường 30-40 người, khi vào “chiến dịch” lên đến 60-70 người thì đó là một khoản chi không hề nhỏ, còn gì là lãi nữa”, nhiều ông chủ lý sự.

Vì thế, trong khái niệm nghề của họ không hề có từ “bảo hiểm lao động”. Người lao động có bị tai nạn, gãy chân tay, thậm chí chết người, chủ lao động cũng chỉ bồi thường một khoản gọi là “bồi dưỡng”. Đấy là gặp ông chủ tốt bụng, còn nếu không họ vẫn cắn răng mà chịu. Và dĩ nhiên họ chẳng có ai đứng ra để bảo vệ quyền lợi của mình khi xảy ra sự cố.

Chén rượu đãi bôi lúc đói khiến Dũng mở lòng. Gã tiết lộ: “Công việc làm ăn mỗi ngày một khó chú mày ạ. Các nhóm ganh đua, chọc ngoáy nhau mệt lắm”. Cứ theo lời Dũng nói thì cái nghề thoạt nhìn tưởng mạt hạng nhưng xem ra cho thu nhập cũng không tồi: Một sàn bê tông khoảng 40m2 thu được độ 1 tấn sắt.  Bán tống bán tháo sắt vụn cũng được 2-3.000 đồng/kg. Gạch được đẽo đi bán lại cho người cần mua để xây công trình phụ như nhà vệ sinh, nhà tắm, tường rào, cống hộp... Các thứ lặt vặt như dây điện, dây đồng, nhôm nhựa hỏng cũng bán được một khoản. Riêng tiền cửa gỗ, sàn, tủ... đem bán trên đường La Thành cũng thu về không ít tiền.

Nhiều khi may mắn vớ được những khoản “trên trời rơi xuống” thì đúng là sướng run người. Đó là những lần gia chủ bỏ quên máy bơm, máy nóng lạnh, điều hòa... Dũng ngà ngà say, kể: “Có lần tao phá nhà cho một tay đại gia. Hì hục thế nào mà vớ được hầm rượu do bố tay ấy để lại, hơn 50 chai chôn dưới đất gần 1m, rượu Pháp 100% có tuổi thọ gần trăm năm. Tao dám uống đúng 1 chai, còn lại đem bán tất được gần 100 triệu. Chuyện lạ có thật đấy chú mày ạ”.

Tất nhiên, những món lợi ấy đều chỉ rơi vào tay những ông trùm như Dũng mà thôi. Người lao động đương nhiên chỉ có tiền công nhật!

Có thể nói, sự an toàn của người lao động làm nghề này chỉ là con số không. Dù hiểm nguy luôn rình rập nhưng họ vẫn phải chấp nhận chỉ vì miếng cơm, manh áo.  Lý do khiến nghề này tồn tại là, nếu thuê máy móc làm, chủ nhà sẽ phải trả giá cao, đấy là chưa kể địa hình không cho phép máy xúc, máy ủi tiếp cận.

Tôi chỉ mong sao người lao động được chủ trang bị bảo hộ đầy đủ, được hướng dẫn kỹ thuật. Được thế, chắc chắn những tai nạn lao động đáng tiếc của họ sẽ ít đi. Đó cũng là ước mong giản dị của rất nhiều người lao động làm nghề “ăn xác nhà”...

Ghi chép của Vũ Minh Tiến

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps