Người đàn bà trở về từ "địa ngục"

08:02 | 30/10/2012

1,487 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Chị Đoàn Thị Vân, sinh năm 1979 tại Hưng Lĩnh, Hưng Nguyên, Nghệ An sau mấy chục năm mất tích, vừa qua, bỗng tìm đường trở về quê hương. Không ai biết chị đã đi đâu, làm gì, sống hay chết trong quãng thời gian đằng đẵng ấy. Cuộc đời chị có thể tổng kết lại trong một câu ngắn gọn: Lang thang, bị bán sang Trung Quốc, sống phận “chó ngựa” và trốn được về quê hương.

Thế nhưng, chẳng ai có thể tưởng tượng được, người đàn bà chưa già ấy đã trải qua những địa ngục trần gian với những đau đớn tột cùng và không ít lần chị đã toan tìm đến cái chết. Vượt qua những ngại ngùng, định kiến xã hội, chị Vân đã kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời bi kịch của mình!

Giấc ngủ dài từ viên thuốc màu trắng

“Con gái ông Nhu đấy phải không, sao lại ra nông nỗi này?”, tiếng gọi giật giọng của người phụ nữ làm tôi giật mình quay lại. Người đàn bà vừa cất tiếng gọi tôi trông thấp đậm, chừng 40 tuổi, cổ đeo dây chuyền vàng to sụ, ăn mặc sang trọng mỉm cười nhìn tôi từ đầu đến chân. Bất giác, tôi co người lại giấu đi những mảnh vá víu trên áo quần đã lâu không được thay giặt sau nhiều ngày lang thang kiếm ăn ngoài chợ. Đận đấy tôi nhớ là khoảng tháng 9/1996.

Không kịp nói lời cảm ơn, tôi nhai ngấu nghiến chiếc bánh mì nóng hổi mà người đàn bà ấy đưa cho. Bà ta ghé sát vào tai tôi, tiếng nói nhẹ như gió: “Cô là người quen của bố cháu. Nhìn cháu thế này cô thương lắm, thôi để ngày mai cô đưa ra Hà Nội, phụ việc mà kiếm tiền. Lang thang thế này, đời biết đi về đâu”.

 

Chị Đoàn Thị Vân

Từ ngày bố mất, mẹ đem anh trai đi biệt tích, tôi như con thuyền không bến, luôn thèm khát tình thương. Thế nên, dù còn hơi nghi ngờ về lời hứa hẹn của người phụ nữ xa lạ ấy nhưng lòng tôi vẫn trào dâng xúc động. Thấy tôi im lặng, bà ta sắp xếp luôn: “Ngày mai đúng 7 giờ ra bến xe Quỳ Hợp, Nghệ An, cô sẽ đi cùng cháu ra ngoài Hà Nội “. Năm ấy, tôi tròn 17 tuổi, cái tuổi đương thì con gái mơn mởn lúa non, nhưng tôi thì vẫn chỉ gầy nhẳng như cành củi khô vì những ngày lang thang, cơ cực.

Sáng hôm sau, tôi mặc bộ quần áo lành lặn nhất đi bộ ra bến xe Quỳ Hợp mà không hề đem theo bất cứ thứ gì. Chúng tôi lên một chiếc xe ca đã chật ních người. Tôi ngồi lọt thỏm ở hàng ghế cuối và miên man nghĩ về những tháng ngày cơ cực của mình. Tim tôi đập rộn ràng khi nghĩ đến những công việc mới, một tương lai tươi sáng đang chờ phía trước.

Đến Thanh Hóa, người phụ xe lớn tiếng giục: “Hành khách xuống xe uống nước, đi vệ sinh”. Khi chị chủ quán bê cốc nước lọc đến, ngườn đàn bà lấy từ trong túi xách ra một viên thuốc màu trắng, bỏ vào cốc nước và đẩy về phía tôi. Bà ta cười bảo: “Không phải thuốc độc đâu mà sợ, đây là thuốc chống say tàu xe, từ đây ra Hà Nội còn xa lắm, không uống thứ này không chịu nổi đâu”.

Tôi, một con bé chưa một lần đi ra khỏi huyện, nào có biết Hà Nội xa mãi tận đâu. Thấy cử chỉ ân cần của người đàn bà ấy, tôi nhắm mắt uống sạch. Cơn buồn ngủ ập đến sau đó khiến tôi không thể cưỡng lại được. Đầu tôi cứ mụ mị dần đi, bên tai chỉ còn nghe tiếng gió ù ù.

Tôi giật mình tỉnh lại, người mệt mỏi rã rời, toàn thân đau nhức ê ẩm. Tôi thấy mình đang nằm trong một căn nhà mái gianh lụp xụp, hôi hám. Tôi ghé mắt nhìn qua cửa sổ rồi giật mình hoảng hốt vì bốn bề là ngút ngát rừng xanh, mây núi. “Người ta đưa mình đi đâu thế này?”, tôi hoang mang thầm nghĩ. Thế nhưng, tôi thở phào khi một người đàn ông cao gầy, mặt sần sùi bước vào cất giọng sền sệt: “Đây là Hà Nội rồi. Sáng mai đến công ty, họ nhận người để bắt đầu làm việc”.

4 giờ sáng khi trời còn chưa tỏ, vợ chồng người đàn ông lạ gọi tôi dậy để chuẩn bị lên đường. Ông ta vằn mắt dặn đi dặn lại: “Nếu có ai hỏi gì, mày phải nói rằng sang đây chơi, không thì họ bắt lại ngay”. Tôi hoang mang tự hỏi: “Sang đây là sang đâu? Tại sao lại sợ bị bắt?”. Thế nhưng, nghe những lời ngon ngọt về công việc trước mắt, tôi đành dấn bước.

Trò “đãi vợ” của người chồng bệnh hoạn

Chúng tôi đi khoảng 3km đường rừng thì đến một con sông đã có người lái đò đợi sẵn. Ông ta nói một thứ tiếng gì đó mà tôi không thể hiểu được. Bất giác tôi giật mình: “Thôi chết tôi rồi, có lẽ tôi không còn ở Việt Nam nữa”. Tôi cuống cuồng hỏi về người đàn bà đã đi cùng mình từ Nghệ An. Người đàn ông nói gằn từng tiếng: “Đây là đất Trung Quốc rồi, bà ta đã bán mày với giá 17 triệu. Nếu mày có tiền thì trả tao rồi về, không có thì đi làm trả nợ, đừng gào khóc nữa, tốn công”.

Họ nhốt tôi vào một căn buồng tối, đến bữa có một người đưa cơm đến. Ánh sáng từ khe cửa sổ xuyên vào những tia sáng yếu ớt, mệt mỏi. Tôi cắn môi khóc thầm, hoang mang nghĩ đến tháng ngày trước mặt. “Hay trốn!”, một ý nghĩ lóe lên. Thế nhưng, giữa rừng sâu núi thẳm, không có một xu dính túi có trốn thì cũng chết đói giữa đường.

Căn nhà mà chị Vân đang sống tạm khi mới trở về

Ngay đêm đó, tôi nhục nhã trở thành đàn bà bởi chính gã đàn ông lạ mặt, sặc mùi rượu. Một đứa con gái quê mùa như tôi chưa một lần biết nắm tay con trai thì nay phải vùi mình trong tủi nhục nơi đất khách. Tôi không biết người ta mua sự trinh trắng của tôi bao nhiêu tiền nhưng 10 ngày sau đó, đêm nào tôi cũng bị hãm hiếp trong tột cùng đau đớn bởi những gã đàn ông thô bạo. Có những đêm quá tủi nhục tôi định tìm đến cái chết. Nhưng sự căm hận mụ đàn bà đồng hương đã ngăn tôi lại. Tôi nung nấu trong mình một ý nghĩ rằng: Tôi phải sống để trả thù.

Thời gian sau đó, tôi bị ép bán về làm vợ một người đàn ông Trung Quốc tên là A Xiển. Anh ta người thấp đậm, không biết tiếng Việt và hơn tôi tới 23 tuổi. Tôi theo A Xiển về một ngôi làng miền núi mà mãi sau này tôi mới biết là ở Phúc Kiến, Quảng Tây, Trung Quốc để sinh sống. Tôi ngơ ngác, cô đơn vì không biết tiếng nên không thể nói chuyện được với ai. Nỗi nhớ nhà, nhớ quê khắc khoải trong tôi mỗi khi trời ngả bóng về chiều. Ngày ngày, từ sáng sớm đến tối mịt, tôi phải lên nương hái lá dâu về nuôi tằm. Tối tối tôi lại khóc thét đau đớn khi A Xiển uống rượu say lao vào tôi như một con thú.

Một sáng, tôi đang trên nương bỗng nghe thấy tiếng người gọi: “Chị gì ơi!”. Tôi ngỡ ngàng quay ngoắt lại vì đã lâu tôi không nghe thấy tiếng Việt. Dù không quen biết, tôi cũng ào đến nắm chặt tay chị ấy. Chị tên Liên, quê ở Hải Dương, Việt Nam bị lừa bán sang đây làm vợ đã lâu và giờ đã có hai con trai. Qua lời kể của Liên tôi biết cuộc sống của chị hiện tại cũng chẳng hơn gì tôi.

Liên hướng mắt về dãy núi xa xa nói: “Chị cũng vì hai con mà phải ở lại, chứ nếu không thì trốn lâu rồi. Nếu em có ý định trốn thoát về Việt Nam thì chị khuyên em không nên có con với người chồng Trung Quốc. Trốn một mình thì sẽ mất con mà đem theo con thì khó thoát. Để ngày mai, chị sẽ mang ít thuốc tránh thai cho em dùng”.

Tôi vẫn âm thầm dùng thuốc tránh thai mà chị Liên đưa cho nên sống với chồng hơn một năm tôi vẫn không có bầu. Vì thế, A Xiển đối xử với tôi ngày càng tệ bạc. Anh ta uống rượu say về, vô cớ hành hạ tôi thừa sống thiếu chết. Nhưng đau đớn và nhục nhã nhất là những lần anh ta kéo bạn về nhà uống say rồi đãi bạn ngủ với vợ mình. Mặc cho bạn nhậu giở trò đồi bại với vợ, chồng tôi vẫn ngồi đó thản nhiên uống rượu và lấy những gì đang diễn ra trước mắt mình làm thú tiêu khiển để nhâm nhi. Chẳng phải chỉ một lần ấy, thỉnh thoảng tôi lại bị lôi ra làm thú tiêu khiển cho đám bạn dâm ô của chồng.

Người chị đồng hương và chiêu lừa ngoạn mục

Một lần tôi xuống chợ Hằng Hều (Phúc Kiến, Trung Quốc) và quen với chị Ngọc, khoảng 40 tuổi là người Việt Nam sang sinh sống. Chị Ngọc không bị bán như chúng tôi mà là dân buôn tự do lấy chồng người Trung Quốc. Mấy lần gặp nhau, biết được ý định của tôi chị Ngọc bảo: “Em trốn xuống nhà chị ở một vài ngày, lúc nào có xe về chị gửi theo”. Tim tôi đập thình thịch, tất cả hy vọng trốn thoát đều dồn vào người đàn bà có đôi mắt sắc như dao cau này.

Một đêm, tôi lặng lẽ trốn khỏi ngôi nhà đã giam chân mình suốt 6 năm trời. Tôi chạy bộ 50km trong 2 ngày, tìm xuống nhà chị Ngọc. Chị đối xử với tôi rất tốt. Tôi hồi hộp chờ đợi, một ngày, hai ngày, hai tuần, vẫn chưa thấy chị Ngọc nhờ được xe. Có lần, đi qua cửa phòng vợ chồng chị Ngọc, tôi khựng lại vì nghe vợ chồng chị có nhắc đến tên Vân. Tiếng chị Ngọc thì thào với chồng: “Có khách ưng con Vân rồi. Đợi mai mốt họ xuống xem mặt nữa là xong”. Tôi bàng hoàng ngồi thụp xuống đất rồi ôm mặt khóc. Đời tôi thật khốn nạn! Lại một lần nữa tôi rơi vào tay bọn buôn người.

Không còn cách nào khác là tự mình trốn thoát. Thế nhưng tôi không có tiền, không biết đường, không biết tiếng thì trốn sao được. Trong lúc đó, tôi nghĩ đến anh Tư là anh trai của Ngọc, hiện đang sang thăm em gái nên ở nhà chị ta chơi. Chỉ sáng ngày mai thôi là đã có người đến mua, lòng tôi rối như tơ vò. Nếu nói tình cảnh của mình và nhờ sự giúp đỡ của anh Tư để trốn thoát cũng rất nguy hiểm vì biết đâu anh Tư cũng cùng một phe với em gái mình. Mà nếu không nói gì thì đời tôi coi như không còn hy vọng. Đằng nào cũng chết, đêm đó tôi liều mình nói với Tư.

Anh Tư cầm tay tôi và hứa sẽ giúp tôi trốn thoát. Theo sắp xếp của Tư, ngay đêm đó tôi trốn khỏi nhà Ngọc rồi vạ vật ở một khu chợ ở cách đó khá xa để đợi Tư. Tôi thở phào nhẹ nhõm khi hai ngày sau anh đến tìm tôi. Chúng tôi băng rừng nhiều ngày để ra đường cái rồi từ đó bắt xe ca. Khi đi qua một khúc sông, nghe thấy tiếng người dân chài hò một điệu hò sông nước, tôi ôm mặt khóc nức nở. Vậy là dưới chân tôi đã là đất Việt Nam.

Tư đưa tôi về lại quê cũ. Căn nhà cũ của bố tôi ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh đã sập vì mưa bão không được sửa sang. Tôi dò hỏi khắp huyện Quỳ Hợp về tung tích người đàn bà năm xưa đã lừa bán tôi. Nhưng tung tích của bà ta vẫn bặt vô âm tín.

Tôi đành theo Tư ra Móng Cái, Quảng Ninh thuê một căn nhà nhỏ để sinh sống. Tư buôn bán nên đi suốt, hàng tháng chỉ về nhà một lần. Tư đối xử với tôi rất tốt. Thế nhưng, một lần có người đàn bà ở Hải Dương đến tìm tôi giới thiệu là vợ của anh. Bà ta bảo: “Anh Tư đã có hai con trai, cuộc sống gia đình đang cần bàn tay người đàn ông”.

“Tôi muốn làm lại cuộc đời bằng chính đôi tay mình”

Tôi lặng lẽ trả nhà rồi gói ghém đồ đạc trở về Hà Tĩnh. Tôi hiểu rằng Tư không thuộc về tôi, tôi phải đứng trên chính đôi chân của mình để bắt đầu một cuộc sống mới. Lúc này, tôi đã mang giọt máu của anh, nhưng tôi không muốn đứa con này sẽ phá vỡ hạnh phúc gia đình anh ấy. Dù sao, Tư cũng là người đàn ông tốt nhất mà tôi đã từng gặp.

Tôi đã sinh con được 2 tháng nhờ sự giúp đỡ của vài người bạn mới quen từ khi tôi về TP Vinh. Biết được hoàn cảnh khó khăn của tôi, thỉnh thoảng họ lại giúp tôi ít tiền trong khi tôi chưa đi làm. Việc quan trọng với tôi bây giờ là phải làm lại những giấy tờ đã mất để con tôi có một cái tên.

Tôi cần phải sống một cuộc sống mới sau những năm tháng cùng cực nơi đất khách quê người. Những vết thương từ trong quá khứ rồi cũng đến ngày lành sẹo. Tình yêu thương giữa con người sẽ giúp tôi vững bước trong cuộc đời này.

 

Vũ Minh Tiến (Ghi theo lời kể của chị Đoàn Thị Vân)