Những chiến sĩ giữ yên giấc ngủ cho Người

07:00 | 02/09/2014

10,349 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
39 năm đã qua kể từ ngày Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh mở cửa đón khách, đã có hàng chục triệu lượt người tới dâng hoa kính viếng Người. Và tại Quảng trường Ba Ðình, 13 năm nay, lễ thượng cờ, hạ cờ hằng ngày đã tạo được ấn tượng, tình cảm tốt đẹp về hình ảnh Tổ quốc Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam và bầu bạn quốc tế.

Năng lưowngjoooợng Mới số 352+353

Người đứng nghiêm như tượng

Những năm đầu khi Lăng Bác khánh thành mở cửa đón khách đến viếng đã lưu truyền trong nhân dân một câu chuyện vui: Hồi ấy có một số cụ già, mắt đã kém, cứ ngỡ hai chiến sĩ tiêu binh đứng trước cửa Lăng là tượng. Rồi nửa tin nửa ngờ, có cụ đã đến viếng Bác lần thứ hai rồi tiến lại gần người chiến sĩ tiêu binh để nhìn thật kỹ. Rồi các cụ thốt lên rằng, người thật chứ không phải tượng!

Câu chuyện vui ấy cũng phần nào nói nên một điều: Ðể có những chiến sĩ tiêu binh nghiêm trang đứng gác ở Lăng Bác như thế phải trải một quá trình khổ luyện trên bãi tập với cường độ rất cao. Họ đã phải qua hai bước tuyển chọn từ khi nhập ngũ đến khi hoàn thành khóa huấn luyện gần 6 tháng trời. Với hàng chục khóa chiến sĩ được tuyển chọn về trong 39 năm qua, chỉ có hơn 20% trở thành chiến sĩ tiêu binh thực thụ. Con số ấy càng khẳng định rằng, tiêu chuẩn của người chiến sĩ tiêu binh rất cao, đòi hỏi rất khắt khe. Vậy họ đã được huấn luyện như thế nào để đứng nghiêm được đến mức người mà như tượng?

Những chiến sĩ giữ yên giấc ngủ cho Người

Chiến sĩ tiêu binh trước cửa Lăng Bác

Ðến Ðoàn 275, tôi may mắn gặp Ðại tá Nguyễn Hoàng Diệu, Chính ủy Ðoàn. Anh là một trong số những chiến sĩ tiêu binh danh dự, vinh dự gác những ca gác trước Lăng của Người và trưởng thành từ Binh nhì lên Ðại tá nên anh rất am hiểu công tác huấn luyện, rèn luyện chiến sĩ tiêu binh. Với chiều cao 1,71m, thân hình chắc khỏe, tác phong hoạt bát và giọng nói âm vang, anh thể hiện rõ tố chất của người sĩ quan quân đội. Khi tôi hỏi đến chuyện huấn luyện chiến sĩ tiêu binh thì anh hào hứng hẳn lên. Anh đứng bật dậy và làm những động tác tập đứng nghiêm. Mọi cử chỉ đều mạnh mẽ, dứt khoát và chuẩn xác. Rồi cứ thế, anh bắt đầu say sưa kể, năm nào lấy quân ở đâu, huấn luyện như thế nào.

Những năm gần đây, Bộ Quốc phòng cho phép Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng được phối hợp với các địa phương tuyển chọn trực tiếp các thanh niên nhập ngũ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới.

Cán bộ Ðoàn 275 là lực lượng chủ yếu đi tuyển chọn chiến sĩ mới ở các địa phương. Những năm đầu, tiêu chuẩn về chiều cao là 1,68m; sau này nâng dần lên 1,7m và bây giờ là 1,75m trở lên. Ngoài lý lịch gia đình trong sạch, thần thái tươi tỉnh thì yêu cầu cơ thể những thanh niên này không được có vết sẹo hoặc vết săm trổ nào. Vì thế, theo lời anh Diệu, cán bộ tuyển quân khi kiểm tra sức khỏe từng thanh niên phải hết sức cụ thể, tỉ mỉ. Mỗi khóa tuyển khoảng 100 chiến sĩ và huấn luyện tại Khu Di tích K9. 3 tháng đầu tiên, các chiến sĩ được học tập và rèn luyện theo chương trình huấn luyện chung của toàn quân. Tiếp đó, Ðoàn 275 chuyển sang chương trình huấn luyện chuyên sâu theo tiêu chuẩn người chiến sĩ tiêu binh, làm nhiệm vụ ở Lăng Bác. Sau mỗi khóa huấn luyện 100 người như thế chỉ chọn ra được khoảng 20 người.

Tập đứng 3 giờ để gác 30 phút

Khó khăn nhất đối với người chiến sĩ tiêu binh là bài học đứng nghiêm. Những ngày đầu tập đứng nghiêm 30 phút, sau đó chuyển sang tập các động tác khác. Những ngày sau nâng dần thời gian tập đứng lên 1 giờ, 2 giờ rồi cuối cùng là 3 giờ. Vào những hôm thời tiết nắng nóng, có chiến sĩ đã say nắng, ngất ngã ngay trên bãi tập. Anh Diệu tâm sự: “Tôi đã trải qua khóa huấn luyện như vậy nên tôi biết rất rõ trạng thái sức khỏe của người tập. Nếu sự bền bỉ, dẻo dai hạn chế, thần kinh không vững, gân cơ không săn chắc thì chỉ đứng 15-20 phút là bắt đầu thấy người run lên, đầu óc quay cuồng, không làm chủ được mình nữa. Ðứng lâu, hai chân bắt đầu tê dần lên đến ngang thắt lưng...”.

Huấn luyện thuần thục như thế nhưng khi bước vào thực hiện nhiệm vụ, những chiến sĩ mới cũng không tránh khỏi tâm lý hồi hộp. Vì thế, số chiến sĩ mới này chỉ gác những ca vào ban đêm, sau đó gác ca buổi chiều rồi cuối cùng mới gác ca buổi sáng vào giờ viếng Bác. Tôi hỏi anh Diệu: “Mọi người đứng nghiêm khi chào cờ mấy phút đã thấy căng thẳng, người lính đứng nghiêm lâu như thế thì có thể thay đổi 2 chân thay nhau chùng xuống một chút được không?”.

Anh lắc đầu: “Không thể được, không được phép làm như vậy vì chỉ hơi chùng một chân là thân người sẽ bị lệch ngay. Nắng nóng thẫm đẫm mồ hôi, giá rét tái tê rồi ruồi bâu, muỗi đốt, ong bám vào mặt thì vẫn phải đứng nghiêm. Mùa mưa ẩm ướt, muỗi đốt no rơi xuống vai áo là chuyện bình thường. Chính vì vậy mà anh em mới phải tập đứng nghiêm 3 giờ để đứng gác 30 phút đến 1 giờ!”.

Tôi lại hỏi: “Vậy làm thế nào để người chiến sĩ đứng được đến 3 giờ?”.

Anh cười rồi nói tiếp: “Phải có sự rèn luyện tổng hợp cả về tinh thần và sức khỏe. Tinh thần, tư tưởng của anh em không phải lúc nào cũng ổn định mà nó có sự tác động của điều kiện thời tiết, của hoàn cảnh cá nhân. Người chiến sĩ chưa xác định tốt nhiệm vụ, đầu óc đang vướng bận điều gì đó thì sẽ ảnh hưởng tiếp đến sức khỏe. Có chiến sĩ chỉ về phép mấy ngày lên đã có biểu hiện chệch choạc. Có thể do công việc gia đình chi phối, hay chuyện riêng tư của bản thân....Vì vậy, cán bộ chỉ huy chúng tôi phải thật sự sâu sát chiến sĩ, nắm vững tâm tư nguyện vọng của anh em. Mọi biểu hiện khác lạ dù nhỏ nhất của người chiến sĩ phải được kịp thời phát hiện và giúp đỡ anh em vượt qua. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng phải đặt lên hàng đầu.

Dù là chiến sĩ mới trực những ca gác đầu tiên đến những chiến sĩ đã có thâm niên gần 2 năm rồi thì thường xuyên rèn luyện thể lực là công việc hằng ngày, hoàn toàn tự giác. Sáng thức dậy hay cuối buổi chiều, các chiến sĩ đều phải tập chạy dài, tập xà đơn xà kép, đẩy tạ và tập cả võ thuật. Ngoài ra là các môn thể thao như bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn”.

Những chiến sĩ giữ yên giấc ngủ cho Người

Thay ca gác ở cửa Lăng

 

Tôi tò mò tìm hiểu chuyện tập bước đi đều và vung tay đúng tầm thì mới biết, các chiến sĩ phải căng 2 cái dây. Chiếc dây phía dưới có độ cao 30cm. Khi đá chân lên, bàn chân phải dừng lại ở đúng độ cao ấy. Còn cái dây thứ hai chăng cao ngang ngực. Khi vung tay lên thì cánh tay gập thành góc vuông, đưa lên ngang ngực, song song với đường dây. Cứ tập mãi thành quen nên chân ai cũng đá cao đúng 30cm và cánh tay vung đúng tầm quy định, tạo nên sự thống nhất, rất đều và đẹp.

Nhưng tập những động tác này cũng vất vả không kém khi tập đứng nghiêm. Ai đã từng tập đội ngũ thì đều biết, khi chân đưa lên cao 30cm rồi thì yêu cầu từ mũi bàn chân đến ống chân phải tạo thành đường thẳng. Bàn chân mà để vẹo sang một bên hoặc mũi bàn chân ngửa lên là không được. Và khi đã vung tay, đá chân lên rồi, người sĩ quan chỉ huy yêu cầu giữ nguyên trạng thái ấy để đi vòng quanh, kiểm tra từng hàng quân thì chỉ sau vài phút, gân, cơ căng ra, cảm giác rất khó chịu, dễ mất thăng bằng. Song, do yêu cầu huấn luyện cơ bản từng động tác như thế nên anh em phải tập bằng được.

Không chỉ đi đều và đẹp, người chiến sĩ tiêu binh còn phải giữ được quân dung tươi tỉnh, tác phong thoải mái, gần gũi với mọi người song vẫn bảo đảm sự nghiêm trang cần thiết. Ai từng một lần vào Lăng viếng Bác thì đều “mục sở thị” điều này và thật sự than phục trước sự đều và đẹp của chiến sĩ tiêu binh.

Khi chiến sĩ đổi gác, giờ giấc bảo đảm chính xác tới từng giây và bước chân cũng chuẩn xác tới từng centimét. Tốc độ đi nghiêm đổi gác trước cửa Lăng là 55-60 bước/phút, đi thực hiện lễ chào cờ là 106 bước/phút. Ði nghiêm đến cửa Lăng 8 bước, lên bậc tam cấp thứ nhất 5 bước, lên bậc tam cấp thứ hai thì 6 bước đi vào và 5 bước đi ra.

Ðể nâng cao chất lượng phục vụ nghi lễ, từ 18-5-2014 có một số thay đổi là hai chiến sĩ đứng gác trước cửa Lăng chuyển từ thế đứng quay mặt vào nhau sang thế đứng quay mặt ra ngoài, tạo nên sự vững chãi và trang nghiêm hơn. Ðồng thời, các chiến sĩ đi giày màu trắng thay cho giày đen trước đây.

Nhân lên nét đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”

Góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thiêng liêng đó có cán bộ, chiến sĩ Ðoàn 275, Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Họ phải trải qua những tháng ngày rèn luyện gian khổ để đảm đương công việc một cách chuẩn xác và đẹp mắt như vậy.

Ngày 29-8-1975, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức trọng thể lễ khánh thành. Ðoàn 275 cũng chính thức ra quân từ đó, khởi đầu cho những ngày đêm canh giữ giấc ngủ cho Bác Hồ.

Với các đơn vị làm nhiệm vụ Tiêu binh danh dự, Cảnh vệ đặc biệt, Canh gác vũ trang và Trinh sát đặc nhiệm, Ðoàn 275 là đơn vị chủ yếu thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, nghi lễ của Bộ Tư lệnh Lăng. Ngoài nhiệm vụ canh gác bảo vệ Lăng, Ðoàn còn phải làm tốt công tác đón tiếp, tuyên truyền, phục vụ khách tới viếng Bác thấy được một văn hóa Hồ Chí Minh. Hình ảnh người chiến sĩ với tư thế, tác phong nghiêm trang thành kính cùng sự nhiệt tình, chu đáo văn minh trong đón tiếp đã góp phần tô thắm truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”. Và không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu binh canh gác, bảo vệ giấc ngủ cho Bác, người chiến sĩ Ðoàn 275 còn phải tạo nên một hình ảnh, một nét đẹp, một niềm tin cho nhân dân và khách quốc tế khi tới viếng Bác. Ðể thực hiện tốt nhiệm vụ này, Ðoàn 275 luôn đề cao công tác giáo dục ý thức cho mỗi cán bộ chiến sĩ: Tuyệt đối trung thành, đặc biệt nghiêm cách trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và xây dựng đơn vị chính quy, đoàn kết, tận tụy, nhiệt tình, chu đáo…

Các khóa chiến sĩ mới về Ðoàn 275 đều được giáo dục truyền thống đơn vị, nêu gương người tốt việc tốt, trong đó có câu chuyện về một vị khách nước ngoài tới Lăng viếng Bác. Hai vợ chồng vị khách đến viếng Bác, đã đánh rơi một túi xách, trong đó có số tiền lớn cùng toàn bộ giấy tờ, hộ chiếu, vé máy bay. Trong ca làm nhiệm vụ, Hạ sĩ Lê Trí Công nhặt được và báo cáo về đơn vị. Khi nhận lại tài sản, vị khách nước ngoài rất xúc động. Trước khi về nước, vị khách ấy đã tới đặt trước tượng Bác trong Bảo tàng Hồ Chí Minh một bó hoa và nói: “Thưa ngài Hồ Chí Minh, tôi đã đến viếng Ngài. Tôi vô cùng cảm động trước tình yêu mà dân tộc Việt Nam đã dành cho Ngài. Và đặc biệt, tôi khâm phục đạo đức người cận vệ của Ngài”. Thời gian sau, Trung sĩ Nguyễn Hồng, chiến sĩ Ðội canh gác vũ trang, làm nhiệm vụ ở vọng gác Vườn Trúc cũng nhặt được một túi xách cùng số tiền lớn, đã trao trả lại cho chủ nhân…

Những người già yếu, khuyết tật ngồi trên xe lăn đều được các chiến sĩ đỡ từng bước đi hay nâng bánh chiếc xe qua những bậc thềm vào viếng Bác đã trở thành hình ảnh quen thuộc hằng ngày.

Những chiến sĩ trẻ mới nhập ngũ hay những chiến sĩ sắp hoàn thành nghĩa vụ ở Ðoàn 275 đều chung một niềm vinh dự, tự hào vì được thay mặt cho tuổi trẻ cả nước làm nhiệm vụ tại Lăng Bác. Những năm tháng rèn luyện phấn đấu ấy như một dấu son in đậm trong cuộc đời của họ.

Những chiến sĩ giữ yên giấc ngủ cho Người

Đại tá Nguyễn Hoàng Diệu chỉnh đốn trang phục cho chiến sĩ

Dù nắng nóng như đổ lửa, giá rét tái tê hay mưa gió bão bùng, họ vẫn đứng gác nghiêm trang như thế. Và 34 chiến sĩ hằng ngày thực hiện lễ thượng cờ, hạ cờ cũng như vậy. Có những hôm mưa lớn, nước ngập đến tận gót giày, họ vẫn bảo đảm hành lễ chuẩn xác, đúng giờ, trăm ngày như một. Họ thể hiện hình ảnh của 34 đội viên của Ðội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam Anh hùng ngày đầu thành lập cách đây 70 năm.

Tôi vào thăm nơi ở của Ðội tiêu binh danh dự vào buổi chiều hè, nắng nóng 36oC. Tiếp tôi là Thượng úy Ðội trưởng Nguyễn Trung Dũng. Sau nhiều năm trở lại doanh trại của Ðoàn 275, cảnh quan đã thay đổi, đời sống chiến sĩ đã được cải thiện nhưng riêng nơi ở vẫn còn chật chội. Ngồi nói chuyện với tôi được mấy phút mà trên gương mặt Ðội trưởng Nguyễn Trung Dũng, những giọt mồ hôi đã bắt đầu chảy thành dòng. Thấy tôi tỏ vẻ băn khoăn, Nguyễn Trung Dũng cười rất hiền và nói: “Tuy điều kiện ăn ở còn chật hẹp nhưng anh em toàn đội vẫn đoàn kết gắn bó, duy trì được nếp sống kỷ luật và đặc biệt là phát huy truyền thống của quân đội, khó khăn nào cũng vượt qua”.

Lát sau, hạ sĩ Trần Văn Thịnh - Tiểu đội phó Tiểu đội 6, phân đội 2 bước vào. Năm 2013, Thịnh thi đỗ Ðại học Kinh doanh - Công nghệ Hà Nội nhưng anh đã tình nguyện nhập ngũ. Thịnh tâm sự: “Thấy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh về tuyển quân, tôi đã vui vẻ nhập ngũ và trở thành chiến sĩ tiêu binh danh dự. Ðây là niềm tự hào không chỉ cho bản thân, gia đình mà còn cả cho dòng họ và quê hương tôi. Vì vậy, trước mắt tôi sẽ phấn đấu để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời gian làm nghĩa vụ quân sự tại ngũ của mình”.

Hằng năm đi tuyển quân, cán bộ của Bộ Tư lệnh Lăng đều ghi nhận tình cảm chân tình của người dân ở các địa phương đối với Bác Hồ và cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng. Truyền thống Bộ đội Lăng Bác được truyền từ lớp chiến sĩ trước sang lớp chiến sĩ sau, từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo nên niềm tin vững chắc trong nhân dân. Các anh còn nhớ lần về xã Hưng Ðạo, Tứ Kỳ, Hải Dương, thanh niên Nguyễn Văn Tùng đã đề đạt nguyện vọng: “30 năm trước, bố em từng là chiến sĩ Ðội Cảnh vệ đặc biệt của Ðoàn 275. Năm nào Hội Ðồng ngũ của bố em cũng tổ chức gặp mặt, ôn lại kỷ niệm về những ngày làm nhiệm vụ bên Lăng Bác. Năm nay em xin phép ông, bà, bố, mẹ làm đơn tình nguyện nhập ngũ, mong muốn được tiếp nối truyền thống của bố em để giữ yên giấc ngủ của Bác Hồ. Em biết sẽ có nhiều khó khăn, vất vả nhưng em quyết tâm phấn đấu noi gương cha anh, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ”.

 Trước tình cảm chân thành của chính quyền và nhân dân địa phương, Trung tá Vũ Quý Dương, cán bộ Ðoàn 275 đã nói: “Ở đâu nhân dân cũng hướng về Lăng Bác, luôn dành tình cảm tốt đẹp cho cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng. Vì vậy, chúng tôi phải nâng cao trách nhiệm quản lý, giáo dục, rèn luyện bộ đội tốt hơn nữa để xứng đáng với niềm tin của nhân dân”.

Và 39 năm qua, cán bộ, chiến sĩ Ðoàn 275 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vẻ vang của mình. Họ đã thay mặt nhân dân cả nước giữ yên giấc ngủ của Người, góp phần xứng đáng tô thắm thêm truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”.

Đức Toàn