Những vấn đề pháp luật trong thương vụ Bảo Long - Bảo Sơn

08:00 | 22/07/2012

2,064 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Thương vụ mua bán giữa Tập đoàn Bảo Sơn và Tập đoàn Bảo Long đã ngã ngũ nhưng cả người trong cuộc và ngoài cuộc đều thấy còn lăn tăn ngỡ ngàng. Quá nhiều việc đã xảy ra, vượt qua giới hạn của một vụ mua bán thông thường, thậm chí, vượt qua cả những quy tắc về tình người, về đạo đức.

Nhiều người tự hỏi: Điều gì đã xảy ra với một thương hiệu Bảo Long tưởng vững như bàn thạch và điều gì có thể xảy ra khi người ta đối diện với nhau về quyền lợi kinh tế. Vụ việc này để lại nhiều bài học pháp luật đáng phải suy ngẫm.

Trước tiên, chúng ta hãy đọc đoạn văn lan truyền trên mạng được cho là do người của ông Nguyễn Hữu Khai viết: “Những công trình, tài sản hiện hữu hàng trăm tỉ đồng. Trong tình thế bị Bảo Sơn chiếm đoạt, Bảo Long chịu nhẫn nhục lầm lũi rút quân để rồi bất ngờ phản thế bởi “cùng tắc biến, cực tắc phản”, ông Nguyễn Hữu Khai cùng hàng trăm đệ tử trung thành, một lòng một dạ sống chết. Ông lập tức ra lệnh cho toàn quân quay trở lại đại bản doanh. Như một khối lò xo bị nén chặt, nay được bật lên, anh em Bảo Long bộc lộ tinh thần dũng mãnh, không quản ngày đêm nhanh chóng trở về bảo vệ thành quả của mình trong khí thế sôi động đầy uy lực khiến những kẻ lừa đảo chiếm đoạt bối rối, ngỡ ngàng và khiếp đảm”.

Đọc đoạn văn như “kiếm hiệp” này đương nhiên là chẳng ai tin vì chúng ta đang sống trong thời bình, trong xã hội trật tự và có luật pháp chứ đâu phải thời của 108 vị hảo hán anh hùng Lương Sơn Bạc? Phía Bảo Sơn cho rằng, ông Nguyễn Hữu Khai cùng các đệ tử đang “đánh chiếm” lại Bảo Long theo kiểu giang hồ.

Nhìn hình ảnh này hẳn người ta sẽ tiếc cho Bảo Long huy hoàng một thời

Cầm cố cái mình không có?

Như đã thông tin, ông Nguyễn Hữu Khai đã chuyển nhượng cổ phần, tài sản, thương hiệu Bảo Long cho ông Nguyễn Trường Sơn với giá hơn 227 tỉ đồng. Tuy nhiên, do còn nhiều nợ nần nên ông đã lại tìm đến Bảo Sơn để xin vay hàng chục tỉ đồng khác.

Có điều phải lưu ý là, sau khi bán Công ty Cổ phần Tập đoàn Y dược Bảo Long, ông Khai đã lập ngay một công ty có tên gọi gần tương tự là Công ty TNHH Đông Nam dược Bảo Long do ông đứng đầu. Khi mà “đại bản doanh” ở Cổ Đông, Sơn Tây, Hà Nội đã bán thì phần tài sản còn lại ở huyện Hoóc Môn,  TP Hồ Chí Minh cũng được ông Khai mang ra thế chấp để vay tiền tỉ.

Ngày 12/5/2011, Công ty TNHH Đông Nam dược Bảo Long, người đại diện là ông Nguyễn Hữu Khai, Lê Thúy Hằng, Phạm Văn Lực đã làm  Hợp đồng vay số 17/HĐVV/BL-BS để vay tiền của Bảo Sơn. Tài sản ông Khai mang ra thế chấp là 4 mảnh đất ở xã Thới Thượng, huyện Hoóc Môn, TP HCM.

6 cá nhân là ông Nguyễn Hữu Khai, bà Lê Thúy Hằng (vợ ông Khai), ông Nguyễn Văn Ái (em rể ông Khai), bà Nguyễn Thi Gạt (em ruột ông Khai), bà Nguyễn Thị Ngoạt (con gái ông Khai) và ông Phạm Văn Lực (con rể ông Khai) đã giao tài sản cho Tập đoàn Bảo Sơn làm tài sản thế chấp, ủy quyền định đoạt công chứng để vay hơn 37 tỉ đồng với lãi suất 1,75%/tháng.

Số tài sản trên đất và toàn bộ diện tích đất hiện đang được thế chấp tại Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện Hoóc Môn, TP Hồ Chí Minh. Trong hợp đồng ghi rõ: trong trường hợp bên vay không trả được nợ vay trước 12/5/2012 tiền gốc thì toàn bộ tài sản thế chấp nghiễm nhiên thuộc về phía Bảo Sơn và bên cho vay có quyền sở hữu, bán để thu hồi công nợ. Thực hiện nội dung hợp đồng đó, cả 6 cá nhân trên đã ký hợp đồng ủy quyền công chứng chuyển giao quyền định đoạt tài sản cho phía Bảo Sơn.

Hợp đồng này cụ thể và rõ ràng - nhưng đến thời hạn cuối cùng phải trả nợ, ông Nguyễn Hữu Khai không trả mà bằng Công văn số 102-4/2012/CV-BL ký ngày 2/4/2012 trả lời Tập đoàn Bảo Sơn như sau: “Quyền sử dụng đất đưa vào làm tài sản bảo đảm tại Hợp đồng 17/HĐVV/BL-BS là quyền sử dụng đất đứng tên các cá nhân. Họ chưa làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho Công ty TNHH Đông Nam dược Bảo Long. Vì vậy, việc Công ty TNHH Đông Nam dược Bảo Long dùng quyền sử dụng đất của các cá nhân đó để ký hợp đồng vay vốn là không đúng theo quy định của pháp luật”.

“Ông Nguyễn Hữu Khai là Chủ tịch Hội đồng Thành viên của Công ty Đông Nam dược Bảo Long đứng ra ký vay vốn là không đúng thẩm quyền”.

“Hợp đồng số 17/HĐVV/BL-NS có yếu tố thế chấp đất đai phải được công chứng, tuy nhiên hợp đồng này chưa công chứng nên không đúng pháp luật”.

Vì các lý do đó, ông Khai đã từ chối thanh toán cả gốc và lãi vay trong 12 tháng với  tổng cộng là hơn 45 tỉ đồng.

Tiếp đó, ngày 4/4/2012, ông Nguyễn Hữu Khai và vợ là bà Lê Thúy Hằng thông báo cho Tập đoàn Bảo Sơn, tự mình đơn phương hủy hợp đồng ủy quyền công chứng các tài sản đã cầm cố vay tiền. Đồng thời ông Nguyễn Văn Ái (em rể ông Khai), bà Nguyễn Thị Gạt (em gái ông Khai), ông Phạm Văn Lực (con rể ông Khai) và bà Nguyễn Thị Ngoạn (con gái ông Khai) đều đồng loạt thông báo hủy bỏ hợp đồng công chứng cầm cố định đoạt tài sản cho Tập đoàn Bảo Sơn.

Ông Khai viết rõ trên trang mạng (tháng 5/2012) và gửi cho Tập đoàn Bảo Sơn rằng: Hợp đồng kinh tế số 17/HĐVV/BL-BS có dấu hiệu lừa dối, còn hợp đồng ủy quyền thì để ngăn chặn mưu đồ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Những người ủy quyền đã làm đơn đơn phương hủy bỏ hợp đồng. Nay với “mớ giấy lộn” (chỉ giấy tờ đất đai làm tài sản thế chấp vay tiền đã cầm cố cho Tập đoàn Bảo Sơn) chiếm đoạt được, đúng luật là phải trả cho chủ sở hữu.

Tại Công văn 34 và 36 ngày 5 và 6/4/2012 gửi báo chí và chuyển cho Tập đoàn Bảo Sơn, ông Nguyễn Hữu Khai thông báo: Không trả tiền đã vay với lý do là để trừ nợ vào số tiền Bảo Sơn còn nợ Bảo Long!

Ông Nguyễn Hữu Khai ký hợp đồng để vay được số tiền hơn 37 tỉ đồng, sử dụng tài sản của 6 cá nhân trong đó có ông Nguyễn Hữu Khai để cầm cố vay nợ. Sau 1 năm, đến hạn trả nợ, ông Khai đã không trả gốc và lãi vay 7,8 tỉ đồng mà còn ngang nhiên trả lời không trả số tiền gốc và lãi đó.

Việc này nếu thể hiện rõ sự chiếm đoạt thì sẽ vi phạm Điều 139 Bộ Luật Hình sự “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” vì 3 lý do.

Thứ nhất là: Mặc dù đã dùng tài sản của 6 cá nhân để cầm cố vay vốn, đến thời hạn trả nợ, ông Nguyễn Hữu Khai lại tuyên bố 6 cá nhân trên chưa ủy quyền cho ông Khai thế chấp vay vốn.

Thứ hai là: Khi đến hẹn trả nợ ngày 12/5/2012, ông Khai và 5 cá nhân là người nhà của ông Khai đã tự tuyên bố hủy hợp đồng ủy quyền có công chứng định đoạt tài sản cầm cố cho Bảo Sơn.

Thứ ba là: Ông Nguyễn Hữu Khai ngang nhiên tuyên bố không trả nợ với lý do là Bảo Sơn còn nợ ông Khai. Tuy nhiên, ông không chứng minh được việc này.

Hành vi này sẽ được các cơ quan pháp luật xem xét, tuy nhiên rõ ràng  người ta không thể mang ra cầm cố cái mình không có!

Tiền vay một đằng, tiêu một nẻo

Sau khi chuyển nhượng vốn cổ phần, tài sản, thương hiệu Bảo Long cho phía Bảo Sơn, ông Nguyễn Hữu Khai được ông Nguyễn Trường Sơn tạo điều kiện bằng cách, mời giữ vị trí Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Y dược Bảo Long. Đồng thời, ông Khai còn được chu cấp vốn bằng 2 hợp đồng về việc khoán kinh doanh có thời hạn 1 năm đến ngày 28/4/2012.

Bản hợp đồng ủy quyền định đoạt của ông Nguyễn Hữu Khai và các thành viên trong gia đình

Theo nội dung của hợp đồng này thì Tập đoàn Bảo Sơn cho ông Nguyễn Hữu Khai vay tổng số tiền là 10 tỉ đồng để mua nguyên liệu phục vụ sản xuất kinh doanh theo hình thức khoán kinh doanh. Công ty Bảo Long có nghĩa vụ thanh toán cho Bảo Sơn số tiền lãi 240 triệu đồng/tháng tiền chi phí thuê hạ tầng, thương hiệu. Và đến hạn tháng 3/2012 sẽ thanh toán cả gốc và lãi số tiền vay.

Sau khi nhận được 10 tỉ đồng, bà Lê Thúy Hằng (vợ ông Khai) đã theo lệnh của ông Khai không mua nguyên liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh mà sử dụng số tiền đó vào mục đích riêng và cũng không đưa số tiền này vào sổ sách kế toán tài chính.

Thủ đoạn dùng pháp nhân để ký hợp đồng công khai để nhận được 10 tỉ vốn vay, rồi sau đó gian dối để sử dụng tài sản đó vào mục đích cá nhân của ông Nguyễn Hữu Khai dẫn đến hậu quả là từ khi nhận tiền tới nay, ông Khai không có khả năng trả nợ.

Phía Bảo Sơn cho rằng: Ông Khai đã lợi dụng niềm tin của họ, cố tình chiếm đoạt tài sản, như vậy đã vi phạm vào Điều 140, Bộ Luật Hình sự: “Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là hành vi vay, mượn, thuê tài sản người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản đó, sử dụng vào việc bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản”.

Bán xong rồi “hồn nhiên” đòi lại

Ngày 3/3/2011, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng và Du lịch Bảo Sơn ký Hợp đồng số 01/CNVCP-TS/BL-BS với Công ty CP Tập đoàn Y dược Bảo Long do ông Nguyễn Hữu Khai – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.

Ngày 8/6/2011, hai bên Bảo Long và Bảo Sơn đã có biên bản thỏa thuận bàn giao tài sản. Theo đó, ông Nguyễn Hữu Khai đại diện cho Công ty TNHH Đông Nam dược Bảo Long thuê lại toàn bộ nhà xưởng sản xuất với giá 500 triệu đồng/tháng. Công ty CP Tập đoàn Y dược Bảo Long chỉ giữ lại tòa nhà 5 tầng và 10 tầng để cải tạo bệnh viện, tòa nhà 3 tầng để làm Trường trung cấp Y dược Bảo Long. Kể từ thời điểm đó, Công ty CP Tập đoàn Y dược Bảo Long đã ký hợp đồng với các đơn vị khác cải tạo lại 2 tòa nhà 5 tầng và 10 tầng để làm bệnh viện 200 giường.

Hợp đồng là vậy, cam kết là vậy, tuy nhiên sau một thời gian thuê nhà xưởng với giá 500.000.000 đồng/tháng, ông Nguyễn Hữu Khai đã không trả tháng nào, đồng thời chuyển cơ sở sản xuất đến thuê Công ty Văn Minh tại An Khánh để sản xuất. Tuy nhiên, do không có giấy phép sản xuất tại đây nên ông Nguyễn Hữu Khai quay lại chiếm toàn bộ trụ sở của Công ty CP Tập đoàn Y dược Bảo Long tại xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây vào ngày 3/10/2011. Để biện minh cho hành vi chiếm đoạt của mình, ông Khai đã gửi “Đơn kêu cứu” tới các cơ quan truyền thông cho rằng, Bảo Sơn còn nợ ông Khai 125 tỉ đồng vì chưa thanh toán tiền thương hiệu, cây cối, hạ tầng kỹ thuật. Ngang nhiên đuổi tất cả công nhân kỹ thuật đang thi công cải tạo bệnh viện mà Công ty CP Tập đoàn Y dược Bảo Long thuê đến xây dựng. Từ đó tới nay, ông Nguyễn Hữu Khai còn ngang nhiên chiếm Công ty CP Tập đoàn Y dược Bảo Long do các cổ đông mới làm chủ.

Điều 137 Bộ Luật Hình sự quy định: “Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên, gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân”.

Chiếm toàn bộ nhà xưởng và toàn bộ quyền sản xuất, kinh doanh của công ty, trong đó chiếm luôn quyền thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước vì Nguyễn Hữu Khai đã không bàn giao sổ sách kế toán tài chính cho Công ty CP Tập đoàn Y dược Bảo Long.

Chiếm cứ bệnh viện khi mà bệnh viện đang cải tạo, lắp đặt thiết bị y tế với các thiết bị máy móc có tổng giá trị hàng chục tỉ đồng. Các thiết bị máy móc đã không đưa vào lắp dựng được hơn 1 năm nay, bị hư hỏng và xuống cấp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho chủ đầu tư.

Việc này với mục tiêu ban đầu mà ông Khai đặt ra là “để làm giảm áp lực đòi nợ của 265 người góp tiền cho ông Khai vay”. Có ý kiến cho rằng, đây chỉ là hành vi “chiếm giữ trái phép tài sản của người khác” nhưng điều khoản này chỉ áp dụng cho các trường hợp người bắt được của rơi hoặc cầm nhầm của người khác mà do lòng tham không trả lại cho chủ sở hữu. Điều này khó có thể được mang ra biện minh cho việc chiếm đoạt cả khối tài sản trăm tỉ đồng như trong trường hợp này.

Những tiểu tiết “buồn cười” trong một câu chuyện lớn

Xưa nay, thiên hạ vẫn nói: Bậc trượng phu không làm chuyện lìu tìu, nhưng chắp nối một vài thông tin, chúng tôi mới ngộ ra rằng: Vào cơn binh biến thì đôi khi anh hùng cũng làm những chuyện thật là… không đáng mặt.

Sau khi mất thương hiệu Bảo Long, ông Nguyễn Hữu Khai đã đăng ký kinh doanh một cái tên na ná “Công ty TNHH Đông Nam dược Bảo Long” tại TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, cái tên này lại được ông một lần nữa mang ra đăng ký ở Hà Nội. Ai cũng thừa hiểu, việc trùng tên doanh nghiệp là không được phép, là vi phạm Luật Doanh nghiệp.

Chưa hết, sau khi mất Công ty CP Tập đoàn Y dược Bảo Long, ngoài việc lập công ty TNHH, ông Khai còn lập thêm một công ty nữa là Công ty CP Y dược Bảo Long. Điều này khiến cho nhiều người nhầm lẫn. Ngoài ra, việc ông Khai trong thời điểm khó khăn đã bỏ rơi chính những người trung thành bám trụ với mình bằng việc ký quyết định cho hơn 100 nhân viên của mình nghỉ việc tạm thời, nhưng lại rêu rao rằng Bảo Sơn đã làm cho “hàng trăm y, bác sĩ, cán bộ, giáo viên thất nghiệp, hàng trăm học sinh thất học…”.

l Điều 137 Bộ luật Hình sự về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản: Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên, gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

l Điều 140 Bộ luật Hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản: Người nào có một trong những hành vi sau đây: chiếm đoạt tài sản của người khác như vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng, rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó. Nếu tài sản bị chiếm đoạt đó có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên, gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.


Nhóm phóng viên

(Năng lượng Mới số 139, ra thứ Sáu ngày 20/7/2012)