Ông già mù có… 12 vợ (Kỳ 2)

07:00 | 25/04/2014

4,416 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc ông già mù như tự đi được xe đạp, sinh hoạt bình thường như người sáng mắt vốn đã là việc lạ khó giải thích. Việc ông lấy tới 12 người vợ, sinh được 30 người con còn lạ lùng không kém. Chuyện lấy vợ của ông Sơn nhiều lúc cười ra nước mắt. Cái tục danh Sơn “dù” cũng từ việc lấy vợ chớp nhoáng như lính nhảy dù mà ra.

>> Ông già mù có… 12 vợ

Bài 2: Ông mù siêu đa thê

Ông cưới người vợ đầu tiên tên là Nguyễn Thị Bé năm ông 20 tuổi và bà vợ này hơn ông đến 5 tuổi. Thú vị ở chỗ, người vợ cả này là ông bị bố mẹ ép cưới. Người từng lấy tới mười mấy cô vợ hóa ra cũng là người chồng bị ép duyên (!). Ở với bà Bé được ít ngày, ông bắt đầu nổi máu “giang hồ”. Tuy mắt bị mù nhưng ông vẫn xin được vào làm trong ngành đường sắt. Công việc cụ thể thế nào ông chả kể nhưng điều ông nhớ nhất là ông gặp được bà Lan, khi ấy là con gái của người bạn cùng chỗ làm. Chẳng hiểu ông bùa phép gì mà bà Lan mê ông như điếu đổ và quyết lấy ông. Họ còn có con với nhau nữa. Nhưng ở với nhau được một thời gian, biết ông Sơn đã có vợ rồi nên bà Lan mang con về nhà mẹ đẻ.

Chia tay người vợ thứ hai, ông Sơn buồn bã quay về tìm bà vợ cả và sống ở đó. Và từ đây, hành trình lấy vợ liên tục của ông bắt đầu.  Ông qua lại với bà Chuyền - một người phụ nữ ở xã bên đã cứng tuổi nhưng vẫn chưa chồng; sau nữa là bà Xuân, rồi bà Sâm - bị bệnh tật từ nhỏ… Mỗi bà, ông chỉ ở cùng được vài tháng, lại chia tay. Sau đó, ông đem lòng yêu bà Hà - một cô gái bị chất độc da cam ở cùng huyện, nhưng cưới bà Hà chưa được bao lâu thì cuộc tình ấy lại tan vỡ… Tuy những cuộc tình ngắn ngủi, nhưng mỗi bà đều đã kịp sinh cho ông ít nhất một đứa con.

Trong những người vợ của ông, chúng tôi ấn tượng nhất với bà Mùa, vợ thứ 11 của ông Sơn. Bà Mùa năm nay ngót 50 tuổi, sống một mình trong túp lều siêu vẹo, cạnh bụi tre cuối làng. Người ta bảo, bà Mùa sinh ra đã dở hơi, hâm hấp. Cái kiểu nói trước quên sau, gặp ai dù lạ cũng tông tốc kể lể, xong rồi chẳng nhớ nổi mình nói gì. Nhan sắc của bà thì mấy thanh niên trong làng bảo rằng thuộc loại “bó tay”. Thế nên, đã ngần ấy tuổi mà chẳng có ma nào để ý tới bà và có lẽ bà sẽ sống cô đơn đến chót đời nếu không có ông Sơn.

Bài 2: Ông mù có… 12 người vợ!

Bà Mùa trước căn ngôi rách nát (ảnh: Hiền Anh)

Chuyện ấy thế này: ông Sơn một lần loạng quạng đạp xe  về Chi Đông thì bị một gã say rượu ngỗ ngược tông phải. Xe đạp của ông móp gập vào, tay ông thì gãy. Ông giãy đành đạch dưới đất, đến khi người làng chạy ra còn gã say rượu kia đã “chuồn” mất rồi. Ông Sơn được người làng khênh lên viện huyện.

Ở viện huyện, cùng buồng bệnh có cụ Bản ở làng Thường Lệ, xã Đại Thịnh. Cụ Bản cũng hay chuyện, có kể rằng ông có đứa cháu tốt tính nhưng hơi ẩm ương. Ông Bản thương người cháu này bởi nó thiệt thòi, cha mẹ mất sớm, chẳng có ai lo lắng, lại muộn đường chồng con. Ông Sơn nghe xong, mừng thầm trong lòng…

Ra viện buổi sáng, buổi chiều ông đã mò ngay xuống làng Thường Lệ, hỏi thăm nhà chị Mùa. Ông bị mù nên đương nhiên không thể “chiêm ngưỡng” dung nhan của chị Mùa, chỉ thấy rằng chị Mùa rất nhiệt tình nước nôi, lại rôm chuyện nên ông Sơn hứng thú lắm, cứ líu ríu suốt  cả ngày. Được dăm bữa thì cậu Vần, em trai chị Mùa biết chuyện, nói “mát” ông Sơn: “Thôi ông về buôn đồng nát mà nuôi chục người vợ với mấy chục người con của ông đi. Ông cứ luẩn quẩn ở đây thì tôi mời ông xơi nhát dao này”. Nói rồi, anh Vần ấn sống con dạo rựa vào cổ ông Sơn mà nhay đi nhay lại.

Ấy thế mà ông Sơn chẳng sợ. Người ta bảo điếc không sợ súng, còn ông Sơn thuộc loại mù không sợ dao. Ông vẫn đến thăm liên tục và chị Mùa ngày nào cũng khấp khởi chuyện trò, nước nôi. Sang tháng, chị Mùa tuyên bố từ nay ông Sơn sẽ là chồng, chẳng cần cưới hỏi gì sất. Và chị còn khẳng định rằng: “Anh Sơn ở rể nhà tôi, ai đụng vào anh ấy thì cứ liệu hồn nhá”. Cậu Vần thở dài bảo: “Cái lão Sơn “dù”, mắt đui mà như yêu tinh”.

Nhiều người bảo, ông Sơn thuộc loại khôn lõi đời. Rằng mắt ông mù, không nhìn thấy gì nên nhan sắc phụ nữ đối với ông không thành vấn đề. Thế nên, vợ của ông thường là những người quá lứa, lỡ thì, xấu “ma chê quỷ hờn”. Thực ra cần lấy chồng thì ít mà cần một đứa con thì nhiều. Và chuyện sinh sản ấy thì lạy giời, ông Sơn lại làm tốt, thậm chí lại rất tốt!

Thế nên, các bà vợ ghen lắm. Hôm chúng tôi đến xóm 6, thị trấn Chi Đông, nơi ông Sơn đăng ký thường trú thì gặp liền hai bà vợ cả và vợ hai của ông. Nhà hai bà sát vách nhau, thế mới tài. Chúng tôi cất tiếng hỏi thăm, bà Bé dậm chân bành bạch xuống sân mà gào: “Cái lão ấy, chỉ cầm dao mà… thiến quách đi cho xong, lão ấy đi suốt, nửa tháng rồi có về đây đâu. Lão ấy còn cả đống vợ bé nữa. Đợt tới mà vác mặt về thì chết với gái già này”.

Có ai ngờ được cái sự ghen tuông hồn nhiên kia lại xuất phát từ một bà già đã ngoài 60, dành cho ông lão mù lòa và giăng hoa. Anh bạn đi cùng tôi thấy vậy cứ cười rinh rích: “Nhìn ông Sơn này sao thấy tủi thân quá. Mình mắt mũi đầy đủ thế này mà lấy một vợ còn chẳng được”.

Trong số các bà vợ của ông Sơn có tới 5 người từng là mối hàng của ông. Nghĩa là, ông đi mua đồng nát, chuyện trò qua lại, hiểu được gia cảnh là cứ thế mà tấn tới. Như bà Sáng, vợ thứ 7 ông Sơn, cũng cùng làng Thường Lệ, cũng thuộc loại “hàng tồn kho, mất chìa khóa”. Ông Sơn đến mua của bà khi thì cái xô rách, khi thì ít giấy vụn. Vào một ngày đẹp giời, ông Sơn lần lần ôm nghiến lấy bà Sáng mà lôi vào buồng. Thế rồi họ cũng tuyên bố là vợ chồng với nhau, công khai ăn ở, giỗ chạp họ hàng.

Có vẻ như người đàn ông tật nguyền kỳ lạ này chưa muốn dừng lại câu chuyện giăng hoa của mình. Hằng ngày, ông Sơn “dù” vẫn “bôn ba giang hồ” trên con ngựa sắt cũ kỹ để tiếp nối câu chuyện đời như đùa của mình. Mới đây, đã kịp sắm cho mình cô vợ chính thức thứ… 12. Bà Mùa kể: “Cô ấy tên là Nga, sinh năm 1978, làm công nhân nhà máy may ở Đông Anh, Hà Nội đấy. Ông Sơn bảo chỉ kể với tôi thôi vì các bà kia ghen dữ lắm”.

Tôi đã gặp những người vợ của ông Sơn “dù” và nghe họ kể chuyện duyên phận. Họ đều là người nghèo khó, lỡ dở. Và tôi thoáng nghĩ rằng, hình như mọi quy định phép tắc trong luật hôn nhân gia đình hiện hành là vô hiệu với với gia đình đa thê này. Là bởi, dù các bà vợ của ông vẫn ghen tuông đấy, nhưng họ vẫn thương nhau, thương ông Sơn vì họ khổ như nhau và ông Sơn cũng chẳng sung sướng gì. Ngày giỗ chạp, họ vẫn tề tựu ở nhà bà cả, đoàn kết cỗ bàn cúng bái, chẳng hề điều ong tiếng ve. Ai đó bảo ông Sơn là “mất nết” nhưng tôi thì chỉ thấy thương cho  ông lão ấy.

Suy cho cùng, những bà vợ dở dở, ương ương kia nếu không gặp được ông Sơn, không có những đứa con  thì cuộc đời họ sẽ buồn thế nào. Như ông Sơn từng nói với các bà rằng, ông vốn thương những người đàn bà cô đơn, quá lứa lỡ thì, hoặc tàn tật do chiến tranh, ông muốn lấy họ làm vợ để họ có thêm niềm vui, niềm tin vào cuộc sống. Thôi thì có lẽ cũng tạm tin là như vậy. Chúng tôi vẫn đang cố gắng bằng mọi cách tìm được ông Sơn “dù” để xác thực thông tin về con người đặc biệt này.

Vũ Minh Tiến