Vụ 3 công nhân thiệt mạng tại công ty Hào Dương:

Sếp “nhí” bị đề nghị khởi tố

06:40 | 17/04/2014

1,979 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cái chết thương tâm của 3 công nhân thực hiện việc hút bùn tại công ty cổ phần thuộc da Hào Dương đã gây rúng động dư luận. Sau 1 năm điều tra vụ việc, Công an TP HCM đã hoàn tất hồ sơ chuyển lên Viện kiểm sát cùng cấp để đề nghị khởi tố bị can đối với Trịnh Thị Phương Mai, Phó Giám đốc về tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động”.

>> Đề nghị khởi tố Phó Giám đốc công ty Hào Dương

>> Phát hiện xác 3 công nhân trong hồ chứa nước thải

Tai nạn của một công ty nhiều “tì vết”

Công ty cổ phần thuộc da Hào Dương (lô A18 Khu công nghiệp Hiệp Phước, xã Long Thới, huyện Nhà Bè, TP HCM) do ông Tăng Văn Đức làm chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Trương Hải làm giám đốc. Thành lập từ năm 2003 đến nay, công ty Hào Dương đã thay Giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh đến 10 lần.

Ngày 1/7/2008, ông Tăng Văn Đức bổ nhiệm ông Lê Đức Phận làm Phó Giám đốc phụ trách về An toàn lao động và ngày 20/5/2011 bổ nhiệm bà Trịnh Thị Phương Mai làm Phó Giám đốc phụ trách môi trường.

Công ty cổ phần thuộc da Hào Dương.

Công ty có một khu xử lý nước thải, gồm có các bể chưa nước thải, bể lắng và bể thu gom bùn. Các bể này được thông với nhau qua hệ thống đường ống. Quá trình hoạt động, đường ống dẫn bùn từ bể lắng 1 sang bể thu gom bùn bị nghẹt nên cần phải tiến hành xử lý làm thông đường ống dẫn bùn này.

Ngày 24/4/2013, kỹ sư Nguyễn Minh Tuân, Phó phòng môi trường báo cáo bà Trịnh Thị Phương Mai về việc đường ống dẫn bùn từ bể lắng 1 sang bể thu gom bùn bị nghẹt. Kỹ sư Tuân đề xuất phương án xử lý bằng cách gắn đường ống nước sạch vào ống dẫn bùn bị nghẹt rồi dùng áp lực nước do máy bơm tạo ra để đẩy bùn ra khỏi đoạn ống bị nghẹt. Sau khi nghe báo cáo, bà Mai đồng ý và không có ý kiến gì thêm. Bà Mai đã yêu cầu kỹ sư Tuân đi kiểm tra lại để thực hiện công việc.

Vào lúc 9h ngày 24/4/2013, kỹ sư Tuân đi xuống hiện trường thực hiện xử lý bằng cách sử dụng máy bơm hút nước thải của bể lắng 1 đẩy vào ống dẫn bùn bị nghẹt để thông ống. Để tiến hành công việc, kỹ sư Tuân đã phân công anh Nguyễn Văn Dù, Huỳnh Thanh Tài và Trần Quốc Trí thực hiện.

Anh Tài dùng thang tre xuống đáy bể để gắn đường ống nước thải vào ống dẫn bùn bị nghẹt thông qua máy bơm nước. Anh Dù đứng trên miệng bể lắng 1 và hồ thu bùn để gắn các đoạn ống còn lại với nhau. Kế tiếp, anh Trí sẽ đấu nối dây điện vào máy bơm và kiểm tra theo dõi máy bơm hoạt động.

Những cái chết được báo trước?

Quá trình làm việc đến khoảng 10h15 cùng ngày, ống dẫn bùn đã thông, anh Tài xuống bể thu gom bùn bằng thang tre để tháo đường ống nước ra. Khi tháo được một số bulong, khí đọng và nước thải từ phía bên hồ lắng 1 chảy qua đường ống dẫn bùn sang hồ thu gom bùn.

Anh Tài đang tháo các bulong tại đây nhưng do bị ngạt thở nên đã leo lên đến khoảng giữa thang tre thì ngã xuống bể. Anh Tuân ở phía trên miệng bể thu gom bùn thấy vậy đã xuống để đưa anh Tài lên. Song, anh Tuân cũng bị ngạt thở ngã xuống bể.

Ở phía trên, anh Dù thấy vậy liền tri hô thì anh Tài làm việc gần đó chạy lại và xuống bể đưa hai người lên. Oan nghiệt thay, anh Tài cũng bị ngạt thở và ngã xuống bể. Vụ tai nạn trên đã cướp đi sinh mạng của 3 công nhân: Huỳnh Thanh Tài, Nguyễn Minh Tâm và Lê Phát Tài.

Sau khi tai nạn xảy ra, cơ quan điều tra đã phối hợp với Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP HCM, Công an huyện Nhà Bè, Viện Kiểm sát Nhân dân TP, Thanh tra Sở Lao động Thương binh xã hội TP tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và thu mẫu vật tiến hành giám định.

Lực lượng chức năng xác định, vụ tai nạn xảy ra tại bể thu gom bùn có hình tam giác và sâu 5m. Trong bể có lượng bùn màu xám, mực nước bùn cách miệng bể 4,7m. Dưới đáy bể có 1 máy bơm bùn chìm, 1 ống bơm nước gân có đường kính 60mm và 1 ống bơm bùn có đường kính 168mm. Trên mép bể thu gom bùn có 1 đôi dép lê màu đen.

Bên hồ lắng 1 có 1 thang tre dài 6 mét. Theo kết quả khám nghiệm, cả 3 tử thi vùng đầu không tổn thương, vùng thân xây xác nhẹ rải rác, tứ chi không dập gãy. Trong lòng khí quản có bùn đen xám, niêm mạc xung huyết. Phổi phù to, xung huyết rất nặng. Tim và các tạng khác không tổn thương. Kết luận pháp y, các nạn nhân chết ngạt do hít sặc bùn vào đường thở.

Ngày 12/6/2013, Phân viện Khoa học hình sự Bộ Công an tại TP HCM đã có kết luận, các mẫu khí và mẫu nước đều chứa thành phần Methane cao. Khi nồng độ khí Methane cao dẫn đến các nạn nhân bị gây ngạt và tử vong vì khí Methane chiếm mất phần của khí Oxy trong không khí thở ở nơi làm việc.

Kỳ tới: Sếp “nhí” tế thần, sếp “lớn” vô can (?!)

Hưng Long

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps