Theo dấu “ma rừng”

16:00 | 03/03/2013

2,040 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Bao đời nay người Khùa, người Mày sống ở nơi rừng sâu núi thẳm của đại ngàn Trường Sơn. Trong đời sống hằng ngày của họ vẫn tồn tại những phong tục tập quán có từ thời khởi thủy. Ngay cả cách chữa bệnh cũng hết sức huyền bí. Trong đó có những phương pháp chữa bệnh có lẽ chỉ có người Khùa mới có.

Tộc người sợ ma

Tôi có dịp đi công tác ở bản La Trọng, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, suốt những ngày ở đây có một điều dễ nhận thấy là người dân nơi đây rất thích hút thuốc. Ông Hồ Thoong, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã lúc nào cũng có cái tẩu thuốc trên môi. Dường như chỉ có lúc đi ngủ ông mới không hút thuốc. Thay vì pha trà, ông Thoong đưa túi thuốc của dân tộc mình ra mời khách.

Chúng tôi đến bản Dộ đúng hôm bản tổ chức lễ tang cho người phụ nữ. Ở đây nhà ai có đám tang là cả bản kéo đến. Gia chủ phải chuẩn bị rượu trong 3-4 ngày để cho mọi người uống. Họ uống say rồi ngủ, khi nào tỉnh dậy lại uống tiếp. Cứ như thế, có những đám họ uống rượu kéo dài cả tuần. Có rượu tất có thuốc. Ai đi đám cũng mang theo một túi dết, trong đó đựng đầy lá thuốc. Ai không có thì gia chủ phải lo cho chu toàn.

Sau bao nhiêu năm sống trong rừng già Trường Sơn nhưng người Khùa lại rất sợ ma. Mỗi khi trong bản có người chết là họ cử già làng phải chọn được nơi đất tốt để chôn cất. Cách xác định nơi đào huyệt của người Khùa cũng rất đặc biệt. Già làng dùng quả trứng gà ra nghĩa địa ném quả trứng xuống đất. Quả trứng đó vỡ chỗ nào thì sẽ chôn người chết ở đó. Người Khùa khi chôn cất không đắp mộ cao mà chỉ lấp bằng mặt đất. Họ không cải táng. Rừng mộ của người Khùa trở thành những ngôi mộ gió, không có ai thăm nom. 

Ai đã từng dự đám tang của người Khùa đều hết sức kinh ngạc. Khi chôn xong là cả bản tìm đường tháo chạy. Họ chạy về bản như chạy loạn. Từ nam phụ lão ấu đều cố gắng chạy càng xa bãi tha ma càng tốt. Và sau khi chôn xong, không một người nào dám bén bảng đến bãi tha ma. Ngay cả việc nhắc đến bãi tha ma cũng không. Khi chúng tôi có ý định muốn ra thăm bãi tha ma của bản, ông Thoong tỏ ra ngạc nhiên và không dám dẫn đi.

Câu chuyện ly kỳ về nỗi sợ ma của người Khùa, người Mày của một chiến sĩ bộ đội biên phòng kể trên chuyến xe đò từ Đồng Hới lên Cha Lo đã hấp dẫn tôi lên đường vào các bản làng của người Mày và người Khùa ở biên giới miền Tây huyện Minh Hóa. Lên đến bản Kà Ai, xã Dân Hóa trời đã nhá nhem tối.

Theo giới thiệu của chiến sĩ bộ đội biên phòng, tôi tìm đến ngôi nhà sàn của già làng Hồ Thong nằm ở giữa bản. Già Thong cũng mới vừa trở về nhà sau một ngày làm việc trên nương, ông đón khách lạ với vẻ ngờ ngợ, cảnh giác: “Mày vào đây có việc gì, đã báo cho cán bộ biên phòng chưa?”.

Tôi đưa giấy giới thiệu, xin phép tìm hiểu về đời sống của bà con dân bản, già Thoong mới xởi lởi mời khách vào nhà. Câu chuyện được một hồi, thấy khách và chủ đã thân tình, tôi hỏi già Thoong: Bố à! Bố sợ ma không? Đột nhiên gương mặt ông Hồ Thoong khựng lại: “Ồ! Ma à? Sợ lắm! Hồi nhỏ sợ hơn. Giờ bớt sợ nhưng cũng không dám một mình đi qua rừng ma (nghĩa địa của người Khùa và Mày) mô. Già đã gặp một lần. Kinh lắm! Hồi còn trẻ, theo cha đi đặt bẫy, già đã gặp cọp mấy lần rồi mà không sợ bằng cái lần gặp con ma trong rừng ma đâu”.

Sợ ma nên người Mày và người Khùa không bao giờ thờ phụng người chết. Người qua đời, lập tức họ được “quy” thành ma. Họ rất sợ hãi người chết. Thế nên, trong bản, nhà nào có người chết, họ sẽ đưa ra rừng ma chôn nhanh chóng, không bao giờ dám để lâu.

Hôm chúng tôi ở bản Dộ còn chứng kiến cảnh hết sức lạ là nhà nào có người chết, thường dỡ nhà cũ và làm nhà ra chỗ khác. Hồ Si - người bố của 2 đứa con đang mải miết vác gỗ để dựng nhà. Mấy anh hàng xóm cũng sang giúp đỡ Si một tay. Giờ Si đang ở cảnh “gà trống nuôi con”. Cách đây mấy tháng chị Xuân - vợ của Si sinh đứa con thứ 2. Do khi đẻ bị mất nhiều máu nên Xuân mất ngay sau đó. Làm đám tang cho vợ hôm trước, hôm sau Si phải về nhà bố mẹ đẻ ở vì sợ con ma rừng về bắt.

Lê và cậu em trai Hồ Dưỡng

Nhìn bề ngoài, Hồ Tuân, Chủ tịch UBND xã Dân Hóa có vóc người to cao, khuôn mặt bặm trợn, nước da ngăm đen như gỗ mun. Ấy vậy nhưng cũng giống như những người đồng bào của mình, Hồ Tuân mang trong mình một nỗi sợ ma từ lúc nhỏ đến giờ (khi đã là Chủ tịch xã - PV). “Không biết răng, mỗi lần đi ngang qua rừng ma, trong người tui tự nhiên ớn lạnh, rùng mình, đầu óc cứ nghĩ là có ai đó đang đi sau lưng mình và một nỗi sợ hãi cứ từ từ dâng lên khắp cả người”, Chủ tịch Hồ Tuân tỏ ra sợ hãi khi nói đến chuyện này.

Trung úy Trương Vĩ Lê, Đồn Biên phòng cửa khẩu Cha Lo đang cắm tại bản Ka Ai kể, có lần anh em ở biên phòng cắm bản làm thịt con chó, gọi điện mời Tuân lên ăn liên hoan cho vui. Thế nhưng Hồ Tuân lại từ chối, bảo có người xuống chở thì đi không thì thôi.

Anh em công tác với nhau lâu năm, biết tính Hồ Tuân là một người cán bộ xã tốt, gương mẫu, mọi việc khó khăn, bộ đội biên phòng cần, Hồ Tuân đều tận tình giúp đỡ, sao bây giờ lại “quan cách”, bảo có người đón mới đi. Nghĩ vậy, nhưng anh em vẫn cử tôi xuống chở Tuân lên. Và trên đường chở Tuân lên tui mới biết lý do là vì anh… sợ ma. Số là từ nhà Tuân lên trạm biên phòng phải qua một cánh rừng ma… mà Tuân thì chưa bao giờ dám đi qua đó một mình”.

Bản Ka Ai nằm lọt thỏm giữa núi rừng Trường Sơn. Người Mày về đây định cư mới được mấy chục năm nhưng cuộc sống của họ vẫn trông cả vào rừng và gạo cứu đói của Nhà nước. Họ vẫn chưa thoát khỏi nỗi ám ảnh từ rừng già và những phong tục lạc hậu.

Mẹ chết chôn theo cả con

Chị Hồ Thị Lon sinh hạ được 5 người con. Lê là con cả nên lấy chồng sớm rồi ra ở riêng. Chị Lon trở dạ sinh đứa con út vào một đêm đông rét mướt năm 2010. Đứa con trai vừa lọt lòng mẹ đã đứng trước sự lựa chọn sinh tử vì chị Lon bị băng huyết rồi mất.

Đám tang được tổ chức ngay tại bản. Theo lệ, đứa trẻ vẫn còn đỏ hỏn chưa biết mùi sữa đó phải chôn theo chị Lon. Mọi người trong bản cũng chẳng ai ngăn cản gì bởi lẽ ai cũng sợ nếu để đứa bé ở lại con “ma rừng” sẽ về bắt cả bản. Ngay cả anh Hồ Hoàng, chồng của chị Lon, bố của đứa trẻ cũng không dám ngăn cản. Đứa bé vừa ra đời chưa được biết mùi sữa mẹ khóc ngặt nghẹo. Toàn thân nó tím tái vì đói, rét. Khi mọi người đưa chị Lon vào hòm áo quan, người dân cũng lấy dây thừng trói đứa bé lại, định cho cùng vào đó, chôn sống theo mẹ.

Bà Mùng biết cách "thổi" chữa bệnh

Nhận được thông tin có người trong bản mới mất sau khi sinh con, Trạm Biên phòng Ka Ai thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo (Quảng Bình) gồm 2 đồng chí Trung úy Trương Vỹ Lê, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng và Thiếu tá Võ Duy Diến kịp thời phối hợp với Ban Mặt trận bản Ka Ai và cán bộ xã Dân Hóa trực tiếp vào nhà tuyên truyền, thuyết phục vận động người nhà và những cụ cao tuổi không nên chôn cháu bé đang sống cùng với người mẹ xấu số.

Già làng của người Mày tỏ ra rất gay gắt, nếu con ma nó quay lại bắt người trong bản thì sao.

Trong gia đình chị Lon có 2 người chị gái đang nuôi con nhỏ, là những người thích hợp nhất để nuôi cháu bé, thế nhưng họ lại không dám nuôi vì sợ “con ma mẹ” về bắt. Cuối cùng phải vận động mãi, chị Hồ Thị Lê (25 tuổi) là con gái đầu của chị Lon phải đứng ra gánh trách nhiệm nuôi em. “Dù sao thì Lê vẫn còn trẻ và tình chị em, máu mủ nên nó vượt qua nỗi sợ mà chấp nhận…” - Trung úy Trương Vĩ Lê nói.

Hôm tôi đến bản Kà Ai, đứa con trai của chị Lon đã được hơn 1 tháng. Cháu bé đang sống khỏe mạnh và được chị Lê đặt tên là Hồ Dưỡng. “Để sau này lớn lên nó nhớ ơn các chú bộ đội biên phòng đã nuôi dưỡng”, chị Lê giải thích

Ngôi nhà nhỏ của Hồ Thị Lê giờ đang là nơi trú ngụ của 5 con người. Ngoài 2 đứa con của Lê còn có thêm một thành viên nữa của gia đình đó là đứa em út của Lê. Đứa con trai lớn của Lê bị ngứa và phát sốt nằm miên man dưới sàn nhà. Trong tay Lê đang ôm đứa em nhỏ và cho nó bú. Nhà Lê thiếu ăn thường xuyên. Chồng Lê lại say xỉn tối ngày. Không có gì bồi dưỡng nên dòng sữa của Lê cũng cạn dần.

Trung úy Trương Vĩ Lê cho biết: Sau khi vận động gia đình không chôn đứa bé theo mẹ, vấn đề nan giải nhất là ai sẽ đứng ra nuôi đứa bé. Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Cha Lo và cán bộ xã Dân Hóa cũng đã  đóng góp cho bé Dưỡng hơn 10 triệu đồng. “Chúng tôi dự định sẽ thành lập một quỹ và hằng tháng vận động cán bộ, chiến sĩ đóng góp vào đó để có tiền nuôi cháu lớn lên. Đó cũng là cách để chúng tôi từng bước xóa đi nỗi ám ảnh sợ ma và hủ tục lạc hậu này ở bà con dân tộc nơi đây”. 

 Người dám chống lại “ma rừng”

Cách đây đã lâu, có một người phụ nữ người dân tộc Sách đã dám bước qua bao hủ tục lạc hậu để cứu lấy một đứa bé của dân tộc Mày thoát khỏi cái “án” phải chôn theo mẹ. Đó là bà Hồ Thị Sa ở bản Bãi Dinh, xã Dân Hóa.

Hôm chúng tôi đến thăm nhà, bà Sa đang cùng nấu cơm với đứa cháu ngoại. Bà nhìn đứa cháu gái của mình với ánh mắt trìu mến. Bà Sa bảo: Câu chuyện xấu số về mẹ nó cũng đã trôi qua nhiều mùa rẫy rồi. Bà và ông Khầm lấy nhau đã lâu nhưng không sinh được con. Một đêm mưa to, gió lớn, bà nghe người dân trong bản bảo, ở bản Ka Ai có một đứa bé gái chuẩn bị chôn theo mẹ. Vốn là phụ nữ nên bà động lòng trắc ẩn. Chẳng quản mưa gió, đường xa, bà chạy một mạch đến gia đình của đứa bé.

Hồ Si chuyển nhà đến nơi ở mới vì sợ ma

Nghe bà Sa nói vậy cả bản Ka Ai đều phản đối. Đến già làng người Mày cũng không đồng ý: Nó là người Mày phải sống theo tập tục của dân tộc này. Không ai được làm trái cả. Giờ mày nhận nuôi đứa trẻ này, nó sẽ bắt tội cả bản... Nhìn đứa bé bị bó gọn như bó giò, thân hình tím tái, bà Sa đã mạnh dạn chạy ra giằng lại đứa trẻ treo bên quan tài và giơ nó lên trước mặt: “Hỡi bà con dân bản. Hãy để cho tôi được nuôi đứa trẻ này. Nếu con ma rừng có bắt thì hãy bắt tôi, chứ không được bắt bà con nơi đây. Từ nay tôi coi đứa trẻ này như con của mình…”.

Trước sự quyết tâm của bà Sa, dân bản Ka Ai cũng đồng ý để bà đón đứa bé về nuôi. Họ ra điều kiện, bà không được cho đứa bé về bản Ka Ai và bà phải bế đứa trẻ đi ngay. Khi bà Sa bế đứa bé về đến nhà trời mới hửng sáng. Bà lại đi gõ cửa những phụ nữ đang nuôi con nhỏ trong bản cho đứa bé bú nhờ. Phải vất vả lắm bà mới thuyết phục được họ cho cái Phúc (ông bà đặt tên con là Hồ Thị Phúc, mong nó tai qua nạn khỏi) bú trực.

Bà Sa nhớ lại, gia đình nào của người dân tộc Mày có người sau khi sinh bị chết mà không chôn con theo mẹ thì sẽ chịu áp lực rất lớn của cả bản làng trước “lời nguyền của con ma rừng”. Luật tục là vậy, nhưng tôi không tin. Tôi nghĩ, tất cả đều xuất phát từ nhận thức của người dân thôi, làm gì có ma rừng.

Quả thực nếu không có những con người như bà Sa, nhiều đứa trẻ đã không được thành người. Để thay đổi nhận thức của người dân tộc nơi đây, các chiến sĩ biên phòng đã mất nhiều thời gian để vận động, thuyết phục.

Trung úy Trương Vỹ Lê, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo cho hay: Anh em chúng tôi phải xuống tận cơ sở, tuyên truyền vận động xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, dần dần nhận thức của bà con thay đổi. Phải tuyên truyền từ từ, mình nói thông qua những người già, những người có “tiếng nói”, uy tín trong bản nghe theo, rồi họ nói lại mọi người mới hiểu, mới thấu, ở đây có nhiều người không rõ tiếng kinh. Mình làm không khéo thì họ không nghe theo đâu. 

Bản làng của người Khùa

Đến Đồn Biên phòng cửa khẩu Cha Lo, cánh nhà báo được tiếp đón thịnh tình. Sau bữa cơm chiều, ngồi uống trà ở phòng khách của đồn, anh Đồn trưởng kể cho nghe rất nhiều câu chuyện ly kỳ về cuộc sống của bà con người Khùa, người Mày, người Sách nơi đây. Thường ở các đồn biên phòng chăn nuôi rất giỏi.

Riêng đồn Cha Lo có hàng trăm chú lợn, trâu, bò, gà thì nhiều vô số. Có một chi tiết lạ là mỗi khi gia súc của đồn mắc bệnh, đồn lại đích thân cử cán bộ xuống mời những thần y của bản lên chữa giúp. Không giống như các bác sĩ thú y phải dùng thuốc rồi kim tiêm lỉnh kỉnh. Các vị pháp sư lên đồn tựa như một chuyến du hành. Sau khi họ kiểm tra qua vết thương của gia súc, họ lẩm nhẩm đọc vài câu thần chú rồi thổi vào vết đau của đó. Và cũng chỉ sau mấy lần làm như vậy đàn bò của đồn khỏi bệnh thật. Việc này diễn ra không chỉ một lần.

Câu chuyện bán tín bán nghi của các chiến sĩ đã khiến chúng tôi phải đích thân xuống tận bản tìm bà Mùng. Bản Ka Định nằm dưới một thung lũng, chìm trong màn mưa núi. Người phụ nữ mà các chiến sĩ biên phòng phong cho là pháp sư của bản, không ngần ngại đưa bát ra uống rượu với mấy chàng trai trẻ. Chẳng là hôm nay là ngày cưới của đứa cháu gái của bà Mùng. Cả bản tụ lại đây uống rượu 2 ngày liền.

Trái với hình dung ban đầu của chúng tôi, bà Mùng mới ngoài 50 tuổi. Mái tóc đã lốm đốm bạc, nước da đen như cột nhà cháy. Bà nói tiếng phổ thông rất thạo. Bà đặt chén rượu xuống chiếu rồi lôi chúng tôi vào cuộc vui. Bất kể đám cưới nào cũng vậy, người Khùa đều mời cả bản đến chung vui. Say túy lúy vài ngày mới kết thúc.

Lạ hơn là bà có thể bốc thuốc cứu người một cách tài tình. Ngay cả những người dân trong bản cũng không tin đó là sự thực.

Phóng sự của Lâm Nhi