Thiêng liêng Hoàng Sa (Bài cuối)

07:00 | 12/07/2014

1,412 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Giữa tháng Sáu, nắng như đổ lửa, không khí oi nồng. Đường về thôn Cư Nhơn, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) bụi bay mù mịt. Cuộc sống mới đang đổi thay từng ngày, nhưng vẫn chưa thể xóa hết những vết tích của chiến tranh.

Năng lượng Mới số 337

>> Thiêng liêng Hoàng Sa

Bài cuối: Hoàng Sa luôn trong trái tim đồng bào

Nỗi đau còn mãi

Mảnh đất một thời máu lửa không chỉ ghi dấu những chiến công anh dũng, những di tích lịch sử hào hùng, mà còn có những người con một thời trấn giữ Hoàng Sa (cho dù ngày ấy họ phục vụ dưới chế độ cũ). Chiến tranh đi qua hơn 1/3 thế kỷ, cuộc sống của những con người ấy đã có nhiều thay đổi. Nhưng với họ, nỗi đau bị cướp đảo vẫn mãi dai dẳng trong sâu thẳm tâm hồn... Với họ những kỷ niệm về Hoàng Sa vẫn thiêng liêng, là một phần máu thịt không dễ nguôi ngoai... Vì lẽ đó mà chúng tôi lặn lội tìm về với những con người “đặc biệt” ấy...

- Thưa bác! Cho cháu hỏi thăm, đây có phải là nhà bác Huỳnh Tiến không ạ?

- Đúng rồi! Tôi là Tiến đây! Mời chú vào nhà đã!

Ông mừng rỡ chống đôi nạng gỗ quay vào chái bếp gọi lớn:

- Bà nó ơi! Nhà mình có khách nè!

Sau vài câu giới thiệu, chủ và khách bỗng trở nên thân thiện. Câu chuyện ông kể thực sự gây cho tôi xúc động mạnh... Ông sinh năm 1935, nhưng vì trốn lính quân dịch nên phải khai thụt tuổi xuống thành sinh năm 1941. Nhưng mấy lần trốn chui, trốn lủi, ông vẫn không thoát. Tháng 3-1963 ông bị bắt đi lính dân vệ, công việc thường ngày là đánh máy chữ và truyền tin. Vào lính ông thường trốn trại đi buôn, nên bị nghi là thành phần thân “cộng sản”. Một thời gian sau thì cấp trên chuyển ông về tiểu khu Quảng Nam để điều tra hồ sơ, đến tháng 10-1974 thì chuyển ra đảo Hoàng Sa...

Thiêng liêng Hoàng Sa (Bài cuối)

Giếng nước ngọt ở Hoàng Sa

Thời ấy, nhiệm vụ của những người lính chủ yếu ra đấy để bảo vệ chủ quyền là chính. Súng ống, đạn dược ít ỏi, đã vậy lại thường bị gió biển ăn mòn, nên cấp trên lệnh cho bôi kín dầu mỡ rồi xếp vào tủ súng. Họ chỉ để lại bên ngoài vài quả mìn, dăm kilôgram bộc phá phục vụ cho việc đánh cá cải thiện đời sống. Lâu lâu trên bộ phận khí tượng thủy văn bị hỏng hóc, họ lại lên chữa máy phát điện, bơm bong bóng thám không, chơi cờ tướng và bù khú với nhau...

Khuôn mặt ông Tiến đang tươi tỉnh bỗng nhiên tối sầm lại, hai tay ôm đầu, ánh mắt đau đớn. Tôi vội vàng đến bên định đỡ ông nằm xuống chiếc chõng tre bên cạnh. Ông khoát tay: “Không sao đâu chú ạ, bệnh của tuổi già vẫn thường như thế!”. Tĩnh tâm trở lại, giọng ông buồn buồn: “Chiến tranh vốn dĩ chỉ mang lại nỗi bất hạnh và sự khổ đau cho con người mà thôi. Ngày ấy đã cách đây 36 năm trời, nhưng nỗi đau để mất đảo Hoàng Sa vào tay kẻ khác thì không bao giờ tôi quyên được!”.

Lời kể của ông như những thước phim quay chậm, tái hiện giây phút hãi hùng năm xưa... Sáng 28-12-1974, chúng tôi đang làm thịt con heo cúng đảo. Mâm cỗ vừa soạn lên thì tiếng súng nổ ùng oàng ngoài khơi. Nhìn ra xa, thấy rất nhiều tàu chiến đang lừng lững tiến vào đảo, lúc ấy chúng tôi thực sự hoảng loạn, không dám chống cự vì súng đạn có hạn. Mọi người tính  chạy trốn vào rừng, nhưng chúng tôi chưa kịp trở tay thì tàu lạ đã vào tới nơi. Sau vài loạt đạn bắn vào đảo mà không thấy sự phản kháng, chừng  khoảng 2 trung đội lính mang sắc phục màu xanh lá cây đổ bộ vào đảo. Họ nhanh chóng triển khai quân bao vây trại lính, khống chế toàn bộ số anh em trên đảo, ra lệnh giới nghiêm, không ai được phép ra khỏi nhà. Đêm ấy chúng tôi chịu đói, rét và cả những lời mắng nhiếc thậm tệ.

Đúng 8 giờ sáng hôm sau họ dồn tất cả chúng tôi và số anh em bên khí tượng thủy văn lên tàu chở về Quảng Châu (Trung Quốc). Bị bắt cùng ngày với chúng tôi hôm đó còn có một viên đại úy Mỹ (không nhớ tên). Nhưng chỉ vài ngày sau khi tới Quảng Châu là viên đại úy nọ biến mất. Nghe nói phía Trung Quốc cho hắn về nước để chữa bệnh (!). Suốt một tháng trời, chúng tôi bị họ lột hết quân trang cá nhân, tài sản, rồi phát cho mấy bộ đồ ba Tàu. Hằng ngày họ chỉ cho chúng tôi ăn qua loa đôi chút, sau đó bắt tất cả vào một căn phòng nhỏ để  xem những thước phim và nghe băng ghi âm tuyên truyền Hoàng Sa là của Trung Quốc...Ngày nào chúng tôi cũng bị họ ép buộc nghe như vậy cho đến ngày trao trả về Việt Nam...

Câu chuyện bị gián đoạn bởi có một người phụ nữ xuất hiện ngoài ngõ. Ông Tiến ngừng kể: “Con gái tôi đấy! Cháu tên là Huỳnh Thị Xí, hiện là giáo viên Trường THCS xã Hòa Khương! Ơn trời, tôi đã có 2 cháu ngoại là sinh viên đại học rồi đó!”. Tôi thấy khóe mắt người chiến binh già rưng lệ.

Thấy vậy, chị Xí quay sang tôi, giọng nghèn nghẹn: “Tội nghiệp, cả cuộc đời ba tôi đầy khó nhọc. Chẳng có giây phút thảnh thơi!”. Tâm sự với chị Xí, tôi biết cuộc đời ông Tiến sau ngày quê hương giải phóng gặp nhiều gian khổ. Ban đầu ông còn mặc cảm khi nghĩ phận mình là một phế binh, chẳng giúp ích gì cho xã hội nữa. Nhưng rồi, được mọi người động viên, ông cũng ra xã giữ chân đánh máy chữ. Làm việc ở xã một thời gian thì ông nghỉ việc về làm nông. Thời ấy, những người sức khỏe bình thường làm việc quần quật suốt ngày may ra mới đủ ăn, huống hồ tàn phế như ông thì đói nghèo là chuyện đương nhiên. Đã vậy, vợ ông còn đau ốm liên miên...

Cứ tưởng cuộc đời ông chỉ tá túc trong ngôi nhà tranh xiêu vẹo. Thế nhưng đầu năm 2006, UBND xã Hòa Phong đã xây tặng cho vợ chồng ông ngôi nhà “Đại đoàn kết” khá khang trang. Mỗi tháng còn được nhận thêm 150.000 đồng tiền trợ cấp an sinh xã hội. Ở một địa phương còn nghèo, còn nhiều đối tượng chính sách xã hội khác phải quan tâm, thế mà UBND xã Hòa Phong vẫn quan tâm tới gia đình ông như vậy đã là một sự cố gắng rất lớn, thể hiện chính sách nhân đạo của chính quyền...

Hôm đó, lúc chia tay, tôi thấy hình như ông khóc. Những giọt nước mắt cảm động, biết ơn. Câu nói chân thành tự đáy lòng ông khiến tôi nhớ mãi: “Nếu không có sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thì cuộc đời tôi đâu có được như bây giờ...!”.                                                   

Vì Hoàng Sa thân yêu

Ông Đặng Công Ngữ, nguyên Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa đã từng nói: “Quân và dân thành phố Đà Nẵng sẽ làm tất cả vì Hoàng Sa thân yêu!”.

Theo ông Ngữ,  giáo dục nâng cao nhận thức đối với mọi tầng lớp nhân dân hiểu biết sâu sắc về Hoàng Sa, từ đó bồi dưỡng niềm tin, lòng tự hào, tự tôn dân tộc để khẳng định Hoàng Sa là chủ quyền thiêng liêng của dân tộc Việt Nam, Hoàng Sa là đơn vị hành chính của thành phố Đà Nẵng. Muốn làm được điều đó phải có sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành, của toàn xã hội, mà trước hết là bắt đầu từ ý thức của người dân. Riêng UBND huyện đảo Hoàng Sa đã hoàn chỉnh nội dung, chương trình và lập kế hoạch tuyên truyền, giáo dục tới mọi tầng lớp nhân dân về Hoàng Sa, trên cơ sở đó củng cố niềm tin, giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, xác định trách nhiệm đấu tranh, bảo vệ chủ quyền quốc gia, dân tộc.

 Được sự ủng hộ, giúp đỡ của các nhân chứng  từng sinh sống và làm việc trên đảo, UBND huyện Hoàng Sa vừa hoàn thành và cho ra mắt cuốn kỷ yếu về Hoàng Sa trong tháng 1-2014. Cuốn kỷ yếu về Hoàng Sa dày hơn 200 trang, với cấu trúc gồm ba phần lớn: Hoàng Sa là của Việt Nam; Công tác quản lý Nhà nước đối với huyện Hoàng Sa, Hoàng Sa và những nhân chứng lịch sử, Cảm nghĩ của người Đà Nẵng về Hoàng Sa. Điểm nổi bật của kỷ yếu là các tư liệu lịch sử, bằng chứng chủ quyền Việt Nam với Hoàng Sa, tư liệu của 24 nhân chứng từng đến sống và làm việc tại quần đảo này trong những thập niên 50-70 của thế kỷ XX cùng cảm nhận của họ về vùng đảo, những ngày tháng gắn bó với mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc. Ngoài ra phần phụ lục bao gồm những tư liệu, bằng chứng chủ quyền Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa. Qua cuốn kỷ yếu này, cũng là một kênh thông tin trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức hiểu biết về biển đảo, về Hoàng Sa, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ toàn vẹn của Tổ quốc.

Thiêng liêng Hoàng Sa (Bài cuối)

Nguyên Phó chủ tịch Quốc hội Lưu Quang Được viết lưu bút

Ông Huỳnh Văn Hoa, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố Đà Nẵng cũng đã từng khẳng định trong cuộc triển lãm “Hoàng Sa - biển đảo quê hương” rằng: Cuộc triển lãm chính là biểu hiện sinh động, hữu hiệu về chủ quyền của quốc gia, dân tộc. Những gian trưng bày về Hoàng Sa là bức thông điệp gửi tới thế hệ trẻ hôm nay, nhất là các đối tượng học sinh, sinh viên, hiểu thêm về truyền thống dựng nước và giữ nước của cha anh”.

Thực tế, từ nhiều năm nay, Sở GD&ĐT thành phố đã chủ động xây dựng, hoàn thiện hệ thống giáo án, đưa vào chương trình giảng dạy cho học sinh khối THCS. Theo đó, học sinh được giới thiệu về địa lý, địa giới hành chính  và tiềm năng của biển đảo Hoàng Sa. Ngoài chương trình học về văn học, lịch sử và địa lý địa phương, Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường duy trì chặt chẽ các hoạt động ngoại khóa, bổ trợ giới thiệu về lịch sử hình thành chủ quyền nước ta đối với quần đảo Hoàng Sa, về các đội Hoàng Sa qua các triều đại phong kiến đã ra đảo dày công khai khẩn.

Dự kiến trong thời gian đến, Sở GD&ĐT tiếp tục nghiên cứu biên soạn, bổ sung nội dung kiến thức về địa lý, địa chất, khí hậu, thổ nhưỡng, động thực vật của quần đảo Hoàng Sa. Từ những bằng chứng hùng hồn như thư tịch cổ, bản đồ, tư liệu lịch sử mà chúng ta đang lưu giữ, từng bước bổ sung kiến thức lịch sử hình thành chủ quyền của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa qua các thời kỳ lịch sử… Nếu chúng ta lấy mốc từ Phạm Quang Ảnh - người con anh dũng của huyện đảo Lý Sơn dưới thời triều Nguyễn “vâng mệnh vua ban” dong thuyền vượt biển ra Hoàng Sa cắm mốc chủ quyền trên đảo đã hơn 400 năm. Và cũng từ thuở ấy, cứ hết đời này cho tới đời khác, những người dân đất Việt đều vượt qua muôn trùng sóng gió để ra với Hoàng Sa…

Hoàng Sa trong trái tim đồng bào

“Hoàng Sa là lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam! Hoàng Sa luôn trong trái tim đồng bào”. Đó là những dòng lưu niệm đầy trăn trở và tâm huyết của ông Trương Quang Được, nguyên Phó chủ tịch Quốc hội, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng sau khi xem triển lãm về huyện đảo Hoàng Sa.

Suốt một tuần liền, nhân dân địa phương cũng như du khách trong nước và quốc tế hối hả về với thành phố bên sông Hàn để đón chào sự kiện kỷ niệm 39 ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng. Những ngày tháng Ba lịch sử ấy, đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, du khách đến với gian trưng bày về huyện đảo Hoàng Sa tại bảo tàng Đà Nẵng. Họ đến tham quan bảo tàng không phải do sự hiếu kỳ, mà đó là thể hiện lương tâm, trách nhiệm, niềm tự hào, tự tôn dân tộc.

Thiêng liêng Hoàng Sa (Bài cuối)

Các em học sinh say sưa xem những dòng ký ức về Hoàng Sa

Hàng trăm bức ảnh, hiện vật và tư liệu quý giá được trưng bày trong một không gian hẹp, nhưng đã có một sức hút đến kỳ lạ. Những thứ trưng bày chỉ là con ốc nhỏ, cành san hô do những người một thời là quan trắc viên trên đảo gửi tặng; là những hình ảnh, tư liệu, bản đồ cổ xưa… giúp người xem hiểu và có thể khẳng định chủ quyền Việt Nam trên quần đảo thiêng liêng này. Trong không gian trưng bày có ý nghĩa lịch sử ấy, người xem còn được chứng kiến là cờ Tổ quốc 100 mét vuông do cụ Phan Thị Phán (81 tuổi, trú thôn Thanh Tân, xã Tân Hưng, thành phố Hải Dương) gửi tặng chính quyền huyện đảo Hoàng Sa (lá cờ này cụ Phán may trong thời gian một năm ròng).

Những gương mặt trẻ thơ chăm chú lắng nghe cô hướng dẫn viên giới thiệu về Hoàng Sa. Bao mái đầu bạc phơ của các cựu chiến binh, lão thành cách mạng trầm ngâm trước những kỷ vật thiêng liêng về Hoàng Sa, tôi thấy lòng mình lắng lại. Cuối góc trưng bày, có một vị khách nước ngoài dừng lại rất lâu trước tấm ảnh chụp tấm bia chủ quyền trên đảo Hoàng Sa do người Pháp dựng năm 1938. Qua phiên dịch của chị Kim Anh, tôi biết vị khách đặc biệt ấy là ông Max Lang (người Australia). Khi được Kim Anh dịch rõ nghĩa hàng chữ ghi trên bức ảnh bia chủ quyền: “Cộng hòa Pháp - Vương quốc Anh An Nam đảo Hoàng Sa năm

1816-1938” (1816 là năm vua Gia Long thực hiện chủ quyền của Việt Nam đối với các đảo Hoàng Sa, 1938 là năm dựng bia), vị khách đặc biệt ấy gật đầu hài lòng. Trước thiện chí của ông Max Lang, Kim Anh nhiệt tình giải thích về những tấm bản đồ do Công ty Đông Ấn Hà Lan vẽ từ những năm 1660 đều khẳng định Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Kim Anh còn đưa cho ông Max Lang xem những tấm bản đồ từ thời nhà Minh, nhà Thanh thể hiện phần cực nam của lãnh thổ Trung Quốc chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam chứ không hề có chủ quyền Trường Sa và Hoàng Sa… Hôm đó, nét mặt của ông Max Lang từ đăm chiêu bỗng nhiên vui vẻ hẳn. Ông nói: “Tôi đã sống và làm việc tại Đà Nẵng gần 20 năm, được nghe các kênh thông tin nói nhiều đến Hoàng Sa và những vấn đề về Hoàng Sa. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên tôi trực tiếp xem các tư liệu, hiện vật liên quan đến Hoàng Sa. Tôi đặc biệt quan tâm đến những tư liệu lịch sử khách quan của các bên liên quan, vì tôi muốn có cái nhìn khách quan. Hôm nay tôi thực sự bị thuyết phục trước những bằng chứng hùng hồn khẳng định Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam”. 

Cháu Lâm Thị Kiều Oanh, học sinh lớp 6/4 Trường THCS Trần Quý Cáp đã say sưa viết những dòng lưu bút ngộ nghĩnh: “Tuy chưa đến Hoàng Sa nhưng thông qua cuộc triển lãm, em và các bạn có thể cảm nhận về một huyện đảo một thời tươi đẹp. Chúng em nguyện phấn đấu học tập tốt để mai sau góp phần xây dựng quê hương thêm giàu đẹp”.

Với nhận thức sâu sắc của mình, em Nguyễn Quốc Luật, sinh viên lớp 08SLS - Khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm - Đại học Đà Nẵng viết: “Là thế hệ trẻ, em rất yêu quê hương, đất nước mình. Mặc dù các nước khác còn tranh chấp chủ quyền biển đảo quê hương, nhưng chân lý sẽ thuộc về chúng ta. Thế hệ trẻ Việt Nam luôn sẵn sàng cống hiến khi Tổ quốc cần”.

Những hiện vật và tư liệu lịch sử vô giá trưng bày trong triển lãm đã góp phần quan trọng để chúng ta có thể khẳng định rằng, dù trải qua nhiều biến thiên của lịch sử thì Hoàng Sa vẫn mãi mãi là chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam. Vì thế, những gương mặt tuổi thơ của các em học sinh tròn xoe đôi mắt say sưa ngắm nhìn những hiện vật; những bàn tay nhỏ run run viết dòng lưu bút, tôi tin thế hệ trẻ hôm nay và mai sau luôn trân trọng những gì mà cha anh dày công vun đắp.

Cháu Lâm Thị Kiều Anh có thể chỉ biết tới Hoàng Sa qua lời kể của ông bà, cha mẹ, hoặc qua những bài giảng, trang sách, nhưng trong ánh mắt thơ ngây ấy chan chứa niềm tự hào. Không riêng gì cô học trò nhỏ, mà hàng triệu triệu con tim của người dân đất Việt đều hướng về Hoàng Sa, giành cho Hoàng Sa những tình cảm trân trọng nhất. Mỗi khi nhận được hung tin, bà con ngư dân ra khơi đánh bắt thủy sản trên vùng biển Hoàng Sa bị tàu lạ nước ngoài bắt giữ, cướp bóc, tịch thu tài sản là rộn ràng nhịp đập con tim yêu thương, sẻ chia và lòng căm phẫn quân cướp nước. Dẫu rằng, biết bao ngư dân ra khơi trên những con tàu nhỏ bé, nhưng vẫn bất chấp hiểm nguy và nhiều tai ương rình rập để bám biển, bởi họ luôn nghĩ rằng, Hoàng Sa là chủ quyền dân tộc mà bao thế hệ ông cha từ mấy trăm năm trước đã đổ mồ hôi, nước mắt và những giọt máu đào để dày công khai phá. Hoàng Sa một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc…

Phóng sự của Vĩnh Lộc