Trở lại Vũng Áng

10:30 | 07/11/2012

2,536 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Sau gần một năm, chúng tôi mới có dịp trở lại Nhà máy Nhiệt điện Dầu khí Vũng Áng 1. Vừa ra khỏi con đường nhựa xẻ ngang lòng núi, chúng tôi ngỡ ngàng trước sự thay đổi quá lớn và quá nhanh của Dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Dầu khí Vũng Áng 1. Trải rộng trước mắt tôi là một đại công trường sôi động với cả vạn công nhân đang tấp nập thi công, các hạng mục xây dựng, lắp đặt thiết bị hầu hết đang đi vào giai đoạn cuối. Một nhà máy nhiệt điện, quy mô hoành tráng và công suất lớn nhất Việt Nam đang hiện ra trong nắng sớm.

Nắng lửa và mưa bão

Vũng Áng là một thung lũng được bao bọc bởi 2 dãy núi nối liền với nhau như một vòng tay mở ra Biển Đông. Trước đây, Vũng Áng chỉ là nơi tàu thuyền cập vào để tránh bão. Để đi vào vũng này chỉ có một hướng duy nhất là đi thuyền từ biển vào. Tháng 6/2001, cảng Vũng Áng chính thức đi vào hoạt động. Đầu năm 2006, Khu kinh tế Vũng Áng được thành lập. Với sự đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước, người Hà Tĩnh đã khai phá mở ra một con đường độc đạo xuyên qua lòng núi dài hơn 3km, nối thẳng ra bãi biển. Không ngoa chút nào khi nói Vũng Áng là khu kinh tế mở đẹp nhất miền Trung. 

Trao đổi với cán bộ của dự án, chúng tôi được biết, thời tiết ở đây khá khác biệt với bên ngoài. Cả năm chia đều thành 2 mùa với 6 tháng nóng như đổ lửa và 6 tháng mưa tầm tã. Anh Mai Thanh Bình, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính (Ban Quản lý Dự án) cho chúng tôi biết: “Vào mùa nắng, riêng Vũng Áng phải làm việc từ 4 giờ sáng, đến 10 giờ thì nghỉ. Buổi chiều từ khoảng 14 giờ đến 14 giờ 30 phút mới bắt đầu vào ca. Nguyên nhân do cái nắng nóng quá dữ dội của Vũng Áng luôn duy trì ở mức 38-400C.

Vũng Áng - khu kinh tế đẹp nhất miền Trung

Với đặc trưng của nhà máy điện, nhiều máy móc, thiết bị toàn là sắt thép nên hấp thụ nhiệt cực lớn, có thể làm bỏng rẫy tay người. Bởi vậy, Ban Quản lý và các nhà thầu bắt buộc phải tránh làm việc vào tầm trưa, tăng cường cho anh em làm việc vào ban đêm và sáng sớm. Về cuối năm là mùa mưa bão, nhiều đợt mưa lớn, gió giật, biển động dữ dội cả tuần không tạnh. Anh em luôn luôn làm việc trong không khí ẩm ướt nên chỉ sơ sểnh một chút là ốm không thể gượng dậy được. Nhiều kỹ sư trẻ mới vào Vũng Áng là ốm liền cả tháng, có người không chịu được phải xin nghỉ việc.

Một năm trước tôi đến Nhà máy Nhiệt điện Dầu khí Vũng Áng 1, cả công trường đang bước đầu xây dựng các hạng mục chính của nhà máy. Khi ấy, các hạng mục như băng chuyển than từ cầu cảng vào nhà máy, đập nhận nước, tổ máy phát điện số 1... đang trong quá trình xây dựng. Buổi sáng, công trường ngổn ngang bê tông, sắt thép dưới cái nóng 390C, hàng ngàn công nhân mặt mũi đỏ gay dùng đủ cách che chắn, dấp nước vào khăn mặt đội lên đầu để giảm nóng, căng sức ra làm việc. Đến khoảng hơn 10 giờ, trời lại đột ngột trở mây, mưa to như hạt đậu trút ào ào lên cả vùng khiến bao nhiêu công sức vất vả của anh em như đổ bê tông, lấp đường, tạo mương thoát nước... bị nước mưa sói lở phải làm lại nhiều lần. 

Người Hà Tĩnh ai cũng biết tháng 10 là thời điểm giao mùa từ nắng sang mưa tại Vũng Áng. Thời tiết lúc này đỏng đảnh như một mụ nạ dòng, sớm nắng gắt, chiều mưa dầm. Vài năm gần đây, những cơn bão lớn đổ dồn dập vào vùng biển này kéo theo biển động dai dẳng cả tuần lễ. Như để chứng tỏ những dự cảm của chúng tôi về thời tiết bất thường tại Vũng Áng, anh Lê Việt Hải, Phụ trách An ninh, An toàn Ban Quản lý Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, điện thoại báo với chúng tôi thông tin khẩn cấp về cơn bão số 8 đang được dự đoán tiến vào Hà Tĩnh - Quảng Bình. Không khí trên công trường như sôi động hơn với thông tin một cơn bão lớn đang tiến đến, anh em hò nhau chuẩn bị các công tác chống bão.       

Tuyên chiến với ... Sơn Tinh

Chúng tôi được mời tham gia cuộc họp bàn về công tác phòng chống cơn bão số 8 (Sơn Tinh) với thành phần gồm ông Trần Bá Song, Phó trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế mở Vũng Áng, ông Phan Văn Hiến, Phó trưởng ban Quản lý Dự án, Trưởng ban Phòng chống lụt bão cùng đại diện các nhà thầu LILAMA, PVC, Bạch Đằng, Sông Hồng… Cuộc họp diễn ra trong tinh thần khẩn trương cao độ với thông tin mới nhất, tâm bão cách bờ biển gần 200km, đang tiến chậm lại và đang hướng vào khu vực Hà Tĩnh - Nghệ An - Thanh Hóa. Lần lượt từng nhà thầu liên tục báo cáo công tác phòng bão như thu dọn vật tư, gia cố các công trình đang thực hiện dang dở, kế hoạch sơ tán người và thiết bị tới nơi được chuẩn bị trước để tránh bão.

Một góc công trường xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Dầu khí Vũng Áng 1

Ông Phan Văn Hiến lên kế hoạch chi tiết cho toàn bộ các tổ đội của nhà thầu, các cán bộ của Ban Quản lý dự án túc trực để sẵn sàng ứng cứu trong trường hợp khẩn cấp. Bởi vậy nên ngay sau cuộc họp, các thành viên trong Ban Phòng chống lụt bão đã khẩn trương tỏa về các đơn vị, tập trung anh em kỹ sư, công nhân ra khu vực thi công của mình phụ trách tiến hành rà soát lại lần cuối các thiết bị, vật liệu trước khi gió lớn về. Hầu hết các cửa kính được chằng giữ bằng những cây tràm, còn cây cối, thiết bị vật tư trong toàn bộ dự án khu vực được anh em neo giữ cẩn thận.

Cuộc họp vừa xong thì trời bắt đầu trở gió lớn, mưa dần nặng hạt quất ràn rạt vào mặt. Rất nhanh, những con đường trên công trường đã trở nên nhão nhoẹt bởi bùn và đất đỏ. Một vài tốp công nhân nháo nhào, lúp xúp đội mưa chạy về nơi trú ẩn. Những dòng nước ngầu đỏ nhanh chóng tụ lại chảy ra hướng cửa biển. Chúng tôi vừa kịp chứng kiến cảnh vùng biển trong xanh như ngọc đang chuyển dần sang màu xám với những con sóng bạc. Đang lúc vội vã chạy ngược từ công trường ra cảng chuyển than của nhà máy, tôi gặp một người bạn tên Hà Đăng Hùng, Phó bí thư Đoàn Thanh niên của Ban Quản lý dự án. Biết chúng tôi đang làm tư liệu về dự án, Hùng cười khoe cái răng khểnh rất duyên, hóm hỉnh dặn với theo: “Các anh ra cầu cảng phải tranh thủ về ngay nhé.

Năm 2009, tổ trực tại cầu cảng đã bị kẹt trong bão hơn 6 ngày đấy. Ban Quản lý dự án đã phải cầu viện đến tàu hải quân tham gia ứng cứu, nhưng sóng biển quá lớn, tàu không thể cập vào được. Anh em phải uống nước cầm hơi đến khi bão tan mới được đưa vào bờ được. Rất may anh em chỉ lả đi vì đói và mệt chứ không ai mất mạng cả”. Tìm hiểu và tiếp xúc với anh em cán bộ quản lý dự án, công nhân trên công trường chúng tôi được biết, toàn bộ các chuyên viên, công nhân người miền Trung được đặc cách cho về nhà cùng gia đình chống bão. Anh em ứng trực tại chỗ chủ yếu là những người miền Bắc và còn độc thân. Anh Lê Việt Hải, phụ trách an ninh an toàn của dự án chia sẻ: “Phần lớn anh em đã 2, 3 tuần chưa được về nhà nhưng ai cũng thể hiện một tinh thần hăng hái và trách nhiệm rất cao”.

Màn đêm buông xuống rất nhanh và đặc quánh trên khu nhà ở của cán bộ dự án Nhà máy Nhiệt điện Dầu khí Vũng Áng. Cùng anh em trực đêm tranh thủ ăn vội bữa cơm tối để mọi người còn vào vị trí trực, sẵn sàng xử lý thông tin và ứng cứu khẩn cấp khi có sự cố. Mặc dù phòng trực ban các cửa kính đều đóng kín mít nhưng chúng tôi vẫn nghe tiếng gió bão gầm rít liên hồi. Để chúng tôi hiểu toàn diện hơn về dự án, anh Bình tâm sự với chúng tôi những câu chuyện rất cảm động về người làm dự án. Anh cho biết, việc xa gia đình thường xuyên khiến các anh cảm nhận sâu sắc những thiếu thốn tình cảm của người thân. Rảnh ra lúc nào là thấy nhớ nhà lúc ấy, nhưng dường như có nghịch lý là lắm người mắc bệnh “sợ về nhà”, các anh sợ được mấy ngày êm ấm lại phải chia tay vợ con... cho nên họ đành giành phép để nghỉ một thể.

Vượt khó về đích

Đêm đầu tiên chúng tôi ngủ tại Vũng Áng, điện chập chờn, lúc có lúc mất khiến tôi không tài nào ngủ được. Nằm gác tay lên trán tôi nghĩ miên man đến tình cảm của anh em Ban Quản lý, nhà thầu dành cho mình, những khó khăn các anh đang phải đối mặt, cùng chính quyền Hà Tĩnh, các nhà thầu tháo gỡ từng bước để hướng về phía trước. Mặc dù mới đến Vũng Áng một ngày nhưng cảm nhận của chúng tôi như được trở về nhà sau bao năm xa cách.

Tính đến hết tháng 10 năm 2012, tổng tiến độ Dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Dầu khí Vũng Áng 1 đạt 86,5% khối lượng công việc. Trong đó, Ban Quản lý dự án cùng các nhà thầu đã hoàn thành 98% công tác thiết kế, chế tạo thiết bị như hệ thống lò hơi, tuabin và các thiết bị phụ trợ, bình ngưng, hệ thống ICMS và các hạng mục khác của nhà máy. Công tác mua sắm, vận chuyển vật tư thiết bị đã hoàn thành 96% khối lượng công việc, hầu hết các thiết bị chính đã được đưa về lắp đặt tại nhà máy hoặc kho bãi bảo quản theo quy định tại công trường.

Công nhân lắp đặt thiết bị trong nhà máy

Mùa mưa năm nay đến muộn, thời tiết đã khá thuận lợi nên khối lượng thi công xây dựng, lắp đặt các thiết bị của nhà máy đã tăng tốc độ lên rất cao. Vào lúc thi công cao điểm, Tổng thầu LILAMA cũng các nhà thầu phụ đã tổng huy động nhân công lên đến 10.000 công nhân. Các hạng mục quan trọng đang bước vào thi công hoàn thiện như lò hơi, nhà tuabin & gianbunker, hệ thống kênh thải nước làm mát, bể khử lưu huỳnh FDG… Theo đánh giá của Ban Quản lý Dự án Vũng Áng 1, các công tác thiết kế, chế tạo và mua sắm thiết bị cơ bản hoàn thành nhiệm vụ được giao, các hạng mục chính đều đảm bảo yêu cầu tiến độ đặt ra. Do thời tiết tại Vũng Áng quá khắc nghiệt và một số vấn đề phát sinh về trượt giá xây dựng gây ra những hạn chế cho các nhà thầu, ảnh hưởng đến công tác thi công xây lắp chưa đạt kế hoạch đặt ra.

Một số hạng mục của dự án như bãi xỉ than, nguồn nước phục vụ phát điện và công tác thu gom, xử lý tro xỉ về cơ bản đã tìm ra hướng xử lý thuyết phục. Bãi xử lý tro xỉ theo vị trí mới đã được Ban Quản lý dự án làm việc với UBND tỉnh Hà Tĩnh và các đơn vị của tỉnh để tiếp nhận mặt bằng và bàn giao lại mặt bằng cho đơn vị thi công. Tuy nhiên, hiện tại nhà thầu chưa thể triển khai thi công vì mặt bằng chưa thể giải quyết, các nhà thầu chưa di dời lán trại, trạm bê tông. Đến ngày 22/10, Ban Quản lý dự án và Tổng thầu LILAMA đã ký phụ lục số 23 Hợp đồng EPC để tiến hành triển khai thi công bãi thải xỉ theo vị trí mới.

Ban Quản lý dự án đã cùng Tổng thầu LILAMA yêu cầu các nhà thầu trong tháng 10 phải bàn giao mặt bằng để thi công bãi xỉ mới. Về hệ thống cung cấp nước ngọt phục vụ vận hành nhà máy, Ban Quản lý dự án đã làm việc với UBND tỉnh Hà Tĩnh để hỗ trợ tối đa cho công tác giải phóng mặt bằng và chỉ đạo quyết liệt Công ty Hoành Sơn tăng cường nhân lực, tăng ca để hoàn thành cấp nước theo đúng tiến độ đã cam kết. Đến ngày 18/10, UBND Hà Tĩnh đã có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành địa phương hoàn thành các phương án để đảm bảo cấp nước thô vận hành nhà máy trước ngày 5/11/2012. Ban Quản lý dự án cũng đã làm việc với Tổng thầu LILAMA để xem xét cụ thể trách nhiệm cung cấp nước phục vụ công tác chạy thử nhà máy. Thu gom xử lý tro xỉ được nhân dân và chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Ngày 5/10/2012, Ban Quản lý dự án đã tổ chức cuộc họp với PVEIC - IE, PV Power triển khai các công việc liên quan tiến tới ký hợp đồng chi tiết thu gom, xử lý tro, xỉ than Nhà máy Nhiệt điện Dầu khí Vũng Áng 1. PVEIC - IE đã trình tiến độ tổng thể đầu tư nhà máy xử lý.

Ngay sau đó, ngày 23/10/2012 Ban Quản lý dự án đã báo cáo trình Tập đoàn về công tác thu gom xử lý tro, xỉ than của nhà máy. Để chuẩn bị công tác chạy thử nhà máy theo dự kiến vào cuối Quý I năm 2013, một số công tác hoàn thiện dự án đang rất cần Chính phủ, Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hỗ trợ. Trong đó, đặc biệt cần Bộ Công Thương đôn đốc đề nghị Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia đẩy nhanh tiến độ xây dựng các đường dây và trạm biến áp đồng bộ với tiến độ phát điện của các tổ máy Nhà máy Nhiệt điện Dầu khí Vũng Áng 1. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hỗ trợ việc trình Chính phủ, các bộ sớm thông qua và xử lý các phương án phát sinh chưa lường hết của Hợp đồng EPC Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1.

Ông Phạm Văn Định, Trưởng ban Quản lý dự án Nhà máy Nhiệt điện Dầu khí Vũng Áng 1 cho biết: “Hiện nay dự án đang gặp khó khăn nhất trong việc trượt giá xây dựng của Hợp đồng EPC. Ban Quản lý dự án đã báo cáo Tập đoàn để trình Chính phủ về vấn đề chi phí phát sinh không thể lường hết được từ trượt giá xây dựng. Hiện nay Chính phủ chưa có câu trả lời chính thức. Tôi cho rằng, vấn đề này sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công của các nhà thầu phụ. Ban Quản lý dự án và Tập đoàn đang tìm mọi biện pháp tháo gỡ, vận dụng cơ chế chính sách, tạo mọi điều kiện để giữ vững tiến độ xây dựng trên công trường. Khả năng đốt lửa lò hơi vào cuối Quý I, nhà máy sẽ phát điện, hòa điện vào điện lưới quốc gia vào cuối năm 2013 là không thay đổi ”.

Dòng suy nghĩ miên man của tôi bị tiếng đập cửa của anh Hiến, Phó trưởng ban Quản lý dự án phụ trách về xây dựng cắt ngang. Hồi chiều anh hẹn tôi  cùng đi xuống công trường kiểm tra công tác đổ bê tông đường dẫn nước làm mát trong nhà máy. Ngoài trời, cơn bão số 8 vẫn đang tung bọt trắng xóa trong màn đêm nhưng trong lòng tôi không thấy lạnh mà lại nóng lên những cảm giác ấm áp, tự hào vì nhận ra sự tin tưởng của anh em trong Dự án Nhà máy Nhiệt điện Dầu khí Vũng Áng 1. Ngọn lửa dầu khí sẽ thắp sáng lên nguồn điện từ Vũng Áng, hòa vào lưới điện quốc gia để góp phần xây dựng phát triển đất nước trong tương lai.

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Dầu khí Vũng Áng 1 do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư. Đây là dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện chạy than đầu tiên của PVN, đồng thời là dự án xây dựng nhà máy sản xuất điện có quy mô đầu tư lớn nhất từ trước tới nay với tổng giá trị đầu tư lên đến xấp xỉ 1,6 tỉ USD. Trong đó, cơ cấu vốn chủ sở hữu và vốn vay là 30/70, hợp đồng EPC có giá trị 1,17 tỉ USD đã được ký với Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA). Nhà máy Nhiệt điện Dầu khí Vũng Áng 1 được thiết kế với 2 tổ máy, tổng công suất 1.200MW, lượng điện thương phẩm đạt 6,64 tỉ kWh/năm. Hiện nay, nhà máy đang trong giai đoạn xây dựng, lắp đặt thiết bị với tổng tiến độ đạt 86%. Nhà máy Nhiệt điện Dầu khí Vũng Áng 1 sẽ thực hiện đốt lò vào quý 1 và phát điện thương mại vào cuối năm 2013.


Phóng sự của Thành Công