Bí mật của những cuộc đời

07:00 | 16/07/2014

26,425 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
LTS: Có lẽ hiếm có trường hợp nào mà một kẻ chỉ làm nghề bán thịt lợn lại lên làm Tổng giám đốc một doanh nghiệp Nhà nước. Đây thực sự là câu chuyện kỳ lạ và tiếc thay, lại là có thực. Truyện dài “Bí mật của những cuộc đời” của nhà văn Nguyễn Như Phong viết về một nhân vật như vậy. Tác phẩm đã được Giải B của Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam trong cuộc thi tiểu thuyết, truyện ký “Vì bình yên cuộc sống”. Báo Năng lượng Mới xin giới thiệu cùng bạn đọc tác phẩm này.

Năng lượng Mới số 338

Nguyễn Như Phong

Trại giam của Công an tỉnh Nam Sơn nằm trên một quả đồi thấp cách trung tâm thành phố khoảng sáu cây số có tên là đồi Dẻ vì thế mà cũng được mọi người gọi bằng cái tên Trại đồi Dẻ.

Người ta kể rằng, ngày xửa ngày xưa, khi mà những vạt rừng còn chạy dài từ chân núi Hoàng Sơn đến tận gần thị xã thì khu vực này mọc rất nhiều cây dẻ và trên quả đồi có nhiều cây dẻ cổ thụ to cỡ một người ôm. Có hai địa danh được coi là nơi chứa nhiều bí ẩn và huyền bí ở tỉnh là đồi Dẻ và đầm Tà. "Ma già đồi Dẻ, ma trẻ đầm Tà", các bà các mẹ cứ lấy câu đó để dọa trẻ con, cái chính là ngăn không cho chúng ra đó chơi.

Đầm Tà là một khu đầm rộng có đến hơn năm trăm hécta bạt ngàn lau sậy, là nơi trú ngụ của các loại chim bắt cá như cò, le le, cốc. Có ba đứa trẻ cả gan lấy thuyền thúng bơi ra giữa đầm và chẳng may bị vòi rồng hút ráo cả lên trời và từ đó, vào những đêm trăng xuông, thi thoảng người ta lại nghe thấy giữa thinh không tiếng trẻ con nói léo nhéo. Còn ở đồi Dẻ, nghe nói vào cái dịp đói năm 1945, có một lần người ta thấy có đến một chục người già ôm nhau nằm chết đói trên đồi Dẻ. Hóa ra đó là một số người của làng Bến quyết ra đi để chết cho gia đình đỡ một miệng ăn và thế là họ chọn đồi Dẻ... Dân quanh vùng quyên góp lập cho họ một miếu thờ và từ ngày đó, đồi Dẻ bỗng trở nên linh thiêng.

Nhưng đến năm 1965 thì Ty Công an tỉnh Nam Sơn chọn nơi này để xây dựng trại giam. Nghe nói là chính ông Phó ty Công an tỉnh bổ nhát búa đầu tiên đập miếu thì chỉ ba ngày sau, ông phát bệnh đau đầu rồi hóa người quẫn trí. Nhưng rồi trại giam vẫn cứ được xây và quy mô ngày càng mở rộng hơn. Năm 1990, trại được đầu tư lớn, xây lại gần như toàn bộ. Trại có bốn khu giam. Khu A là dành cho bệnh xá của phạm nhân, nhà trẻ, nhà giam những người bị tâm thần hoặc bị bệnh truyền nhiễm. Khu B gồm hai dãy, có mười phòng giam là khu phạm nhân nữ. Khu C là khu lớn nhất, gồm sáu dãy nhà giam và có  ba mươi phòng giam, mỗi phòng diện tích khoảng hơn bảy chục mét. Khu này giam đủ loại tội phạm và với nhiều mức án khác nhau. Còn khu D là khu dành riêng cho những loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm và phạm nhân bị kết án tử hình đang chờ thi hành án.

Khu D có mười buồng giam tử tù và mỗi buồng chỉ giam một người. Buồng giam tử tù rộng khoảng 6m2, trong đó có một bệ xi măng dài 2,2m rộng 1,1m là nơi cho tử tù nằm, góc trong cùng là hố xí và một vòi nước. Nhưng sau này, với lý do phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho tử tù được sống khỏe mạnh cho đến lúc ra trường bắn chịu sự trừng phạt của pháp luật, người ta quyết định bỏ vòi nước và thay vào đó là một xô nhựa loại 30 lít. Mùa hè thì cứ hai ngày tử tù được tắm một lần còn mùa đông, khi nào họ cần tắm thì báo và quản giáo cho phạm nhân tự giác mang nước vào cho tử tù tắm.

Gần đây, khi mà trại giam xây được khu lò hơi để nấu ăn thì nước nóng đâm ra dư thừa và thế là khi nào trời rét quá, tử tù được "ưu tiên" tắm nước nóng. Lúc đầu thì ai cũng nghĩ đó là chuyện đơn giản. Nhưng rồi có lần một đoàn khách nước ngoài thuộc một tổ chức nhân đạo nào đó đi đến trại và họ vô cùng ngạc nhiên khi thấy tử tù được tắm nước nóng và thế là khi trở về, họ ca ngợi chính sách nhân đạo của trại hết lời.

Hồi xây dựng, khi thiết kế có mười buồng giam tử tù, ông Chủ tịch tỉnh đã phê phán công an là dự báo tình hình tội phạm bằng con mắt bi quan. Cái lý của ông là xã hội ngày càng phát triển, càng văn minh, dân càng giàu thì tội phạm phải càng ít đi, vì thế chỉ cần xây bốn buồng tử tù là được. Ai ngờ đến cuối những năm 90 của thế kỷ XX, tội phạm cứ tăng vùn vụt và các buồng giam đều quá tải. Riêng tử tù, có lúc lên đến hơn hai chục, mà chủ yếu là buôn bán ma túy, vì thế nhiều khi  phải lấy các buồng giam khác để giam tử tù. Mỗi lần như vậy thì quản giáo đến khổ bởi họ phải thực hiện thêm bao nhiêu phần việc ngoài nhiệm vụ.

***

Kim đồng hồ trong phòng trực ban của quản giáo khu D - Khu biệt giam phạm nhân bị án tử hình chỉ 3 giờ 30 chiều.

Trời nóng ngột ngạt. Không khí như đông lại. Những cây dẻ còn sót lại trong trại giam đứng im phăng phắc.

Trong các buồng giam ở khu B  phạm nhân nữ, nhiều ả cởi trần phơi những cặp vú thỗn thện bất chấp cả những lời cảnh cáo của các quản giáo nữ. Đi qua hành lang của các phòng giam nữ, một loại mùi đặc trưng của nhà tù bốc ra đến khó chịu. Các khu giam phạm nhân nam cũng bốc mùi hơi người nhưng còn dễ chịu hơn rất nhiều so với mùi ở khu phạm nhân nữ. Đó là mùi hơi người nồng nặc, mùi của hàng trăm loại mồ hôi, rồi mùi son phấn, mùi của hàng chục hũ dưa, cà, mùi nước mắm, mùi thức ăn... những thứ mùi đó quyện vào nhau khiến người nào lần đầu tiên đến nơi này đều có cảm giác lờm lợm trong cổ.

Và những lúc thời tiết khó chịu thế này, thì có một nơi khá hơn cả chính là ở khu D, bởi lẽ mỗi tử tù được ở một buồng vì thế môi trường chưa bị "ô nhiễm".

Tại phòng giam dành cho phạm nhân đã bị kết án tử hình. Trần Hùng Lân hay còn gọi là Lân "xồm" vì có bộ râu quai nón đen nhánh ôm lấy khuôn mặt vuông vức, đang ngồi đọc truyện. Từ ngày vào trại giam, không ngày nào là Lân không ngêu ngao đọc Tam quốc, Thủy hử, Tây du ký rồi đôi lúc cao hứng anh ta đọc ngâm thơ Đường, thơ chữ Hán của cụ Nguyễn Du.

Các cán bộ quản giáo đã từng trông coi Lân ai cũng phải công nhận là anh ta có trí nhớ lạ kỳ. Riêng Tam quốc diễn nghĩa, Lân có thể đọc vanh vách từng chương hồi mà nếu so với bản gốc thì không sai là bao. Đã có lần Lân đố các quản giáo là mang Tam quốc đến, cán bộ đọc bất cứ một câu nào thì Lân đọc ngay được đoạn tiếp theo. Mấy anh lính cảnh sát bảo vệ trẻ không tin, họ bảo nhau mang truyện tới và chỉ đến khi đó mọi người mới phục tài của Lân. Ban đêm thì Lân hay đọc cho một gã tử tù tên là Vũ  Văn Cao ở buồng bên nghe, còn ban ngày thì chỉ khi nào hứng chí anh ta mới đọc.

Mồ hôi vã ra trên bộ mặt Lân. Anh ta cởi phăng áo, rồi lấy áo lau mồ hôi và lẩm bẩm:

- Lạ quá, cuối thu rồi mà sao còn nóng thế không biết.

Rồi Lân ngân nga đọc bài thơ kết thúc Tam quốc:

"Gươm Cao tổ Hàm Dương thuở nọ

Vầng phù tang soi đỏ góc trời

Chân nhân Bạch Thủy nối ngôi

Quạ vàng bay bổng tuyệt vời mây xanh.

Vận suy bĩ thương tình Hán đế

Mảnh ô kim đã xế non đoài.

Tiếc thay Hà Tiến vô tài

Gian thần Đổng Trác giữ ngôi triều đình..."

Có tiếng mở khóa cửa lạch cạch, Lân ngừng đọc quay ra nhìn. Đó là hai anh cảnh sát bảo vệ cùng một quản giáo xuất hiện với một phạm nhân tự giác vào buồng giam. Mấy người này Lân đã quá quen thuộc. Người quản giáo có dáng người thấp đậm và có mái tóc chỗ vàng hoe, chỗ đen nhánh nhưng có chỗ thì bạc đến tận chân tóc. Anh đeo quân hàm đại úy và có tên là Lê Huy Tự. Anh có mái tóc bạc trước tuổi và cứ nhuộm đi nhuộm lại bằng những loại thuốc rẻ tiền vì thế mái tóc trở nên nhôm nhoam. Hai cảnh sát bảo vệ thì đều là lính cảnh sát nghĩa vụ đeo quân hàm trung sĩ, còn người tù tự giác tên là Hòa, phạm tội lừa đảo bị kết án ba năm tù và được giữ lại trại, chuyên phục vụ cơm nước cho tử tù. Hòa ngày trước vốn là kỹ sư xây dựng làm ở Công ty Cầu đường số I thuộc tổng công ty của Lân, vì thế giữa hai người cũng có tình cảm.

 Đại úy Tự cười và nói với Lân:

- Anh có trí nhớ tuyệt thật đấy. Đêm hôm qua, tôi nghe anh đọc Tam quốc thuộc lòng mãi đến gần 1 giờ sáng.

- Chào cán bộ. Sao hôm nay lại vào giờ này. Cán bộ muốn kiểm tra sức khỏe của tôi phải không. Chắc là tôi sắp ra dựa cột!

Đại úy Tự cảnh giác đứng xa mặc dù trong số tử tù, Lân là người luôn có thái độ đúng mực. Nhưng với các tử tù, cảnh giác thì không bao giờ thừa và điều ấy đã ăn sâu vào tiềm thức của quản giáo:

- Nếu anh có phải đi dựa cột, tôi cũng chỉ được phép biết trước một vài giờ thôi.

- Tôi thấy chính quyền quá khắt khe đối với cả những người chỉ còn nằm chờ chết - Lân nói với giọng mỉa mai - Tôi xem phim nước ngoài, thấy họ thông báo cho tử tù trước một ngày, lại cho gặp vợ con, gia đình... Đằng này, cứ úp úp, mở mở. Hai, ba giờ sáng mới dựng con người ta dậy lôi đi. Xử án thì xử công khai mà thi hành án thì cứ giấu giấu giếm giếm.

Anh quản giáo đánh  trống lảng:

- Mai gió mùa đông bắc về. Trời rét đấy! Anh có muốn tắm không?

- Thảo nào trời oi quá. Rất cảm ơn cán bộ. Tôi xin được đi tắm. Mà này, tôi có một kiến nghị gửi lên các cấp lãnh đạo. Cán bộ chuyển giúp nhé.

- Anh kiến nghị điều gì?

- Tôi muốn kiến nghị là phải cho những người như tôi được chọn hình thức chết. Tự uống thuốc độc, tự treo cổ hoặc ra pháp trường. Thích chết kiểu nào thì tùy. Quan trọng là loại chúng tôi ra khỏi đời sống xã hội, thế là xong. Tôi đã đi xem tử hình từ ngày còn thanh niên, ghê lắm.

Vừa lúc đó, một cảnh sát rất còn trẻ, đeo quân hàm hạ sĩ gọi:

- Anh Tự ơi! Lên phòng họp gấp.

 Đại úy Tự làu bàu:

- Lại họp. Sáng đã họp mất ba tiếng liền. Sắp đến giờ nghỉ rồi, lại họp!

Tự nói rồi quay sang hai cảnh sát bảo vệ:

- Hai cậu trông cho anh Lân tắm nhé. Hôm nay có cần tắm nước nóng không?

Nói rồi Tự vội vàng đi lên nhà chỉ huy. Trần Hùng Lân cười hì hì:

- Chưa phải tắm nước nóng. Chắc mai lại có chú nào ra dựa cột chứ gì. Không khéo đến lượt tôi đấy.

Lân đột nhiên nghiêm nét mặt hỏi Hòa:

- Hôm nay ngày bao nhiêu âm lịch, chú mày?

Hòa nhanh nhảu:

- Ngày mùng chín! Vâng, mùng chín tháng mười âm lịch.

Lân bấm ngón tay, nét mặt càng lúc càng căng thẳng. Hồi lâu, hắn thở dài rồi nói với hai cảnh sát:

- Quẻ xấu quá. Nếu quẻ này đúng, tôi chỉ còn được sống tính bằng giờ.

- Em gội đầu cho anh trước nhé - Gã tù tự giác hỏi.

 Lân gật đầu hờ hững. Hai anh cảnh sát bảo vệ an ủi:

- Chưa dựa cột đâu. Chúng tôi nghe đâu anh được ân xá đấy.

- Làm gì có chuyện đấy. Vả lại, tôi cũng không muốn sống nữa. Mình chết đi gia đình bớt một gánh nặng, những người đã từng ăn tiền của mình hàng tỉ thì vui mừng. Tất nhiên cũng có những người buồn đó là con cái mình, bạn thân của mình... (!).

- Anh căn cứ vào đâu mà bảo sắp bị xử bắn?

- Tôi vừa bói dịch được quẻ thuần Khảm. Đó là một trong Tứ đại hung quái. Người đang bị bệnh, đang gặp nạn mà gặp quẻ này thì nguy hiểm vô cùng.

***

Tại phòng họp của Ban Giám thị trại giam. Có bốn người trong Ban Giám thị, một số quản giáo, trong đó có một người nom đã đứng tuổi, tóc bạc quá nửa đeo quân hàm trung tá, đó là ông Vân, một người đã hàng chục năm rồi chỉ làm mỗi nhiệm vụ trói tử tù vào cột, bịt mắt họ lại và khi bắn xong thì ông lại khâm liệm tử tù và cho vào quan tài. Vì vậy, cứ cuộc họp nào mà Ban Giám thị triệu tập ông là mọi người biết ngày mai sẽ có thi hành án tử hình. Dự cuộc họp còn có Thượng tá Trần Quang Vũ, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra. Vũ có nét mặt khắc khổ, già trước tuổi nhưng  có nụ cười rất đôn hậu.

 Trung tá Vũ Minh, Trưởng giám thị trại giam thông báo:

- Báo cáo các đồng chí, hôm kia Chủ tịch nước đã bác đơn xin ân xá của hai phạm nhân bị kết án tử hình đó là  Lê Văn Thân và Phan Hồng Hải. Hội đồng thi hành án đã họp và quyết định sáng mai sẽ tiến hành thực hiện bản án với hai phạm nhân này và phạm nhân Trần Hùng Lân. Hải là đồng bọn cùng với Lân. Riêng phạm nhân Lân thì các đồng chí biết rồi. Anh ta không làm đơn xin ân xá.

Một sĩ quan thuộc Phòng Cảnh sát điều tra ngồi góc phòng lên tiếng:

- Thế mà nhiều người cứ bảo thể nào tay Lân này cũng thoát chết vì khối quan chức đã ăn tiền của hắn phải lo cứu. Hôm nọ mấy tay nhà báo còn tuyên bố chắc như đinh đóng cột là không có chuyện thằng Lân bị tử hình.

Lại một sĩ quan khác nói chen:

- Làm gì có chuyện đó. Tham ô hơn ba chục tỉ, chủ mưu giết hai người mà không tử hình thì còn giời đất nào nữa.

 Trung tá Vũ Minh xua tay:

- Các đồng chí trật tự. Kế hoạch sáng mai là thế này: 2 giờ 30 phút ta làm thủ tục. Trung đội 1 Cảnh sát bảo vệ và quản giáo khu D chịu trách nhiệm áp giải phạm nhân. Giám đốc Công an tỉnh đã phân công Tiểu đoàn Cảnh sát Bảo vệ và Hỗ trợ Tư pháp cử đội hành quyết. Anh em sẽ có mặt ở trường bắn lúc 4 giờ sáng. Còn bác Vân - Anh quay sang nói với một người trung tá già, đeo quân hàm đã bạc phếch - Bác giúp cho công tác chuẩn bị ngoài pháp trường. Cũng đề nghị bác nhớ là phải truyền nghề cho hai đồng chí này.

Bí mật của những cuộc đời

 Anh lại chỉ vào hai anh đeo quân hàm thượng úy.

Trung tá Vân cười nhăn nhó:

- Báo cáo Ban Giám thị, tôi vừa nghe tin là có quyết định nghỉ hưu đã chuyển về rồi. Lần này, xin Ban Giám thị cho tôi được thôi đi thi hành án. Công việc thì tôi tin là hai đồng chí Tân và Hỉ làm được.

- Thôi, xin bác cố gắng nốt cho. Cũng là để rèn thêm cho anh em trẻ. Đúng là bác có quyết định nghỉ hưu rồi, nhưng tôi đề nghị Ban Giám đốc để bác làm thêm một năm nữa. Khi nào có người thay thế được bác thì tính sau.

Người trung tá già thần mặt ra không biết nói thế nào. Bỗng dưng anh đứng dậy nói với giọng bùi ngùi:

- Báo cáo các đồng chí lãnh đạo. Tôi xin các đồng chí thương cho. Tôi phải làm công việc thi hành án tử hình có dễ đến hàng trăm tên. Gần ba chục năm làm công việc này... nhiều lúc ám ảnh lắm. Cũng cố nghĩ là họ làm nên tội, họ phải chịu... nhưng dù sao thì đó cũng là con người. Tôi xin làm nốt lần này. Lần này thôi. Lần này thôi nhé. Con trai tôi vừa bị vợ nó bỏ rồi. Con dâu tôi nó không chịu nổi cứ mỗi khi nghĩ đến công việc của tôi, là bố chồng nó...

Ông nói bằng giọng ngèn ngẹn rồi từ hai hốc mắt sâu trên gương mặt gầy, già trước tuổi ứa ra những dòng nước mắt.

Mọi người im phăng phắc không ai biết nói thế nào. Trung tá Minh an ủi:

- Anh em rất hiểu bác. Thôi vậy, nếu bác nói thế, đơn vị cũng thông cảm. Thế nào, hai đồng chí được giao "kế tục sự nghiệp" của bác Vân có ý kiến gì không?

Một anh tên là Hỉ đứng dậy ấp úng:

- Chúng tôi... chúng tôi cũng đã làm đơn, xin Ban Giám thị cho thôi làm việc đó ạ. Cấp trên kỷ luật thế nào chúng tôi cũng chịu và nếu có đưa chúng tôi đi Tây Bắc, Tây Nguyên thì cũng được... Còn công việc này, quả thật là không làm nổi.

Mọi người không ai ngờ lại xảy ra chuyện này. Vũ Minh thở dài:

- Thôi được, lát nữa Ban Chỉ huy Cảnh sát bảo vệ ở lại họp với tôi. Còn bây giờ, kế hoạch thi hành án thì cũng giống như mọi lần trước thôi.

Anh nói xong rồi thở dài sườn sượt.

***

Trong phòng giam, tử tù Trần Hùng Lân đã tắm xong. Anh ta chải đầu gọn ghẽ và bảo gã tù tự giác:

- Mày biết không, mỗi khi trở trời chuyển mùa, đi câu sướng lắm.

- Em tưởng trở trời cá không đi ăn. Đến người còn mệt nữa là.

- Mày biết đếch gì. Tao đẻ ra ở ven hồ, lớn lên sống bằng nghề câu cá trộm. Tao chỉ nhìn tăm cá biết ngay đó là loại cá gì, cá to hay bé, thậm chí còn đoán được nó nặng bao nhiêu cân.

- Đời đi câu của anh đã được con to nhất là bao nhiêu cân.

- Ba chục cân. Cá trắm đen. Tao câu được ở đầm Trị, cạnh Phủ Tây Hồ. Lần đó, tao ròng con cá đúng ba tiếng đồng hồ.

Hai anh lính cảnh sát bảo vệ lắng nghe, chợt một anh nhếch mép nói mỉa:

- Ông chỉ nói phét. Cá ở hồ làm gì có đến ba chục cân.

Lân liếc nhìn anh ta bằng ánh mắt khinh khỉnh:

- Này, ông lính trẻ. Ngày mai, tôi phiền ông đi ôtô về Hà Nội, đến đầm Trị, hỏi mấy tay chủ hồ là có phải cách đây 10 năm, vào mùa thu, thằng Lân "xồm" đã câu được con cá trắm đen nặng 30 cân không nhé. Chà, vảy nó to như trôn bát, cứng như sừng. Hôm đó, nếu cả bộ lục không đánh đúng "alô" của nó thì chưa biết thế nào.

- Alô là cái gì? - Một anh cảnh sát hỏi:

- Là cái mồm, hiểu chưa!

Thấy Lân có vẻ cáu, hai cảnh sát cảnh giác ngay và giục gã tù tự giác:

- Thôi, ra đi.

(Xem tiếp kỳ sau)

N.N.P