Vài bí mật của giang hồ đòi nợ thuê

19:00 | 13/07/2014

33,963 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chuyện những băng nhóm đòi nợ thuê làm tan cửa nát nhà con nợ thì đã nghe nhiều. Nhưng cũng có những phi vụ chính chủ nợ cố tình "bẫy" cho dân đòi nợ thuê vào vòng lao lý. Hay việc các tay đầu gấu rủ nhau đi chùa, làm việc thiện để giải bớt... nghiệp chướng.

Cho vay nặng lãi là hiện tượng phổ biến trong xã hội hiện nay, thậm chí được coi như là một “nghề”. Và đã có cho vay nặng lãi thì đi phải đi kèm với những chiêu thức đòi nợ kinh khủng.  Chính vì thế nên đã có rất nhiều bi kịch đã xảy ra, từ việc tan cửa nát nhà, các con nợ lâm vào thế cùng lực kiệt, thậm chí phải tìm đến cái chết để giải thoát, bỏ lại gia đình tan hoang…

Thông qua nhiều mối quen biết, phóng viên PetroTimes gặp được N. - một thanh niên làm nghề cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê ở khu vực quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Dân đòi nợ thuê cũng bị "gài bẫy", "chơi xỏ"

Rít một hơi thuốc, làm một ngụm trà đá xong, N thủng thẳng: “Nếu ông nào cho vay nặng lãi mà hời hợt, không nắm chắc thông tin của con nợ, thì có ngày phá sản. Làm nghề này là phải chắc, đôi khi phải bất chấp tất cả, bỏ mặc sĩ diện và quan trọng là không được để tình cảm xen vào công việc. Ngay như tôi đây, làm nghề này cũng gọi là có tí kinh nghiệm, mà đôi khi chỉ vì tình cảm anh em, bạn bè mà mất đi những số tiền khá lớn.”

Theo như lời kể của N, thì anh ta cũng đã từng bị dính nhiều “phốt” trong nghiệp cho vay nặng lãi của mình. Và tất nhiên, làm nghề cho vay nặng lãi nên N. cũng kiêm luôn người đòi nợ. N có nguyên một đám đàn em để xử lý những vụ nợ khó đòi.

Cách thức mà N đòi nợ cũng là những cách mà giới đòi nợ thuê hay dùng. Khủng bố tinh thần nhà con nợ bằng cách ném “bom bẩn” vào nhà, mua vòng hoa tới viếng con nợ, hay gọi điện thoại nói rằng người thân của họ đang trong tầm ngắm của mình.

Nhưng khi tôi hỏi liệu N. có thật sự làm những việc như hại người thân của con nợ hay không thì N trả lời: “Không dại gì đâu ông ơi, tôi có thể ném mắm tôm, phân pha với dầu luyn vào nhà con nợ, mua vòng hoa đặt trước cửa nhà. Nhưng còn cái việc bắt giữ con nợ, đòi người nhà mang tiền tới chuộc, hay gây tổn thương tới người thân của họ thì tuyệt đối không làm. Nói thật là tôi sợ dính dáng tới công an lắm, đi tù như chơi.”

Anh N kể tiếp: “Đấy, tôi có thằng em tên B cũng cho vay nặng lãi, gặp ngay phải con nợ khó đòi, thế là nổi máu điên đánh con nợ, xong rồi lại cầm cái điện thoại Nokia 1020 ‘lởm’ bắt thằng kia về nhà ‘báo nhà’. Xong bị con nợ kia tố cáo lên công an, đi tù 3 năm vì cái tội đánh người, cưỡng đoạt tài sản.”

N. trong cuộc trò chuyện với phóng viên.

Theo như lời kể của N thì như trường hợp của B kể trên, thậm chí chủ nợ không đòi được nợ của mình, mà còn bị đi tù vì thiếu hiểu biết pháp luật. Vụ của B chỉ là một trong số những vụ con nợ chơi xỏ chủ nợ mà thôi.

Chính N cũng bị dính mấy vụ gần như tương tự, N kể: “Có đợt tôi đi đòi nợ hộ thằng em tôi, con nợ này nợ 200 triệu hơn 1 năm chưa trả đủ cả gốc lẫn lãi. Nhưng hình như nhà đấy có quen công an, nên người nhà bày cách cho định ‘dích’ tôi. Khi tôi tới cùng thằng em, thì có mỗi cô nó ở nhà nói chuyện cùng. Tôi cũng nói mồm dọa nhà người ta giống mấy bọn đi đòi nợ thuê hay dùng, kiểu dọa sẽ gây tổn hại tới người thân của họ, nhưng nói thật là tôi nói thôi chứ có bao giờ dám làm đâu...”

“Nhưng cô nó dùng điện thoại Nokia E72 ghi âm lại cuộc nói chuyện với tôi. Cũng ơn trời là thằng em tôi phát hiện ra, thế là tôi nhanh trí giật cái điện thoại của bà ta, xóa hết mấy cuộc ghi âm. Và chỉ tầm 10 phút sau, có 2 người là công an hình sự đi vào, cùng một người cũng là dân ‘xã hội’ khá có tiếng ở khu vực quận là D "bồ", xộc vào kiểm tra và hỏi han đủ kiểu, nhưng không có chứng cứ. Với lại sau một hồi nói chuyện thì 2 bên cũng biết nhau, ông D "bồ" kia cũng biết tiếng mấy người anh của tôi nên 2 bên cũng không có va chạm gì.

Tôi sợ bỏ xừ, dính dáng tới pháp luật là tôi run lắm. Cuối cùng, sau một hồi phân bua, kể lể thì mấy anh hình sự kia bảo với tôi là không nên dây vào vụ này nữa, vì đây là người nhà của họ. Tôi nghe thế nên cũng chuồn luôn!”

Thế mới thấy rằng, cái “nghề” cho vay nặng lãi cũng lắm “gian truân” khi gặp phải những con nợ chây ì, lại lắm mưu mẹo. Có khi nợ thì không phải trả mà còn đưa cả chủ nợ vào con đường tù tội.

Qua N, tôi gặp được Hoàng L, cũng là dân cho vay nặng lãi. L cũng kể cho tôi biết nghe về những vụ đi đòi nợ mà bị con nợ "chơi khăm", suýt vướng vào vòng lao lý.

L kể: “Tôi có cho 1 con nợ vay 50 triệu, lãi 5 nghìn/1 triệu/1 ngày, sau 3 tháng, nó mới trả lãi được có 1 tháng rồi trốn biệt tích, không tìm được. Sau đó, thế nào tình cờ tôi gặp con nợ trên đường Trần Khát Chân, tóm được và bắt nó đưa về nhà lấy tiền trả nợ, nhà nó hình như ở mạn gần Thanh Lương. Lúc đó nó không có tiền nên để lại Ipad và Iphone, hẹn ngày hôm sau tới trả nợ.

Ngày hôm sau, thì con nợ mang tới trả được 20 triệu chưa được số tiền gốc nó nợ, xin Iphone với Ipad về để cho bố mẹ nó đỡ nói. Tôi không đồng ý. Sau đó nó về mách với gia đình, thì hình như bố nó có chơi thân với một ông phó công an phường gần đấy. Ông này lại gọi điện lên quận Hai Bà Trưng nhờ mấy người trên đó, và gia đình con nợ thì làm đơn lên quận định bắt tôi về tội ‘cưỡng đoạt tài sản’... ”

“Cũng may cho đời tôi, vì tôi có một người quen làm công an khu vực gần nhà, báo trước với tôi. Ý định của nhà con nợ là định hẹn tôi ra trả tiền, sau đó chỉ chờ tôi cầm Ipad với Iphone đưa lại cho gia đình chủ nợ là sẽ bắt tôi lên phường sau đó chuyển lên quận. Chỉ trong vòng 2 tiếng là tôi sẽ không thể nào thoát được, dù có chạy án tới mấy trăm triệu đi nữa.

May sao tôi biết trước tình hình, nên sau đó tôi dùng mối quan hệ của mình, liên lạc nhờ sự giúp đỡ của mấy ông anh làm công an trên phường mà con nợ đâm đơn tìm cách hòa giải và thoát nạn.”

Đòi nợ bằng hình thức khủng bố tinh thần.

 

Nhiều người tuyệt tình lắm...

Nhưng theo N. thì cũng có những người cho vay nặng lãi tuyệt tình lắm. Mặc dù con nợ đã trả đủ tiền số gốc, và số lãi cũng khá nhiều, nhưng chủ nợ lại làm quá, bắt con nợ tới cạn kiệt thì thôi. Nên mới xảy ra những vụ như con nợ ôm mìn tới nhà chủ nợ để tự sát chết chung, rồi con nợ giết chủ nợ để không phải trả nợ.

Có nợ phải trả, đó là điều “thiên kinh địa nghĩa”, không thể có chuyện thiếu tiền ăn chơi rồi chấp nhận vay với lãi xuất cao, sau đó lập mưu tính kế bẫy chủ nợ vào con đường tù tội. Nhưng cũng phải nói thêm rằng, những chủ nợ cũng phải xem lại cách làm ăn của mình, cho vay với lãi suất như thế nào là hợp lý, không nên quá cao để rồi sau đó tiền thì không đòi được, mà lại mang họa vào thân.

Ở thủ đô Hà Nội cũng được coi là điểm nóng về hiện tượng cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê. Hẳn dư luận chưa quên, những ngày cuối năm 2012, đã xảy ra một vụ thảm sát kinh hoàng bằng mìn tại Yên Phụ (Hà Nội). Mâu thuẫn cũng bắt nguồn từ việc vay nợ.

Trước khi kết thúc cuộc nói chuyện, tôi có hỏi N là liệu anh có nghĩ tới việc nhân, quả hay không? Vì việc cho vay nặng lãi này không phải là một việc làm hay ho gì, và có phần thất đức, sau này những điều xấu sẽ vận vào con cháu mình.

N bộc bạch: "Nói thật là bây giờ đã trót dính vào cái nghiệp này rồi, muốn chuyển qua những hình thức kinh doanh khác cũng khó. Biết là nó xấu, nhưng nếu không làm thì không có đủ kinh tế để trang trải cho cuộc sống gia đình. Nên cũng để cho thanh thản tâm hồn, tôi cũng hay đi lễ và phần nào đó là thỉnh thoảng đi từ thiện để cho bớt nghiệp chướng mình tạo ra."

Có thể thấy rằng, việc cho vay nặng lãi hay đòi nợ đều không tốt đẹp gì. Cả chủ nợ lẫn con nợ, người thì tán gia bại sản, kẻ thì bán sới đi biệt tăm, thậm chí phải vào tù hay đường cùng là tìm tới cái chết.

 

Tú Cẩm