Vì sao chưa dẹp được "thánh cô" chữa bệnh bằng nước lã?

08:11 | 28/10/2012

2,513 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Đến giờ, vẫn không ai hiểu vì sao hoạt động “thánh cô” chữa bệnh bằng nước lã Đinh Thị Dung ở xóm Giáp Nhất, xã Thanh Phong, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam lại chưa bị ngăn chặn. Với những thủ đoạn lừa bịp, dọa nạt người bệnh, hoạt động của bà Dung đã làm náo loạn cả một vùng quê yên bình trong nhiều năm nay. Chính quyền địa phương đã vào cuộc, từ thuyết phục, xử phạt hành chính… Thế nhưng, những biện pháp ấy có vẻ như chẳng ăn thua gì. Bà Dung vẫn nghênh ngang lừa bịp người dân, nghênh ngang bất chấp pháp luật. Vậy, người đàn bà này thực sự là ai?

Cách chữa bệnh quái đản có một không hai

Từ trước tới nay, thông tin về lý lịch của bà Đinh Thị Dung được đồn thổi nên có rất nhiều “dị bản” khác nhau. Để tường tận chính xác về xuất thân của người phụ nữ tự xưng là thánh này, chúng tôi đã có buổi làm việc với chính quyền xã Thanh Phong, Thanh Liêm, Hà Nam.

Thông tin chúng tôi nhận được từ Công an xã Thanh Phong về lý lịch của bà Dung như sau: Tên thật là Đinh Thị Dung, sinh năm 1973, quê gốc ở xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, trình độ học vấn: lớp 7. Năm 1990, Dung lấy chồng ở xã Thanh Phong và ở nhà làm ruộng. Do cuộc sống nghèo nàn, bà Dung cùng chồng đã xoay đủ thứ nghề nhưng vẫn không đủ sống. Năm 1999, bà theo học lớp dược với thời hạn một năm tại Trường trung cấp Dược tỉnh Ninh Bình. Ra trường, tuy không đủ điều kiện bà Dung vẫn về mở hiệu thuốc tây nhưng không ăn thua gì. Năm 2007, bà xoay sang nghề thầy bói cô đồng. Đến tháng 3/2011, bà tự xưng là “cô Chín” ở đền Sòng, hành nghề chữa bệnh bằng tàn hương và nước lã.

Bà Dung đang chữa bệnh tại phủ của mình

Trong bài viết này, chúng tôi xin điểm ra những phương cách chữa bệnh hết sức quái đản và phi lý của người đàn bà này. Nhân chứng đầu tiên là em Nguyễn Thị Nga, sinh năm 1993 ở thôn Giáp Nhất. Nga kể: “Vào khoảng tháng 6/2011, tôi có vào nhà bà Dung và đề nghị bà ta chữa bệnh. Thực ra, bệnh của tôi cũng không nghiêm trọng, chỉ là tôi quá gầy và người lúc nào cũng thấy mệt”. Lần đầu tiên đến chữa, nhìn thấy Nga, bà Dung đã khẳng định rất “ỡm ờ”: “Mày có 9 vía thì bị lấy đi gần hết thì còn đâu sức khỏe. Phúc tổ nhà mày, không vào cô sớm thì chỉ có chết”.

Cách chữa bệnh cho Nga béo lên hết sức nực cười. Bà Dung bảo Nga lột quần áo và nằm cạnh bà Chiến (cũng ở thôn Giáp Nhất). Bà Chiến khoảng 60 tuổi, thuộc dạng đẫy đà, nặng dễ đến ngót 1 tạ. Bà ta đến đây để nhờ thầy chữa cho gầy đi. Hai người, một béo, một gầy, lột quần áo nằm ngồn ngộn cạnh nhau ngay trước bàn thờ để cho thầy vuốt. “Thủ pháp” ấy được bà Dung đặt tên là phép “san thịt”, tức là cấu thịt của bà Chiến sang cho Nga để Nga béo lên và bà Chiến gầy đi.

Chúng tôi chứng kiến cách chữa bệnh của bà Dung mới ngã ngửa ra rằng, cách chữa bệnh của bàâ… phải cởi hết quần áo trên người, chỉ được mặc đồ lót, trước mặt tất cả mọi người đến chữa bệnh, bất kể người đó là ai. Nguyễn Văn Khương, Trưởng Công an xã Thanh Phong là người đã nhiều ngày “mật phục” theo dõi tình hình tại khu vực nhà bà Dung kể lại: “Sau khi bắt bệnh nhân cởi đồ, bà ta dùng hương đốt rồi “múa” xung quanh người bệnh và lấy tay dấm nước lã để sờ, nắn và xoa bóp trên người bệnh nhân. Động tác vô cùng phản cảm và tục tĩu mà ai nhìn thấy cũng phải xấu hổ”. Đặc biệt, theo lời kể của nhiều người chứng kiến thì thanh niên càng trẻ, cô xoa càng nhiều, càng nhiệt tình. Cuối cùng, người bệnh sẽ được uống “nước thánh”, thực chất là thứ nước lã có tàn hương trong đó.

Quả thực, đó là cách chữa bệnh vớ vẩn và phi lý mà chúng tôi chưa bao giờ gặp trên đời!

Cách ăn nói và đối xử với những bệnh nhân đến nhà chữa bệnh của bà Dung cũng quái đản, có một không hai. Bất kể ai mới đến chữa, dù chưa biết có khỏi hay không thì đều được Dung dặn rằng: “Cô chữa cho không khỏi thì cũng phải bảo là khỏi nghe chưa. Gặp ai cũng phải bảo là cô chữa cho hết bệnh rồi nhé. Có nói như thế thì bệnh mới… khỏi thật”. Nhiều người thắc mắc vì sự vô lý ấy thì bị hăm dọa: “Đã đến cửa cô rồi mà không làm thế, nhẹ thì cô cúng cho què chân, nặng thì cô chọc cho mù mắt”.

Với những người già cả, bệnh tật đầy người, đáng tuổi cha mẹ mình, Dung nhân danh “cô Chín đền Sòng” mắng nhiếc, mạt sát họ không thương tiếc những lúc họ tỏ thái độ không tin hoặc không làm theo ý mình. Ngôn ngữ của Dung thì rất tục tĩu và vô học. Bà Hoàng Thị Nhung, 80 tuổi, ở thôn Giáp Nhất, xã Thanh Phong bị đau đầu gối có đến nhờ Dung chữa bệnh. Khi được dặn là phải “quảng cáo” cho thầy, bà Nhung lập tức từ chối. Dung đã trợn mắt dọa: “Con mụ già kia, có muốn mù mắt không thì bảo”.

Dung luôn tìm cách đánh bóng bản thân mình với hình ảnh một vị thánh có sức mạnh vô biên. Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Oanh, 53 tuổi, ở thôn Giáp Nhất thì có cháu bé ở thôn Bái Thượng mắc bệnh hiểm nghèo vô phương cứu chữa bố mẹ cháu bé đã tìm đến Dung chữa bệnh. Được mấy ngày thì cháu bé chết. Bà Dung có đến dự đám ma và “rắc” ra một số tin đồn hãi hùng rằng: “Đứa bé này đang chữa ở nhà cô, tự nhiên không chữa nữa thì cô cúng cho chết!”.

Nhiều người dân kể rằng, khi bị người dân trong xã phê phán, bà Dung còn nói: Cái làng này mà còn nhạo báng, không tin bà thì bà sẽ cúng cho chết hết, lúa gạo rồi cũng chẳng có người mà ăn. Ngang ngược hơn, khi ông Lê Xuân Trường, Phó trưởng Công an xã đến nhà làm việc, bà Dung còn có thái độ chống đối và phán rằng, sẽ cúng cho ông Trường 7 giờ sáng ngày mai phải chết.

Bằng thủ đoạn này, tiếng tăm bà Dung nổi như cồn. Nhiều người ở gần nhà biết chuyện thì tránh nhưng những người ở xa thì bán tín, bán nghi đổ xô về chữa bệnh thử một lần.

Lập lờ đánh lận con đen

Trong quá trình chúng tôi đóng giả làm bệnh nhân đến chữa bệnh tại nhà bà Dung, chúng tôi nhận thấy, bà Dung liên tục nhắc đến việc bà đã được Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người công nhận khả năng và cấp giấy phép được hành nghề chữa bệnh. Bằng cảm quan của mình, dựa vào những điều mắt thấy tai nghe về cách chữa bệnh kiểu hoang tưởng của bà Dung kết hợp với ý kiến của vô số bệnh nhân, chúng tôi thấy có nhiều điều phi lý.

Thứ nhất, Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng của con người trực thuộc Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam được thành lập năm 1996 với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học về những hiện tượng đặc biệt từ khả năng của con người đã diễn ra trong thực tế đời sống. Đây là tổ chức phi chính phủ, hoạt động theo cơ chế tự hạch toán mà không được rót vốn ngân sách. Trung tâm chỉ được giao nhiệm vụ nghiên cứu về khả năng đặc biệt của con người chứ không được quyền cấp phép cho họ hành nghề. Vả lại, hoạt động cúng bái, thầy bùa như bà Dung không được coi là một ngành nghề nên làm gì có chuyện được cấp phép. Khi chúng tôi đề cập đến việc được xem thử giấy phép hành nghề ấy, bà Dung liền tỏ thái độ vô cùng khó chịu và bảo: “Bọn mày đến đây để chữa bệnh hay xem giấy phép”. Vậy, bà Dung rêu rao về thứ giấy phép nào để “ra uy” của mình dữ dội như vậy?

Câu hỏi đã được giải đáp khi ông Nguyễn Văn Khương cung cấp cho chúng tôi một văn bản phát đi từ Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người ngày 5/6/2012, nơi nhận là lãnh đạo UBND tỉnh Hà Nam, huyện Thanh Liêm và xã Thanh Phong.

Để khách quan, chúng tôi xin lược trích nội dung văn bản này:

“Bà Đinh Thị Dung (thường trú tại xóm Giáp Nhất, xã Thanh Phong, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) ngày 14/5/2012 đã đến Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người đưa đơn xin được trắc nghiệm về khả năng của mình.

Thể theo nguyện vọng của bà Dung, Trung tâm đã tổ chức đợt trắc nghiệm từ ngày 15/5 đến ngày 31/5 do PGS.TS Bùi Tiến Quý, Trưởng phòng Trắc nghiệm phụ trách chung; PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Quyên, Phó phòng Trắc nghiệm trực tiếp điều hành, theo dõi, ghi chép tất cả các buổi làm việc của bà Dung với các bệnh nhân.

Chiều ngày 3/6, Hội đồng Khoa học chuyên ngành do PGS.TS Y khoa Trương Mạnh Dũng làm Chủ tịch Hội đồng đã kết luận: “Kết quả trắc nghiệm của bà Đinh Thị Dung có thể sử dụng phục vụ đề tài khoa học của Trung tâm: Nghiên cứu cơ sở khoa học và cơ chế tác động của những người có khả năng đặc biệt trong hoạt động chữa bệnh”.

Như vậy, trước hết, có thể thấy rằng, nội dung văn bản không phải là giấy phép hành nghề của một cơ quan không được cấp giấy phép hành nghề. Nhiều người bệnh nghe lời đồn thổi, bán tín bán nghi mà tìm đến đây chữa bệnh đã vội vã tin rằng, bà Dung được “nhà nước” cho phép chữa bệnh thì chắc là cũng tin tưởng được. Họ làm sao mà biết được Trung tâm Nghiên cứu con người nó nằm ở đâu, chức năng nhiệm vụ gì và những thứ giấy tờ, cấp phép ấy mặt mũi ra sao thì họ hoàn toàn không biết.

Một vấn đề khác, bản thân văn bản phát đi từ Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người cũng có nhiều điểm nghi vấn. Văn bản do Giám đốc Trung tâm ký nhưng lại không có dấu tròn, dấu tên chức danh cũng không có. Việc này được hợp lý hóa bằng phần xác nhận chữ ký của giám đốc. Người đứng ký xác nhận là ông Lê Công Lương, Chánh văn phòng Hội đồng Trung ương Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Điều đặc biệt là, đầu đề công văn thông báo kết quả trắc nghiệm có ghi nơi gửi: UBND tỉnh Hà Nam, huyện Thanh Liêm, xã Thanh Phong. Tuy nhiên, công văn này không hề được gửi tới 3 cơ quan trên. UBND xã Thanh Phong có được văn bản này là do công tác nắm tình hình và thu thập thông tin từ quần chúng nhân dân.

Việc gì đã xảy ra ở đây, con dấu của Giám đốc Trung tâm đã ở đâu? Có cá nhân nào đã trục lợi từ việc này hay không? Ông Nguyễn Văn Khương nhận định: “Tôi nghi đây là văn bản giả”.

Để rõ ràng hơn việc này, chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Phúc Giác Hải, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người. Ông Hải xác nhận: “Đúng là Trung tâm đã có quá trình khảo sát về khả năng chữa bệnh của bà Dung nhưng do Trung tâm đang gặp nhiều khó khăn trong công tác tổ chức hành chính nên mới khảo sát được trong khoảng 15 ngày, vì vậy cũng chưa thể khẳng định được việc bà Dung chữa bệnh bằng phương pháp trên là hiệu quả. Phải có nhiều đợt điều tra khảo sát trong vòng 2 năm mới biết rõ được. Còn giấy xác nhận của trung tâm không có cơ sở pháp lý để bà Dung dựa vào đó hành nghề chữa bệnh”.

Ai đứng đằng sau?

Theo ông Nguyễn Văn Khương, bà Dung từ trước tới nay còn bị nhiều người dân trong làng, trong xã phản ánh về việc có nhiều hành vi không đoan chính. Họ vẫn thường xuyên thấy một chiếc xe con và một người đàn ông lạ mặt với dáng vẻ rất đại gia qua lại nhà bà thường xuyên. Có lần, công an xã tới làm việc với bà Dung, bà bấm điện thoại ngay trước mặt mọi người và nói: “Mấy thằng công an xã đang ở chỗ em…”. Vài phút sau, công an xã lại nhận được điện thoại can thiệp từ phía trên.

Nực cười hơn, sau khi bị chính quyền và công an xã lập biên bản, xử phạt hành chính về việc khám chữa bệnh trái phép, bà Dung đã gọi điện cho ông Khương để “gạ gẫm”, rủ ông đi chơi. Cuộc điện thoại này được ông bật loa ngoài và mọi người ở ủy ban đều nghe thấy.

Ngang ngược hơn, ngày 19/4/2012, con trai bà Dung là Phạm Hồng Quyên, sinh năm 1991, một đảng viên dự bị còn có thái độ xúc phạm, đánh đồng chí Lê Xuân Trường, Phó trưởng Công an xã và đồng chí công an viên Đinh Công Chính trước sự chứng kiến của người dân.   

Bản thân chúng tôi đã được dịp chứng kiến sự ngang ngược này khi chúng tôi vừa rời UBND xã Thanh Phong ra về thì lập tức nhận được một cú điện thoại của bà Dung: “Cô Chín đây, tao biết chúng mày là phóng viên rồi, chúng mày rời nhà tao lúc 5 giờ chiều, đến 6 giờ sẽ bị tai nạn ở Phủ Lý. Cẩn thận mà giữ mình”. Không dừng lại ở đó, 6 giờ sáng hôm sau, phóng viên lại nhận được lời đe dọa: “Cô Chín đây, hôm qua chúng mày về có bị thánh vật không? Chúng mày mà viết linh tinh thì cô cúng cho mù mắt”.

Những hành vi ngông nghênh, coi thường pháp luật và hoạt động khám chữa bệnh trái phép, mê tín dị đoan, lừa bịp của bà Đinh Thị Dung là quá rõ ràng. Hoạt động này đã diễn ra nhiều năm, rất nhiều bệnh nhân đã mất tiền oan bởi người đàn bà này. Tình hình an ninh trật tự ở địa phương vô cùng lộn xộn vì những hoạt động mê tín của bà Dung. Hoạt động ấy công khai, ngang nhiên như vậy thì ai có thể là người bao che. Chẳng lẽ, chính quyền xã Thanh Phong hay huyện Thanh Liêm lại không thể làm gì được người đàn bà này trong khi những hành vi của bà là hoàn toàn vi phạm pháp luật, có căn cứ xem xét để khởi tố hình sự.

Ghi chép của Vũ Minh Tiến

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps