$100... $80... $70? Giá dầu tụt giảm do đâu?

09:41 | 30/10/2014

2,528 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Giá dầu thế giới đang giảm mạnh từ vài tháng nay và đang ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây. Nhiều nhà phân tích dự báo rằng giá “vàng đen” sẽ vẫn còn tiếp tục giảm. Vậy, đâu là nguyên nhân đứng đằng sau sự tụt dốc này?

1. Khai thác dầu tại Mỹ tăng vọt

Sự đột phá từ công nghệ cho phép khai thác dầu từ đá phiến sét đã khiến sản lượng dầu tại Mỹ tăng thêm 300.000 thùng/ngày kể từ đầu tháng 8. Riêng phía Bắc Dakota đã cung cấp hơn 1 triệu thùng dầu mỗi ngày.

Mặc dù khai thác dầu từ đá phiến đòi hỏi chi phí khá cao thì người Mỹ cũng chưa nghĩ tới việc giảm sản lượng bởi nó chưa thể tác động tiêu cực tới nền kinh tế. Mỹ vẫn chưa bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu thô cho nên sản lượng dầu đá phiến tăng đều đặn hoàn toàn được cung cấp cho thị trường nội địa. Đó là chưa kể nguồn cung khí đốt khai thác từ đá phiến dồi dào, dẫn đến giá khí đốt tại Mỹ vẫn rất rẻ so với bình diện chung, kéo theo hàng loạt ngành công nghiệp khác phát triển và thu hút nhiều đầu tư từ nước ngoài.

Ngoài ra, quốc gia này lại đang phải cạnh tranh thị phần với nhiều đối thủ khác như Nga, OPEC. Có thể nói, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng cung – cầu dầu như hiện nay là “cuộc chiến” dầu mỏ giữa Mỹ và OPEC.

2. OPEC chưa muốn giảm sản lượng

Các thành viên OPEC tăng sản lượng dầu sẽ đặt ra thách thức cho tổ chức này trong cuộc họp thường niên để đánh giá chính sách vào ngày 27/11 tại Vienna, Áo

Các thành viên OPEC sẽ cảm nhận được tác động của việc giảm giá dầu mạnh nhất, đặc biệt là Venezuela và Iraq. Nhờ lợi thế về chi phí sản xuất, các nước này vẫn có lời với mức giá dầu thấp, nhưng ngân sách lại dựa trên ước tính giá dầu là 100USD/thùng hoặc cao hơn. Theo tính toán, giá dầu phải ở mức 110USD/thùng thì Venezuela mới có thể thực hiện được các nghĩa vụ tài chính

Tuy nhiên, những quốc gia này vẫn không tỏ ra quá lo ngại về tình hình trên. Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro đã khẳng định, giá dầu giảm trên thị trường toàn cầu không ảnh hưởng tới tình hình tài chính và những khoản chi cho các chương trình xã hội tại quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới này. Mức giá hiện nay vẫn cao hơn mức dự kiến 60 USD/thùng khi Quốc hội duyệt ngân sách cho năm nay, nên chưa ảnh hưởng tới kế hoạch chi tiêu của chính phủ.

Còn Arap Saudi, quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới và là thành viên có ảnh hưởng nhất OPEC cho biết, với lượng dự trữ lớn, ước tính là 700 tỷ USD, Arap Saudi có thể chống đỡ được nếu giá dầu tiếp tục giảm và hài lòng với giá dầu ở mức 80-90 USD/thùng. Quốc gia vùng vịnh này cho rằng sự giảm giá dầu có thể nhằm vào việc hãm bớt đầu tư của các đối thủ cho việc khai thác dầu đá phiến ở Mỹ vốn rất đắt đỏ.

Iraq cũng đã tuyên bố hạ giá bán dầu, theo sau động thái tương tự từ Arap Saudi và Iran.

Lý do mà các quốc gia này đưa ra là dù có giảm sản lượng dầu đi bao nhiêu cũng không thể hỗ trợ giá dầu khi nguồn cung ngoài OPEC đang tăng mạnh mà nhu cầu lại thấp. Chắc hẳn OPEC vẫn chưa quên được bài học từ những năm 1980, khi Arap Saudi giảm một nửa sản lượng từ 30 triệu thùng/ngày xuống còn 16 triệu thùng đã khiến quốc gia này thâm hụt ngân sách trong hơn 15 năm và nợ chống chất.

3. Nhu cầu tại châu Á giảm

Tuy châu Á là nền kinh tế đang phát triển và là thị trường khổng lồ với 60% dân số thế giới, thì cũng không đủ sức tiêu thụ hết lượng cung dầu từ Mỹ (đang đạt mức kỷ lục) cộng với OPEC và Nga. Đặc biệt khi Trung Quốc – một trong số những nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới, tốc độ tăng trưởng kinh tế đang chậm lại.

Nền kinh tế suy thoái khiến lượng tiêu thụ tại châu Á thấp hơn dự đoán, và các chính phủ đang cắt giảm giá dầu trên toàn khu vực. Điều đó khiến cho giá xăng, dầu và sẽ còn nhiều nguồn nhiên liệu khác tiếp tục giảm và định hình lại tương lai thị trường dầu thế giới.

Mà không chỉ riêng châu Á. Chính sách thắt lưng buộc bụng và lượng tiêu dùng giảm tại châu Âu cũng kiềm chế lượng tiêu thụ dầu tại cựu lục địa. Thế giới đang có dự báo về một cuộc khủng hoảng mới tại Khu vực sử dụng đồng euro sau khi liên tiếp có các số liệu kinh tế đáng thất vọng tại khu vực này.

4. Đồng dollar tăng nhẹ

Giao dịch dầu được thực hiện bằng đồng dollar trên toàn thế giới. Khi đồng dollar mạnh hơn (trong vài tháng trở lại đây), nó làm cho dầu trở nên đắt hơn đối với những người mua ở ngoài nước Mỹ. Điều đó dẫn đến nhu cầu giảm đi và gây áp lực lên giá dầu.

Khi dầu ở Mỹ rẻ hơn - cho người tiêu dùng Mỹ - thì nó lại trở nên đắt hơn cho người dân nơi khác”, theo Phul Flynn, chuyên gia phân tích thị trường của Tập đoàn môi giới PRICE Future Group tại Chicago.

Ngay cả khi giá dầu đang tụt giảm mạnh thì nó cũng chỉ giảm ít tại các quốc gia mà tỷ giá thấp hơn nhiều so với đồng dollar.

5. Các quốc gia bất ổn tăng sản lượng khai thác dầu

Các quốc gia xuất khẩu dầu không ổn định như Lybia, Iraq, Nam Sudan và Nigeria thì nay lại gây ngạc nhiên với việc duy trì được sản lượng dầu ngay cả khi tình hình trong nước bất ổn hay dư cung dầu tại thời điểm nhu cầu thấp.

Tại Iraq, bất chấp tình hình bất ổn do phải đối phó với Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), xuất khẩu dầu từ khu vực phía Nam trong tháng 10 này sắp chạm ngưỡng kỷ lục, với 2,55 triệu thùng/ngày (mức kỷ lục là 2,58 triệu thùng/ngày). Hay quốc gia Bắc Phi Libya luôn chìm trong bất ổn, nhất là từ khi diễn ra cuộc lật đổ nhà độc tài Muhammad Gaddafi, cũng đã phục hồi khai thác dầu đạt mức 900.000 thùng/ngày vào cuối tháng 9 và được dự báo sẽ đạt 1,5 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay. Ngoài ra, các nước Nigieria, Angola cũng đẩy mạnh lượng khai thác dầu của mình.

Với mức dưới 81 USD/thùng đối với dầu ngọt nhẹ New York và dưới 85 USD/thùng đối với dầu Brent Biển Bắc, giá dầu hiện nay đang ở mức thấp nhất trong gần 4 năm qua. Vào cuối tháng 10, Goldman Sachs – Ngân hàng đầu tư và hãng chứng khoán toàn cầu (Mỹ) đã đưa ra dự báo về sự tụt giảm của giá dầu. Theo Goldman, nguồn cung quá dồi dào trong khi kinh tế toàn cầu yếu hơn khiến nhu cầu thấp là nguyên nhân chính dẫn tới điều này. Giá dầu tại Bắc Mỹ vào quý 2 năm 2015 có thể chỉ còn 70USD, còn dầu Brent – tiêu chuẩn để dự báo giá dầu cũng được cho sẽ chỉ còn 80USD, khi mà nguồn cung quá mức đang đạt đỉnh điểm.

Tuy nhiên, thị trường dầu thế giới luôn ẩn chứa nhiều biến động do phụ thuộc vào nhiều yếu tố, rất khó để đưa một dự báo chính xác.

Hà My (tổng hợp)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc