Abenomics - Chính sách kinh tế mới của Nhật Bản

07:00 | 30/01/2013

5,042 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ngay sau khi trở lại cầm quyền, Thủ tướng Shinzo Abe đã có nhiều quyết sách mới từ quốc phòng tới kinh tế. Abenomics, một chính sách kinh tế táo bạo của ông Abe nhằm tái thiết nền kinh tế Nhật Bản, đang bị cho là sẽ tạo ra cuộc chiến giữa "các cỗ máy in tiền" trên thế giới.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) vừa tiếp tục cụ thể hóa chính sách kinh tế của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, được biết đến dưới tên gọi là Abenomics (chính sách kinh tế của Abe), với việc thông qua mục tiêu lạm phát 2%, đồng thời cam kết theo đuổi chính sách "tiền tệ lỏng" mạnh mẽ hơn để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Mặc dù hoàn toàn có thể nhận được sự cảm thông, nhưng quyết định tiếp tục "khởi động máy in tiền" của Tokyo được các nhà phân tích đánh giá là nguy hiểm. Động thái này có thể sẽ kéo nhiều chính phủ khác vào cuộc và đẩy thế giới tiến gần hơn bao giờ hết đến một cuộc chiến tiền tệ.

Dù có phải chịu sức ép từ chính phủ hay không, nhưng rốt cuộc BoJ cũng đã khép lại cuộc họp chính sách trong 2 ngày với việc đưa ra mục tiêu lạm phát 2% mà Thủ tướng Abe nhắm tới và cam kết mua “không hạn chế” các tài sản từ năm 2014. Biện pháp này cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ về lập trường của BoJ. Tuy nhiên, xét trong bối cảnh kinh tế vẫn chìm trong chuỗi dài giảm phát, BoJ có nhiều lý do hợp lý để viện tới các biện pháp nới lỏng định lượng (QE) mạnh tay hơn.

Trong khi đó, nhiều người cho rằng Nhật Bản có lẽ đang thổi phồng các biện pháp giúp đưa nước này khỏi khó khăn kinh tế hiện nay. Mặc dù không ít người cho rằng vấn đề nợ của Nhật Bản chẳng phải là mối quan ngại lớn, nhưng việc thắt chặt chính sách tiền tệ và chi tiêu công quá mức có thể "gặm nhấm" dần lòng tin của người dân đối với khả năng quản lý nợ của chính phủ nước này và gây nhiều hệ quả xấu khác. Trong khi đó, xét từ góc độ toàn cầu, việc Nhật Bản không ngừng nới lỏng chính sách tiền tệ đang làm giảm giá đồng yen. Một tác dụng phụ (nếu không muốn nói là biện pháp có chủ đích của Chính phủ Nhật Bản) có thể mang lại lợi thế về giá cả không công bằng cho hàng hóa xuất khẩu của nước này.

Điều đáng lo ngại là nhân đà này, các nước khác cũng sẽ phản ứng lại bằng cách giảm giá đồng nội tệ, qua đó châm ngòi cho cuộc đua giảm giá tiền tệ ở những nước có tiền tệ giao dịch nhiều nhất thế giới. Đây có thể là một hình thức đáng lo ngại của cuộc chiến tiền tệ. Sự bùng phát của việc giảm giá đồng nội tệ có thể gây ra sự thù địch xuyên biên giới và tác động xấu đến hợp tác toàn cầu. Thêm vào đó, khi các liều thuốc thử nghiệm như QE biến thành những liều thuốc không cần kê đơn cho các nền kinh tế ốm yếu, từ Mỹ, Liên minh châu Âu đến Nhật Bản, thì tình trạng tiền mặt dư thừa quá mức đang diễn ra trên các thị trường toàn cầu, làm dấy lên nguy cơ bong bóng tài sản. 

Trên thế giới đang diễn ra "cuộc chiến tranh của những cỗ máy in tiền”. Đó là nhận định của cố vấn Tổng thống Nga, Sergei Glazyev, khi bàn về cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay. Theo chuyên gia này, trong thời đại khủng hoảng, trên thị trường có rất nhiều tiền nhưng chẳng biết tiêu vào đâu, bởi tiền mất giá. Trong khi đó, lại nảy sinh nhu cầu về các khoản vay quốc gia dài hạn dành để phát triển những hướng mới của khoa học và công nghệ. Nhà nước phải xoa dịu cơn “đói” này bằng cách "chạy máy in tiền". Hóa ra sứ mệnh của tiền tệ trong nền kinh tế hiện đại là tạo đà thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trên thực tế, nhà nước tạo ra khoản vay mà các nhà đầu cơ tài chính thành thạo lợi dụng, biến thành "bong bóng" và gây lạm phát.

Tất cả các tổ chức phát hành đồng ngoại tệ dự trữ của thế giới, như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Ngân hàng Trung ương Anh, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và BoJ, đều đã chuyển sang chính sách in ấn lượng tiền không giới hạn. Chỉ riêng ECB trong một đợt đã in 1.000 tỉ euro. Trên thực tế, các ngân hàng này lâu nay đã tiến hành cuộc chiến thế giới về tài chính.

Các chuyên gia lưu ý rằng, một liều thuốc trấn an không phải giải pháp điều trị bệnh thích hợp, biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ không thể thay thế các quyết định có thể khó khăn về mặt chính trị. Nhật Bản phải đưa nền kinh tế hồi phục tăng trưởng dựa trên nền tảng vững chắc, bao gồm cả việc thực thi các cải cách về cơ cấu và tăng cường nguyên tắc tài chính.

H.Phan

 

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc