Ai Cập bên bờ vực khủng hoảng chính trị

11:12 | 07/12/2012

695 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trận chiến đường phố đẫm máu vào đêm ngày 5 rạng sáng 6/12 bên ngoài Phủ tổng thống giữa những người ủng hộ Tổng thống Mohammed Morsi và lực lượng biểu tình đối lập đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay và đe dọa tính hợp pháp của vị Tổng thống dân cử bầu đầu tiên của Ai Cập này.

 

 

Đây là diễn biến nguy hiểm nhất ở Ai Cập trong đợt bạo loạn chống lại ông Morsi

Bản tuyên bố hiến pháp gây tranh cãi do ông Morsi ban hành ngày 22/11 nhằm thâu tóm thêm quyền lực đã khoét sâu thêm những rạn nứt trong xã hội Ai Cập gần hai năm sau các cuộc biểu tình rầm rộ lật đổ chế độ của Tổng thống Hosni Mubarak. Hai tuần sau khi sắc lệnh của tổng thống được ban hành, các cuộc biểu tình của phe Hồi giáo ủng hộ Tổng thống và phe đối lập cho thấy tình trạng chia rẽ đã trở nên tồi tệ hơn. Việc cả hai phe cùng thu hút được hàng trăm nghìn người xuống đường biểu tình tại thủ đô Cairo là dấu hiệu cho thấy không bên nào chịu xuống nước. Ban đầu, các cuộc biểu tình được tổ chức tại các nơi riêng rẽ. Phe đối lập tập trung tại quảng trường Tahrir, trong khi phe Hồi giáo ủng hộ tổng thống biểu dương lực lượng trước cổng trường Đại học Cairo. Tuy nhiên, ngày 5/12, tổ chức Anh em Hồi giáo đã kêu gọi biểu tình trước cửa Phủ tổng thống tại quận Heliopolis ở thủ đô Cairo, nơi hàng trăm người phản đối ông Morsi đang “hạ trại” sau một đêm biểu tình với ít nhất 100.000 người tham gia.

Tổ chức Anh em Hồi giáo một lần nữa cho thấy khả năng huy động người biểu tình một cách nhanh chóng và với số lượng lớn thông qua các mạng truyền thông xã hội và các công cụ khác. Cuối buổi chiều ngày 5/12, hàng nghìn người ủng hộ Tổng thống Hồi giáo Mohammed Morsi đã kéo đến đánh đuổi những người biểu tình đối lập bên ngoại phủ tổng thống và phá tan các lều trại của họ. Vài giờ sau đó, phe đối lập huy động lực lượng tới và bắt đầu phản công, dẫn tới các cuộc đụng độ bạo lực kéo dài suốt đêm khiến 7 người thiệt mạng và hơn 600 người bị thương (theo nguồn tin chính thức của Bộ Y tế Ai Cập).

Trong khi đám đông hỗn chiến bên ngoài Phủ tổng thống bằng bom xăng, gạch đá, gậy gộc và thậm chí bằng cả cưa tay, ông Morsi không có bất kỳ phản ứng nào. Các nhà phân tích và các lực lượng chính trị đối lập đã cáo buộc Tổng thống là người phải chịu trách nhiệm duy nhất về cuộc đổ máu bên ngoài Phủ tổng thống. Heba Morayef, Giám đốc Văn phòng tổ chức “Theo dõi nhân quyền” tại Ai Cập, cho rằng các vụ đụng độ đẫm máu trên là một ví dụ cho thấy "sự thất bại hoàn toàn của nhà nước”. Ông Morayef khẳng định: "Các lực lượng nhà nước có trách nhiệm bảo vệ những người biểu tình hòa bình và can thiệp nhằm ngăn chặn bạo lực. Lực lượng an ninh được đặt dưới sự chỉ đạo của Tổng thống. Ngoài ra, Tổng thống còn có một vai trò khác khi đảng của ông là một bên tham gia bạo lực. Do vậy, ông ta có trách nhiệm chính trị và có khả năng thực sự để ngăn chặn bạo lực leo thang bằng cách kêu gọi những người ủng hộ mình rút lui".

Tuy Tổng thống Mohammed Morsi là người đang nắm giữ các quyền lực cao nhất, song một số người cho rằng ông đã không hoàn toàn kiểm soát được tổ chức Anh em Hồi giáo, lực lượng mạnh nhất hiện nay trên chính trường Ai Cập. Giám đốc Viện Nhân quyền Cairo Bahey Eddin Hassan nói: "Những quyết định mà chúng ta thấy không xuất phát từ ông Morsi mà từ Văn phòng Hướng dẫn của tổ chức Anh em Hồi giáo. Tổng thống chỉ thực hiện theo chỉ đạo của họ". Bốn cố vấn của ông Morsi đã tuyên bố từ chức ngày 5/12 đồng thời khẳng định đã không được tham khảo ý kiến trong mọi chuyện và chỉ biết được các quyết định của Tổng thống qua mạng internet. Nhà phân tích chính trị Khalil al-Anani của trường Đại học Durham ở Anh cũng đồng ý rằng ông Morsi không có toàn quyền kiểm soát đối với tổ chức Anh em Hồi giáo. Ông al-Anani nhận định: "Ông Morsi hành động như một Tổng thống độc lập song vẫn chịu áp lực của Anh em Hồi giáo. Ông ta đã hy sinh uy tín của mình trước những người dân Ai Cập để duy trì sự ủng hộ của tổ chức Anh em Hồi giáo".

Văn phòng Phủ tổng thống cho biết ông Morsi đã gặp các Tổng tham mưu trưởng quân đội và các bộ trưởng nội các để bàn về các biện pháp ổn định đất nước. Tuy nhiên, bất kỳ phản ứng nào của ông Morsi hiện giời cũng bị cho là quá chậm trễ và sẽ không giúp khôi phục hình ảnh của ông. Tối 6/12, phe đối lập tiếp tục tổ chức nhiều cuộc tuần hành trước Phủ tổng thống, mặc dù có lệnh cấm biểu tình và quân đội cho triển khai xe tăng đến khu vực này. Trong khi đó, lực lượng đối lập đã đoàn kết chống lại các quyết định của Tổng thống, đồng thời cáo buộc lực lượng ủng hộ ông Morsi đã tiến hành một cuộc tấn công "độc ác và có chủ ý" nhằm vào những người biểu tình bên ngoài Phủ tổng thống. Lãnh đạo đối lập hàng đầu Mohamed ElBaradei cho rằng sự cai trị của ông Morsi "không có gì khác" với người tiền nhiệm Hosni Mubarak.

Gamal Eid, Giám đốc văn phòng Mạng lưới Thông tin Nhân quyền Arập tại Cairo, nói: "Ông Morsi có khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng này song lại không có ý chí chính trị. Giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay là Tổng thống phải hủy bỏ sắc lệnh vừa ban hành, hoãn trưng cầu dân ý về dự thảo hiến pháp và tiến hành đối thoại thực sự với phe đối lập. Nếu không làm như vậy, các cuộc xung đột trên đường phố sẽ tiếp tục và ông Morsi sẽ từ một Tổng thống dân cử trở thành một người như ông Mubarak".

Nh.Thạch (Theo AFP)