Ai đang thực sự tham chiến ở Gaza?

08:22 | 01/08/2014

3,173 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Về mặt chính thức, Israel đang tấn công phe Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza của Palestine nhằm trả đũa những vụ bắn rốc-két. Tuy nhiên, ai đứng sau hoặc có liên hệ với Hamas và ai là đồng minh của Israel trong cuộc chiến này?

Ai đang thực sự tham chiến ở Gaza?

Các đợt pháo kích của Israel vào Dải Gaza

Cuộc xung đột ở Gaza hiện nay khởi đầu từ vụ 3 học sinh Do Thái bị bắt cóc và sau đó được tìm thấy đã chết hôm 13/6 tại Bờ Tây sông Jordan.

Khi vụ bắt cóc xảy ra, có năm tổ chức Hồi giáo Arập ra tuyên bố nhận trách nhiệm. Những tổ chức này có tên tuổi xa lạ với nhiều người, đó là 1) Dawlat al-Islam, một chi nhánh của lực lượng “Quốc gia Hồi giáo tại Iraq và Trung Ðông; 2) Tiểu đoàn Giải phóng Hebron, một nhóm Palestine mới nổi; 3) Lữ đoàn Thánh chiến Toàn cầu, một nhóm xưng tên lạ hoắc; 4) Lữ đoàn Tử vì đạo Al Aqsa, một lực lượng vũ trang có liên hệ với tổ chức Fatah tại Bờ Tây; 5) sau cùng là Lữ đoàn Hezbollah, một lực lượng vũ trang Hồi giáo thoát thai từ tổ chức Hezbollah tại Liban do Iran và Syria yểm trợ.

Lực lượng thứ sáu là Hamas thì không nhận trách nhiệm mà kêu gọi tiến hành cuộc nổi dậy lần thứ ba chống Israel (Intifada 3). Hamas cũng được Iran và Syria yểm trợ bằng tiền bạc và vũ khí với sự cộng tác của lực lượng Hezbollah ở Liban.

Nhưng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngay từ đầu nhấn mạnh rằng Hamas chủ động vụ việc và tổ chức này phải chịu trách nhiệm mặc dù cảnh sát Israel không biết rõ ai là thủ phạm vì cuộc điều tra chưa có kết luận. Bằng sự khẳng định ấy, Israel bắt giữ hàng trăm người ở Bờ Tây sông Jordan có hoặc bị nghi ngờ liên hệ với Hamas, và mở một chiến dịch không kích nhắm vào một số mục tiêu ở Gaza. Hamas đáp trả bằng cách bắn hàng nghìn quả rốc-két từ Gaza sang Israel và thế là chiến tranh bùng nổ.

Ai đang thực sự tham chiến ở Gaza?

Bản đồ Gaza và các nước trong khu vực

Từ những thông tin trên, ta thấy sự can dự của nhiều quốc gia và tổ chức vũ trang hay chính trị của khuynh hướng Hồi giáo quá khích xung quanh Israel. Tại vùng Trung Ðông, dân Do Thái là thiểu số tuyệt đối giữa một biển người Arập Hồi giáo. Vì vậy, vụ Gaza không đơn giản là cuộc chiến bất cân xứng giữa quốc gia Irael chống lực lượng vũ trang Hamas. Ngoài các tổ chức liên hệ, kể cả những kẻ ném đá giấu tay, nhiều quốc gia khác cũng quan tâm đến Gaza. Sáng 15/7, Chính quyền Ai Cập đề nghị giải pháp ngưng bắn giữa Israel và Hamas. Chính quyền Israel đồng ý và tạm đình chiến, nhưng Hamas từ chối và tiếp tục nã pháo. Chiến tranh tiếp tục. Sau đó, có tin là Chính quyền Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ (theo Hồi giáo) cũng muốn đứng ra dàn xếp. Ai Cập là nước Arập Hồi giáo nhưng lại là đồng minh của Israel. Các tướng lĩnh tại Cairo không yên tâm với việc lực lượng Hamas dùng khu vực Sinai của Ai Cập làm nơi chuyển vũ khí vào Dải Gaza. Nếu các lực lượng Hồi giáo quá khích mà từ Dải Gaza gây loạn vào bán đảo Sinai thì Ai Cập sẽ vất vả. Ngoài Ai Cập, hai nước Hồi giáo chung quanh là Qatar và nhất là Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn mở rộng ảnh hưởng trong khu vực, mà chưa chắc đã được Israel tin tưởng. Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của NATO, và đồng minh của Mỹ, nhưng có những tính toán riêng về quyền lợi và vẫn duy trì quan hệ với Hamas, chẳng khác gì tiểu Vương quốc Qatar.

Trong khi ấy, đồng minh chiến lược nhất của Israel là Mỹ thì bận chuyện khác nên cũng chỉ có thể tuyên bố chung chung theo kiểu nước đôi. Việc chính quyền Barack Obama từ chối can thiệp vào cuộc nội chiến tại Syria từ năm ngoái và còn muốn hòa hợp với Iran khiến chính quyền Israel của Thủ tướng Benyamin Netanyahu không mấy yên tâm.

Các nhà phân tích cho rằng cuộc xung đột giữa Hamas và Israel hiện nay đang là “sân khấu” cho những đối đầu chính trị ở vùng vịnh, và cả những đối đầu về sắc tộc, tôn giáo. Cuộc xung đột là biểu hiện bề ngoài của cuộc tranh giành địa chính trị, địa kinh tế, địa chiến lược giữa các cường quốc trong và ngoài khu vực. Trong bối cảnh đó, cuộc xung đột Israel-Hamas hiện nay rất khó được giải quyết một cách dứt khoát.

 

Nh.Thạch

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc