Bắc Kinh và nỗ lực chặt "mắt xích Seoul"

06:40 | 02/07/2014

1,787 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đánh giá Seoul là mắt xích lỏng lẻo nhất trong nhóm đồng minh Mỹ tại châu Á, Bắc Kinh đang “tấn công” dồn dập Hàn Quốc bằng các kết nối kinh tế sâu rộng. Sự kiện Tập Cận Bình phá lệ công du Hàn Quốc đầu tháng 7-2014 (lần đầu tiên một Chủ tịch Trung Quốc đến Seoul trước, thay vì Bình Nhưỡng) là nét vẽ đậm nét minh họa cho bức tranh quan hệ Trung - Hàn trong bối cảnh mới...

Năng lượng Mới số 335

Kinh tế quyết định chính trị?

Trước hết phải nói về kinh tế. Chưa bao giờ quan hệ kinh tế song phương Trung - Hàn gắn bó bằng lúc này. Trong báo cáo mới công bố của Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và Chiến lược (ISIS, một trong những tổ chức nghiên cứu chính trị uy tín hàng đầu Mỹ) tung ra giữa tháng 6/2014, nhóm tác giả cho biết, dù dư luận Hàn Quốc luôn xem Trung Quốc như một mối đe dọa an ninh, Hàn Quốc đồng thời ngày càng gắn kết sâu với Trung Quốc qua con đường mậu dịch, kinh tế và thậm chí cả văn hóa.

Từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao bình thường năm 1992, mậu dịch song phương đã tăng 35 lần. Năm 2004, Trung Quốc đã qua mặt Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc. Mậu dịch với Trung Quốc năm 2013 chiếm 26% tổng xuất khẩu Hàn Quốc và chắc chắn tiếp tục tăng, khi mà hai nước hiện thảo luận Hiệp định mậu dịch tự do (FTA) với vòng đàm phán mới đây tổ chức vào tháng 3/2014; chưa kể các cuộc đàm phán về Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP - một FTA mà Trung Quốc đóng vai trò “chủ xị” giữa ASEAN và các đối tác FTA khác gồm Úc, Ấn Độ, Nhật, New Zealand…). Hai thập niên trước, chỉ có một chuyến bay giữa Hàn Quốc và Hoa lục; đến năm 2010, đã có 642 chuyến...

Kinh tế quyết định chính trị. Điều này gần như luôn đúng và có phần đang đúng với trường hợp quan hệ ngoại giao Trung - Hàn. Sau khi đắc cử, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã chọn Bắc Kinh là điểm công du thứ hai (sau Mỹ), thay vì đến Nhật theo truyền thống. Cùng đi với Tổng thống Park trong chuyến kinh lý Bắc Kinh tháng 6/2013 là phái đoàn 71 lãnh đạo doanh nghiệp sừng sỏ (trong lần ghé Trung Quốc này, Tổng thống Park đã nói chuyện với sinh viên Đại học Thanh Hoa bằng tiếng Hoa). Trước đó, tháng 1/2013, tướng tổng tham mưu Jung Seung-jo đã hạ cánh xuống Bắc Kinh từ vận tải cơ C-130 để gặp tướng Phùng Phong Huy (cuộc gặp đầu tiên giữa viên chức quân sự cấp cao hai nước trong 5 năm)…

Đâu là điểm yếu nhất trong mắt xích Washington - Tokyo - Seoul khiến Bắc Kinh dồn sức vào chặt bằng cây rìu kinh tế? Đó chính là sự bất thành trong dàn xếp quan hệ Tokyo - Seoul mà trọng tài Mỹ chưa thể giải quyết. Bất hòa Tokyo - Seoul lại có nguồn gốc từ lịch sử - một điểm chung mà Bắc Kinh có thể “chia sẻ” và “đồng cảm” với Seoul. Cho đến nay, sách giáo khoa Hàn Quốc vẫn còn kể lại chuyện nhà Minh từng giúp Triều Tiên chống quân xâm lược Nhật Bản vào năm 1590 của thế kỷ XVI. Cái điểm chung này đã thể hiện nhiều lần mà cụ thể là việc Bắc Kinh đồng ý yêu cầu của Tổng thống Park Geun-hye xây đài tưởng niệm Ahn Jung-geun (tại Trung Quốc), nhân vật ám sát (Thủ tướng Nhật) Hirobumi Ito thời ông cai trị Triều Tiên (từ năm 1905) vào ngày 26/10/1909. Trong gần như tất cả sự kiện dẫn đến tranh cãi Nhật - Hàn, Trung Quốc luôn đứng về phe Seoul.

Hơn nữa, dư luận Hàn Quốc cũng có cái nhìn không mấy thiện cảm với Mỹ. Năm 2002, biểu tình bạo động tại Seoul đã nổ ra khi hai nữ sinh Hàn Quốc bị xe quân đội Mỹ cán phải. Trong suốt một thập niên sau đó, loạt chiến dịch kêu gọi chấm dứt sự có mặt quân đội Mỹ liên tục bùng nổ ở Hàn Quốc. Mở ngoặc thêm, ca sĩ Psy, người tung ra video gây chú ý toàn cầu “Gangnam Style” từng có ca khúc “Người Mỹ đáng yêu” trong đó có đoạn “Giết chết hết bọn Mỹ khốn khiếp…”. Và trong buổi biểu diễn năm 2002, Psy đã đập nát một mô hình xe tăng Mỹ trên sân khấu.

Seoul có thể tin Bắc Kinh?

Bắc Kinh đã lợi dụng tất cả yếu tố trên để lôi kéo Seoul. Và Trung Quốc có thể đã thành công, nếu không vướng Bình Nhưỡng. Tháng 3/2010, tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc bị đánh chìm làm chết 46 thủy thủ. Một ủy ban điều tra quốc tế được lập, trong đó có chuyên gia Thụy Điển và Úc, đã kết luận Cheonan bị Bắc Triều Tiên tấn công. Dư luận quốc tế phản ứng gay gắt. Chỉ có Bắc Kinh lặng im. Và rồi cuối cùng khi phải lên tiếng, Bắc Kinh nói rằng vụ việc còn “chưa rõ ràng” để quy kết Bình Nhưỡng. Và phải đến 5 tuần sau Bắc Kinh mới gửi điện chia buồn đến Seoul.

Sự kiện Cheonan cho thấy lá bài đối ngoại của Bắc Kinh đối với bán đảo Triều Tiên: Trung Quốc luôn muốn duy trì sự chia cắt Nam - Bắc Triều Tiên, để không chỉ sử dụng Bắc Triều Tiên làm vùng đệm chiến lược mà còn dung túng Bình Nhưỡng nhằm có thể giật dây con rối Bình Nhưỡng cho những mục đích cụ thể ở những thời điểm cụ thể. Bắc Triều Tiên và sự hoang dã đến mức sơ khai trong “văn minh chính trị” của họ đã trở thành công cụ đắc dụng trong các cuộc mặc cả “hòa bình khu vực” của Trung Quốc, dù trong thực tế, sự thể hiện đầy tính “ngẫu hứng” một cách quái đản có khi không thể lý giải của Bình Nhưỡng cũng khiến Bắc Kinh đau đầu.

Tháng 10/2010, 6 tháng sau sự kiện Cheonan, Phó chủ tịch Tập Cận Bình đọc một diễn văn trong đó nói rằng cuộc chiến Triều Tiên (1953) là “vĩ đại và chính nghĩa”. Thêm một xác tín cho cái nhìn của Trung Quốc đối với Bình Nhưỡng và thêm một xác tín cho sự hoài nghi nhằm vào Trung Quốc của Seoul.

Tổng thống Park Geun-hye trong chuyến công du Bắc Kinh tháng 6/2013

Tháng 11/2010, Bắc Triều Tiên lại nã pháo vào đảo Yeonpyeong làm chết 4 người Hàn Quốc. Dưới sức ép dư luận, lần này, Bắc Kinh kêu gọi tổ chức cuộc họp 6 bên. Trong quyển The Contest of the Century (2014), tác giả Geoff A. Dyer thuật như sau: do biết Seoul sẽ không tham gia cuộc họp trừ phi Bình Nhưỡng xin lỗi trước, nên Đới Bỉnh Quốc, không hề thông báo và thậm chí không xin visa, đã bất ngờ bay đến Seoul (viên chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc phải vội ra phi trường đón). Trong cuộc gặp với Tổng thống Lee Myung-bak, Đới khăng khăng yêu cầu Hàn Quốc dự cuộc họp 6 bên. Thái độ của Đới khiến Hàn Quốc bất bình và càng làm tăng thêm sự nghi ngờ sự thật tâm Bắc Kinh trong chính sách với Bình Nhưỡng, khi chính họ từng bóng gió rằng họ ủng hộ sự sáp nhập hai miền Nam - Bắc Triều Tiên. Đó chỉ là một cái bẫy thuần túy về chiến thuật ngoại giao. Một bán đảo Triều Tiên thống nhất (kéo theo sự hình thành một quốc gia dân chủ, theo mô hình Hàn Quốc) là một ác mộng của Trung Quốc! Cuối cùng, sự kiện Trung Quốc tuyên bố vùng nhận diện phòng không (ADIZ), trong đó có cả vùng “chồng lấn” không phận Hàn Quốc, vào tháng 11/2013, đã khiến Seoul phải kết luận họ cần phải tỉnh táo trong việc quan hệ Trung Quốc. Bắc Kinh chỉ có thể cầm được tay chứ chưa thể ôm và “sở hữu” người tình Hàn Quốc.

Seoul thật ra không thể liều lĩnh bỏ Mỹ, trên mọi phương diện. Đó là điều chắc chắn. Mọi tương quan với Trung Quốc cho đến thời điểm này vẫn chỉ đặt trên cơ sở quan hệ kinh tế. Hàn Quốc vẫn cần sự hiện diện của 28.000 lính Mỹ để phòng vệ trước Bắc Triều Tiên. Quân đội Hàn Quốc vẫn sử dụng chủ yếu thiết bị quân sự Mỹ (gần đây họ dự tính chi khoảng 8 tỉ USD để mua ít nhất 40 chiến đấu cơ F-35 của Lockheed Martin). Hàn Quốc tiếp tục tập trận thường xuyên với Mỹ...

Seoul “qua lại” với Bắc Kinh là vì hai lý do. Thứ nhất, họ muốn Bắc Kinh giúp kiềm chế sự hoang dã của Bình Nhưỡng; thứ hai, họ muốn… chọc tức Mỹ! Seoul hy vọng Washington sẽ chú ý hơn và phải “đối xử công bằng” với họ như đối với đồng minh Nhật. Washington cho phép Nhật sản xuất hạt nhân trong khi Hàn Quốc bị khước từ là một ví dụ của sự “bất công” như vậy. Washington chia sẻ thông tin tình báo với Úc về Trung Quốc nhưng thường không làm tương tự với Hàn Quốc về Bắc Triều Tiên. Trong một số trường hợp, Washington đã không đếm xỉa Seoul khi muốn nói chuyện với Bình Nhưỡng.

Bộ trưởng quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-jin và tướng Tư lệnh trưởng Quân đội Mỹ tại Hàn Quốc Curtis Scaparrotti

Nói cách khác, chính sách đối ngoại Seoul là chính sách “đồng minh một phần” với Mỹ và “đối tác toàn diện” với Trung Quốc. Sẽ không thể và không bao giờ có chuyện Bắc Kinh lôi được Seoul vào quỹ đạo chính trị của họ. Trong cuộc chơi kiểu này, có phần lá mặt lá trái, khả năng thể hiện sự “tế nhị” là yếu tố hàng đầu. Cho đến nay, Hàn Quốc vẫn chưa đồng ý để Mỹ triển khai hệ thống lá chắn tên lửa hiện đại THAAD (Terminal High-Altitude Area Defense - được thiết kế để bắn hạ tên lửa đạn đạo cách xa 257km ở độ cao khoảng 144 km).

Tháng 10/2013, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-jin từng nói thẳng ra rằng, Hàn Quốc “chắc chắn không tham gia vào hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ”. Có thể thấy, trong bối cảnh đang mở rộng làm ăn với Trung Quốc, Hàn Quốc không thể dễ đi đến quyết định chấp nhận một vấn đề cực kỳ nhạy cảm như hệ thống THAAD. Sự hiện diện một dàn THAAD trên đất Hàn Quốc chắc chắn mang đến vô vàn bất lợi cho Trung Quốc, khi nó không chỉ có thể bắn chặn tên lửa Bắc Triều Tiên, như mục đích bề mặt của nó, mà còn hạ được tên lửa Trung Quốc bắn vào Đài Loan và thậm chí Nhật. Trung Quốc chắc chắn nổi khùng và làm khó Hàn Quốc nếu Seoul mở cửa cho Mỹ đưa dàn đồ chơi khủng THAAD vào lãnh thổ họ. Riêng về điều này, đó cũng lại là một yếu tố để các bên sử dụng làm trò mặc cả. Khi nào THAAD vào được đất Hàn Quốc thì lúc đó có thể kết luận tức thì rằng Seoul đã thật sự xem Trung Quốc là mối đe dọa số một và rằng họ quyết định gạt bỏ tỵ hiềm với Nhật để cùng theo Mỹ chống lại Trung Quốc.

Mạnh Kim