Nhìn từ vụ bắt cóc con tin ở Algeria:

Bảo vệ các cơ sở dầu khí trước nguy cơ khủng bố như thế nào?

07:00 | 23/01/2013

1,203 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Khủng hoảng an ninh và chính trị xảy ra ở những khu vực cung cấp năng lượng chính, từ Trung Ðông đến Bắc Phi, là sự đe dọa bất ngờ và thường xuyên cho nền kinh tế toàn cầu. Giá năng lượng luôn luôn biến động đột ngột trong những tình huống có sự lo ngại về gián đoạn cung cấp như vậy.

Mới đây nhất, vụ phiến loạn Hồi giáo bắt con tin tại một cơ sở khai thác khí đốt ở In Amenas trong vùng sa mạc Sahara và cuộc tấn công giải cứu của quân đội Algeria thể hiện tình trạng bấp bênh nguy hiểm trong việc khai thác năng lượng của các chính quyền, nhà đầu tư, công ty và nhân viên làm việc. Có thể sử dụng tới bao nhiêu nhân lực và làm cách nào bảo đảm an toàn trong tương lai chống lại những hành động khủng bố là bài toán khó tìm ra giải đáp chính xác.

Bảo vệ an ninh cho những cơ sở dầu khí giữa sa mạc mênh mông như thế này là vô cùng khó khăn

Algeria là nước đứng hàng thứ ba về cung cấp khí đốt cho châu Âu và là khu vực hoạt động của nhiều nhóm phiến quân Hồi giáo. Trong số 197 quốc gia trên thế giới, Algeria là nước đứng hàng thứ 21 có nguy hiểm rất cao về hành động bắt cóc, theo lời Anthony Skinner, nhà phân tích thuộc Maplecroft, một cơ quan chuyên nghiên cứu về các tình trạng rủi ro. Ông nói rằng, sau vụ ở cơ sở dầu khí In Amenas, phải duyệt lại toàn bộ các biện pháp an ninh và đạt ra những kế hoạch đối phó mới.

BP, công ty dầu khí của Anh, đã di tản 11 nhân viên ở Algeria về và Satoil của Norway cũng làm như vậy. Hai công ty này hợp tác với Sonatrach của Algeria để khai thác khí đốt tại In Amenas. Công ty Cepsa của Tây Ban Nha mỗi ngày bơm 1,2 triệu thùng dầu thô ở Algeria cũng đã cho nhân viên tạm rút về nước. Con số các con tin người nước ngoài thiệt mạng và mất tích vẫn chưa được rõ nhưng có lẽ không quá cao như tin tức ban đầu.

Anthony Skinner cho rằng một trong những biện pháp cần làm trong tương lai là phải nới rộng chu vi phòng thủ ở các cơ sở năng lượng. Tuy nhiên, để bảo đảm an ninh không hề dễ dàng vì trong vùng sa mạc Bắc Phi không phải chỉ có AQIM (chi nhánh của Al-Qaeda tại Bắc Phi) mà có nhiều nhóm Hồi giáo quá khích khác. Việc vượt qua biên giới từ quốc gia này sang quốc gia khác không có gì khó khăn ở lãnh thổ có rất ít dân cư này. Sau khi chế độ Muanmar Gadhafi bị lật đổ ở Libya, số vũ khí còn lại lọt qua tay các nhóm phiến loạn không ai có thể biết là bao nhiêu nhưng người ta tin rằng trong số đó ngoài vũ khí cá nhân còn có nhiều vũ khí cộng đồng và kể cả tên lửa phòng không.

Cũng theo lời Skinner, chính phủ và các công ty nước ngoài nên thỏa thuận với Algeria về các kế hoạch an ninh. Việc Algeria tự ý đơn phương hành động không thông báo cho bất cứ nước nào như trường hợp vừa xảy ra sẽ đưa đến nhiều rủi ro cần tránh trong tương lai. Mặc dù Thủ tướng Anh David Cameron bày tỏ sự bất mãn vì không được thông báo trước về hành động của quân đội Algeria, lời lẽ phát biểu của ông đã rất kềm chế. Bởi vì một mặt Algeria có tầm quan trọng đặc biệt với Anh và toàn thể châu Âu, một mặt là nguồn cung năng lượng và mặt khác là đối tác chống khủng bố Hồi giáo ở châu Phi.

Dầu khí là nhu cầu hàng đầu cho các quốc gia phát triển công nghiệp và việc khai thác ở nước ngoài rất tốn kém, khó khăn trên nhiều mặt. So sánh giá xăng tại một số quốc gia có thể cho thấy rõ tình hình ấy. Trong khi tại Mỹ, giá xăng hiện nay khoảng trên 3 USD một gallon, thì giá xăng rẻ nhất thế giới là tại Venezuela, trung bình 0,18 USD/gallon, Arập Xêút 0,48 USD, Kuwait 0,84 USD, Algeria 1,2 USD trong lúc tại châu Âu từ 6 đến 48 USD/gallon.

H.Phan