Bất chấp khủng hoảng nợ, EU vẫn đạt giải Nobel Hòa bình

17:26 | 12/10/2012

1,101 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Giải Nobel Hòa bình năm nay đã được trao cho Liên minh châu Âu (EU) vì “đã có hơn 6 thập niên đóng góp cho sự tiến bộ của hòa bình và hòa giải, dân chủ và nhân quyền ở châu Âu”.

Với 27 thành viên hiện tại, EU “đã có hơn 6 thập niên đóng góp cho sự tiến bộ của hòa bình và hòa giải, dân chủ và nhân quyền ở châu Âu”

Được thành lập với Hiệp ước Rome năm 1957 với một cộng đồng gồm 6 quốc gia tìm cách hòa nhập kinh tế hơn nữa, EU hiện đã mở rộng với 27 thành viên, gồm cả những nước Đông Âu được bổ sung từ thời Chiến tranh Lạnh. Đây là giải thưởng mang ý nghĩa khích lệ tinh thần với khối trong cuộc đấu tranh giải quyết khủng hoảng nợ đã đeo bám lục địa già suốt gần 2 năm qua và nhằm ghi nhận những cống hiến cũng như vai trò lịch sử của tổ chức này trong việc thống nhất các quốc gia trong khối, tái thiết một châu Âu tàn tạ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 và truyền bá sự ổn định sau sự sụp đổ của Bức tường Berlin năm 1989.

Sự ghi nhận này còn được thể hiện trong phát biểu của Chủ tịch Ủy ban Nobel Thorbjoern Jagaland tại lễ công bố giải thưởng danh giá này ở Oslo (Na Uy) ngày hôm nay (12/10): EU là một chìa khóa trong việc chuyển đổi châu Âu “từ một lục địa chìm trong chiến tranh thành một lục địa hòa bình phồn vinh trong khoảng thời gian dài”.

Giải thưởng Nobel Hòa bình 2012, trị giá 1,2 tỷ USD, sẽ được trao tại Oslo vào ngày 10/12 tới. Quyết định trao giải cho EU được sự nhất trí của Hội đồng gồm 5 thành viên do Thorbjoern Jagaland làm Chủ tịch. Ông Jagaland đồng thời cũng là Tổng thư ký của Hội đồng châu Âu (EC).

Mỗi năm, Ủy ban Nobel Na Uy gửi hàng nghìn lá thư tới những người đủ tư cách để mời họ chọn ra những nhân vật xứng đáng nhận giải Nobel Hòa bình. Tên những người đề cử chỉ được tiết lộ sau 50 năm song hằng năm Ủy ban Nobel Hòa bình đều công bố số lượng người được đề cử. Năm nay, để giành được giải thưởng danh giá này, EU đã vượt qua 231 ứng cử viên, bao gồm những người bất đồng chính kiến ở Nga và các nhà lãnh đạo tôn giáo đang hoạt động hòa giải Hồi giáo – Ki tô giáo.

Có một điều bất ngờ là chính ở Na Uy, quê hương của giải Nobel Hòa bình, đã 2 lần biểu quyết không gia nhập EU vào năm 1972 và năm 1994, có nhiều người rất thành kiến với EU. Họ nhìn nhận EU như là mối đe dọa đối với chủ quyền quốc gia dân tộc.

Tuy nhiên, Janne Haaland Matlary, Giáo sư Chính trị Quốc tế tại Đại học Oslo, người đã từng hai lần đề cử EU cho giải thưởng danh giá này ca ngợi: “Liên minh châu Âu là người sáng tạo hiệu quả nhất của hòa bình thế giới kể từ khi nó bắt đầu hoạt động với Cộng đồng Than Thép châu Âu trong những năm 1950. Ngày nay, xảy ra xung đột quân sự giữa các thành viên trong Liên minh châu Âu là điều không tưởng tượng được”.


Linh Phương (Theo Nobelprize.org, Reuters)