Bí ẩn về vụ 49 con tin Thổ Nhĩ Kỳ thoát chết từ tay IS

08:59 | 23/09/2014

1,247 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Câu chuyện về 49 người Thổ Nhĩ Kỳ bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bắt cóc ở miền bắc Iraq được hồi hương hôm 20/9, sau 3 tháng giam cầm đang gây ra nhiều tranh cãi về khả năng tiếp tay cho khủng bố của chính quyền Ankara.

Bí ẩn về vụ 49 con tin Thổ Nhĩ Kỳ thoát chết từ tay IS

49 con tin Thổ Nhĩ Kỳ được IS thả tự do một cách bất ngờ

Theo Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, các con tin đã được lực lượng tình báo nước này giải thoát trong một chiến dịch giải cứu bí mật nhưng từ chối tiết lộ chi tiết. Điểm nghi vấn ở đây là Ankara tuyên bố không hề trả tiền chuộc mạng, không có giao tranh với quân IS để cứu con tin, và cũng không có quốc gia thứ 3 nào làm trung gian.

Với những thủ đoạn tàn ác như những gì IS đã chứng minh qua màn chặt đầu các con tin phương Tây, hay tàn sát không nương tay những người thuộc giáo phái khác ở Iraq và Syria, thì lý do mà phía Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra không thuyết phục được dư luận quốc tế.

Còn nữa, khi Mỹ đứng ra thành lập liên minh chống IS thì Thổ Nhĩ Kỳ miễn cưỡng theo nhưng chưa xác định có cho liên minh này dùng không phận để oanh kích quân IS ở Iraq hay không. Lý do được Ankara đưa ra khi đó là họ đang có công dân bị IS bắt giữ, nên nếu nhiệt liệt ủng hộ Mỹ đồng nghĩa với việc các con tin của họ sẽ bị đe dọa. Với lập luận như vậy thì chẳng có lý do gì IS lại thả 49 công dân Thổ Nhĩ Kỳ bởi làm vậy chẳng khác nào hành động tự sát vì khi đó Ankara sẽ toàn tâm toàn ý với Mỹ hơn. Rõ ràng còn một lý do bí mật nào khác trong vụ giải cứu các con tin Thổ Nhĩ Kỳ hôm 20/9.

Thậm chí báo The Independent (Anh) mới đây còn đưa ra nghi vấn rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thông đồng với nhóm IS để chống lại lực lượng người Kurd tại Syria và Iraq. Việc các con tin được trả tự do diễn ra đúng lúc khoảng 70.000 người Kurd tại Syria đã trốn sang biên giới Thổ Nhĩ Kỳ để thoát khỏi sự tấn công của IS nhằm vào khu vực Kobani.

Nhà khoa học chính trị Nuray Mert của Đại học Istanbul cho hay có những nghi vấn về động cơ trong chiến lược của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, ngoài vấn đề con tin, đối phó với IS. "Thậm chí còn không chắc là Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng vấn đề con tin làm cái cớ để không làm gì cả. Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng đánh mất uy tín trong mắt các đồng minh phương Tây trong việc thực thi đủ những biện pháp chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan"- ông Mert nói.

Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức liệt IS vào danh sách những nhóm khủng bố, nhưng Tổng thống Recep Tayyip Erdogan vẫn miễn cưỡng sử dụng danh xưng đó.

Vào cuối tháng 6/2014, ngay sau khi IS chiếm giữ lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Iraq, ông Erdogan cảnh báo giới truyền thông và phe đối lập chính trị Thổ Nhĩ Kỳ chớ tạo áp lực buộc ông đưa ra "những phát biểu khiêu khích liên quan đến nhóm này". Kết quả là Ankara đang bị cáo buộc ngoảnh mặt làm ngơ trước những nỗ lực tuyển mộ chiến binh Nhà nước Hồi giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Erdogan tuần trước giận dữ lên án những cáo buộc này.

Tổng thống Erdogan nói rằng một số cơ quan truyền thông quốc tế tìm cách đánh đồng Thổ Nhĩ Kỳ với khủng bố và khẳng định không có chuyện chính quyền Ankara cung cấp vũ khí và hỗ trợ y tế cho các nhóm khủng bố.

Nhà phân tích Mert nói rằng vì đảng cầm quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ có gốc gác Hồi giáo bảo thủ nên họ cần phải rõ ràng hơn nữa trong lời nói và hành động khi lên án những phần tử của Nhà nước Hồi giáo. Ông nhận định: "Thổ Nhĩ Kỳ miễn cưỡng không muốn bị xem là lớn tiếng chỉ trích bất kỳ phong trào nào, dù tàn bạo hay sao đi nữa, bất cứ điều gì được thực hiện nhân danh đạo Hồi. Vì vậy mà nảy sinh mối ngờ vực. Huống hồ tất cả những lời cáo buộc này, đặc biệt là từ phía người Kurd, nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang giúp một số nhóm cực đoan chống lại đà tiến của người Kurd ở Syria”.

Nh.Thạch

tổng hợp

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc