Bí ẩn vụ “mất tích” của đại sứ Trung Quốc ở Iceland

19:00 | 19/09/2014

1,188 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Báo chí Trung Quốc đang xôn xao về vụ ông Mã Tế Sinh, Đại sứ nước này tại Iceland “mất tích” . Mingjing News – một tờ báo tiếng Trung có trụ sở ở Mỹ phát đi thông tin nói rằng ông Mã và vợ đã bị bắt giữ vì tội làm gián điệp cho Nhật Bản.

Đại sứ Trung Quốc tại Iceland Mã Tế Sinh

Đại sứ Trung Quốc tại Iceland - ông Mã Tế Sinh đã rời nước sở tại vào ngày 27/1/2014 nhưng phía Iceland không được thông báo. Kể từ đó đến nay, ông Mã không hề quay lại. Báo chí Iceland khẳng định đại sứ Mã Tế Sinh đã “mất tích” – một từ ngữ mà ngành ngoại giao Iceland vạn bất đắc dĩ mới sử dụng.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iceland Urdur Gunnarsdottir ngày 17/9 cho biết, chính phủ Iceland đã liên tục đặt câu hỏi, nhưng câu trả lời duy nhất chỉ là ông ta không trở lại nhiệm sở nữa.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Iceland đến giờ vẫn im lặng.

Trong khi đó, tại Bắc Kinh, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói, ông “không có thông tin” về việc ông Mã bị bắt vì làm gián điệp, cũng như nơi ở hiện tại của vợ chồng ông Mã, đồng thời từ chối tiết lộ về người đảm nhiệm công việc đại sứ Trung Quốc tại Iceland hiện nay.

Trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, chỗ dành cho tên đại sứ tại Iceland chỉ là một khoảng trống, được thay bằng ảnh Vạn Lý Trường Thành.

Trước khi tới nhận nhiệm vụ Đại sứ tại Iceland vào tháng 12/2012, ông Mã Tế Sinh, 57 tuổi từng có thời gian làm Vụ trưởng Vụ thông tin của Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ năm 2008-2012. Trước đó, ông Mã đã có 4 năm làm việc tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Nhật Bản.

Trong bài xã luận có tên “Hãy cảnh giác với những chiếc bẫy gián điệp xung quanh chúng ta”, Thời báo Hoàn cầu viết rằng: “Theo báo chí ngoại quốc”, đại sứ Mã Tế Sinh “có thể đã bị Bộ Công an bắt giữ hồi đầu năm nay do bị cáo buộc là đã cung cấp thông tin tình báo cho Nhật Bản”.

Tờ báo có vẻ tin tưởng vào khả năng trên khi nói: “Nếu thông tin này được xác nhận thì Mã Tế Sinh không phải là nhà ngoại giao cao cấp đầu tiên của Trung Quốc bị bắt vì tội làm gián điệp”, đồng thời kêu gọi công khai câu chuyện này trên phương tiện truyền thông như một lời cảnh báo cho những người khác.

Thời báo Hoàn cầu viết tiếp: “Trong những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến những sự cố đáng ghê tởm, trong đó các nhà ngoại giao cao cấp, các sĩ quan quân đội, những nhà nghiên cứu tên tuổi có liên can đến các vụ gián điệp”. Tờ báo nói thêm rằng, Trung Quốc đã phải chịu nhiều thiệt hại về tình báo trong những năm gần đây, đồng thời cảnh báo càng ngày sẽ càng có nhiều kẻ phản bội bị phát hiện nhờ những tiến bộ công nghệ.

Ngoài ra, tờ báo tiếng Anh trực thuộc Nhân dân nhật báo – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc tỏ ý tiếc là nhiều vụ gián điệp đã “không được công khai”, vì việc công bố sẽ “giáo dục nhiều người” thoát khỏi chiếc bẫy gián điệp.

Theo tờ Minh báo (Hongkong), Đại sứ Trung Quốc tại Hàn Quốc là Lý Tân cũng đã bị kết án 7 năm tù giam, sau khi bị bắt vào tháng 12/2006 vì cung cấp các thông tin tình báo cho Seoul. Tại Trung Quốc, tội gián điệp có thể lĩnh mức án cao nhất là tử hình.

Những nghi ngờ liên quan đến hoạt động gián điệp là một vấn đề tế nhị cho mối quan hệ đang căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản do tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông và các vấn đề lịch sử.

Về phía Tokyo, một quan chức chính phủ Nhật Bản nói với Reuters rằng, Nhật Bản sẽ không can dự vấn đề này vì đó là "vấn đề nội bộ của Trung Quốc".

Linh Phương