Thế giới 7 ngày qua

Biển Hoa Đông dậy sóng và “Gió đổi chiều” Obama

09:58 | 22/10/2012

999 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trục căng thẳng Nhật Bản - Trung Quốc - Hàn Quốc và cú lội ngược dòng của Tổng thống Obama là những diễn biến nổi bật tuần qua.

Biển Hoa Đông dậy sóng

Một loạt các động thái căng thẳng mới tại khu vực Đông Bắc Á có nguy cơ thổi bùng những đốm lửa mâu thuẫn trong khu vực.

Hôm 20/10, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết tàu hải giám của Trung Quốc lại xuất hiện gần quần đảo tranh chấp Senkaku, mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, trên Biển Hoa Đông. Đây là lần đầu tiên sau 10 ngày qua, tàu Trung Quốc lại xuất hiện ở khu vực này. Bốn tàu hải giảm của Trung Quốc đi vào vùng biển tiếp giáp gần đảo Uotsuri, đảo lớn nhất của Senkaku/Điếu Ngư. Một tàu ngư chính của Trung Quốc cũng đã xuất hiện khu vực gần đảo Kuba thuộc chuỗi đảo trên.

Lực lượng tuần duyên Nhật Bản cho biết họ đã phát tín hiệu cảnh cáo song một tàu hải giám của Trung Quốc đã đáp lại rằng: "Vùng biển này thuộc chủ quyền của Trung Quốc và chúng tôi đang tiến hành hoạt động hợp pháp". Trước đó, hôm 16/10, 7 tàu chiến Trung Quốc cũng đã đi vào khu vực gần lãnh hải Nhật Bản.

Trong một động thái khơi thêm căng thẳng giữa hai nước, ngày 18/10 hơn 60 nghị sỹ Quốc hội Nhật Bản, trong đó có 2 Bộ  trưởng trong Nội các của Thủ tướng Noda đã đến thăm đền Yasukuni. Trước đó 1 ngày, cựu Thủ tướng Nhật Bản và là Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản ông Shinzo Abe, người được dự đoán có thể sẽ sớm trở lại chiếc ghế Thủ tướng Nhật bản trong kỳ bâu cử hạ viện tới, cũng đã đến thăm ngôi đền gây tranh cãi trên.

Vào hôm 20/10, Quỹ Nhật Bản cũng đã quyết định hủy chương trình thúc đẩy giao lưu quân sự giữa các sĩ quan Nhật Bản và Trung Quốc. Đây là lần thứ 2 chương trình này bị huỷ bỏ, sau sự kiện năm 2010 khi phái đoàn Trung Quốc hoãn chuyến thăm Nhật Bản trong lúc quan hệ hai nước căng thẳng sau vụ va chạm giữa tàu cá Trung Quốc với tàu tuần tra Nhật Bản.

Về phần mình, trong tuần, chiều 16/10, lực lượng bảo vệ bờ biển Hàn Quốc đã đụng độ với tàu cá Trung Quốc trên biển Hoàng Hải làm 1 ngư dân Trung Quốc thiệt mạng. Vụ việc xảy ra khi cảnh sát biển Hàn Quốc đã phát hiện 30 tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép trong vùng biển phía Tây Nam, cách đảo Hong thuộc huyện Shinan của tỉnh Jeolla 90 km. Trong lúc vây bắt tàu cá Trung Quốc xâm phạm trái phép, một ngư dân Trung Quốc 44 tuổi đã bị trúng đạn súng cao su và tử vong.

Trong khi đó, mối quan hệ Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang rất “nóng” với những tranh cãi về chủ quyền hai đảo thuộc quần đảo Takeshima, mà Hàn Quốc gọi là Dokdo. Nhật Bản cho biết sẽ đưa vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Hàn Quốc ra Tòa án Công lý quốc tế.

Những tranh cãi tay 3 Trung quốc-Nhật bản-Hàn quốc, được dự báo sẽ nóng hơn trong những ngày tới. Nguyên nhân vẫn là do xung đột về lợi ích và tham vọng bá chủ của một số quốc gia.

 

Tàu hải giám Trung Quốc ở ngoài khơi quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ngày 20/10

 

CHDCND Triều Tiên, Hàn quốc “hục hặc”

Ngày 20/10, CHDCND Triều Tiên tuyên bố phản đối cam kết của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak bảo vệ Đường ranh giới phía Bắc (NLL) không được Bình Nhưỡng công nhận.

Tuyên bố trên được đưa ra sau chuyến thăm bất ngờ ngày 18/10 của ông Lee Myung-bak tới đảo Yeonpyeong, hòn đảo gần biên giới trên biển Hoàng Hải với CHDCND Triều Tiên, nơi từng xảy ra vụ đấu pháo giữa hai miền hồi tháng 11/2010, làm hai lính thủy đánh bộ và hai dân thường Hàn Quốc thiệt mạng. Đây cũng là khu vực Tổng thống Lee Myung-bak kêu gọi đưa quân đội đến để bảo vệ NLL.

Từ nhiều năm nay, NLL được xem là nguyên nhân gây ra tình trạng xung đột và đối đầu giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Triều Tiên chỉ công nhận đường phân định ranh giới trên biển do phía Bình Nhưỡng định ra ở phía Tây biển Hoàng Hải, không phải NLL. Triều Tiên cho rằng ranh giới này được lực lượng quốc tế do Mỹ cầm đầu đơn phương hoạch định sau cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953. Triều Tiên yêu cầu hai bên định ra một đường ranh giới mới nằm ở khu vực phía Nam xa hơn.


 

Căng thẳng tại Lebanon sau vụ đánh bom liều chết khiến hơn 100 người chết và bị thương.

Ngày 20/10, nội các Lebanon đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp trong bối cảnh người biểu tình rầm rộ khắp cả nước phản đối vụ đánh bom tại trung tâm thủ đô Beirus hôm 19/10.

Các bộ trưởng đã thảo luận về tác động của vụ đánh bom, sau khi các nhóm đối lập kêu gọi chính phủ và Thủ tướng Najib Mikati từ chức. Tuy nhiên Tổng thống Michel Sleiman đã đề nghị ông Mikati tiếp tục tại vị vì vụ tấn công vừa qua không phải là một vụ việc cá nhân mà là vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia.

Ngày 20/10 cũng được tuyên bố là ngày quốc tang ở Lebanon. Được biết ông Hassan sẽ được chôn cất bên cạnh cựu Thủ tướng Rafiq Hariri, người cũng thiệt mạng trong một vụ đánh bom xe cách đây 7 năm. Phe đối lập, do con trai ông Hariri là Saad Hariri đứng đầu, đã kêu gọi biểu tình trong ngày quốc tang. Những người biểu tình đã chặn mọi ngả đường vào Beirus, Sidon ở miền Nam và nhiều thành phố lớn.

Trước đó, tại thủ đô Beirus (Lebanon), ngày 19/10 đã xảy ra một vụ đánh bom xe kinh hoàng khiến ít nhất 8 người thiệt mạng và khoảng 96 người bị thương. Chưa rõ liệu vụ nổ có nhằm vào nhân vật chính trị nào trong các cộng đồng Lebanon hay không, song vụ việc xảy ra vào thời điểm căng thẳng gia tăng giữa các phe phái ở Lebanon ủng hộ và chống đối chính quyền của Tổng thống Al Assad.

Trong số những người thiệt mạng có tướng Al Hassan, người đã phát hiện một âm mưu đánh bom mới đây dẫn tới vụ bắt giữ một chính trị gia người Lebanon thân chính phủ Syria.  

Tướng Al Hassan là người có quan hệ thân thiết với cựu Thủ tướng Lebanon Saad Hariri, hiện là thủ lĩnh phe đối lập và có thái độ thù địch với chế độ ở nước láng giềng Syria. Ngay sau khi xảy ra vụ nổ, ông Hariri và một thủ lĩnh đối lập khác đã lên tiếng cáo buộc Tổng thống Syria Al Assad gây ra vụ ám sát nhân vật chính trị này.

         

Cảnh sát dọn dẹp hiện trường vụ nổ - Nguồn: AFP

 

Không tìm thấy sự dính líu của Al Qaeda trong vụ tấn công Lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi.

Tờ Thời báo Los Angeles ngày 19/10 cho biết không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda đứng sau vụ tấn công đẫm máu hồi tháng Tám vào Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Benghazi của Libya.

Tờ Thời báo Los Angeles dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên và các nhân chứng cho rằng vụ tấn công được thực hiện một cách không có tổ chức và không được lên kế hoạch từ trước. Vụ tấn công đã làm Đại sứ Mỹ Christopher Stevens cùng ba nhân viên ngoại giao Mỹ thiệt mạng, sau khi đoạn giới thiệu một bộ phim có nội dung xúc phạm đạo Hồi được phát tán trên mạng Internet.

Phát biểu một năm sau ngày cựu lãnh đạo Moamer Kadhafi bị lật đổ, ngày 20/10, Chủ tịch Quốc hội Libya Mohammed Megaryef cho biết nhiều khu vực ở nước này hiện vẫn chưa được "hoàn toàn giải phóng". Ông Megaryef cho rằng sự chậm trễ trong việc thiết lập lại cơ quan tư pháp đã ảnh hưởng xấu đến quá trình hòa giải dân tộc, gây bất đồng và căng thẳng trong xã hội, và càng làm lan rộng các hành vi bạo loạn, mất trật tự, tham nhũng và quản lý yếu kém của các cơ quan chính phủ.


Tòa nhà Lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi tan hoang sau vụ tấn công - Ảnh: Reuters

 

“Gió đổi chiều” có lợi cho ông Obama

“Tổng thống Barack Obama đã chiếm được ưu thế, gỡ hòa trước đối thủ của đảng Cộng hòa, cựu Thống đốc Mitt Romney”. Đó là nhận xét chung của các phương tiện truyền thông ở Mỹ sau cuộc tranh luận ngày 17/10.

Kết quả thăm dò công bố ngày 17/10 của CNN/ORC International cho biết có 46% số cử tri theo dõi cuộc tranh luận cho rằng ông Obama giành thế áp đảo trong cuộc tranh luận tối 16/10 so với 39% số ý kiến "bỏ phiếu" cho ông Mitt Romney. Tuy nhiên, có gần một nửa trong 457 cử tri được hỏi ý kiến nói rằng kết quả cuộc tranh luận chưa làm họ ngả hẳn sang việc lựa chọn một ứng cử viên cụ thể. Hơn 60% số người được hỏi nói rằng ông chủ đương nhiệm của Nhà Trắng đã có một buổi "trình diễn" tốt hơn họ mong đợi.

Ông Obama dẫn đối thủ Cộng hòa với tỷ lệ 47%-41% về lòng tin, nhưng vị cựu Thống đốc lại chiếm ưu thế trong các phương án thúc đẩy phát triển kinh tế, cải cách bộ luật thuế và cắt giảm thâm hụt ngân sách.

Tuy nhiên, một xu thế không thuận đối với nỗ lực tái tranh cử của ông Obama là, theo thăm dò cùng ngày của Gallup, ở thời điểm ngay sau cuộc tranh luận lần thứ hai, ông Mitt Romney đang tạm dẫn ông Obama với tỷ lệ 51%-45% trên phạm vi toàn quốc. Đây là mức dẫn điểm chênh lệch lớn nhất của ông Mitt Romney trước đối thủ kể từ sau cuộc tranh luận đầu tiên. Kết quả thăm dò này chưa bị tác động bởi kết quả cuộc tranh luận lần thứ hai.

Trước đó, ngày 16/10, hai cuộc thăm dò của Politico/George Washington University và Washington Post/ABC News cho biết ông Obama dẫn ông Mitt Romney với các tỷ lệ tương ứng 49%-48% và 49%-46%.

Tuy nhiên, kết quả cuộc tranh luận vẫn chưa tác động nhiều tới thái độ của cử tri, do vậy sự ủng hộ của cử tri dành cho hai ứng cử viên vẫn ở trạng thái giằng co sát nút.


 Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Mitt Romney (trái) và đương kim Tổng thống Mỹ
Barack Obama tham gia cuộc tranh luận trực tiếp lần thứ hai ngày 16/10 - Ảnh: Reuters

 

Căng thẳng ngoại giao Venezuela-Paragoay

Ngày 19/10, Ngoại trưởng Paragoay José Félix Fernández Estigarribia xác nhận Venezuela đã tạm đình chỉ hiệp định về miễn thị thực giữa hai nước sau khi đề nghị các nhà ngoại giao Paragoay rút khỏi Caracas.

Quyết định trên được Bộ Ngoại giao Venezuela thông báo cho Đại sứ quán Paragoay ở Caracas trong một công hàm gửi hôm 17/10. Đây là trả lời chính thức bằng văn bản về việc trước đó Caracas thông báo tất cả các nhân viên ngoại giao tại Đại sứ quán Paragoay phải rời Venezuela trong vòng 72 giờ theo “nguyên tắc đồng đẳng”.

Venezuela là một trong những nước đầu tiên rút đại sứ tại Paragoay sau vụ xét xử chính trị đối với Tổng thống Fernando Lugo tháng 6 vừa qua, bị Caracas coi là một cuộc đảo chính nghị viện. Tiếp đó Caracas rút toàn bộ nhân viên sứ quán vì chính phủ mới tại Paragoay ngày 4/7 tuyên bố Ngoại trưởng Nicolás Maduro, người vừa được bổ nhiệm Phó Tổng thống nhưng tiếp tục lãnh đạo ngành ngoại giao, là nhân vật “không được hoan nghênh” sau khi vu cáo ông kêu gọi giới quân sự đứng lên bảo vệ Tổng thống bị lật đổ Lugo hôm xảy ra vụ xét xử chính trị (ngày 22/6).

Sau vụ đảo chính, Paragoay bị đình chỉ tư cách tại Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) và khối này nhanh chóng kết nạp Venezuela làm thành viên chính thức hôm 31/7, sự kiện được Caracas chờ từ năm 2006- thời điểm Venezuela ký nghị định thư gia nhập khối này nhưng Quốc hội Paragoay do cánh hữu kiểm soát không phê chuẩn trong khi cơ quan lập pháp các nước thành viên khác đã hoàn thành thủ tục này.

Đại biện của Paraguay tại Venezuela Victor Casartelli hôm 17/10 cho biết, chính phủ Venezuela vừa yêu cầu các quan chức ngoại giao Paraguay ở Caracas rời khỏi nước này

Bất đồng sau khởi động đàm phán

Cuộc đàm phán hòa bình chính thức giữa Chính phủ Colombia và đại diện Lực lượng Vũ trang cách mạng Colombia (FARC) khai mạc ngày 18/10 tại thủ đô Oslo của Na Uy đã xuất hiện những bất đồng khi các quan chức Colombia bác bỏ đề xuất của lực lượng này đưa vấn đề cải tổ cơ cấu nhà nước và mô hình kinh tế ra thảo luận.

Phát biểu tại lễ khai mạc, trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Colombia - cựu Phó Tổng thống Humberto de la Calle khẳng định sẽ không thảo luận về mô hình kinh tế cũng như đầu tư nước ngoài, bởi các vấn đề này không nằm trong chương trình nghị sự đã được thỏa thuận trước đó. Ông Calle cảnh báo sẽ không có một thỏa thuận ngừng bắn cho tới khi hai bên đạt được một thỏa thuận hòa bình toàn diện.

Trong một động thái đáp trả, trưởng đoàn đàm phán của FARC Ivan Marquez khẳng định hòa bình không đồng nghĩa với "im tiếng súng". Ông Marquez nhấn mạnh để có hòa bình thì cần phải cải tổ cơ cấu Nhà nước và hệ thống kinh tế, vì bất kể có hay không có đấu tranh vũ trang, tình trạng bạo lực và xung đột sẽ tiếp diễn nếu chính phủ tiếp tục chính sách hiện nay.

Đây là cuộc đối thoại trực tiếp đầu tiên giữa Chính phủ Colombia và FARC trong vòng 10 năm qua và là cuộc đối thoại mà dư luận hy vọng sẽ mang lại thành công nhiều nhất nhằm chấm dứt gần nửa thế kỷ xung đột vũ trang ở nước này. Tuy nhiên, với những bất đồng tồn tại, hai bên chỉ nhất trí sớm nối lại đàm phán hòa bình, dự kiến vào ngày 15/11 tới tại thủ đô La Habana của Cuba.

 

Nhóm du kích cánh tả Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) - Nguồn: Reuters

 

Hội nghị thượng đỉnh EU đạt kết quả khiêm tốn

Hội nghị thượng đỉnh mùa Thu của Liên minh châu Âu (EU) ngày 18-19/10, đã kết thúc với những động thái tỏ rõ quyết tâm của các nhà lãnh đạo EU sẽ hành động cương quyết để giải quyết tình trạng căng thẳng trên thị trường tài chính, khôi phục lòng tin và khuyến khích tăng trưởng cũng như việc làm.

Cùng với việc đưa ra một báo cáo sơ bộ về Liên minh Kinh tế và Tiền tệ, Hội đồng châu Âu đã kêu gọi có sự phối hợp để xúc tiến các đề xuất về Cơ chế Giám sát Chung (SSM) như một vấn đề ưu tiên với mục tiêu đạt được sự nhất trí về khuôn khổ pháp lý cho cơ chế mới vào ngày 1/1/2013.  

Người phát ngôn Ủy ban châu Âu (EC) Olivier Bailly cho biết trong khuôn khổ Liên minh Ngân hàng, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ thực hiện việc giám sát toàn bộ 6.000 ngân hàng thuộc Khu vực đồng Eurozone kể từ đầu năm 2014. Cơ chế giám sát chung này sẽ vận hành song song với ESM, quĩ cứu trợ khủng hoảng của Eurozone, và chỉ khi cơ chế giám sát chung này đi vào hoạt động, ESM mới được phép tái cấp vốn trực tiếp cho các ngân hàng trong hệ thống nhằm tránh gánh nặng nợ tại mỗi nước thành viên.

Phát biểu tại cuộc họp báo kết thúc hội nghị, Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barroso thông báo những đề xuất cho một thỏa thuận về thuế giao dịch tài chính, đã được 11 nước quyết định xúc tiến nhằm tạo ra một thể chế "tăng cường hợp tác", sẽ được đệ trình ngay trong tuần tới.

Tuy nhiên, bất đồng vẫn hiện diện trong nội bộ EU khi Đức và Pháp tiếp tục phân rẽ về cách thức thực hiện cơ chế mới này.

       

Sau Hy Lạp, người Tây Ban Nha xuống đường vì khủng hoảng nợ công và chính sách "thắt lưng buộc bụng" của chính phủ

 

The Rolling Stones tái xuất kỷ niệm 50 năm ca hát

Nhóm nhạc rock huyền thoại xứ sở Sương mù "The Rolling Stones" vừa cho biết họ sẽ tái xuất tại Anh và Mỹ với hơn 70 ca khúc đã làm nên tên tuổi của ban nhạc này, nhằm kỷ niệm chặng đường 50 năm ca hát.

"The Rolling Stones"  sẽ trình diễn có hai đêm (25 và 29/11) tại sân khấu O2 của thủ đô London (Anh) và hai đêm (13 và 15/12) tại tổ hợp thể thao Prudential Center ở thành phố New York (Mỹ). Tuy nhiên, giá vé cho 4 đêm diễn này không hề rẻ. Nếu mua vé qua mạng Internet, giá vé lên tới hơn 13.000 bảng Anh (tương đương 21.000 USD)/1 vé. Còn tại Anh, vé cho các đêm biểu diễn sẽ được bán rộng rãi bắt đầu từ ngày 19/10, nếu thanh toán bằng thẻ, giá vé sẽ được ưu đãi hơn với 406 bảng Anh (tương đương 656 USD)/vé.

Ban nhạc "The Rolling Stones" là một ban nhạc Anh, được thành lập tại Luân Đôn từ năm 1962. Ban nhạc đã phát hành 55 album tác phẩm gốc và biên tập và đã có 37 lần lọt vào top 10 đĩa đơn. Họ đã bán được hơn 200 triệu album trên khắp thế giới. Từ năm 2002, "The Rolling Stones" được đưa vào danh sách "50 ban nhạc bạn nên xem trước khi chết!".


The Rolling Stones

 

Hồ Điệp (Tổng hợp)