Cần "cài đặt" lại quan hệ Nga - Mỹ

14:29 | 30/09/2014

1,661 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa “liệt” Nga vào vị trí thứ hai trong danh sách các mối đe dọa trên thế giới, ngay sau virus Ebola và trước Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Bất chấp thái độ thù địch này, Nga vẫn chìa nhành ôliu cho Mỹ.

Mỹ lại gắp lửa bỏ tay người

Tổng thống Obama “liệt” Nga vào hàng thứ 2 trong danh sách các mối đe dọa toàn cầu

Phát biểu trước Đại hồi đồng LHQ ngày 25/9, Tổng thống Mỹ Obama kêu gọi các đồng minh đoàn kết để chống lại 3 mối đe dọa toàn cầu gồm: virus Ebola, Nga và Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở Iraq và Syria. Lý giải cho việc xếp Nga vào danh sách này, Obama nói rằng vì “Nga xâm lăng châu Âu".

Phản bác trước phát biểu này, Ngoại trưởng Nga nói Mỹ không nên tìm đủ mọi cách đổ trách nhiệm cho người khác. Ông Lavrov nói: “Bài phát biểu của Tổng thống Mỹ là cái nhìn của người Mỹ về thế giới. Đó là quan điểm của một nước có học thuyết an ninh quốc gia bất chấp nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ hoặc các công cụ pháp lý quốc tế khác để có thể sử dụng vũ lực tùy theo ý họ. Theo ý kiến ​​của tôi, đó không phải là bài phát biểu của một “sứ giả hòa bình””.

Bài phát biểu của Tổng thống Barack Obama đã được dựa trên sự khẳng định rằng thế giới đã trở nên tự do hơn nhiều và an toàn hơn. Tuy nhiên, tại châu Âu, cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn đã diễn ra tại Ukraina khiến hàng ngàn người chết và hàng trăm ngàn người khác phải rời bỏ nhà cửa ra đi. Tại Trung Đông, chủ nghĩa cực đoan đang lan tràn, đất nước đang sụp đổ. Bọn khủng bố bắt giữ công dân của các quốc gia khác nhau, trong đó có công dân Mỹ và đưa ra hành quyết công khai. Vậy mà Tổng thống Mỹ lại khẳng định với cộng đồng quốc tế rằng cuộc sống hiện nay đang trở nên tốt đẹp hơn.

Các nghiên cứu quốc tế uy tín, bao gồm cả nghiên cứu của Rand Corporation ở Mỹ về khủng bố hiện đại, cho thấy trong những năm gần đây đã có sự đột biến đe dọa khủng bố và số lượng những người đang chiến đấu trong hàng ngũ Al Qaeda và các tổ chức khủng bố khác tăng lên rất nhiều. Người ta ước tính rằng sau khi Mỹ bắt đầu chiến dịch chống khủng bố vào năm 2001, số lượng những kẻ khủng bố trên thế giới đã tăng gấp 50 lần. Số lượng các cuộc tấn công cũng tăng lên ở mức tương tự như vậy. Tất nhiên, điều đó không xảy ra ở Mỹ, mà ở hầu hết tất cả các nước Trung Đông. Rõ ràng thế giới không hề trở nên an toàn hơn.

Những gì được sử dụng để nhắm vào các đối tượng trong nước, bây giờ Mỹ mang ra áp dụng với cộng đồng quốc tế. Bởi vì làm sao mà Tổng thống Obama có thể thuyết phục thế giới về sự cần thiết phải tiến hành 7 cuộc chiến tranh ở nước ngoài trong 7 năm nhiệm kỳ tổng thống của mình? Người đứng đầu phái đoàn thường trực của Hội đồng Liên bang Nga tại Quốc hội châu Âu, Andrei Klimov nhấn mạnh: “Đây quả là một sự nhạo báng. Tôi không thể nói rằng ông Obama là một người không thạo tin tức. Nhưng nếu như ông ấy chỉ trắng mà nói rằng đen, và ngược lại là điều không chấp nhận được. Trong mọi trường hợp, số lượng các cuộc chiến diễn ra trên lãnh thổ các quốc gia có chủ quyền trong giai đoạn ông Obama làm Tổng thống Mỹ, đúng bằng với số năm ông ấy lãnh đạo. Phải nhớ là trước hết Mỹ có liên quan đến việc phá hoại cấu trúc nhà nước, tạo ra sự hỗn loạn, rồi sau đó dúi súng vào tay bất cứ ai, rốt cuộc Mỹ lại chiến đấu với những kẻ được chính Mỹ trang bị vũ khí. Nhìn chung, chính Mỹ đã đưa tình hình đến mức vô lý”.

Bất chấp sự thù địch của phương Tây, nước Nga vẫn đưa ra chính sách hiếu hòa. Trả lời đài truyền hình Nga Channel 5 ngày 28/9, Ngoại trưởng Sergei Lavrov cho rằng cần “khởi động lại” quan hệ giữa Moskva Washington để hàn gắn mối quan hệ song phương giữa hai nước vốn đã bị hư hại bởi một loạt các cuộc đối đầu gần đây giữa hai nước về vấn đề Ukraina. Ông Lavrov nói: “Chúng tôi rất quan tâm đến việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ mặc dù Nga không phải là nước gây hại tới mối quan hệ này”.

Theo Ngoại trưởng Lavrov, sự cài đặt lại (cụm từ lần đầu tiên được Mỹ sử dụng để nói đến việc cải thiện quan hệ Nga-Mỹ đầu nhiệm kỳ thứ nhất của Tổng thống Obama) mối quan hệ Nga – Mỹ lần này sẽ là sự cài đặt phiên bản 2.0, trong bối cảnh nỗ lực cài đặt trước đó nhằm cải thiện quan hệ song phương vốn bị hủy hoại do hàng loạt vụ đối đầu giữa Nga và Mỹ thời gian gần đây liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraina. Ông Lavrov cũng khẳng định vị thế của nước Nga khi cho rằng mặc dù chịu sự cấm vận từ phương Tây, nhưng Nga không cảm thấy bị cô lập, và những trắc trở trong mối quan hệ này sẽ đi đến hồi kết. Ngoại trưởng Nga cho biết: “Chúng tôi không mong muốn tiếp tục cuộc chiến cấm vận này và chúng tôi cũng sẽ không gây khó khăn cho bất kỳ ai như những gì các nước khác đã làm khi họ sử dụng các biện pháp cưỡng chế đối với chúng tôi”.

Nói về tình hình ở Ukraina, ông Lavrov nhấn mạnh rằng trong hành động của mình, Nga sẽ không thích ứng theo sự đòi hỏi của Mỹ. Ông cho hay, phía Mỹ đã nhiều lần đề xuất một số tiêu chí cho phép gỡ bỏ biện pháp trừng phạt. "Chúng tôi sẽ không làm như vậy. Chúng tôi sẽ không thay đổi quan điểm. Chúng tôi tin rằng lập trường đó là trung thực. Trước hết, chúng tôi nghĩ tới nhân dân Ukraina. Chúng tôi sẽ làm tất cả trong khả năng của mình để tạo thuận lợi cho việc thực hiện các thoả thuận ở Minsk, Belarus"- ITAR-TASS trích lời Bộ trưởng Nga. Ông Lavrov nói thêm, Nga làm như vậy vì sự gần gũi với nhân dân Ukraina, chứ không nhằm làm hài lòng "ai đó bên kia đại dương".

Đây không phải là lần đầu nước Nga phát đi tín hiệu hòa giải với các nước phương Tây. Ngày 14/8, Tổng thống Putin đã có bài phát biểu quan trọng tại quốc hội Crưm nhân chuyến thăm lần thứ hai của ông tới đây kể từ khi bán đảo này sáp nhập vào Nga. Theo các phương tiện truyền thông châu Âu và Mỹ, bài phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin chứng tỏ rằng Nga không tìm cách đối đầu với phương Tây. Tờ The Wall Street Journal của Mỹ viết: “Bài phát biểu “kiềm chế” của ông Putin ở Crưm và việc viện trợ nhân đạo cho nhân dân đông Ukraina là nỗ lực của Nga để chứng tỏ mong muốn hòa bình hơn nữa”. Theo The Wall Street Journal, trong chuyến thăm Crưm, Tổng thống Nga cho hay ông không muốn "đối đầu với phương Tây" và rằng Nga sẽ làm mọi điều trong quyền hạn của mình để ngăn chặn cuộc xung đột ở đông Ukraina. Tuyên bố “kiềm chế” của Tổng thống Putin đánh dấu "sự thay đổi trong giai điệu" của nguyên thủ Nga. Bài báo của The Wall Street Journal nói rằng bài phát biểu này khác với các tuyên bố gần đây của nhà lãnh đạo Nga, trong đó ông chỉ trích gay gắt Mỹ và châu Âu đã "kích động cuộc đối đầu" ở Ukraina.

Thực ra theo giới phân tích việc Nga phát đi tín hiệu hòa giải với phương Tây thời điểm này là “không phải lúc”, nó mang ý nghĩa chính trị hơn là thực tiễn. Bởi lẽ quan hệ giữa Nga và phương Tây đang ở vào thời kỳ căng thẳng nhất kể từ sau chiến tranh lạnh đến nay. Thái độ thù địch của Mỹ với Nga chưa hề suy giảm.

Nh.Thạch

tổng hợp

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc