Căng thẳng tranh chấp lãnh thổ che mờ hội nghị APEC

17:42 | 06/09/2012

1,173 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Các nhà lãnh đạo của khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ tề tựu về vùng Viễn Đông Nga vào cuối tuần này để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh thường niên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại. Tuy nhiên, các bất đồng về lãnh thổ và các căng thẳng khác trong khu vực có thể sẽ phủ bóng đen lên sự kiện này.

 

Hội nghị APEC 2012 được tổ chức tại thành phố Vladivostock của Nga

Hội nghị Thượng đỉnh thường niên APEC được tổ chức là nhằm mục đích dỡ bỏ các rào cản thương mại và thúc đẩy sự hội nhập của 21 nền kinh tế nằm khắp Vành đai Thái Bình Dương, kéo dài từ Trung Quốc tới Chile qua Mỹ. Tuy nhiên, hội nghị APEC năm nay - được tổ chức tại thành phố Vladivostok (trước đây là một thành phố cảng quân sự) của Nga - sẽ diễn ra trong bối cảnh các căng thẳng đang tái bùng lên giữa các thành viên APEC là Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc do các tranh chấp lãnh thổ kéo dài hàng thập kỷ qua giữa ba nước này. Trung Quốc cũng đang vướng vào các vụ tranh cãi với các thành viên APEC khác là Việt Nam và Philippines về các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Bắc Kinh đang ngày càng thể hiện sự "khó chịu" với những gì mà họ coi là các nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn cản sự trỗi dậy của họ trên toàn cầu. Bắc Kinh cho rằng chuyến công du châu Á mới đây nhất của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã cho thấy rõ các nỗ lực này của Mỹ.

Các nhà phân tích cho rằng những bất đồng này có thể sẽ gây ảnh hưởng tới việc xúc tiến thương mại tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC lần này của các nhà lãnh đạo châu Á-Thái Bình Dương (diễn ra trong hai ngày 8-9/9), cho dù họ tin tưởng rằng những bên có liên quan sẽ cố gắng hết sức để đảm bảo chương trình nghị sự của Hội nghị được thúc đẩy.  

Trao đổi với AFP, Deborah K. Elms - Giám đốc Trung tâm Thương mại và Đàm phán Temasek thuộc trường Đại học Công nghệ Nanyan ở Singapore - nói: "Các căng thẳng này chắc chắn sẽ khiến các cuộc họp chính thức kém phần thân thiện và nồng ấm. Tuy nhiên, tôi cho rằng không có quốc gia nào lại muốn các vấn đề liên quan tới lãnh thổ hiện nay lan sang lĩnh vực kinh tế tại thời điểm này và làm 'lệch hướng' chương trình nghị sự của APEC".

Các nhân vật then chốt trong Hội nghị Thượng đỉnh lần nay sẽ gồm có Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda. Bà Clinton sẽ đại diện cho Tổng thống Mỹ Barack Obama - người không thể tham dự bởi ông đang vận động tranh cử.

Được biết tại Hội nghị Thượng đỉnh lần này, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ vượt ra khỏi chương trình nghị sự chính thức để thảo luận về các vấn đề địa-chính trị cấp thiết, nhất là ở bên lề hội nghị, khi họ có cơ hội để tiến hành các cuộc gặp mặt trực tiếp. Song các nguồn tin Nga cho biết ít có khả năng diễn ra cuộc gặp song phương của các lãnh đạo Nhật -Trung-Hàn bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC.

Muhamad Noor, Giám đốc Điều hành APEC, nói: "Các nhà lãnh đạo có quyền được thảo luận với nhau về những chủ đề mà họ coi là quan trọng và thích đáng". Ông cho rằng các cuộc hội đàm chính thức của Hội nghị Thượng đỉnh sẽ tập trung vào việc đẩy mạnh quá trình tự do hóa thương mại, trong đó có việc cắt giảm thuế quan đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường, và đảm bảo hoạt động sản xuất lương thực được ổn định nhằm ngăn chặn tình trạng giá cả tăng cao.

Nhấn mạnh tới tình trạng ngưng trệ trong công nghiệp do trận động đất và sóng thần hồi năm 2011 ở Nhật Bản và các trận lũ lụt ở Thái Lan, ông Muhamad Noor nói rằng các quan chức cũng sẽ thảo luận về các biện pháp nhằm làm giảm thiểu tác động của thiên tai đối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông cho biết thuế quan bình quân ở các thành viên APEC đang ở dưới mức 6,0%, giảm so với 17% trong năm 1989 - thời điểm tổ chức này được thành lập, và các quan chức đang tập trung vào việc dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC hồi năm ngoái diễn ra tại Hawaii, Tổng thống Mỹ B.Obama đã đề xuất hình thành khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương, được gọi là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Kể từ đó, đã có một số tiến triển đạt được về TPP, với số quốc gia chính thức gia nhập TPP lên tới 11 nước. TPP không nằm trong chương trình nghị sự chính thức của Hội nghị Thượng đỉnh APEC năm nay, song các cuộc thảo luận về TPP có thể sẽ được tổ chức bên lề hội nghị năm nay.  

Còn với Hội nghị Thượng đỉnh APEC lần này diễn ra ở Vladivostok, Tổng thống Nga Putin hy vọng đây sẽ là dịp để thể hiện các tham vọng của Nga muốn trở thành nhân tố chủ chốt của Thái Bình Dương, trong khi cũng muốn "tiếp lại sức sống" cho Vladivostok  - tiền đồn ở vùng hẻo lánh của Nga. Tuy nhiên, các nỗ lực "làm sống lại" Vladivostok đang bị cản trở bởi các vấn đề như chi phí quá cao, xây dựng kém chất lượng và những chỉ trích về sự quy hoạch yếu kém.

S.Phương (Theo AP)