Chân dung các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc

10:43 | 16/11/2012

2,623 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Các thành viên Bộ Chính trị Trung Quốc đã ra mắt hôm qua (15/11), giảm từ 9 người xuống còn 7 người như đã dự đoán. Ông Tập Cận Bình trở thành Tổng bí thư và ông Lý Khắc Cường trở thành Thủ tướng mới của Trung Quốc.

>> Ông Tập Cận Bình làm Tổng bí thư, chủ tịch quân ủy

>> TÂN TỔNG BÍ THƯ ĐCS TRUNG QUỐC TẬP CẬN BÌNH: 'Một chân dung chính trị' và 'con người của sự đồng thuận'

>> Gia đình ông Tập Cận Bình từng bị bức hại trong Đại cách mạng văn hóa như thế nào?

 

Tổng bí thư Tập Cận Bình

Ông Tập Cận Bình, 59 tuổi, con của ông Tập Trọng Huân, Phó Chủ tịch Quốc hội và Phó Thủ tướng Trung Quốc trước đây.

Ông Tập Cận Bình đặc biệt quan tâm đến sự phát triển của khu vực tư nhân. Ông cũng muốn đẩy mạnh tự do hóa thị trường đối với mảng đầu tư nước ngoài đồng thời muốn phát triển Thượng Hải thành trung tâm tài chính và thương mại hàng đầu thế giới.

Ông là một nhà cải cách theo hướng thận trọng, từng giữ vai trò lãnh đạo các tỉnh Phúc Kiến và Chiết Giang, những tỉnh đi đầu về cải cách kinh tế tại Trung Quốc.

Thủ tướng Lý Khắc Cường

Ông Lý Khắc Cường, 57 tuổi, từng là sinh viên luật tại Đại học Bắc Kinh hồi đầu năm 1978.

Ông xuất thân từ tỉnh An Huy, một tỉnh miền Đông Trung Quốc, là con trai của một quan chức địa phương. Ông có bằng thạc sĩ Luật và tiến sĩ Kinh tế.

Lý Khắc Cường tiến thân theo con đường của Đoàn thanh niên. Năm 1983, ông tham gia vào Ban bí thư Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản do Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đứng đầu.

Ông chú trọng đẩy mạnh phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, các chương trình chăm sóc sức khỏe cơ bản và phúc lợi xã hội. Ông cũng ủng hộ phát triển năng lượng sạch. Ông cũng là một nhà cải cách theo hướng thận trọng.

Trương Đức Giang

Ông Trương Đức Giang, 65 tuổi, được thăng tiến sau khi thay thế Bạc Hy Lai trở thành Bí thư tỉnh ủy Trùng Khánh. Ông là phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực công nghiệp.

Ông là người thân cận của cựu chủ tịch Giang Trach Dân, người vẫn còn ảnh hưởng đến chính trường Trung Quốc. Trương Đức Giang là người theo chủ nghĩa bảo thủ.

Du Chính Thanh

Ông Du Chính Thanh, 67 tuổi, hiện là Bí thư thành ủy Thượng Hải. Sự nghiệp chính trị của ông lên cao vào những năm 1980 cho đến khi anh trai của ông bị dính dáng tới pháp luật.

Ông có mối quan hệ gần gũi với con trai cả của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình. Ông tham gia vào Bộ chính trị từ năm 2002. Chính sách phát triển của ông bao gồm việc thúc đẩy khu vực tư nhân, phát triển đô thị, xây dựng pháp luật và cải cách xã hội để thúc đẩy xây dựng lòng tin và sự tin tưởng lẫn nhau trong xã hội.

Du Chính Thanh theo đường lối cải cách thận trọng.

Lưu Vân Sơn

Ông Lưu Vân Sơn, 65 tuổi, hiện đang là trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Ông có kinh nghiệm về truyền thông, từng làm phóng viên cho Tân Hoa xã tại Nội Mông. Là Bộ trưởng Bộ Truyền thông từ năm 2002, Lưu Vân Sơn theo chủ nghĩa bảo thủ.

Vương Kỳ Sơn

Ông Vương Kỳ Sơn, 64 tuổi, là một trong bốn phó thủ tướng và từng là bí thư thành ủy Bắc Kinh. Bố vợ của Vương Kỳ Sơn chính là Cựu phó Thủ tướng Diêu Y Linh. Ông quan tâm đến các vấn đề kinh tế. Ông muốn tự do hóa hệ thống tài chính của Trung Quốc, nâng cao tốc độ tăng trưởng GDP và cải cách hệ thống thuế đối với các chính quyền địa phương. Vương Kỳ Sơn theo đường lối cải cách tài chính.

Trương Cao Lệ

Ông Trương Cao Lệ, 65 tuổi, là bí thư thành ủy Thiên Tân. Ông muốn đầu tư nước ngoài nhiều hơn nữa và muốn biến thành phố cảng Thiên Tân thành trung tâm tài chính của miền Bắc Trung Quốc. Ông được xem là thân cận của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân.

Trương Cao Lệ là người theo đường lối cải cách tài chính.

Thành viên mới của Bộ chính trị Trung Quốc ra mắt hôm 15/11

Các nước chúc mừng ban lãnh đạo mới của Trung Quốc

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết rằng quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Barack Obama khi ông bước vào nhiệm kỳ thứ hai.

Ông Kim Jong-Un, lãnh đạo CHDCND Triều Tiên, đã gửi lời chúc mừng đến ông Tập Cận Bình.

Trong khi đó, Nhật Bản cũng đã gửi lời chúc mừng và mong muốn quan hệ với thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc với mục đích hai bên đều có lợi. Hai quốc gia này vẫn còn đang vướng vào một cuộc tranh cãi gay gắt về vấn đề chủ quyền của các quần đảo ở biển Hoa Đông.

Ngày 15/11, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã có điện mừng gửi tới ông Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Toàn văn bức điện như sau: "Nhân dịp đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân danh cá nhân, tôi xin gửi đến đồng chí lời chúc mừng nồng nhiệt nhất.

Tôi rất vui mừng trước sự thành công tốt đẹp của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc và tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc do đồng chí làm Tổng Bí thư, nhân dân Trung Quốc anh em nhất định thực hiện thắng lợi các mục tiêu do Đại hội đề ra, tiếp tục giành thêm nhiều thành tựu mới, to lớn hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.

Những năm qua, quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc không ngừng củng cố và phát triển, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, góp phần tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới. Chúng tôi đánh giá cao những đóng góp rất quan trọng của cá nhân Đồng chí đối với sự phát triển của quan hệ hai Đảng, hai nước chúng ta. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng, trên cương vị và trọng trách cao cả của mình, Đồng chí sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước chúng ta phát triển lên tầm cao mới.

Chúc đồng chí dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công".

 

H.Phan (Tổng hợp)