Châu Âu "mạt vận"?

06:40 | 10/07/2014

2,436 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sự đoàn kết của khối liên minh châu Âu đang gặp thử thách nghiêm trọng. Các thành viên trong “lớp học 28 người” này không chỉ “gây lộn” với nhau về việc bầu người đứng đầu, mà còn cả trong chính sách đối ngoại mà điển hình ở vụ Ukraine hiện nay.

Năng lượng Mới số 337

Mới nhất là trường hợp Anh tuyên bố sẽ giã từ Liên minh châu Âu sau sự phản đối bất thành việc ông Jean-Claude Juncker trúng cử chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu.

Ngày 27/6, ông Jean-Claude Juncker, 58 tuổi, nguyên Thủ tướng Luxembourg, đã được đa số chính phủ các nước Liên minh châu Âu tiến cử vào cương vị Chủ tịch Ủy ban châu Âu, chức vụ tương đương “Thủ tướng” của khối 28 nước. Ngay từ đầu, nước Anh của Thủ tướng David Cameron đã phản đối đơn ứng cử của ông Juncker vì cho rằng, ông Juncker là một nhân vật có xu hướng tăng cường quyền lực của Ủy ban châu Âu và xem nhẹ thẩm quyền chính phủ của các quốc gia thành viên.

Biếm họa về sự tan vỡ của Liên minh Châu Âu

David Cameron tuyên bố nếu ông tái cử Thủ tướng Anh, vấn đề tách ra khỏi EU chắc chắn sẽ được đưa ra trưng cầu dân ý trước cuối 2017. Tuy nhiên, từ đây tới đó, Thủ tướng Anh có tham vọng thương thuyết lại quan hệ giữa London và Bruxelles. Ý muốn chung của lãnh đạo Anh là giảm các quy định, can thiệp vào công việc nội bộ từ phía Liên minh châu Âu, cũng như các hợp tác. Điều cơ bản mà Thủ tướng Anh muốn là châu Âu là một thị trường thống nhất.

Theo giới chuyên gia, nếu ra khỏi EU, trước hết Anh sẽ tiết kiệm được 10 tỉ euro đóng góp hằng năm, tương đương 0,5% GDP. Những người ủng hộ giải pháp ra khỏi châu Âu cho rằng, giải phóng khỏi các luật lệ do Bruxelles áp đặt, Anh sẽ được cởi bỏ rất nhiều rào cản giới hạn tăng trưởng và tự do kinh doanh. Bằng cách kiểm soát chặt các luồng nhập cư qua biên giới, Anh có thể thoát khỏi một châu Âu già nua, với khu vực đồng euro đang trì trệ, để mở rộng quan hệ với các cường quốc đang nổi lên (Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil…), các đối tác truyền thống trong khối Thịnh vượng chung hay Mỹ.

Theo một báo cáo của Viện Institute of Economic Affairs, nếu việc giã từ EU được quản lý tốt, tăng trưởng của Anh có thể tăng thêm 1,1%. Ngược lại, nếu quản lý tồi, có thể gây thiệt hại 2,6%.

Cái mất của việc rời EU đối với Anh là ngoại thương giảm sút và giảm sức hấp dẫn với giới đầu tư nước ngoài. Hiện nay hơn một nửa xuất khẩu của Anh là sang châu Âu, tương đương 15% GDP. Rời EU, Anh sẽ mất ngay lối vào thị trường lớn này, cũng như các lợi ích do nhiều thỏa thuận thương mại giữa EU với các vùng hay các nước khác. Theo một tính toán của London School of Economics, London sẽ bị thiệt từ 1,1% đến 3,1% GDP. Cộng với việc năng lực sản xuất sụt giảm, thiệt hại tổng cộng có thể lên đến 9,5% GDP. 3,3 triệu chỗ làm tại Anh có khả năng bị mất. Một nguy cơ khác là vị trí thủ đô tài chính châu Âu của London, chiếm 74% hoán đổi ngoại tệ của châu Âu, 40% các thanh khoản bằng euro, bị đe dọa nghiêm trọng. Đa số các lãnh đạo ngân hàng nước ngoài có cơ sở tại Anh phản đối giải pháp trên.

Cuối cùng, ra khỏi EU, Anh sẽ bị suy yếu về chính trị. Cùng với nguy cơ xứ Scotland tuyên bố độc lập, việc cắt rễ với châu Âu có thể đẩy nhanh quá trình phân rã của Vương quốc Anh, và có thể đe dọa chính chiếc ghế của London tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Trước cuộc khủng hoảng này, phe bài châu Âu đã thắng lớn tại cuộc bầu cử nghị viện EU hồi cuối tháng 5/2014.

Ngoài mâu thuẫn nội bộ, khủng hoảng tại Ukraina cũng đánh dấu sự thất bại trong chính sách đối ngoại của EU tại Đông Âu. Trên thực tế, những vụ bạo động tại Ukraina thể hiện thất bại hiển nhiên của EU và cho thấy sự chia rẽ của 28 nước thành viên. Xung đột tại Ukraina cũng khẳng định sự bất lực của các nước này trước việc thiết lập đường lối với nước Nga, cũng như là sự thất bại của chiến lược Đối tác phương Đông được đưa ra hồi tháng 7/2008.

Cuộc thương lượng gần đây giữa EU với Ukraina bị thất bại bởi nhiều lý do. Một phần do cuộc đàm phán được EU tiến hành một cách máy móc mà không có sự tham gia chính trị cụ thể của các quốc gia thành viên. Ngoài ra, đánh giá nhầm cũng là một lý do cho thất bại của chiến lược Đối tác phương Đông. EU nhiệt tình ủng hộ ý tưởng rằng liên kết với châu Âu là một kiểu “lựa chọn văn minh” giữa khối này và Nga. Từ đó dẫn tới việc một bộ phận thân Moskva tẩy chay ý tưởng này.

Ban đầu, EU muốn kéo các nước trong khối Liên Xô cũ, nằm bên biên giới phía đông của Liên minh, để tránh các nước này rơi vào vùng chịu ảnh hưởng của Moskva. Thế nhưng, sáu nước gồm Ukraina, Belarus, Armenia, Gruzia, Moldova và Azerbaidjan, không có một điểm chung nào. Hơn nữa, thể chế của Belarus và Azerbaidjan không tương đồng với tiêu chuẩn châu Âu. Các quốc gia ứng cử viên nhiệt tình nhất là Moldova, Gruzia và Ukraina nhận định dự án này như bước đầu tiên tiến tới hội nhập vào EU. Được Ba Lan và các nước Bắc Âu ủng hộ, song Paris lại không đồng tình với việc ký kết các hiệp ước trên đồng nghĩa với việc mở rộng Liên minh sang phương Đông.

Nước Nga cũng nhanh chóng phản công. Dưới sức ép đe dọa anh ninh quốc gia và năng lượng của Nga, Armenia là nước đầu tiên chùn bước. Tiếp theo là Ukraina, dưới thời cựu Tổng thống Viktor Ianoukovitch. Từ sáu nước ban đầu, hiện giờ chỉ còn hai quốc gia, Moldova và Gruzia, vừa phê chuẩn hiệp định hợp tác với EU.

Đã vậy, chiến thắng của những đảng theo đường lối dân tộc ở châu Âu hồi cuối tháng 5/2014 đe dọa đường đến EU của Ukraina. Nhà phân tích Maria Lipman của Trung tâm Carnegie ở Nga dự đoán phe ngờ vực châu Âu và phe thiên hữu sẽ cố chặn viện trợ tài chính cho Ukraina. Theo ông, EU đã chịu những gánh nặng nghiêm trọng rồi và tình hình kinh tế không được tốt. Thêm một gánh nặng như Ukraina, phân bổ nguồn quỹ cho Ukraina, sẽ là một quyết định vô cùng khó khăn.

H.Phan (tổng hợp)